Mùa Chay mời gọi sống khổ chế, hy sinh

Thứ sáu - 08/03/2019 22:53

MÙA CHAY mời gọi
Sống KHỔ CHẾ, HY SINH


 



Mở đầu mùa chay, Giáo Hội cầu nguyện: “Lạy Chúa, hôm nay chúng con ăn chay hãm mình để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần.” [1]

Lời nguyện thật tuyệt vời cho con người trong thế giới hôm nay, một xã hội tiến bộ vượt bậc về mọi phương diện sống, khiến nó len lỏi vào tâm thức và cuộc sống của nhiều người Kitô hữu và cả những người chọn đời sống tu trì thánh hiến. Để rồi đời sống tâm linh, tôn thờ Thiên Chúa dường như trở thành thứ yếu trong đời sống và những chọn lựa của mình, lại còn e dè trong sử dụng từ ngữ “khắc khổ hy sinh” chứ chưa nói đến thực hành.

Cả đến người sống đời thánh hiến, những tâm hồn theo sát Đức Kitô hơn trong lý tưởng của mình. Họ sống cho Thiên Chúa nhưng muốn chọn sự dễ dãi của một nếp sống hưởng thụ, an nhàn và ích kỷ. Con người hôm nay “cắm đầu hưởng thụ”. Cách diễn đạt này không phải là để phê bình, nhưng muốn nói lên một nền văn hoá mới đang phát triển và phổ biến: văn hoá hưởng thụ. Nền văn hoá này đang len lõi vào tận tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống và như cha Hồng Giáo nhận định là “vào tận bên trong những đan viện kín cổng cao tường nhất”. [2]

Càng đề cao hưởng thụ, người ta càng sợ khổ chế hy sinh.
Người Kitô hữu sống đời tu hay đời thường vẫn đang sống và lớn lên, trưởng thành trong một bầu không khí không mấy “trong lành” chung của xã hội như thế,
Vậy mà mỗi người được mời gọi “ Phát huy tinh thần khổ chế, hy sinh để đồng hóa với Đức Giêsu trong mầu nhiệm khổ nạn” [3]

Phải chăng, người nữ tu Mến Thánh Giá cũng đang đứng trước những chọn lựa để tiến xa hơn trong sự thánh thiêng của sự từ bỏ, khắc khổ, hy sinh và sự hấp dẫn ngọt ngào của dễ dãi và hưởng thụ. Khi đối diện với những cám dỗ phải chọn lựa này, bản thân mỗi người phải chiến đấu với nội tâm và khó khăn trong việc nhận định sự thánh thiện và tục hóa. Nhiều cám dỗ trá hình mà người nữ tu không còn nhạy bén với con đường  “linh đạo” mình đang đi .

Phải chăng, “đây là lúc thuận tiện” để mỗi người trở về với  “bản chất” và “đặc sủng” đời tu của mình?
Sự tăng trưởng của vật chất có làm chúng ta bị lệch hướng cho những chọn lựa của mình trong đời sống tinh thần và vật chất mà Đức Thánh Cha Phaolô VI  đã cảnh báo trong tông huấn loan báo Tin Mừng “Một đặc điểm của nền văn minh thế giới hôm nay là hướng về sự tăng trưởng vật chất một cách hầu như bất tận. Nếu tu sĩ để mặc cho mình lôi cuốn vô độ vào sự tìm kiếm những tiện nghi, nếu tự cho mình tất cả những gì người ta mời mọc, không phân biệt, không điều độ lại còn lấy thế làm bình thường, thì còn đâu là chứng tá? Trong lúc nhiều người càng ngày càng bị đe dọa bởi nguy cơ sa lầy trong sự quyến rũ và sự bảo đảm của sở hữu, của kiến thức, của quyền lực thì tiếng gọi của Thiên Chúa đặt tu sĩ chúng con vào cao điểm của một lương tâm Kitô giáo: đó là nhắc lại cho mọi người biết rằng sự phát triển chân thật và đầy đủ của họ là đáp lại ơn gọi được tham gia vào sự sống của Thiên Chúa như những người con thảo” [4]

Sống tình con thảo với Thiên Chúa theo gương Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, chúng ta cùng với Ngài bước vào con đường khổ nạn với bốn mươi ngày chay tịnh, Ngài đã trở nên gương mẫu cho chúng ta trong việc khổ chế hy sinh để đạt đến sự trọn lành.“Con đường tiến đến hoàn thiện phải ngang qua Thập Gía. Không thể nào đạt đến sự hoàn thiện nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ trên đường thiêng liêng đòi phải có khổ chế và hãm mình, từng bước giúp người tín hữu sống bình an và hoan lạc của các mối phúc thật” [5].

“Đây là lúc thuận tiện”
Chúng ta những tu sĩ, nữ tu Mến Thánh Giá cách riêng chúng ta được “tiếng gọi của Thiên Chúa đặt mình vào cao điểm của lương tâm Kitô giáo” “thuộc về Đức Kitô” cuộc sống của chúng ta phải là lời nhắc nhở cho mọi người về cách sống tình con thảo với Cha trên trời trong mọi bình diện của đời sống? Linh đạo của chúng ta tập trung vào mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô qua ba chiều kích : Chiêm Niệm, khổ chế và tông đồ. Chúng ta cùng thực hiện khổ chế trong chiêm niệm thâm sâu và ý hướng tông đồ cụ thể để cùng với mọi người:

Khổ chế hy sinh với đôi mắt : Luôn có cái nhìn yêu thương, quan tâm, nhạy bén để mang niềm vui cho người khác.

Khổ chế hy sinh với đôi tai: Nghe để chia sẻ, khích lệ, cảm thông, khen tặng chân thành. Bỏ ngoài tai những điều cám dỗ nói hành nói xấu, gây chia rẻ, nói không đúng sự thật mang hiểu lầm, thù oán.

Khổ chế hy sinh với miệng lưỡi : Nói lời chân thành, ngọt ngào dễ nghe. Luôn mỉm cười “Chúng ta hãy luôn gặp nhau với nụ cười, bởi nụ cười là điểm bắt đầu của yêu thương”( Mẹ Tê-rê-xa).

Khổ chế hy sinh với đôi tay: Dùng đôi tay để làm việc chứ không ươn lười, biếng nhác, “lánh nặng tìm nhẹ”; Dựng xây, kiến tạo chứ không phá đổ, loại trừ.

Khổ chế hy sinh với đôi chân luôn sẵn sàng “đi ra” gieo yêu thương, tha thứ, hòa bình, công lý.

Khổ chế hy sinh với đôi vai biết chịu trách nhiệm và chia sẻ gánh nặng “chung lưng, đấu cật” trong mọi hoàn cảnh của gia đình hay cộng đoàn.

Khổ chế hy sinh với trí óc sáng suốt để phân biệt phải trái, dùng lý trí, ý chí để trung tín, thủy chung và chiến thắng những tình cảm ủy mị, yếu mềm, dựa dẫm.

Khổ chế hy sinh với trái tim “Thịt mềm” dám loại trừ dững dưng vô cảm, chỉ biết sống yêu thương, quảng đại, nhẫn nại và tha thứ.

Như thế, chúng ta đang “ lội ngược dòng” khi dòng sông cuộc đời hiện tại nổi trôi thế tục , để giữ gìn gia sản “căn tính” của mình và làm trổ sinh hoa trái đức tin, đức ái trong sứ mạng tông đồ : đồng hành và nguyện cầu cho các gia đình đang gặp khó khăn bởi họ đã không chọn Chúa, không chọn sự khổ chế hy sinh cho nhau trong cuộc sống chung, nó đã trở thành nguyên nhân làm cho gia đình họ phải gặp thử thách khó khăn, đổ vỡ, ly tán.

Chúng ta cùng đi bước trước trong thực hành khổ chế, hy sinh để cầu nguyện và lôi kéo các gia đình, giúp họ biết qui hướng về Thiên Chúa, trong cầu nguyện, yêu thương, vui tươi trên đường nên thánh với nhiệt tâm trong sứ mạng Chúa trao cho mỗi người. Chúng ta sống và giúp cho người khác hiểu rằng : Những hy sinh khổ chế của chúng ta tuy “vô danh” nhưng rất thiết thực và bổ ích cho việc chúng ta tập luyện để nên giống Chúa Kitô hơn. Khi đã có Chúa và tập sống giống Chúa, đời sống chung trong các gia đình hay cộng đoàn tu trì luôn đạt tới sự “thánh thiện đích thực”.
Lạy Chúa, xin ban ơn giúp sức cho chúng con. Amen


[1] Sách lễ Roma, lời nguyện nhập lễ thứ 4 lễ tro.
[2].Lm Nguyễn Hồng Giáo, Chúa gọi tôi đi theo Người, học viện Phanxico, năm 2006, p. 232
[3]  Cl 1,24, 2Cr 5,14-15, Ltk IV,8-9,12
[4].   Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 19
[5]. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo .Số 2015 

Tác giả bài viết: Nữ tu Anna Lê Bạch Tuyết (Dòng MTG Qui Nhơn)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập159
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay13,360
  • Tháng hiện tại233,754
  • Tổng lượt truy cập29,213,292

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây