Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 5

Chúa nhật - 06/05/2018 19:10

NĂM THÁNH GIÁO PHẬN VÀ VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA
ĐỜI SỐNG TU TRÌ (LINH MỤC, TU SĨ)


1. Dẫn nhập
Tân Phúc Âm Hóa là mối quan tâm thường xuyên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và những mối quan tâm và đề nghị của ngài vẫn cần thiết cho ngày hôm nay. Đức Gioan Phaolô II nhận thấy rằng sự tục hóa của Âu Mỹ, bắt đầu vào thế kỷ XIX, đã trở thành hiện thực với đầy sức mạnh vào hậu thế kỷ XX. Kết quả là nhiều nước, ngay cả những nước có nền văn hóa Công giáo hơn một thiên niên kỷ trước, bây giờ có thể xem như là những miền truyền giáo.
Tiếp nối tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II, năm 2010 Đức Bênêđictô XVI lập Hội Đồng Tòa Thánh lo thúc đẩy việc Tân Phúc Âm hóa, đến năm 2012 ngài họp Thượng Hội đồng Giám mục thế giới khóa 13 bàn về đề tài “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền Đức tin Kitô giáo”.
Trong khung cảnh năm thánh mừng 400 năm Tin Mừng đến với giáo phận Qui Nhơn, đây là dịp các linh mục tu sĩ trong giáo phận nhìn lại đời sống của mình, nhất là việc Tân Phúc Âm hóa theo sứ mệnh chuyên biệt của đời sống tu trì.

2. Tân Phúc Âm hóa là gì?
Đức Kitô và Phúc Âm của Người thì không biến đổi bao giờ: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến mãi muôn đời” (Dt 13,8). Nhưng thế giới và con người sống trong thế giới thì luôn đổi thay.
Do đó, Tân Phúc Âm hóa không phải là loan báo một Phúc Âm mới mà là rao giảng Phúc Âm bằng nhiệt tình mới, phương pháp mới và trình bày Phúc Âm một cách mới mẻ phù hợp với con người thời đại hôm nay.
Tâm điểm của việc Phúc Âm hóa là gặp gỡ chính Đức Giêsu Kitô để Phúc Âm của Người biến đổi con người thời đại hôm nay. Và chính các linh mục và tu sĩ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa này.
Vậy trước khi Tân Phúc Âm hóa cho người khác thì chính linh mục, tu sĩ biến đổi mình thành con người của Phúc Âm. Các linh mục, tu sĩ chúng ta phải làm mới mình như thế nào để đáp ứng nhu cầu truyền giáo trong khung cảnh năm thánh giáo phận và làm gì để xứng đáng hơn với vai trò mục tử như lòng Chúa mong ước?
Sau đây xin nêu lên vài điểm chính để linh mục, tu sĩ làm mới mình trong sứ mạng và ơn gọi của mình.

3. Người mục tử đổi mới mình bằng cách thấm nhuần đời sống cầu nguyện
Trước hết, để có thể Tân Phúc Âm hóa cho mọi người, chính linh mục, tu sĩ phải canh tân chính mình. Và một trong những việc chính yếu không thể thiếu để canh tân đổi mới chính mình là thấm nhuần đời sống chiêm niệm và cầu nguyện.
Đời sống chiêm niệm và cầu nguyện chính là nét đặt trưng của đời sống linh mục và tu sĩ. Nếu một linh mục thiếu đời sống cầu nguyện thì những việc rao giảng chỉ là thùng rỗng kêu lớn bên ngoài, và không khác gì một viên chức chứ không phải là một người của Chúa. Nhờ qua cầu nguyện mà mọi vấn đề được giải quyết. Vì thế nhiều lần Chúa Giêsu đã nói, các con hãy luôn “tỉnh thức và cầu nguyện” không ngừng.
Kể cả trong hoạt động truyền giáo, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng phải ra đi để truyền giáo, nhưng thực ra lời cầu nguyện mới là bước đầu tiên quyết định trong công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu không ra khỏi bốn bức tường tu viện nhưng lại là nhà truyền giáo vĩ đại nhờ đời sống chiêm niệm và cầu nguyện. Hoạt động của linh mục, tu sĩ thì rất đa dạng và phong phú, vừa kết hợp với đời sống cầu nguyện vừa kết hợp với các hoạt động. Nhưng chính đời sống cầu nguyện là hành trang và là nội lực để ra đi trong các hoạt động tông đồ.
Chính nhờ chuyên cần trong đời sống cầu nguyện qua việc cử hành các bí tích, các giờ kinh phụng vụ và chuỗi kinh Mân Côi mà người linh mục, tu sĩ được biến đổi trong đời sống thiêng liêng, trở nên vị mục tử nhân lành và sẵn sàng dấn thân ra đi truyền giáo. Đặc biệt khi chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Kitô trong đời sống chiêm niệm và cầu nguyện sâu xa chúng ta mới trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho mọi người.

4. Dấn thân phục vụ trong khiêm tốn
Chúa Giêsu đã nói: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28). Vì thế một trong việc cần đổi mới đời sống người mục tử đó là đổi mới cung cách phục vụ. Phục vụ cách vô vị lợi. Phục vụ trong khiêm tốn. Phục vụ trong hi sinh quên mình mà không đòi hỏi quyền lợi cho bản thân.
Con người của thời đại hôm nay tin vào việc làm hơn là lý thuyết và lý luận, họ nhạy cảm với những gì thấy được. Vì thế chính cung cách phục vụ của người mục tử sẽ tạo nên ấn tượng tốt đẹp đến cho mọi người và qua người mục tử họ nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô.
Chúng ta hãy xét mình, chúng ta đã phục vụ anh chị em theo cung cách nào: kẻ cả, quyền uy hay nhẹ nhàng, khiêm tốn?

5. Ra đi ra loan truyền Lời Chúa đến cho mọi người
Rao giảng Tin Mừng là trách nhiệm chính của Linh mục và tu sĩ. Thánh Phaolô nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16) chính là đang nói với các linh mục và tu sĩ chúng ta hôm nay. Dĩ nhiên, ngoài linh mục và tu sĩ thì mọi thành phần dân Chúa đều có bổn phận và trách nhiệm loan báo Tin mừng. Nhưng thành phần nồng cốt và chính yếu là các linh mục và tu sĩ, vì đó là ơn gọi, sứ mạng đã được đào tạo chuyên biệt của chính các linh mục, tu sĩ.
Cánh đồng truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn còn bát ngát mênh mông, còn nhiều người chưa nhận biết Chúa. Ngay cả việc tái truyền giáo nơi các giáo xứ đã đổ nát vì chiến tranh, vì hoàn cảnh đất nước cũng là một trong những sứ mạng nặng nề của chính chúng ta hôm nay.

6. Rao giảng chân dung trung thực của Đức Kitô
Trong bước đường Tân Phúc Âm hóa rao giảng Tin Mừng, có nhiều cách khác nhau để giới thiệu khuôn mặt của Chúa Kitô. Tuy nhiên, không có cách diễn tả chân dung Đức Kitô nào đẹp và hữu hiệu cho người nghe bằng cách diễn tả trung thực về Đức Kitô. Nghĩa là nhà truyền giáo, vị mục tử phải làm sao nói với người nghe về một Đức Kitô trung thực nhất, không thêm bớt, không tô vẽ. Đó còn có nghĩa là diễn tả Lời Chúa trong các Tin Mừng đúng như là Tin Mừng muốn nói, không diễn ta theo ý riêng của từng người. Điều này phù hợp với câu định nghĩa về Tân Phúc Âm hóa nghĩa là không phải rao giảng một Tin Mừng nào mới.
Từ đó người mục tử giảng dạy cho mọi người noi gương bắt chước một cách trung thực nhất những lời nói, lời dạy và hành động của Đức Kitô. Khi mọi người tuân giữ cách trung thực Lời Chúa thì ân sủng Chúa sẽ đến trên con người thời đại hôm nay: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).

7. Lời kết
Chuyện kể rằng có một triết gia Ấn độ đã nhìn lại quãng đời của mình như sau: Lúc còn trẻ tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất của tôi dâng lên Thượng Đế là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới”. Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế: “Lạy Chúa xin ban cho con được ơn biến đổi tất cả những người con gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi”. Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ biết cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con được ơn thay đổi chính con”. Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này ngay từ lúc đầu thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Trong khung cảnh năm thánh mừng 400 năm Tin Mừng đến trên mảnh đất giáo phận, trước khi nghĩ đến những việc truyền giáo lớn lao bên ngoài, thì chính mỗi người mục tử hãy tự vấn lương tâm mình đã cố gắng để biến đổi, canh tân, đổi mới mình cho mỗi ngày nên giống Chúa Kitô hơn chưa? Đời sống cầu nguyện và chiêm niệm có phải là đời sống chính yếu của chúng ta trong một ngày sống chưa? Hi vọng với những nổ lực đổi mới mình, và những dấn thân ra đi phục vụ trong khiêm tốn của các mục tử trong giáo phận, một mùa gặt bội thu sẽ về trên giáo phận chúng ta trong một tương lại không xa. Xin Chúa chúc lành cho những cố gắng của chúng ta.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Minh - Giáo hạt Gò Thị

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm100
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay19,837
  • Tháng hiện tại634,594
  • Tổng lượt truy cập28,949,963

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây