Thư năm 1848 của Đức cha Cuenot Thể viết từ Bình Định

Thứ tư - 10/08/2022 19:24
Annales de la propagation 20


 
 

Thư của Đức cha Cuenot, Đại diện Tông tòa Đông Đàng Trong (Qui Nhơn)
gởi cho giám đốc Chủng Viện Thừa sai Hải ngoại (MEP)
 
(Annales de la propagation de la foi, t. 20, Lyon, 1848, tr. 309-312)
 
 
Bình Định, ngày 27 tháng 1 năm 1848

Quý cha và quý anh em thân mến!

Vua Thiệu Trị đã không còn nữa; ông đã mất vào ngày 4 tháng 11 vừa rồi. Cái chết của ông có kết quả đầu tiên là cuộc bách hại tạm dừng lại. Trước khi qua đời, ông đã chỉ định người con thứ hai nối ngôi mình. Vị hoàng tử này chỉ 18 tuổi; nhưng mọi người đều tán thành rằng đây là đứa con giỏi và có khả năng nhất trong số các con trai của vua Thiệu Trị; người ta nói nhiều nhất về tính hòa hoãn của ông. Ông lên ngôi ngày 10 tháng 11 mà không gặp sự phản kháng nào và lấy hiệu Tự Đức. Để đánh dấu ngày lên ngôi, ông miễn thuế trong một năm và ban ân xá chung, vì thế những người bị lưu đày được trở về, người bị án tử được cải án thành biệt xứ. Giáo dân cũng được hưởng ân xá như bao người khác. Các tân tòng Đàng Ngoài bị lưu đày ở Đàng Trong cũng đã về với gia đình mình từ lâu, và từng ngày tôi chờ đợi sự trở về của giáo dân chúng tôi, hoặc bị đày ra Đàng Ngoài hoặc vào vùng hạ Đàng Trong. Trong các ngục tù ở Huế và Quảng Nam, chúng tôi còn có sáu giáo dân được tạm hoãn án tử, có lẽ họ cũng sẽ được trở về với gia đình.  

Vị tân vương có ban tự do cho đạo thánh của chúng ta không? Tất cả các giáo dân đều trông chờ vào điều đó; nhiều lương dân cũng nói thế. Nhưng đối với tôi, tôi không dám hy vọng điều đó. Vua Tự Đức còn quá trẻ để tự điều hành đất nước, chính bốn vị đại quan mà vua Thiệu Trị đã chỉ định làm giám hộ cho vua, chính họ điều hành nhân danh nhà vua. Thế nhưng người đầu tiên và có ảnh hưởng nhất trong bốn vị này là bạn cũ và cũng là quan của vua Minh Mạng, và trong suốt triều đại cuối cùng, ông luôn tỏ ra nhiệt tình bảo vệ các chỉ dụ của nhà vua độc tài này. Vì thế, ông sẽ không ban tự do tôn giáo nếu không bị buộc phải làm thế. Nhưng họ sẽ không bách hại ngay đâu, vì sự bối rối của triều đại còn mới mẻ, sự trẻ tuổi của nhà vua, việc ông lên ngôi gây tổn thương cho người con cả, ...

Vài lời ngắn gọn về cơn khủng hoảng cuối cùng mà chúng tôi vừa mới trải qua. Nó không đủ dài để có những sự kiện đáng chú ý. Song trong số các giáo dân nổi bật, người ta nói nhiều đến một vị phó lãnh binh ở Quảng Ngãi, đã từ chức khi tuyên bố rằng thà bỏ cấp bậc của mình còn hơn là bỏ đạo. Hai người lính ở Phú Yên, sau khi bị tra tấn dã man và bị lôi qua thánh giá, đã tuyên xưng sự gắn bó bất khả xâm phạm của mình với Tin Mừng trước mặt các quan. Sự hăng say này xứng đáng với những vị tử đạo quảng đại nhất. Nhưng nếu cơn bách hại cuối cùng này có ít nạn nhân thì trái lại nó kiếm được rất nhiều tiền bạc, bởi vì các quan chỉ muốn túi tiền của các tân tòng hơn là đức tin của họ[1]

Xin được kết hiệp lời cầu nguyện và lễ hy tế với các cha.

Người tôi tớ khiêm tốn của các cha

Étienne Théodore
Giám mục Métellopolis và Đại diện Tông tòa Đông Đàng Trong
 
[1] Trong thư ngày 25 tháng 4 năm 1845, Đức cha Cuenot viết: “Nếu tình trạng chung của địa phận được cải thiện, thì các sự kiện cho thấy rằng cuộc bách hại vẫn chưa chấm dứt. Cha Chamaison  ở Đàng Trong và cha Titaud ở Đàng Ngoài vừa mới bị bắt: người đầu tiên bị giam tù ở kinh đô; người thứ hai được thả ra với giá mười sáu nén bạc (một nén bạc trị giá 80 fr). Chính Đức cha Lefebvre đưa tin này. Từ khi được thả ra, vị giám mục này ở Pulo-Pinang, nơi ngài chờ dịp thuận tiện để đi vào Đàng Trong”. Thời vua Thiệu Trị (1840-1847) có  2 sắc lệnh cấm đạo và thời vua Tự Đức (1847-1883) có đến 13 sắc lệnh.
Cha Jean Chamaison (1813 – 1880), tên Việt là Doãn, nhận bài sai đi Đàng Trong (Qui Nhơn) ngày 15 tháng 1 năm 1840. Chuyến đi đến địa phận thật khó khăn vì bách hại. Sau khi đến và trình diện giám mục của mình là Đức cha Cuenot, ngài đi Quảng Nam. Năm 1844, khi chia địa phận, ngài thuộc về địa phận Tây Đàng Trong (Sàigòn). Năm 1847 ngài nhận chức giám đốc Chủng viện MEP.

Cha Jean Titaud (1815 – 1860) nhận bài sai đi Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) ngày 14 tháng 12 năm 1842, làm việc ở Kẻ Non năm 1844, bị bắt ở Phùng Quang năm 1845 và được thả tự do với giá 16 nén bạc (khoảng 1.280 fr). Dù nguy hiểm song ngài vẫn điều hành một nhà in chữ Nôm và một địa sở. Năm 1857, ngài được bổ nhiệm làm quyền đại diện. (Chú thích của người dịch)

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay10,685
  • Tháng hiện tại576,542
  • Tổng lượt truy cập28,891,911

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây