Lược sử Giáo xứ Hoa Châu

Thứ tư - 09/05/2018 23:18

GIÁO XỨ HOA CHÂU

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ  
          Phần đất thuộc giáo xứ Hoa Châu ngày nay gồm các xã Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Bình 1, thị trấn Phú Thứ (Hòa Bình 2), Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Tân Tây của huyện Tây Hòa.
          Nhà thờ Hoa Châu, trung tâm sinh hoạt của giáo xứ, tọa lạc tại thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa.

 


        
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

1. Nguồn  gốc
            Theo thống kê ngày 01 tháng 12 năm 1747 của cha Gioan Bourgine,[1] thừa sai Paris, phụ trách vùng Bình Định và Phú Yên từ năm 1742-1750: Phú Yên có 6 nhà thờ, trong đó có nhà thờ Thạch Thành là nhà thờ cách nhà thờ Chợ Mới xa nhất, 14 dặm.[2] Nhà thờ Chợ mới là nhà thờ chính của Phú Yên và là nơi cư trú thường xuyên của các thừa sai. Lúc bấy giờ Thạch Thành có 11 giáo điểm: Xóm trên, Xóm Dưới, Xóm Trong, Xóm Ngoài, Phú Thứ, Kỳ Tân, Đá Hàn, Đồng Bạc, Lỗ Rong, Bàn Nham, Nam Bình.
          Đại Nam Nhất Thống Chí, bản chép thời Tự Đức, có ghi nguồn Thạch Thành ở xã Thạch Thành phía Tây huyện Tuy Hòa, nước sông Ba chảy qua phía Nam huyện lỵ. Thạch Thành có đồn thủ, có trường giao dịch, thổ sản có sáp ong, mật ong, bông, trầu, giáng hương, trầm hương, kỳ nam, sa nhân.[3] Phú Thứ, một trong số các giáo điểm của Thạch Thành từng là lỵ sở của huyện Tuy Hòa trước thời Thiệu Trị. Hiện nay tại khu vực Mỹ Lệ Tây, thị trấn Phú Thứ có một địa danh tục gọi là Gò Đạo.
          Thạch Thành là đồn thủ biên phòng của nhà Nguyễn, bên bờ phía
Nam sông Ba. Năm 1793, tướng Nguyễn Long được bổ trấn giữ thượng đạo Thạch Thành. Quan trấn nhậm đồn Thạch Thành lâu nhất là Nguyễn Văn Nguyện, từ năm 1795-1805. Thạch Thành nay là Lạc Mỹ, thuộc xã Hòa Phú huyện Tây Hòa, cách nhà thờ Hoa Châu khoảng 3,4 km về phía Tây. [4]
          Theo thống kê của Thánh Giám mục tử đạo Cuénot Thể gởi về Hội Thừa sai Paris năm 1850 có ghi Hoa Châu 79 giáo dân, thuộc Nam Phú Yên. Thạch Thành không có trong thống kê nầy. Dựa vào các sử liệu và khoảng cách giữa Thạch Thành với Hoa Châu vừa nêu trên, ta có thể nói Thạch Thành là tiền thân của Hoa Châu.
          Sau phong trào Văn Thân, các linh mục hiện diện trở lại tại vùng Nam Phú Yên và đặt cư sở tại Hoa Vông. Hoa Châu là một giáo điểm được các cha từ Hoa Vông đến chăm sóc mục vụ.
         Năm 1890 cha Phục, phụ tá cha Guitton, được trao phó chăm sóc các giáo điểm Đất Đỏ,[5] Đồng
Cam và Hoa Châu. Vào tháng 02 năm 1899, cha Phục đi Mằng Lăng nhưng đến cuối tháng 08 năm 1899 cha Giuse Dụng mới đến Hoa Châu thay thế cha Phục. Tháng 01 năm 1904 cha Phaolô Trần Huấn vừa mới thụ phong linh mục được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Marius Julien Jean ở Hoa Vông, cha Huấn đến Hoa Châu thay thế cha Dụng, cha Dụng về Mằng Lăng. Năm1911 cha Huấn đổi đi Tịnh Sơn, cha Phaolô Nguyễn Đình Ban (Bang) đến Hoa Châu thay thế cha Huấn. Một năm sau cha Phanxicô Xaviê Tuyên được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Lalanne ở tại Hoa Vông. Đầu năm 1914 cha Bang được bổ nhiệm đi Kontum, cha Tuyên từ Hoa Vông đến ở tại Hoa Châu.
           Từ ngày 18 tháng 02 đến 16 tháng 04 năm 1914 Đức cha Jeanningros Vị thăm viếng mục vụ và ban Bí tích Thêm sức tại Phú Yên. Trong cuộc thăm viếng nầy, Đức cha đã đến Hoa Châu và ban Bí tích Thêm sức vào ngày Chúa nhật 22 tháng 03 năm 1914. Đây là sự kiện trọng đại đối với Hoa Châu, lần đầu tiên đón tiếp vị chủ chăn, đánh dấu bước trưởng thành của cộng đoàn tín hữu Hoa Châu. Tháng 10 năm 1916 cha Phanxicô Xaviê Tuyên đổi đi Trà Kiệu, Hoa Châu được cha Phaolô Trần Huấn ở Tịnh Sơn đến chăm sóc mục vụ .
2. Thành lập địa sở
         Năm 1927 cha Tôma Triều được bổ nhiệm làm cha sở đầu tiên của Hoa Châu, sự kiện nầy là bước ngoặc trưởng thành của cộng đoàn Hoa Châu, cùng hiện diện họp mặt lần đầu tiên với các địa sở trong bảng thống kê của Giáo phận năm 1926-1927, riêng Phú Yên có: Mằng Lăng 1.276 giáo dân, Hoa Vông 636, Đồng Tre 351, Trà Kê 496, Tịnh Sơn 354, Hoa Châu 238, Sông Cầu 197.[6]
          Năm 1955, cha Phêrô Lê Đức Châu được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Châu. Giữa năm 1955, cha Augustinô Thái Văn Bài và cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Minh từ Giáo phận Vinh dẫn đưa một số giáo dân đến lập nghiệp trên vùng đất thuộc địa sở Hoa Châu, nơi lập nghiệp nầy được gọi là Tân Lập.
        Sau khi cha Châu đi Quảng
Nam năm 1959 thì Tân Lập nhập với Hoa Châu và lấy tên là Hoa Châu-Tân Lập do cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Minh chăm sóc mục vụ. Cha Bài về Đà Nẵng dưỡng bệnh từ tháng 12 năm 1958 và qua đời lúc 12 giờ 50 ngày 02 tháng 09 năm 1960 tại Đà Nẵng.[7]
          Năm 1965, do chiến tranh, cha Minh đưa dân di tản vào Cam Ranh, lập xứ Hoà Yên, Giáo phận Nha Trang. Hoa Châu trở thành hoang phế đến năm 1975.
          Tháng 04 năm 1975, chiến tranh vừa kết thúc, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các bổ nhiệm cha Phanxicô Xaviê Trần Hòa làm quản xứ Hoa Châu. Lúc bấy giờ tại Hoa Châu chỉ có 90 giáo dân với nhà thờ, nhà xứ hoang phế đổ nát. Cha Hòa ở tại thị trấn Phú Lâm, cách Hoa Châu khảng 21 km.
 Trước năm 1975, Phú Lâm là một giáo điểm truyền giáo của giáo xứ Đông Mỹ. Cha Hòa làm cha sở Đông Mỹ từ năm 1965-1975. Vì cơ sở tại Hoa Châu đang đổ nát, nên khi được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Châu, cha chọn Phú Lâm làm cư sở của cha. Kể từ đây Phú Lâm trở thành họ nhánh của giáo xứ Hoa Châu.
         Cha dùng chiếc xe đạp mini làm phương tiện lên xuống Hoa Châu – Phú Lâm hằng ngày, sáng đi chiều về như một vận động viên. Như một nông dân cần cù, cha làm cho những đám cây dại dần dần trở thành đám chuối, những đám cỏ lau dần dần trở thành những vồng khoai lang khoai mì. Những gạch ngói được tháo dỡ từ 3 phòng học ở Phú Lâm, dần dần được đưa lên Hoa Châu. Cha dùng gạch ngói này để tu sửa lại ngôi trường cũ ở Hoa Châu dài 12m rộng 8m, một nửa làm nhà nguyện, một nửa làm phòng ở và sinh hoạt giáo xứ. Trước đó nhà xứ Hoa Châu đã được tu sửa và giao cho các nữ tu Dòng Thánh Phaolo Đà Nẵng dùng làm nhà ở của cộng đoàn.
         Vì nhu cầu giáo dân ngày càng đông, năm 1989 cha xây thêm một dãy nhà nối tiếp ngôi trường cũ, dài 11m làm phòng ở, phòng sinh hoạt giáo xứ, phần 12m x 8m đã tu sửa trước đó được dùng làm nhà nguyện.
Năm 1996, cha khởi công xây dựng nhà thờ Hoa Châu và hoàn thành ngôi nhà thờ khang trang với sự cộng tác nô nức của bà con giáo dân, khánh thành ngày 05 tháng 08 năm 1997.
Thuở đầu, nhà thờ Hoa Châu được làm tạm thời bằng mái tranh vách đất tại soi Thạch Bàn, bên bờ Nam sông Ba, cách phía sau ngôi nhà thờ hôm nay khoảng hơn 1km. Theo lời viết của ông Simon Trần Nhơn trong tộc phả họ Trần ở Tuy Hoà, thời cha Phaolô Trần Huấn ở Hoa Châu, nhà thờ và nhà vuông đã được cha lợp ngói, nhà thờ họ đạo Đồng Lân và Lạc Chỉ còn mái tranh. Khi cha Tư làm quản xứ, ngài sửa lại ngôi nhà thờ nầy. Dòng nước sông dần dần xâm thực soi Thạch Bàn, dân cư phải di dời vào phía trong, nhà thờ cũng không tồn tại với dòng nước.
Cha Phêrô Lê Đức Châu xây dựng nhà thờ mới bằng vật liệu rắn chắc, gạch ngói tại vị trí hôm nay, nhà thờ nầy hoàn thành năm 1956. Trong thời chiến tranh 1965-1975, nhà thờ  bị bom đánh sập chỉ còn lại mặt tiền và tháp chuông. Mặt tiền và tháp chuông của nhà nhà thờ cũ được cha Hòa giữ lại và được kết cấu liên kết với nhà thờ mới hôm nay. Sau thời gian ổn định cư sở tại Hoa Châu, cha Hoà xây dựng tượng đài Đức Mẹ La Vang  trước sân nhà thờ.
       Tháng 04 năm 1979, khoảng gần 200 giáo dân từ Nha Trang theo đoàn dân đến vùng kinh tế mới Sơn Giang. Năm 1989, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các giao cho cha Hoà phụ trách số bà con giáo dân trên vùng đất nầy. Kể từ đây, Sơn Giang là một giáo họ thuộc giáo xứ Hoa Châu.
        Sau khi ổn định các cơ sở tại Hoa Châu, cha Hòa thường xuyên ở tại Hoa Châu. Tháng 10 năm 2001 giáo họ Phú Lâm được trao lại cho giáo xứ Đông Mỹ.
        Sau 33 năm phục vụ tại giáo xứ Hoa Châu, cha Phanxicô Xaviê Trần Hòa đã mòn sức. Thêm vào đó, hôm 20 tháng 10 năm 2007, cha bị tai nạn xe trên đường từ Tuy Hòa về Hoa Châu, sức khỏe của cha xuống hẳn. Cha xin được nghỉ hưu.
Ngày 20 tháng 02 năm 2008, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm cha Phêrô Võ Hồng Sinh làm cha sở Hoa Châu. Ngoài công việc mục vụ, cha Sinh cho tu sửa và kiến thiết một vài cơ sở vật chất của giáo xứ như cung thánh nhà thờ Hoa Châu, tháp chuông nhà thờ Sơn Giang. Ngày 20 tháng 02 năm 2012 nhà giáo lý được khởi công xây dựng để thay cho nhà giáo lý cũ đã xuống cấp và không đủ đáp ứng nhu cầu. Ngày 20 tháng 04 năm 2012, nhà giáo lý được khánh thành.
       Ngày 27 tháng 05 năm 2013, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đến Hoa Châu dâng thánh lễ, bổ nhiệm cha Philipphê Phạm Cảnh Hiển làm cha sở Hoa Châu. Cha Phêrô Võ Hồng Sinh được bổ nhiệm làm cha sở Phú Thạnh.
       Cha Philipphê Phạm Cảnh Hiển tiếp tục công việc kiến thiết giáo xứ của các cha sở tiền nhiệm, cha xây dựng nhà xứ, bồi đắp chỉnh trang con đường từ quốc lộ 29 vào nhà thờ Hoa Châu. Ngày 20 tháng 06 năm 2014, giáo xứ Hoa Châu cùng một lúc đón nhận hai niềm vui : Khánh thành nhà xứ và Thánh lễ thêm sức cho 42 em.
Cuối năm 2017 giáo xứ Hoa Châu có 396 gia đình, 878 tín hữu.

3. Các cha sở và cha phó
- Các cha sở
1. Cha Tôma Triều (1927-1931).
2. Cha Giacôbê Nguyễn Đình Thuận (1931-1936).
3. Cha Augustinô Nguyễn Cao Thìn (1937-1943).

4. Cha Simon Tôn (1943 -1945 ).
5. Cha Phaolô Võ Hữu Tư (1946 -1952).
6. Cha Đôminicô Châu Phận (1953-1954).
7. Cha Phêrô Lê Đức Châu (1955-1959).
8. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Minh (1959-1965).
9. Cha Phanxicô Xaviê Trần Hòa (1975-2008).
10. Cha Phêrô Võ Hồng Sinh (2008-2013).
11. Cha Philipphê Phạm Cảnh Hiển (2013-…).
Cha phó
1. Cha Phêrô Võ Tá Toàn (2015-...).

III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ

 

STT

GIÁO HỌ, GIÁO KHU

ĐỊA CHỈ

NHÀ THỜ, N.NGUYỆN

TÌNH HÌNH GIÁO DÂN

BỔN MẠNG

NGÀY
BM

 

XÂY
DỰNG

HIỆN TRẠNG

GIA ĐÌNH

 GIÁO DÂN

1

HOA CHÂU

NT Hoa Châu, Hoà Phú, Tây Hòa, PY

1997

100%

396

878

Thánh Phêrô

29.06


IV. LINH MỤC, CHỦNG SINH XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ
1. Cha Anphongsô Hoàng Phú Khánh.
2. Thầy Phêrô Huỳnh Công Khánh, đại chủng sinh.

 

[1] Xem ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, II, sđd., tr. 191-193.

[2] Số đo theo ước tính của thời chưa có phương tiện như ngày nay.

[3] Xem QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam Nhất Thống Chí, Viện Sử Học, Tập 3, Nxb. Thuận Hóa, 2006, tr. 73-99.

[4] Xem TRẦN SĨ HUỆ, Phú Yên thời khẩn hoang lập làng, Nxb. Nông Nghiệp, Tp. HCM 2007, tr. 267-268.

[5] Nay thuộc xã Sơn Thành, huyện Tây Hòa.

[6] Xem Mémorial Mission de Quinhon, du mois d'Avril 1927, tr. 30 tt; du mois de Novembre 1927, tr. 124.

[7] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 18, tháng 7 - 10 năm 1960,  tr. 13.

 

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay13,368
  • Tháng hiện tại579,225
  • Tổng lượt truy cập28,894,594

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây