Xuân đến, Xuân đi, Xuân lại về

Thứ ba - 07/01/2020 08:02
XUÂN ĐẾN, XUÂN ĐI, XUÂN LẠI VỀ
 
Thấm thoát thời gian trôi, cơn mưa cuối mùa như dừng lại nhường bước cho cây đâm chồi, cành trổ hoa. Những đàn chim én kéo nhau đi trú đông lại tìm về tổ ấm báo hiệu mùa xuân ấm áp đang đến. Các công ty, xí nghiệp, công nhân viên chức lên lịch nghỉ tết, các nhà dòng, công sở cũng đang nô nức lên chương trình chia nhau về quê thăm gia đình, quê hương nhân dịp xuân mới.

Đây là nét văn hóa đẹp cần phát huy trong xã hội hiện tại, một xã hội mà công nghệ hóa thông tin làm cho cộng đồng nhân loại xích lại gần nhau hơn và có thể nói con người trên hành tinh này cùng rung nhịp đập trong trái tim với nhau khi có thể cùng chia sẻ những thông tin tri thức và vật chất. Nhưng đối với nhiều người chính những phương tiện hiện đại đã dần làm cho tình cảm con người nhạt phai. Hai người cùng làm việc chung phòng không nói chuyện trực tiếp mà lại gởi tin nhắn. Người phòng bên trao đổi với người bên này bằng messenger… Con cái mỗi tháng gởi cho mẹ già “vài trăm đồng” lấy làm đủ trong khi các cụ chỉ mong nhìn thấy, giáp mặt xem con mình thế nào, mong nắm tay, ôm vào lòng đứa con yêu vì đối với các ngài dù “con làm ông to bà lớn” vẫn mãi là con của mẹ. Nhớ nó lắm gọi điện thăm - nó bảo “Con bận quá, lần sau Mẹ đừng gọi con giờ này”; thật đau lòng bởi nhiều Cha Mẹ của những đứa con trong thời hiện đại chỉ biết coi trọng  “việc làm, bạn bè, sự nghiệp, du lịch…” Thế nên bài hát xuân : “Tết nay con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa san” làm não lòng những đứa con xa nhà ngày xưa không mấy tác động tâm hồn người trẻ hôm nay.

Và cuộc sống luôn bận rộn khiến người ta không còn thời gian để thăm nhau, chia sẻ vui buồn, thành công thất bại. Cuộc sống quá vội vã ít khi có thời gian lắng đọng tâm hồn để nghe tiếng gõ của thời gian qua tiếng tí tách đổi phút - đổi giờ của đồng hồ, tiếng ngân vang trầm ấm của chuông chùa hay thánh thót của nhà thờ.

Xưa nay trong các nhà chùa, nhà dòng người ta thường dùng tiếng chuông như hiệu lệnh, tự giác theo đúng giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi, tiếng chuông ngân vang còn nhắc nhở con người về thời gian vĩnh cửu, tiếng chuông ngân nhắc vị thiền sư “buông bỏ mọi chuyện, tịnh tâm chính niệm”, tiếng chuông bảo người tu sĩ hướng lòng về Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện, đang hướng dẫn và ở trong mọi người để cất lời ca tụng ngợi khen hay để tâm hồn lắng lại, tưởng nghĩ, kết hợp sâu xa hơn với Đấng tạo hóa và để mình thuộc trọn về Ngài ngay trong giây phút hiện tại.

Một lần nữa xuân đến tết gần kề gợi nhớ về mùa xuân đã qua, đón xuân, mừng tết nơi mái nhà hội dòng. Mỗi ngày tiếng chuông vẫn ngân vang mời gọi người tu sĩ dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa thay cho bao con người đang tận hưởng ân phúc của đất trời nhưng chỉ biết say sưa trong hưởng thụ, vui chơi trác táng mà quên đi ý nghĩa thâm sâu của vui tết đón xuân.

Ngày tết người ta kiêng kị đủ điều, không nóng nảy, giận hờn, không tranh cải hơn thua… luôn ước nguyện bao điều tốt lành cho người thân, bạn bè, và cả cho người xa lạ. Ngày xuân người người cầu cho nhau “Hạnh Phúc”. Kiêng kị mọi thứ cũng chỉ để cầu mong bình an. Lời Chúa trong ngày đầu năm mới hướng lòng mỗi người về cõi phúc thật khi sống tinh thần “Bài giảng trên núi của Thánh Matthêu”. Tám mối phúc vừa nghe ta có cảm nhận nó là một nghịch lý, khó chấp nhận theo suy nghĩ của người đời nhưng xét cho cùng, muốn được bình an, hạnh phúc thật không còn cách nào khác là sống tinh thần “Nghèo khó”. Một khi sống thanh thoát với của cải vật chất sẽ giúp người ta dễ dàng siêu thoát với của cải tinh thần. Khi đã sống thanh thản, siêu thoát với mọi sự con người sẽ không cậy dựa vào bạc tiền, chức tước, danh dự, không bám víu vào tài cao, trí rộng… coi những gì mình có là được nhận lãnh từ nơi Chúa và luôn tìm Chúa là lẽ sống của cuộc đời. Tinh thần thanh thoát sẽ dễ làm cho con người trở nên khiêm nhu, hèn mọn, nhân ái, vị tha. Nhân ái, vị tha là tinh thần sống mà ngày đầu năm mới, ngày xuân mới người người cầu mong.

Và, tại sao ta không sống tinh thần này trong cuộc sống mỗi ngày mà phải đợi đến ngày hết tết đến mới dành cho nhau ?
Bao lần xuân đến, xuân đi, xuân lại về nhưng vẫn còn đó trong tim tôi cái cằn khô của ích kỷ, nhỏ nhen, nóng nảy, giận hờn, chấp nhất, bất khoan dung… Bởi tôi đã để cho cái ồn ào huyên náo của ngoại cảnh chi phối, tôi trở nên nóng nảy hơn bởi tôi quá lệ thuộc, chạy đua với cuộc sống, công việc, danh vọng;  tôi dễ hờn dỗi bởi tôi không chịu nghe tiếng nấc của thời gian, nếu có nghe - tôi đã không biết dừng lại để tận hưởng sự nhẹ nhàng êm ái của giây phút hiện tại. Tôi không đủ khoan dung bởi đã để ngoài tai lời nhắc nhở hướng lòng lên cùng Đấng tạo hóa khi nghe tiếng chuông ngân… và bao cơ hội cho mùa xuân cuộc đời, mùa xuân tâm hồn nở hoa thánh thiện, đâm chồi nhân đức nhưng tôi đã để trôi đi.

Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến” (Tv 25, 7)
Lạy Chúa, con hối tiếc vì bao mùa xuân trôi qua đã không để lại hay để lại quá ít những bông hoa thánh thiện, chồi nhân đức  trong đời sống của con. Nhớ lại những mùa xuân đã qua, xin cho con biết rõ ý nghĩa của mùa xuân và cách đón xuân thế nào cho hợp ý Chúa để mùa xuân của cảnh vật, đất trời có qua đi, mùa xuân tâm hồn con vẫn mãi nở hoa trong vui tươi, tin yêu, hy vọng. Để không ngừng tuyên xưng rằng:“Chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân” (Tv 71, 5). Amen.

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê Tuyết (Dòng MTG Qui Nhơn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay20,742
  • Tháng hiện tại47,623
  • Tổng lượt truy cập29,027,161

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây