Lược sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn

Thứ hai - 18/03/2019 08:00

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
Thành lập năm 1671
Cải tổ năm 1932

Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh
là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con”.
                    ĐỨC CHA LAMBERT DE LA MOTTE

Chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh là một nguồn cảm hứng cho tất cả các ơn gọi là khởi điểm của mọi ơn huệ, tiên vàn là ơn Thánh Thần được trao ban cũng như ơn sống đời thánh hiến”.
(THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, Năm 1996, số 23.)

Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn là một Hội dòng nữ thuộc quyền Giáo phận đã hiện diện và phục vụ công cuộc truyền giáo ngay từ sau khi Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo phận, sứ vụ và vai trò của Hội dòng đã để lại những ảnh hưởng và dấu ấn sâu đậm. Hội dòng được thiết lập giữa lòng xã hội Việt Nam với bản chất, đặc sủng, linh đạo và đặc tính phù hợp với bối cảnh mục vụ và truyền giáo trong xã hội Việt Nam.

I. LƯỢC SỬ
1. Quá trình hình thành
Tiền thân của Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn ngày nay là Dòng Chị Em Mến Thánh Giá tại Đàng Trong do Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục Đại diện Tông tòa tiên khởi của Giáo phận Đàng Trong, thành lập tại An Chỉ, Quảng Ngãi, năm 1671, nhằm truyền giáo cho lương dân và hướng dẫn người tín hữu tiến tới đời sống trọn lành. Lúc đầu chỉ có 8 chị em, người đứng đầu là một phụ nữ 30 tuổi, em gái cha Giuse Trang. Việc chăm sóc và huấn luyện Hội dòng tại An Chỉ được Đức cha giao phó cho cha Guillaume Mahot.

Năm 1675, trong chuyến viếng thăm mục vụ Đàng Trong lần thứ hai, Đức cha đã nhận lời khấn của các chị em tiên khởi. Đây là những nữ tu đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong. Các nữ tu tuyên khấn cách công khai trong nhà thờ họ đạo Thánh Gia nằm kế bên tu viện Mến Thánh Giá. Tu viện đầu tiên gồm 8 chị em nay đã tăng lên 12 chị em, sau đó có nhiều thiếu nữ muốn bắt chước sống nếp sống tu trì của các chị. Khi kể về chuyện nhà dòng tại Đàng Trong buổi ban đầu, một sử gia đã viết : 

 [1675] Tại Quảng Ngãi, có nhiều thiếu nữ đến xin được nhận vào số các chị em Mến Thánh Giá, đến nỗi người ta đã phải lập ra hai nhà dòng mới. Các chị sống một đời rất khổ chế và rất thánh thiện, nên các thừa sai cho rằng nhờ đức hạnh và lời cầu nguyện của các trinh nữ đã tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô đó, mà đã có những thành tựu lớn lao trong việc rao truyền Phúc Âm tại xứ ấy” (Lm ĐÀO QUANG TOẢN, Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, Tp. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 104).

Vào tháng 12 năm 1677, tu viện Mến Thánh Giá tại An Chỉ bị khủng bố. Đầu năm 1678, tu viện bị đốt cháy, toàn bộ nhà cửa bị phá hủy, các chị em phải phân tán về sống tại gia đình. Theo chỉ thị của Đức cha Lambert, cha Jean Courtaulin, Quyền Đại diện, đã tìm cách phục hồi tu viện, nhưng không thể xây dựng tại Quảng Ngãi, cũng không thể thực hiện tại Kim Long (Huế) vì quá nhiều nguy hiểm. Năm 1679, cha quyết định xây dựng ở Hội An một tu viện bằng gỗ, ngay bên cạnh nhà thờ của cha. Sau đó, cha qui tụ các chị đã bị giải thể trước đó, tất cả được 15 chị em. Mặc dù bị quấy phá, làm hại thường xuyên từ những người dân sống chung quanh phải vất vả làm việc để sinh sống, nhưng các chị em vẫn tuân giữ luật dòng và thực hành các việc đạo đức rất nghiêm nhặt.

Sau khi Đức cha Lambert qua đời năm 1679, Giáo phận Đàng Trong do cha Courtaulin điều hành, cho đến thời Đức cha Guillaume Mahot (1682-1684) đời sống của các nữ tu luôn được các Đấng Bản quyền quan tâm nâng đỡ, các tu viện Mến Thánh Giá sinh hoạt ổn định.

Đến cuối thế kỷ XVII, Hội dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong gặp nhiều khó khăn và bị ngưng trệ, một phần do những cuộc bách hại gắt gao, các cơ sở tôn giáo đã bị tàn phá cách ác liệt; một phần vì sự tranh chấp nội bộ giữa các thừa sai, sự thiếu quan tâm của các Giám mục Bản quyền. Dưới thời các Đức cha Francisco Pérez (1691-1728), Alessandro di Alexandris (1728-1738), Armand François Lefèbvre (1743-1760) các chị em Mến Thánh Giá không được giúp đỡ, tu viện không được tái lập. Năm 1749, Đàng Trong chỉ còn một tu viện, nhà dòng suy tàn dần, đến nỗi người ta đã không tìm thấy một bản luật nào của Đức cha Lambert.

Không lâu sau đó, dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong lại phục hồi cách nhanh chóng, nhờ vào lòng trung kiên trong ơn gọi của các chị em luôn có nhiều thiếu nữ muốn theo đời sống tu trì; cũng như nhờ sự quan tâm của các vị thừa sai các Đấng Bản quyền kế nhiệm. Tiêu biểu là Đức cha Guillaume Piguel (1764-1771), ngài thấy cần thiết phải tái lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá, nên đã xin bản luật từ Đấng Bản quyền Đàng Ngoài để hướng dẫn nếp sống tu trì tại Đàng Trong. Đặc biệt, Đức cha Jean Labartette (1799-1823) người có công lớn trong việc tái thiết, phát triển Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong canh tân luật dòng cho phù hợp với nhu cầu hoạt động, để thích ứng với con người và hoàn cảnh lúc đó

Năm 1830, Đức cha Jean Louis Taberd đã đưa hai nữ tu Mến Thánh Giá là Dì Tìm và Dì Tạ từ Bình Định vào lập tu viện Mến Thánh Giá tại Tân Triều (Biên Hòa). Ít lâu sau ngài lại đưa Dì Mì và Dì Sang cũng từ Bình Định vào lập tu viện Mến Thánh Giá khác tại Lái Thiêu.

Đến thời Đức cha Étienne Théodore Cuénot (1840-1861) nhiều tu viện Mến Thánh Giá được Đức cha phục hồi và thiết lập thêm, để có nhiều nữ tu sống đời hy sinh cầu nguyện và giúp việc truyền giáo. Các chị phụ giúp các linh mục trong việc đạo, dạy giáo lý, phục vụ các nhà chung, nhà trường, nhà cô nhi. Các chị dũng cảm và tận tình, từng hai người rảo quanh các xóm làng làm thuốc, bán thuốc và rửa tội cho trẻ ngoại đạo nguy tử. Đặc biệt, một số lớn các chị đã được Đức cha gởi từ Bình Định lên Kontum để giúp việc truyền giáo cho người dân tộc.

Quá trình tăng trưởng của Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong luôn gắn liền với nhịp tăng trưởng của các Giáo phận. Năm 1844, Giáo phận Đàng Trong được phân chia thành Đông Đàng TrongTây Đàng Trong. Năm 1850, Giáo phận Bắc Đàng Trong được thành lập từ Giáo phận Đông Đàng Trong. Chính các tu viện nằm trên phần đất của Giáo phận Đông Đàng Trong đã làm nên Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn ngày nay.

Trong cuộc bách hại dưới triều Tự Đức, có Dì Anê Soạn, quê ở Diêm Điền, Bình Định, và Dì Anna Trị, quê ở Dinh Thủy, Phan Rang, đã được diễm phúc bước theo Chúa Kitô trên con đường thánh giá qua cuộc tử đạo vào năm 1862. Tên của hai Dì đã được Tòa Thánh đưa vào danh sách các Tôi tớ Chúa qua Sắc chỉ ngày 12 tháng 11 năm 1918, chờ ngày được tôn phong Chân phước tử đạo. Tiếp đến, trong cuộc bách hại của phong trào Văn Thân năm 1885, có 270 nữ tu đã chết vì đạo trong Giáo phận Đông Đàng Trong, do bị Văn Thân sát hại, hoặc bị chết vì đói khát, bệnh tật, khi lẩn trốn trong rừng thiêng nước độc.

Sau khi phong trào Văn Thân tan rã, Giáo hội Việt Nam hưởng bình an, bắt đầu thời kỳ phát triển toàn diện trong khắp các Giáo phận. Tại Giáo phận Đông Đàng Trong, công cuộc truyền giáo được tăng cường mạnh mẽ, riêng đối với các tu viện Mến Thánh Giá, thời kỳ hồi sinh và phát triển lại bắt đầu khai mở.

Dưới thời Đức cha Damien Grangeon Mẫn (1902-1930) công cuộc truyền giáo được đẩy mạnh trong toàn Giáo phận. Năm 1905, Đức cha đã cho in Bổn luật Các Nhà phước Địa phận Bình Định nhằm thống nhất việc đào tạo và cơ cấu điều hành của các tu viện Mến Thánh Giá trong Giáo phận.

Năm 1919, toàn Giáo phận Đông Đàng Trong có 11 tu viện: Phú Thượng, Trà Kiệu, Cù Và, Gia Hựu, Đại An, Gò Thị, Làng Sông, Mằng Lăng, Bình Cang, Dinh Thủy và Kontum với 246 nữ tu. Như vậy, từ tu viện An Chỉ đầu tiên đến sự hình thành, phát triển và tồn tại của 11 tu viện này của Giáo phận Đông Đàng Trong là một quá trình dài của thử thách, của ân sủng và tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh.

2. Công cuộc cải tổ
Năm 1920, Đức cha Damien Grangeon Mẫn đã quyết định cải tổ các tu viện Mến Thánh Giá trong Giáo phận thành một Hội dòng phù hợp với tinh thần giáo luật năm 1917.

Đức cha ủy nhiệm cho linh mục Jean Baptiste Solvignon (cố Lành), cha sở Gò Thị, trọng trách điều hành chương trình cải tổ này. Năm 1922, cố Lành khởi công xây dựng cơ sở Nhà mẹ trên phần đất của Tu viện Gò Thị cũ. Tháng 03 năm 1924, Nhà mẹ hoàn thành và được làm phép ngày 21 tháng 05 năm 1924. Cùng với việc xây dựng cơ sở, cha Solvignon còn lo soạn thảo Nội quy, chuẩn bị việc khai mở lớp huấn luyện đầu tiên.

Về huấn luyện, Đức cha đã liên hệ với Mẹ Thérèse Giám tỉnh dòng Thánh Phaolô thành Chartres ở Hà Nội được mẹ đồng ý giúp đào tạo. Ngày 13 tháng 05 năm 1924, nữ tu Marie de Lorette (Pháp) từ Hà Nội và nữ tu Gabrielle (Việt) từ Kim Châu, cả hai đến Gò Thị và được các chị em tiếp đón cách trọng thể. Sau đó, Mẹ Giám tỉnh sai thêm nữ tu Ernestine (Việt) đến tăng cường việc huấn luyện văn hóa cho các chị em.

Đầu tháng 05 năm 1924, Đức cha quyết định khai mở đệ tử viện đầu tiên (thời ấy gọi chung là nhà tập). Lớp đầu tiên, phần lớn là những “dì phước” từ các tu viện cũ chuyển qua. Chương trình đào tạo diễn tiến tốt đẹp.

Ngày 03 tháng 12 năm 1924, Giáo phận Đông Đàng Trong được đổi tên thành Giáo phận Qui Nhơn. Từ đó Hội dòng được cải tổ sẽ mang tên là Dòng Chị Em Mến Thánh Giá ở Địa phận Qui Nhơn, tức là Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn ngày nay. Trong những năm kế tiếp, Hội dòng đã đón nhận liên tiếp ba lớp vào Nhà tập: 17 chị ngày 14 tháng 09 năm 1926, 14 chị ngày 08 tháng 12 năm 1927 và 14 chị ngày 01 tháng 02 năm 1928.

Nhận thấy chương trình cải tổ tiến triển tích cực, Đức cha Grangeon Mẫn quyết định đệ trình Bản tâu xin lập dòng lên Tòa Thánh. Trong đó, ngài trình bày mục đích, chương trình cải tổ dòng Mến Thánh Giá trong Giáo phận và tất cả những gì đã được thực hiện từ năm 1924 đến năm1928. Ngày 19 tháng 02 năm 1929, Đức cha Grangeon chủ sự lễ khấn tạm đầu tiên cho 14 tập sinh tại nguyện đường Nhà mẹ Gò Thị.

Ngày 02 tháng 03 năm 1929 Thánh bộ Tu viện đã ban Sắc chuẩn y Bản tâu xin lập dòng "Chị Em Mến Thánh Giá" của Đức cha Grangeon Mẫn. Đây không phải là một Hội dòng mới, mà vẫn là Dòng Chị Em Mến Thánh Giá như trước, nhưng có lời khấn theo Giáo luật. Ngày 14 tháng 09 năm 1932, Đức cha Augustin Tardieu Phú chính thức ban "Chỉ thị lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá ở Địa phận Qui Nhơn". Ngày 22 tháng 08 năm 1935, Đức cha Tardieu Phú cử hành lễ khấn trọn đầu tiên của Hội dòng tại Nhà mẹ Gò Thị cho 11 khấn sinh.                    

Năm 1958, sau khi Hội dòng được cải tổ, còn sáu tu viện Mến Thánh Giá trong Giáo phận theo quy chế cũ, mỗi tu viện độc lập trong quản trị. Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi cho hợp nhất thành một Hội dòng dưới sự điều hành chung của Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Kể từ đây, trong Giáo phận chỉ có một Dòng Mến Thánh Giá.

Năm 1965, vì chiến tranh, Nhà mẹ tại Gò Thị di tản về trung tâm Trinh Vương Qui Nhơn. Năm 1966, được phép Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn, Nhà mẹ Hội dòng chính thức được đặt tại 132 Trần Hưng Đạo, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định cho đến ngày nay. Hội dòng hiện đang phục vụ 16 Giáo phận tại Việt Nam và Hải ngoại.

II. ĐẶC SỦNG LINH ĐẠO
1. Đặc sủng
Yêu mến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người, bằng lời kinh chuyển cầu để xin ơn hoán cải cho những tín hữu sống xa lìa Chúa và cho lương dân ơn nhận biết Chúa, cũng như bằng đời sống chứng nhân và phục vụ trong các lãnh vực : Đức tin, luân lý, giáo dục, xã hội và y tế, ưu tiên giới nữ.

2. Linh đạo 
Tập trung vào mầu nhiệm thập giá cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, được thể hiện qua ba chiều kích : Chiêm niệm, khổ chế và tông đồ.

III. HIỆN TÌNH HỘI DÒNG (2017-2018)
1. Nhân sự
- Hội dòng hiện có: 463 khấn sinh, 41 tập sinh, 19 tiền tập, 29 thanh tuyển, 260 dự tu.
- Tổng Phụ trách : Nữ tu Maria Võ Thị Tuyết.
- Cha Linh hướng : Linh mục Giuse Phạm Thanh.
- Ban điều hành Hội dòng

2. Nhà mẹ
Địa chỉ: 132 Trần Hưng Đạo, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

3. Cộng đoàn
Hiện tại Hội dòng có 74 cộng đoàn, trong đó:

3.1. Tại Việt Nam có 63 cộng đoàn với 420 khấn sinh và 15 tập sinh năm II đang phục vụ ở 9 Giáo phận:
1/ Đà Nẵng:  3 cộng đoàn với 15 khấn sinh.
2/ Qui Nhơn: 25 cộng đoàn với 204 khấn sinh và 15 tập sinh thực tập.
3/ Nha Trang:15 cộng đàn với 81 khấn sinh.
4/ Phan Thiết: 2 cộng đoàn với 7 khấn sinh.
5/ Kontum:  6 cộng đoàn với 28 khấn sinh.
6/ Đà Lạt: 3 cộng đoàn với 13 khấn sinh.
7/ Ban Mê Thuột: 3 cộng đoàn với 8 khấn sinh.
8/ Xuân Lộc:  3 cộng đoàn với 17 khấn sinh.
9/ Sài Gòn:  3 cộng đoàn với 42 khấn sinh phục vụ và tu học.
Và 5 khấn sinh đang tu học ở Hoa Kỳ.

3.2. Tại Hải ngoại:
_Tỉnh dòng Thừa sai Hoa Kỳ: 7 cộng đoàn với 28 khấn sinh, 2 tập sinh
phục vụ và tu học tại 3 Giáo phận: Oakland, San Jose, San Francisco.
_ Na Uy: 1 cộng đoàn với 4 khấn sinh phục vụ tại Giáo phận Oslo.
_ Úc: 2 cộng đoàn với 8 khấn sinh phục vụ và tu học tại 2 Tổng Giáo phận: Sydney và Hobart-Tasmania
_ Pháp: 1 cộng đoàn với 3 khấn sinh phục vụ và tu học tại Giáo phận Valence.

4. Tập viện
Địa chỉ: Thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

5. Học viện Têrêxa Avila
Địa chỉ: 64 Hàn Mạc Tử, phường Ghềnh Ráng, Tp. Quy Nhơn.

IV. NHỮNG LÃNH VỰC PHỤC VỤ
1. Giáo dục đức tin và văn hóa
- Giáo dục đức tin: Gồm các hoạt động mục vụ và truyền giáo như dạy giáo lý các cấp, phục vụ phòng thánh, bàn thờ, phụ trách lễ sinh, ca đoàn, các hội đoàn, hướng dẫn ơn gọi, thăm viếng giáo dân và lương dân.
- Văn hóa: Giáo dục mầm non, lớp học tình thương, ký túc xá, lưu xá nữ sinh viên.

2. Y tế xã hội
- Trạm xá đông tây y, tủ thuốc tình thương, khám chữa bệnh cho dân nghèo, bếp cơm từ thiện.
- Giúp đỡ các gia đình cần sự giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất, người già cả neo đơn, học sinh nghèo.

3. Bảo vệ trẻ thơ: Nuôi dạy trẻ mồ côi, chôn cất thai nhi.

4. Thăng tiến nữ giới: Dạy nghề, giúp thiếu nữ lầm lỡ, trợ vốn các thiếu nữ nghèo.

5. Phục vụ cơ sở Nhà chung của Giáo phận.

V. HIỆP HỘI MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN TẠI THẾ
Để có thêm nhân sự đẩy mạnh sứ vụ truyền giáo theo đặc sủng và linh đạo Mến Thánh Giá, Hội dòng đã xin phép Đức Giám mục Giáo phận thành lập Hiệp hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại thế. Ngày 02 tháng 03 năm 2014, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã ban hành Nghị định thiết lập Hiệp hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại thế. Hiệp hội gồm những thành viên là anh chị em giáo dân. Hội dòng có nhiệm vụ hướng dẫn hiệp hội sống đúng tinh thần Đấng Sáng lập và thực hiện các việc tông đồ theo quy định của giáo luật.

- Số hội viên: 1.043 hội viên trong 5 Giáo phận: Sài Gòn, Xuân Lộc, Nha Trang, Qui Nhơn và Kontum.
- Cha Linh giám: Linh mục Phêrô Trương Minh Thái.
- Tổng Trợ úy: Nữ tu Maria Têrêxa Nguyễn Thụy Mẫu Hằng và 37 nữ tu trợ úy các nhóm tại 5 Giáo phận có hội viên.
Hiệp thông mừng 400 năm Giáo phận Qui Nhơn loan báo Tin Mừng,
Với tấm lòng tri ân, Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
- Ghi ơn Giáo phận Mẹ đã khai sinh, đồng hành và nâng đỡ Hội dòng trải dài qua dòng lịch sử 347 năm, từ An Chỉ đến Qui Nhơn trong đời sống thánh hiến và sứ vụ.
- Ước muốn tích cực dấn thân“ra đi”trong sức sống mới, định hướng mới cho công cuộc Phúc Âm hóa trong nhịp sống chung của Giáo phận.

 

(Nguồn: trích “Kỷ yếu Giáo phận Qui Nhơn mừng 400 năm loan báo Tin Mừng 1618-2018)

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay20,577
  • Tháng hiện tại240,971
  • Tổng lượt truy cập29,220,509

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây