Bài giáo lý nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất.

Thứ tư - 22/04/2020 12:05
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất
 


Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Trái Đất. Đó là cơ hội để canh tân bổn phận yêu thương ngôi nhà chung của chúng ta, chăm sóc nó và các thành viên yếu đuối nhất của gia đình chúng ta. Giống như đại dịch Coronavirus đang tỏ cho chúng ta thấy rằng, chỉ khi cùng nhau gánh vác trách nhiệm đối với những người mong manh nhất chúng ta mới có thể chiến thắng được những thử thách toàn cầu. Tông Huấn Laudato Sì có phụ đề là : “về việc chăm sóc ngôi nhà chung”. Hôm nay chúng ta cùng nhau suy tư một chút về trách nhiệm này, tiêu biểu cho “sự qua đi của chúng ta trên trái đất này” (LS, 160). Chúng ta cần phải gia tăng ý thức về việc chăm sóc ngôi nhà chung. 

Chúng ta được tạo ra từ chất liệu của trái đất này và những thành quả của trái đất hỗ trợ cuộc sống của chúng ta. Nhưng như sách Sáng thế nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta không chỉ “thuộc về trần gian”: chúng ta còn mang hơi thở sự sống từ Thiên Chúa nữa (x. St 2,3-7). Vì vậy, chúng ta sống trong ngôi nhà chung như một gia đình nhân loại duy nhất và trong sự đa dạng sinh học với các thụ tạo khác của Thiên Chúa. Giống như Imago Dei, hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được kêu mời chăm sóc và tôn trọng tất cả các loài thụ tạo, được kêu gọi nuôi dưỡng tình yêu và lòng trắc ẩn đối với anh chị em của mình, đặc biệt những người yếu đuối nhất, noi theo tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được biểu lộ nơi người Con của Ngài là Chúa Giêsu, Đấng đã làm người để chia sẻ với chúng ta hoàn cảnh này và để cứu rỗi chúng ta. 

Vì lòng ích kỷ chúng ta đã đánh mất trách nhiệm bảo vệ và quản lý trái đất của chúng ta. “Chỉ cần nhìn thực tại cách thành thật để thấy ngôi nhà chung của chúng ta đang bị hủy hoại” (LS, 61). Chúng ta đã làm ô nhiễm nó, bóc lột nó, đặt nó vào tình trạng nguy hiểm của chính cuộc sống chúng ta. Vì vậy, cần phải thành lập các phong trào quốc tế và địa phương khác nhau để thức tỉnh lương tâm. Quả thực, tôi đánh giá cao những sáng kiến này, và sẽ còn cần thiết cho con cái của chúng ta xuống đường để dạy cho chúng ta biết cái gì là hiển nhiên, có nghĩa là sẽ không có tương lai cho chúng ta nếu chúng ta phá hủy môi trường đang hỗ trợ chúng ta. 
 
Chúng ta đã thiếu sót trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà-vườn của chúng ta, cũng như bảo vệ anh chị em của mình. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại tha nhân, và theo nghĩa nào đó chúng ta chống lại Đấng Tạo Hóa, người Cha nhân hậu luôn tiếp tế cho mọi người và muốn chúng ta cùng sống trong sự hiệp thông và thịnh đạt. Và trái đất đã phản ứng thế nào? Có một câu nói rất nổi tiếng của người Tây Ban Nha nói thế này: “Thiên Chúa thì luôn tha thứ; con người chúng ta có vài lần tha thứ và nhiều lần khác thì không; trái đất thì không bao giờ tha thứ”. Trái đất không bao giờ tha thứ: nếu chúng ta hủy hoại trái đất, câu trả lời sẽ rất tồi tệ. 

Làm thế nào chúng ta có thể khôi phục lại được mối tương quan hài hòa với trái đất và phần còn lại của loài người? Một mối tương quan hài hòa... Nhiều lần chúng ta mất cái nhìn về sự hài hòa: hòa hợp là công trình của Chúa Thánh Thần. Ngay cả trong ngôi nhà chung, ở trái đất, cũng như trong mối tương quan của chúng ta với con người, với tha nhân, với người nghèo, làm sao chúng ta có thể khôi phục lại được sự hòa hợp này? Chúng ta cần một cách thức mới để chăm sóc ngôi nhà chung của mình. Chúng ta hãy lưu ý rằng: trái đất không phải là kho tài nguyên để khai thác. Đối với người tín hữu, thế giới tự nhiên là “Tin mừng Sáng tạo”, nó diễn tả quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa trong việc nặn đúc ra cuộc sống nhân loại và làm cho thế giới tồn tại cùng với những gì chứa đựng trong nó để nâng đỡ nhân loại. Trình thuật Kinh thánh về tạo dựng kết thúc như sau: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm nên đều rất tốt đẹp” (St 1,31). Khi chúng ta thấy những thảm kịch tự nhiên xảy ra, đó là phản ứng của trái đất đối với những bạc đãi của chúng ta. Tôi nghĩ : “Nếu bây giờ tôi hỏi Chúa, Ngài nghĩ gì về trái đất, tôi không tin rằng Ngài sẽ nói với tôi là nó rất tốt”. Chính chúng ta đã hủy hoại công trình của Thiên Chúa!

Kỷ niệm Ngày Trái Đất hôm nay, chúng ta được kêu gọi tái khám phá ý thức tôn trọng thiêng liêng đối với trái đất, bởi vì nó không chỉ là ngôi nhà của chúng ta mà còn là nhà của Thiên Chúa. Từ đó phát sinh trong chúng ta nhận thức về việc trú ngụ trên vùng đất linh thiêng. 

Anh chị em thấn mến, “chúng ta hãy đánh thức tinh thần thẩm mỹ và chiêm ngắm điều Thiên Chúa đã đặt để trong chúng ta” (Tông thư về Querida Amazonia, 56). Lời tiên tri về việc chiêm ngắm là những gì chúng ta học biết được từ các dân tộc nguyên thủy, họ dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể chăm sóc trái đất nếu chúng ta không yêu mến và không tôn trọng nó. Họ có sự khôn ngoan để “sống tốt”, không theo nghĩa là trải qua cách tốt đẹp, nhưng là sống trong sự hòa hợp với trái đất. Họ gọi sự hòa hợp này là “sống tốt”.

Đồng thời chúng ta cần một sự chuyển đổi sinh thái được thể hiện qua những hành động cụ thể. Như một gia đình duy nhất và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần một kế hoạch chung để tránh các mối đe dọa chống lại ngôi nhà chung của chúng ta. “Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải nghĩ đến một thế giới duy nhất, một chương trình chung với nhau” (LS 164). Chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc cộng tác như một cộng đồng quốc tế để bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Tôi kêu gọi những ai có thẩm quyền hướng dẫn tiến trình thực hiện hai Hội nghị quốc tế quan trọng : COP15 bàn về sự Đa dạng sinh học ở Côn Minh (Trung Quốc) và COP26 về Biến đổi khí hậu ở Glasgow (Vương quốc Anh). Hai cuộc họp này rất quan trọng.

Tôi muốn khuyến khích tổ chức những hoạt động được phối hợp ở cấp quốc gia và cả địa phương. Thật tuyệt vời khi qui tụ với nhau từ mọi điều kiện xã hội để đem lại sức sống cho một phong trào bình dân “từ bên dưới”. Chính ngày Quốc tế về Trái đất mà chúng ta kỷ niệm hôm nay đã phát sinh cái đặc thù như vậy. Nhiều người trong chúng ta có thể cống hiến đóng góp nhỏ bé của riêng mình: “Đừng nghĩ rằng những cố gắng này sẽ làm thay đổi thế giới. Những hành động này gieo rắc trong xã hội một điều thiện hảo, sẽ luôn luôn mang lại nhiều hoa trái vượt lên trên điều người ta nhận ra được, bởi vì chúng gây trên trái đất này một điều thiện hảo, thường có khuynh hướng lây lan, đôi khi không nhận ra” (LS, 212).

Trong mùa Phục sinh đổi mới này, chúng ta hãy cố gắng yêu thương và trân trọng món quà tuyệt vời của trái đất, ngôi nhà của chúng ta, và chúng ta hãy chăm sóc các thành viên trong gia đình nhân loại. Như là anh chị em của chúng ta, chúng cùng nhau khấn xin Cha trên trời: sai Thánh Thần của Ngài đến và canh tân bộ mặt trái đất” (x. Tv 104,30) .

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay19,436
  • Tháng hiện tại19,436
  • Tổng lượt truy cập28,998,974

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây