Lược sử Giáo xứ Ghềnh Ráng

Chúa nhật - 06/05/2018 07:00

GIÁO XỨ GHỀNH RÁNG

Bổn mạng : Thánh Giuse (01/05)
 

I. VỊ TRÍ
Địa bàn giáo xứ Ghềnh Ráng hiện nay (2018) gồm các khu vực III, IV, V của phường Ghềnh Ráng và phần phía Nam đường Chương Dương của phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Qui Nhơn.[1] Phía Bắc giáp giáo xứ Qui Hiệp và giáo xứ
Xuân Quang, phía Nam giáp giáo xứ Qui Hoà, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp núi Vũng Chua.
Nhà thờ Ghềnh Ráng tọa lạc tại số 21 đường Tây Sơn thành phố Qui Nhơn.

 


II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Giai đoạn hình thành
Vào khoảng giữa thế kỷ XX, vùng Ghềnh Ráng là một làng thuyền chài khoảng trên dưới 40 nóc nhà tranh thuộc thôn Xuân Vân,[2] xã Phước Tấn, huyện Tuy Phước. Thôn Xuân Vân được sáp nhập vào thị xã Qui Nhơn theo Nghị định số 594, ngày 12 tháng 10 năm 1961 của chính quyền đương thời.
Năm 1958, cha Giuse-Maria Phạm Châu Diên, gốc Bùi Chu, giáo sư dạy lớp tu muộn do Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Qui Nhơn, qui tụ tại Đại Chủng viện Qui Nhơn, nay là cơ sở thư viện của Đại học Qui Nhơn, cách Ghềnh Ráng hơn 1 cây số, thường xuyên đến đây thăm viếng dân làng và truyền giáo, như cha tường thuật :“...việc đầu tiên phải làm là lập một giáo họ tại đây. Thôn Xuân Vân, lèo tèo ba bốn chục nóc nhà tranh rải rác dưới chân núi, ăn ra tới lợi biển. Cư dân phần nhiều là người nghèo nàn chất phác, lên rừng kiếm củi, xuống biển mò cua, ra thành làm việc. Cả thôn chỉ có một gia đình Công giáo gồm một mẹ một con. Nghe nói trước kia, Cố Hồng, người Pháp đã truyền giáo tại đây công phu nhiều nhưng kết quả không được là bao.
Sau khi nghiên cứu tình hình, tôi bàn với ông xã trưởng Phước Tấn, lập trường sơ học miễn phí. Cô giáo Lê Vân có tư cách, có học thức đã gây được uy tín cho nhà trường. Trẻ em thất học kéo đến rất đông. Về văn hoá như vậy là tạm ổn.
Về mặt xã hội, dân chúng quá nghèo, ông già bà cả không ai giúp đỡ. Tôi liền vận động Hội Bác Ái Vinh Sơn Qui Nhơn, mà tôi là tuyên uý, đến hoạt động. Mấy người già yếu được cấp dưỡng thường xuyên. Dịp Tết, dịp lễ, các học sinh được tặng quà, các gia đình được uỷ lạo.
Tuy vậy, chúng tôi cũng chưa đá động gì đến việc tòng giáo. Nhân dịp tết sắp tới, ba người đàn ông đứng tuổi đến thăm tôi và xin theo đạo, cùng với cả gia đình.
May thay, một thanh niên Công giáo, anh Nguyễn Ngọc Long, mới về thuê nhà ở trong thôn. Tôi liền mượn nhà anh làm phòng họp và giao cho anh dạy giáo lý cho chừng ba chục người lớn. Lớp học xem có vẻ hào hứng lắm. Còn trẻ nhỏ, thì cô giáo Lê Vân phụ trách.
Sáng Chúa nhật, mồng hai Tết 1958, có cuộc rước tượng Đức Mẹ từ đầu thôn về nhà anh Long, được dùng làm nhà nguyện lâm thời và cử hành thánh lễ. Từ đó tôi ra làm lễ các ngày Chúa nhật.
Thấy nhà nguyện lâm thời chật chội, họ họp nhau đến xin tôi cất nhà thờ. Lên rừng Vân Canh, cách Qui Nhơn chừng 30 km, họ chặt cây, cắt tranh chở về một đống. Trên một khu đất cao ráo đẹp  đẽ, quay ra biển, họ hí hoáy cất một ngôi nhà 4m x 10m. Ai xem thấy cũng phải thương hại. Cột cù quăm, kèo cù quắp, mái tranh lòng thòng. Chúng tôi đã tưởng làm vách đất, thì có mấy nhà hảo tâm Qui Nhơn giúp phương tiện xây tường gạch, đặt cửa sổ, vào áo đường hoàng. Tiền đường theo kiểu Đông Phương, mái cong cân đối. Bàn thờ hình thức Tam sơn, nét giữa là nhà chầu, hai nét cạnh vẽ hai con cá, biểu tượng Chúa Kitô và cũng là biểu tượng nghề chài của dân Chúa.[3]
Sau đó chúng tôi rửa tội lớp đầu tiên được 30 người. Bấy giờ mới phát giác một chị 35 tuổi đã rửa tội từ bế ngửa, nhưng không giữ đạo bao giờ. Hỏi ra thì cha mẹ chị khó nuôi con, sinh đứa nào chết đứa nấy, nên đã theo người ta bày mà cho con đi đạo để được sống”.[4]
          Năm 1962, cha Giuse Phạm Châu Diên làm tuyên uý cho các Sư huynh Lasan tại trường Trung học Lasan. Trường này là cơ sở Đại Chủng viện Qui Nhơn được Giáo phận giao cho các sư huynh Lasan sử dụng 10 năm (1962-1972). Cha Giuse Phạm Châu Diên vẫn tiếp tục đặc trách mục vụ giáo họ Ghềnh Ráng mà cha đã dày công gầy dựng.
Ngày 11 tháng 02 năm 1963, cha Diên đã khởi công xây dựng hang đá Đức Mẹ ở sườn núi Xuân Vân, đối diện với nhà thờ vừa mới thành lập. Sau đó, cha tiếp tục xây một ngôi nhà thờ nhỏ bên cạnh hang đá, bằng bêtông cốt thép, lợp ngói, diện tích 70m2, thường gọi là nhà thờ Núi, nay là Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu của Giáo phận. Công trình được khánh thành ngày 15 tháng 08 năm 1964. Ngày 22 tháng 08 năm 1964, cha Phạm Châu Diên lên đường về Sài Gòn để dưỡng bệnh, sau đó cha ở lại tại Sài Gòn và đã yên nghỉ trong Chúa ngày 14 tháng 08 năm 2007.

2. Thành lập giáo xứ   
Từ tháng 09 năm 1964, vì áp lực chiến tranh, nhiều giáo dân từ các miền quê di tản về Qui Nhơn tị nạn. Cha Mactinô Nguyễn Hộ, cha sở Nước Nhỉ, dẫn giáo dân Nước Nhỉ về lập trại tạm cư tại Ghềnh Ráng. Từ đó, giáo dân từ các giáo xứ khác như: Gia Chiểu, Đồng Quả, Đồng Dài, Thác Đá, Đại Bình, Đại An, Gò Thị, Nam Bình cũng về đây làm thành một họ đạo lớn có lúc lên tới 4.000 giáo dân.
Năm 1965, vì số giáo dân tăng nhanh, cha Giuse Nguyễn Sồ, Giám đốc Caritas Giáo phận, dựng cho họ một nhà tiền chế khá rộng (8m x 41m), vách xây táp lô, mái lợp tôn, vừa làm nhà thờ (264m2), vừa làm phòng cha sở ở (64m2).
Mặc dù đến nay chưa tìm thấy văn bản thành lập địa sở Ghềnh Ráng nhưng có thể suy đoán: họ đạo Ghềnh Ráng được trở thành địa sở Ghềnh ráng vào năm 1965 vì: trong “Lịch Công Giáo Địa Phận Qui Nhơn-Đà Nẵng” năm 1966, ở phần tổng kết số liệu của Hạt Qui Nhơn cuối năm 1964, chưa thấy có tên địa sở Ghềnh Ráng. “Lịch Công Giáo Địa Phận Qui Nhơn-Đà Nẵng” năm 1967, phần tổng kết số liệu cuối năm 1965 có ghi tên địa sở Ghềnh Ráng với linh mục phụ trách là Nguyễn Hộ, số giáo dân: 2.112 người.
Trong năm nầy, tại Ghềnh Ráng đã có các cơ sở của Giáo phận: Cô nhi viện, Nhà dưỡng lão, Trường tiểu học với diện tích 80m2 gồm 2 phòng học do các sư huynh dòng Lasan đảm nhận, Trung tâm Hướng nghiệp, Tập viện Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Ngày 08 đến ngày 12 tháng 06 năm 1967, đại hội Công giáo tiến hành được tổ chức tại Trung tâm Hướng nghiệp Ghềnh Ráng gồm các đoàn thể: Chức việc, Legio Mariae, Hiệp hội Thánh Mẫu, Thanh sinh công, Hướng đạo Công giáo.
Tháng 09 năm 1974, cha Mactinô Nguyễn Hộ về hưu dưỡng tại Toà Giám mục. Cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội, nguyên là cha sở Qui Hải (Lasan), được bổ nhiệm làm cha sở Ghềnh Ráng.
Cuộc chiến tranh đầu năm 1975, cha sở cùng đa số giáo dân di tản. Phần lớn giáo dân di tản vào Cam Ranh, số khác vào Xuân Lộc, Vũng Tàu, Sài Gòn.
Trước tháng 04 năm 1975 số giáo dân Ghềnh Ráng là 2.774 người. Sau thời gian di tản, số giáo dân trở về chỉ còn 775 người, đa số ở lại những nơi mới đến hoặc trở về quê cũ. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội được bổ nhiệm làm cha sở Bồng Sơn, kiêm Hội Đức.
Cha Gioakim Đoàn Kim Hiền trước kia đã dẫn giáo dân giáo xứ Tân Lộc, giáo hạt Quảng Ngãi, di cư vào Giáo phận Xuân Lộc và lập nên giáo xứ Tân Ngãi, sau năm 1975 cha trở về Qui Nhơn, được bổ nhiệm làm cha sở Ghềnh Ráng và đã nhận sở ngày 23 tháng 05 năm 1975. Cha Hiền rất quan tâm lo việc đạo đức cho giáo dân. Chính cha trực tiếp dạy giáo lý, kinh nghĩa cho thanh thiếu niên, nhất là các lớp lớn. Cộng tác với cha trong công tác huấn giáo, có các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn và một số giảng viên giáo lý.
Cha đã ra sức củng cố đời sống đức tin cho đoàn chiên sau chiến tranh với nhiều vất vả. Về phương diện cơ sở vật chất, sau một thời gian miệt mài tích góp, cha đã xây dựng nhà thờ (25m x 16m, năm 1997), nhà giáo lý (năm 2001), nhà xứ (100 m2, một trệt một lầu, năm 2003), và bờ tường, cổng ngõ (năm 2003).
Sau 37 năm hết tình với giáo xứ Ghềnh Ráng, ngày 18 tháng 05 năm 2012, trước mặt Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, cha Hiền bàn giao giáo xứ Ghềnh Ráng cho cha Giacôbê Đặng Công Anh và về nghỉ dưỡng tại nhà hưu các linh mục của Giáo phận. Cha Anh nguyên là cha sở Qui Hiệp, được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm cha sở Ghềnh Ráng. Văn thư bổ nhiệm được ký ngày 14 tháng 05 năm 2012.
Năm 2016, cha Giacôbê Đặng Công Anh được bổ nhiệm làm cha sở Quảng Ngãi. Ngày 05 tháng 07 năm 2016, cha Phêrô Lê Nho Phú, nguyên là cha sở giáo xứ Sông Cầu, được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi bổ nhiệm làm cha sở Ghềnh Ráng cho đến nay.

3. Các cha sở
Giáo xứ Ghềnh Ráng từ khi là địa sở (1965) đến nay (2018) có 5 cha sở:
1. Cha Martinô Nguyễn Hộ (1965-1974).
2. Cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội (1974-1975).
3. Cha Gioakim Đoàn Kim Hiền (1975-2012).
4. Cha Giacôbê Đặng Công Anh (2012-2016).
5. Cha Phêrô Lê Nho Phú (2016- ...).

 

 

 


[1] Vùng núi tại Gành Ráng có tên là Nhạn Châu Lãnh. Tên gọi Gành Ráng phát xuất từ kinh nghiệm đi biển của ngư dân; Người đi biển có 4 hiệu lệnh lái thuyền:

    • Cay: Cho thuyền từ phải qua trái.

    • Biết: Cho thuyền từ trái qua phải.

    • Nhượng: Xoay mũi thuyền theo đầu gió.

    • Ráng: Đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền qua Gành nầy thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng. (Quách Tấn, Nước non Bình Định, tr.203).

Gành Ráng là tên gọi được dùng trước 1975 trong xã hội cũng như trong Giáo phận. Hiện nay tên gọi Ghềnh Ráng được dùng thay cho tên gọi Gành Ráng. Ở đây xin được dùng tên gọi Ghềnh Ráng thống nhất trong các giai đoạn lịch sử, trừ các tài liệu trích dẫn.

[2] Tên gọi Xuân Vân được cha Giuse Phạm Châu Diên giải thích trong “Hồi ký đời tôi” của ngài, trang 111:  “Về mùa Xuân, một đôi khi, mây thấp đậu lại ngọn núi, trông thật mơ mộng, vì thế tiền nhân gọi nó là Xuân Vân”

[3] Nhà thờ nầy được sử dụng cho đến năm 1965. Sau đó dùng làm lớp học. Sau năm 1975, dân chúng đã làm nhà ở.

[4] PHẠM CHÂU DIÊN, Hồi ký đời tôi, tr. 112-113.

 

 

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay22,901
  • Tháng hiện tại588,758
  • Tổng lượt truy cập28,904,127

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây