Đức cha Grangeon Mẫn và nghiên cứu về người Chăm

Thứ bảy - 09/07/2022 20:00
 
Grangeon
 

ĐỨC CHA GRANGEON MẪN VÀ NGHIÊN CỨU VỀ NGƯỜI CHĂM
 

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Cha Damien Grangeon (1857-1933), tên Việt là Mẫn, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1857, địa phận Clermont, Puy De Dome. Ngài gia nhập hội MEP ngày 9 tháng 9 năm 1881. Thụ phong linh mục ngày 18 tháng 2 năm 1883, và nhận bài sai đi Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) ngày 29 tháng 6 năm 1883. Ngày 21 tháng 3 năm 1902, cha Grangeon được bổ nhiệm làm giám mục hiệu tòa Utine, Đại diện Tông tòa Đông Đàng Trong, được tấn phong ngày 17 tháng 8 năm 1902 tại Làng Sông. Hầu như mù lòa vào lúc cuối đời, ngài nghỉ hưu tại Tập viện Dòng anh em hèn mọn Thánh Giuse, Kim Châu (Bình Định), và qua đời tại đây lúc 9g30 sáng ngày 21 tháng 11 năm 1933.

Khi đến Việt Nam, dựa vào những nghiên cứu có sẵn, ngài đã có nhận xét của riêng mình về dân tộc Chăm.[1] Công trình này có vị trí đáng chú ý bên cạnh nhiều chuyên khảo dân tộc học khác cùng thời. Bài do cha Grangeon viết dựa theo những quan sát và ghi chép cá nhân, theo các ghi chú của thừa sai Archimbaud[2] ở Bình Thuận, còn những điều liên quan đến lịch sử cũng như những ý niệm học thuật thông thái khác thì dựa vào tập sách của ông Aymonier, cựu công chức ở và Giám đốc Trường thuộc địa: Les Tchames et leur religion.

Về bài viết của cha Grangeon, tạp chí Revue des questions scientifiques, tập 41-42, của Hội khoa học Bruxelles (Société scientifique de Bruxelles), 1897, tr. 683-684, đã có lời giới thiệu sau đây:  

Người Chăm chiếm phần đất phía Nam Trung kỳ, tỉnh Bình Thuận; họ là những người sống sót cuối cùng, ở thời điểm gần như biến mất, của vương quốc nổi tiếng Chămpa (Tchampa). Nhờ vào các công trình nghiên cứu của Aymonier (Les Tchames et leur religion), của Abel Bergaigne (Journal des Savants, septembre 1885), của Barth và Senart (Les Inscriptions du Cambodge), dân tộc này được các nhà dân tộc học Âu châu biết đến nhiều. Tuy nhiên cũng còn phải nói đến nghiên cứu khá thú vị của thừa sai Damien Grangeon, thừa sai Đông Đàng Trong, dành riêng cho dân tộc Chăm ở Trung kỳ.

Dân tộc này có nguồn gốc từ Ấn Độ, hiện nay chỉ còn khoảng 30.000 người sống phân tán giữa những người Việt trong 80 làng và 7 tổng, đã từng có thời huy hoàng từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên cho đến năm 1822, thời điểm vương quốc Chămpa sụp đổ. Thừa sai Grangeon phác lại những nét chính trong lịch sử dân tộc này theo các văn khắc và truyền thống. Đoạn ngài mô tả các đền đài, những chứng nhân câm lặng nhưng thuyết phục về một nền văn minh đã mất của người Chăm. Từ đó, thừa sai Grangeon chuyển sang các phong tục tập quán. Nơi dân tộc này, ngài lưu ý đến chế độ mẫu hệ, mọi quyền dân sự đều được chuyển giao qua các phụ nữ. Chính các cô gái mới là người hỏi cưới. Chế độ đa thê phổ biến song phải có sự đồng ý của người vợ đầu. Người Chăm có kỹ nghệ chính là đóng xe bò; đàn bà dệt thổ cẩm, khổ ngang khá lớn, ngoài ra còn có những tấm khăn choàng lụa sặc sỡ, thêu và viền tua bằng vàng. Lương thực chính gồm có gạo.

Về tôn giáo, người Chàm phân làm hai: một bên là ngoại giáo, một bên là Hồi giáo hay Banis, nghĩa là con của Nhà Tiên Tri. Có khoảng 20.000 người ngoại giáo và 10.000 người Hồi giáo. Và ta cũng có thể hiểu được rằng ngay cả người Hồi giáo thì cũng giữ nhiều phong tục ngoại giáo. Thật không dễ gì xác định được bản chất ngẫu tượng giáo (paganisme) của người Chăm. Họ làm biến dạng Ấn giáo mà họ lãnh nhận từ tổ tiên mình. Cha Grangeon ghi chép những chi tiết kỳ lạ về thờ cúng nhất là những nghi lễ thông dụng như gieo hạt và gặt lúa.

Nghi thức an táng tùy vào sự đa dạng tôn giáo của người Chăm. Nơi những người Banis hay Hồi giáo, xác được chôn trong hố tạm, không quan tài. Một hoặc hai năm sau khi chôn, người ta lấy cốt bỏ trong quan tài nhỏ và đem đến nghĩa địa chung. Người Chăm ngoại giáo hỏa thiêu xác chết, tro được đựng trong những bình di cốt bằng đồng. Vào thời hưng thịnh của vương quốc Chămpa, những bình di cốt này bằng vàng hay bạc. Bước vào tuổi 60, mọi người Chăm khá giả đều sắm sẵn cho mình bình cốt này hay còn gọi là Kloug, cũng như người Hoa và người Việt mua trước quan tài cho mình. Sau khi chết, những bình di cốt đầy tro này, lúc này được gọi là kout, được đặt trong ngôi mộ của gia đình. Hai lần mỗi năm, người ta đến dâng lễ vật cho vong hồn của tổ tiên.

Người Chăm rất thích kịch nghệ. Nó không giống gì với kịch cổ điển của chúng ta. Sân khấu chỉ có hai nhân vật, người thầy cúng và người phụ tá. Kịch bản cũng không dồi dào mấy và chủ đề thì luôn có câu thần chú hay xua đuổi tà ma.

 
image nguoi cham phan rang xua qua anh nhin tu nhung buc anh cu 165033459061582
 
Thiếu nữ Chăm đầu thế kỷ XX
 
 
[1] Từ năm 1979, Chăm là tên gọi chính thức được quy định để gọi tên dân tộc Cham. Các tên gọi khác trước đây là Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời…. Theo số liệu điều tra năm 2019, người Chăm hiện có 178.948 người tại Việt Nam.
[2] Cha Vincent Archimbaud (1860 – 1919), tên Việt là Đức, thụ phong linh mục ngày 20 tháng 12 năm 1884 và phục vụ tại địa phận gốc của mình (Puy de Dôme) trước khi gia nhập hội MEP. Được sai đi Đông Đàng Trong, ngài làm việc tại Bình Thuận năm 1896, trong một địa sở trải dài 180 km với hai cha phó người Việt. Ngài thường xuyên đi đây đó để cải đạo các linh hồn, thành lập các làng mạc và xây dựng nhiều nhà thờ, đặc biệt là nhà thờ Phan Thiết.
 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay15,810
  • Tháng hiện tại581,667
  • Tổng lượt truy cập28,897,036

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây