Lược sử Giáo xứ Sông Hinh

Thứ ba - 05/06/2018 10:27

GIÁO XỨ SÔNG HINH

           
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Địa bàn giáo xứ Sông Hinh gồm thị trấn Hai Riêng và các xã: Đức Bình Đông, Eatrol, Eabá, Sông Hinh, Ealâm, Eabar, Eabia, Ealy thuộc huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Sông Hinh, khu phố 2, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

 

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Giai đoạn hình thành
Vùng đất Sông Hinh nguyên là nơi cư trú của các tộc người thiểu số. Trước năm 1975, trong tỉnh chỉ có một con đường giao thông đến Sông Hinh, đường Liên tỉnh lộ 9 từ Củng Sơn đi Ea M'Doal (thuộc huyện M' Đrắc tỉnh Đắk Lắk ngày nay). Đường có chiều dài 41,5 km, đường đất thô sơ. Sau năm 1975, tỉnh lộ 5 từ ngã ba Phú Lâm (nay là phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) được thông qua Sơn Thành đến Sông Hinh, đường nầy được gọi là DT 645, đường đất thô sơ.[1] Lúc bấy giờ Sông Hinh thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Phú Khánh.
Theo Quyết Định 179/HĐBT ngày 27 tháng 12 năm 1984 của Hội Đồng Bộ Trưởng, huyện Tây Sơn được chia thành hai huyện là Sơn Hòa và Sông Hinh.
Nay Sông Hinh là huyện miền núi vùng Tây Nam tỉnh Phú Yên, có quốc lộ 19C và quốc lộ 29 đi qua. Địa giới huyện phía Đông giáp huyện Tây Hòa, phía Tây giáp huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp huyện M' Đrắc tỉnh Đắk Lắk và huyện Vạn Ninh, huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, phía Bắc giáp huyện Sơn Hòa. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, chủ yếu: Kinh, Ê Đê, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Mường, Chăm ...
Sông Hinh cũng là tên gọi một dòng sông phụ lưu cấp 1 phía hữu ngạn của sông Ba. Sông Hinh phát nguyên từ vùng núi Chư H'Mu (cao 2.051 m) ở huyện M'Drăk, phía Đông tỉnh Đăk Lăk, dài khoảng 88 km, phần lớn quanh co uốn khúc chảy trong phần đất huyện Sông Hinh, hợp lưu với sông Ba tại Chí Thán, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Sông Hinh được nhắc đến trong dân gian: "Cọp núi Lá, Cá Sông Hinh".
Dòng nước mát trong của Sông Hinh[2] còn được người thiếu phụ mượn để trải lòng:
"Nước nào trong bằng nước Sông Hinh,
Đố ai ăn ở chung tình bằng em".
Trong cư dân của các buôn làng, truyền thuyết về tên gọi Sông Hinh được lưu truyền: "Đôi trai gái Y Doal và H’Ngal không đến được với nhau do mâu thuẫn giữa hai bộ lạc; khi bộ lạc bên này quyết định đem chàng Y Doal trói vào gốc cây trên ngọn Vọng Phu, bộ lạc bên kia cũng đem nàng H’Ngal nhốt vào hang sâu. Thương H’Ngal, nước mắt chàng Y Doal chảy thành suối. Nhớ Y Doal, nước mắt nàng H’Ngal cũng chảy thành sông. Hai con sông, suối cách nhau mấy cánh rừng cũng đã tìm gặp nhau, tạo thành con sông lớn đổ về sông Ba xuôi ra biển Đông. Từ khi có con sông, vùng đất này trở nên màu mỡ, mùa nối mùa vui. Sông lại lắm cá, thú rừng cũng tranh nhau về đây. Đời sống hai bộ lạc càng thêm no ấm. Lúc này mọi người mới nghĩ lại, thương nhớ chuyện tình Y Doal và H’Ngal, họ tin dòng sông là nơi hội nhập hai linh hồn của đôi trai gái theo ý muốn của Giàng. Già làng hai bộ lạc chủ động gặp nhau để giải oan cho đôi trai gái. Họ đã đặt tên con suối nơi chàng trai ra đi là suối Ya Doal, con suối tạo bởi nước mắt của cô gái là suối Ea Ngal, dòng sông nước mắt của họ có tên là Sông Hinh (Krông Hinh). Từ đó hai bộ lạc thêm hòa hiếu yêu thương nhau. Họ bảo vệ các con suối và dòng sông để bày tỏ nhớ thương đôi trai tài gái sắc và họ đã căn dặn con cháu phải làm sao để dòng nước mắt của tiền nhân ngày thêm mang lại hữu ích cho đời...".[3]
Sau khi huyện Sông Hinh được thành lập, vùng đất đỏ bazan Sông Hinh được nhiều cư dân đến lập nghiệp. Năm 1985, đoàn dân đầu tiên đến lập nghiệp tại Sông Hinh có một số giáo dân của các giáo xứ trong tỉnh Phú Yên, đông nhất là số giáo dân giáo xứ Mằng Lăng[4] đến định cư tại Buôn Thô.[5] Trước 1985, trong đoàn người đi khai thác vàng tự do tại Buôn Ly, thuộc xã Ea Trol, cũng có một số giáo dân.
Năm 1989, thị trấn Hai Riêng huyện Sông Hinh được thành lập. Một số giáo dân từ Tuy Hòa và các giáo xứ từ các nơi đến đây lập nghiệp, trong đó có một số giáo dân từ miền Bắc.
Năm 1993, thủy điện Sông Hinh thuộc xã Ea Trol được khởi công, đường thi công thủy điện được mở ra, tạo thuận lợi cho việc giao thông, một số giáo dân tại Buôn Thô và các nơi khác đến sinh sống ở vùng ven thủy điện.
Giáo họ Sông Hinh được hình thành, thuộc giáo xứ Tịnh Sơn. Thành phần giáo dân gồm khắp nơi từ Huế, Quảng Bình, Cam Ranh, Mằng Lăng, Tuy Hòa và các nơi khác quy tụ về đây để lập nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu các Bí tích cho số giáo dân đến lập nghiệp tại Sông Hinh trong giai đoạn nầy, cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên, cha sở Tịnh Sơn, phải nhờ đò ngang qua sông Ba, rồi tận dụng mọi phương tiện để đến với con chiên. Có khi cha phải dùng đôi chân dẻo dai của cha, có khi xe đạp, có khi chiếc xe máy đời "ơ kìa".
Lúc ban đầu, thỉnh thoảng, cha đến dâng lễ cho đoàn giáo dân Sông Hinh có khi tại nhà bà Isave Nguyễn Thị Sự, một gia đình giáo dân gốc Mằng Lăng; có khi tại nhà ông Laurensô Phạm Xí, một gia đình giáo dân gốc Tuy Hòa. Có lần cha dâng lễ "bất thường" như thế nên cha phải tạm nghỉ đêm tại trụ sở cơ quan công quyền. Để giữ lễ Chúa nhật, giáo dân Sông Hinh phải vượt qua đường đi khó khăn và cách trở đò giang để đến nhà thờ Củng Sơn và Tịnh Sơn. Dĩ nhiên chỉ được một số ít người.           
Ngày 16 tháng 09 năm 1995, nhà thờ Phú Đức (Đức Bình) được chính quyền trả lại sau 20 năm bị trưng dụng làm kho lương thực. Sau thời gian chuẩn bị, cha Phêrô Nguyễn Cao Hiên cho xây dựng lại, ngày 07 tháng 09 năm 1997, nhà thờ được khánh thành. Từ đây giáo dân giáo họ Sông Hinh cũng như giáo dân giáo họ Phú Đức có nơi dâng lễ Chúa nhật, không sợ cách trở đò giang.
Từ năm 2000, vùng đất thuộc xã Ea Ly ngày nay,[6] giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, một vùng đất rất thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp, được một số giáo dân từ hai Giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu, một số khác tại các xã của huyện Sông Hinh và các huyện miền xuôi của Phú Yên đến đây khai thác tiềm năng dồi dào của thiên nhiên. Số giáo dân nầy đa số tập trung tại thôn Tân Lập, xã Ealy. Giáo họ Tân Lập được hình thành.
Sáng ngày 01 tháng 07 năm 2008, cầu Sông Ba trên tuyến quốc lộ 19C nối liền hai huyện miền núi Sơn Hòa - Sông Hinh được thông xe, chấm dứt cảnh giao thông cách trở giữa 2 huyện, nhất là vào mùa mưa lũ.
Giao thông thuận lợi, kinh tế phát triển, lòng người cởi mở, cùng tình Chúa vững bền. Ngày 14 tháng 10 năm 2011, Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho giáo họ Sông Hinh để xây dựng nhà thờ. Thửa đất có diện tích 9.906 m² trên cơ sở phần đất do gia đình ông Phanxicô Đinh Lộc Lĩnh và bà Anna Nguyễn Thị Điểm dâng cúng cho giáo họ.
Có quyền sử dụng đất, cha Giuse Lê Thu Thâu và bà con giáo dân góp công, góp gức, góp tài chánh, làm nhà nguyện tiền chế và các công trình phụ khác. Từ đây giáo dân Sông Hinh có nơi qui tụ kinh nguyện hôm sớm và tham dự các cử hành phụng vụ.
Sau khi hoàn thành thủ tục hành chánh về việc xây dựng, sáng thứ hai, ngày 07 tháng 01 năm 2013, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, giám mục Giáo phận, chủ sự thánh lễ làm phép viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Sông Hinh.
Theo quy chế Hội đồng giáo xứ của Giáo phận Qui Nhơn, ngày 06 tháng 08 năm 2014 giáo họ Sông Hinh đã bầu Ban chức việc nhiệm kỳ II, từ năm 2014-2017 do cha Giuse Lê Thu Thâu chủ trì.

2. Thành lập giáo xứ
Ngày 22 tháng 08 năm 2015, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký Văn thư thành lập giáo xứ Sông Hinh, tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn, đồng thời bổ nhiệm cha Gioakim Bùi Văn Ninh, nguyên cha phó Tịnh Sơn, làm cha sở giáo xứ mới. Văn thư có hiệu lực từ ngày công bố 25 tháng 08 năm 2015.
Từ khi nhậm chức, cha đã tiến hành mua thêm đất, lập thiết kế và xây dựng nhà thờ Sông Hinh kiên cố theo kiểu dáng dân tộc miền núi. Cha còn mua thêm đất để chuẩn bị xây dựng nhà thờ cho giáo họ Tân Lập.
 Ngoài công việc xây dựng cơ sở vật chất, cha còn quan tâm đến công việc mục vụ giáo xứ, thường xuyên đi đến những cộng đoàn ở xa và dâng lễ Chúa nhật cho họ.

 

 


[1] Nay là phần quốc lộ 29 đi qua Phú Yên.

[2] Theo lý giải của dân gian, nước Sông Hinh rất trong vì các con suối có rất nhiều đá.

[3] HOÀNG HÀ THẾ, "Sông Hinh bừng sáng", http://www.baophuyen.com.vn/382/158644/song-hinh-bung-sang.html.

[4] Lúc bấy giờ bao gồm cả giáo xứ Chợ Mới ngày nay.

[5] Buôn Thô nay thuộc thị trấn Hai Riêng. Điểm tiếp giáp giữa quốc lộ 25 và quốc lộ 19C ngày nay tạo thành ngã ba thuộc Buôn Thô. Ngã ba nầy thường được người dân ở đây gọi là ngã ba Tuy An, vì số dân ban đầu đến định cư tại đây đa số là dân gốc của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

[6] Xã Ea Ly được thành lập theo Nghị định số 95/2003/NĐ-CP ngày 20.08.2003 của Chính phủ.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay21,311
  • Tháng hiện tại636,068
  • Tổng lượt truy cập28,951,437

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây