Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 10 năm 2020

Thứ ba - 06/10/2020 04:55

CHĂM SÓC MỤC VỤ GIỚI TRẺ TRONG BA LÃNH VỰC ĐẶC THÙ:
HỌC ĐƯỜNG, CÔNG NHÂN VÀ DI DÂN

Lm. Gioakim Lê Hoàng Vương
Giáo hạt Tuy Hòa

Dẫn nhập
Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo Hội”. Vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề: “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Mục đích là để giúp người trẻ hướng tới sự trưởng thành trong hành trình đời sống. Thượng Hội đồng đã phân tích tình trạng già nua, cằn cỗi của giới trẻ của thế giới cũng như của Giáo Hội.

Ngay sau khi kết thúc Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus Vivit), gửi người trẻ và cộng đoàn dân Chúa. Trong đó ngài mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2,52)[1]. Sau đó “ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng taNgười là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.”

Hiệp hành cùng những thao thức ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam trong kỳ họp tháng 10/2019 đã quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm từ (2020 - 2022).

Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

Đồng hành là cùng bước đi với ai đó trên một lộ trình qua đó giúp họ nhận một ánh sáng xây dựng cuộc sống. Nói cách khác, đồng hành là một lộ trình mà trong đó người đồng hành phải nhập cuộc tích cực: Tiến bước - lắng nghe - chia sẻ.

Thánh Phaolô trong thư của mình gửi giáo đoàn Rôma, ngài nhắn nhủ giáo đoàn như sau: "Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.” (Rm 12,6-8). Chúng ta là một thân thể, một cộng đoàn trong Đức Kitô, và mục đích của chúng ta là tập họp các tín hữu qua chương trình quản lý chia sẻ thời gian, tài năng, và tài sản. Linh mục là người nhận lãnh ân huệ nhưng không của Thiên Chúa và trao ban đến mọi thành phần dân Chúa trong khả năng của mình. Vì thế, việc chăm sóc mục vụ nơi cộng đoàn giáo xứ là vấn đề cần thiết nhưng không thiếu những gian truân và thách đố cho người linh mục.

Với chủ đề được đưa ra thảo luận trong dịp tĩnh tâm tháng 10/2020 “Chăm sóc mục vụ giới trẻ cho: học đường, công nhân và di dân” người viết không có tham vọng cũng như không có khả năng chuyên môn, để tìm hiểu giải quyết mọi vấn của giới trẻ hôm nay. Trong khả năng đọc và tổng hợp từ nhiều tư liệu khác nhau xin được nêu lên một vài suy nghĩ riêng tư về chiều kích mục vụ giới trẻ cho: học đường, công nhân và di dân. Để hiểu được chiều kích mục vụ giới trẻ, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu sơ lược về cụm từ “Mục Vụ” và “giới trẻ”.

I. Khái niệm cụm từ: Mục vụ và giới trẻ.

  1. Mục vụ

Cụm từ "mục vụ", dịch từ "pastoralis" (pastoral), trở nên thịnh hành trong ngôn ngữ Giáo hội kể từ thập niên 60, nhất là với Đức Gioan 23 khi ngài muốn cho công đồng Vaticano II mang tính cách mục vụ. Thường thường, người ta hiểu mục vụ theo nghĩa là "cụ thể, thực tiễn"; đối lại với "lý thuyết, nguyên tắc trừu tượng". Thế nhưng, nếu muốn đặt vấn đề cho chính xác hơn, thì câu hỏi đầu tiên gợi lên là: Đây có phải là những nguyên tắc về hoạt động mục vụ không? hay nói khác: mục vụ có cần những nguyên tắc hay lý thuyết gì không? Những câu hỏi này lại càng trở nên cấp bách hơn. Ngày nay nhiều nơi, người ta dùng chiêu bài mục vụ để gạt bỏ hết những gì mà họ gọi là giáo điều, nguyên tắc. Theo họ, mục vụ đồng nghĩa với sáng tạo, kinh nghiệm; nếu muốn nói tới nguyên tắc hoạt động mục vụ, thì cùng lắm chỉ cần nại đến nguyên tắc duy nhất là Chúa Thánh Thần, Ngài thổi đâu tùy ý, Ngài nhóm lên lửa nhiệt thành cũng như sáng kiến cho những ai làm mục vụ.

Bởi vậy, để tránh tính cách mơ hồ và hàm hồ của tiếng mục vụ, chúng ta cần xác định ý nghĩa của từ ngữ đó, dựa theo sự giải thích của các vị Giáo hoàng kể từ Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. 

Trong diễn văn khai mạc công đồng, đức Gioan XXIII đã giải thích chiều hướng mục vụ mà Ngài muốn cho Công Đồng theo đuổi. Theo Ngài, Công Đồng sẽ không lặp lại các đạo lý cổ truyền, cũng như sẽ không tuyên bố thêm tín điều mới. Công Đồng sẽ chú trọng vào việc trình bày đạo lý cổ truyền với ngôn ngữ hợp với tâm thức của thời đại. Mặt khác, một từ khác cũng thường được lặp đi lặp lại trên các cửa miệng là "aggiornamento", (cập-nhật-hóa). Sự cập-nhật-hóa không chỉ giới hạn vào ngôn ngữ trình bày đạo lý, nhưng còn áp dụng cho toàn thể đời sống giáo hội, từ phụng vụ, cho đến kỷ luật, các cơ chế của Giáo hội[2]

Thế nhưng khi soạn thảo các văn kiện của công đồng, thì các Nghị phụ hiểu tiếng mục vụ mỗi người một cách. Một nhóm thì hiểu nó như là ngôn ngữ diễn tả đạo lý hợp với tâm thức thời đại. đối lại, một nhóm khác thì hiểu mục vụ là phận sự của Giám mục, người mục tử (tức là chủ chăn), và nhiệm vụ chính yếu là trình bày chân lý tinh tuyền, chứ không uốn nắn theo thị hiếu của người nghe. Chính vì có hai quan niệm khác nhau về mục vụ như vậy, nên có những lược đồ bị một bên chê là "thiếu tính cách mục vụ" thì được bên kia được xem là chính xác; và đối lại những lược đồ được khen là mục vụ thì lại bị bên kia bác là mông lung mơ hồ. Do đó, các nghị phụ chia làm hai nhóm khi bàn về tính cách mục vụ của Công Đồng Vaticano II: một số thì hiểu theo nghĩa là đáp ứng với thời đại; một số thì hiểu là chức vụ của người mục tử. 

Dù sao chúng ta đừng quan niệm hạn hẹp “mục vụ” như một thứ “dịch vụ” để chờ người ta tìm đến, xin Giáo hội cung ứng và trao ban. Mục vụ ở đây chính là sự ra đi, tìm kiếm và gặp gỡ để cùng bước đi với con người trên cuộc hành trình lâu dài trong nhẫn nại, kiên trì. Mục vụ cũng không có tham vọng đem lại những giải đáp tức thời cho nhiều vấn đề. Nhưng thực ra, tìm cách cung ứng những giải đáp mục vụ và đồng hành với họ bằng tình thương của Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Điều quan trọng là cần phải nhận thức rằng Đức Giêsu là một người trẻ. Người đã hiến dâng mạng sống mình khi Người là, theo ngôn ngữ của thời đại hôm nay, người trưởng thành trẻ”[3]. Là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Giêsu Kitô, Đấng Trẻ Trung Muôn Đời, Giáo hội luôn là Giáo hội trẻ và là Bạn của các bạn trẻ. Giáo hội ý thức rằng việc đồng hành và mục vụ giới trẻ cách hữu hiệu sẽ giúp họ ngày càng trưởng thành hơn về mọi mặt, hầu đóng góp phần mình trong việc diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo hội giữa dòng đời.

  1. Giới trẻ

Theo từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia cho biết “Tuổi trẻ là thời gian của cuộc sống khi một người còn trẻ, và thường có nghĩa là thời gian giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Trong khi đó Liên Hợp Quốc định nghĩa tuổi trẻ (thanh niên) là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 với tất cả các số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc dựa trên phạm vi này. Liên Hợp Quốc cũng công nhận rằng điều này thay đổi mà không ảnh hưởng đến các nhóm tuổi khác được liệt kê bởi các quốc gia thành viên là18-30 tuổi. Một sự khác biệt hữu ích trong chính Liên Hợp Quốc có thể được tạo ra giữa thanh thiếu niên (tức là những người trong độ tuổi từ 13 đến 19) và thanh niên (những người trong độ tuổi từ 18 đến 32)

Trong Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2018, “giới trẻ” là những người thuộc nhóm tuổi từ 16 đến 29. Cho nên, không có một định nghĩa phổ quát hay mang tính chất toàn cầu cho việc định nghĩa về giới trẻ, hay còn gọi là “tuổi trẻ”, “người trẻ”, “thanh niên”. Định nghĩa và quy định độ tuổi của giới trẻ sẽ tùy thuộc vào mỗi vùng miền, quốc gia dựa theo văn hóa và truyền thống của họ.

Có thể nói giới trẻ là những người ở trong giai đoạn từ lúc dậy thì cho đến tuổi trưởng thành, họ muốn sống độc lập, xây dựng các mối quan hệ, tạo một chỗ đứng trong xã hội, và khẳng định cái tôi của mình. Đây là giai đoạn phát triển về thể lý, tâm lý, trí tuệ, khả năng tư duy, sáng tạo và khám phá những cái mới. Đây cũng là gia đoạn gặp nhiều khó khăn và khủng hoảng. Sự thay đổi về thể lý, tâm lý và tình cảm khiến họ dễ rơi vào bối rối, nghi ngờ, và mơ hồ. Sự giằng co trong giai đoạn này khiến người trẻ dễ rơi vào sự khủng hoảng tâm lý.

Người trẻ hôm nay được thừa hưởng sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên Công nghệ hiện đại cũng trở thành công cụ cám dỗ tinh vi đối với người trẻ. Họ bị lôi cuốn vào thế giới kỹ thuật số với các trào lưu và lối sống ảo. Internet là nơi nối kết, nhưng cũng là nơi làm cho người ta ra xa nhau nhất. Mỗi ngày người trẻ bỏ ra hàng giờ để lướt facebook, chơi game, trong khi đó họ lại không có giờ để gặp gỡ gia đình, bạn bè và cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định, “Việc chìm đắm trong thế giới ảo dễ dàng đưa tới một kiểu “di cư kỹ thuật số”, nghĩa là xa rời gia đình cũng như các giá trị văn hoá và tôn giáo. Thái độ này đẩy nhiều người vào một thế giới cô đơn và tự dò dẫm, đến mức họ cảm thấy mất gốc mặc dù trong thực tế họ vẫn ở chỗ đó”[4]. Đồng thời lối sống ảo cũng làm cho người trẻ dễ bị mất phương hướng và rơi vào trạng thái nghi ngờ căn tính của mình; các giá trị đức tin, văn hóa truyền thống, đạo đức và luân lý cũng bị giảm sút nơi người trẻ. Tư tưởng hiện đại, phóng khoáng và thuyết tương đối tạo nên lối sống dễ dãi và thích hưởng thụ. Sống thử trước hôn nhân, phá thai, các loại nghiện ngập (ma túy, Internet game, cờ bạc) đang trở thành vấn nạn trong xã hội ngày nay[5].  Trong bối cảnh này, Giáo Hội cần quan tâm đặc biệt đến người trẻ, bảo vệ cuộc sống và nhân phẩm của họ bằng những chương trình mục vụ cụ thể.

Sau khi tìm hiểu sơ lược về cụm từ “mục vụ” theo Thánh Công Đồng và cụm từ “giới trẻ” và độ tuổi được gọi là “trẻ”. Thiết nghĩ chúng ta hướng đến nhãn quan sơ lược thực hành mục  trong vụ giới trẻ qua ba nhóm: học đường, công nhân và di dân.

II. Định hướng mục vụ giới trẻ.

  1. Môi trường học đường.

Văn hoá học đường là một môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách, tri thức và ý hướng ngay lành cho con người. Thế hệ trẻ là hiện tại và tương lai của xã hội và giáo hội. Môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người có phẩm chất đạo đức theo truyền thống của một dân tộc Á Đông như: Với bản thân Cần – Kiệm – Liêm – Chính – Dũng. Với tha nhân: Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín và Tứ đức: Công – Dung – Ngôn – Hạnh.

Theo sự nhận định của nhà tư vấn tâm lý Phạm Thị Thuý cho rằng: “Văn hoá ứng xử học đường Việt Nam đã ở vào cấp độ báo động đỏ. Quá nhiều hành vi thiếu văn hoá của cả học sinh và giáo viên. Văn hoá học đường đang xuống cấp nghiêm trọng, là sự xuống cấp đáng sợ nhất của một nền giáo dục. Hiện có rất nhiều người đồng tình với ý kiến này khi cho rằng văn hoá ứng xử học đường đang bị xem nhẹ. Nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống cho học sinh[6].

Môi trường gia đình là trường học đầu tiên để các em ý thức. Trong tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo của Công Đồng Vaticanô II viết: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” (Gravissimum Educationis (GE), số 3).

Theo Tông Huấn Familiaris Consortio (FC) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì quyền lợi và nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ là điều thiết yếu, vì việc giáo dục liên quan đến việc truyền sinh; vai trò này là vai trò căn bản và chính yếu so với vai trò của những người khác, bởi vì sự liên hệ độc nhất và yêu thương giữa cha mẹ và con cái; không ai có thể thay thế được và chuyển nhượng được, như thế không ai có thể hoàn toàn uỷ quyền cho người khác hay để cho người khác cướp đoạt quyền này (FC, số 36).

Theo tinh thần Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” mà Đức Thánh Cha nêu ra. Trước hết chúng ta phải giúp cho các em ý thức hơn về đời sống đạo đức và khơi dậy cho các em ý thức về tôn giáo trong một xã hội và con người không còn ý thức tôn giáo, xem tôn giáo như một thứ bùa mê nguy hiểm.

Vai trò của các Giáo Lý viên thực sự quan trọng trong việc giáo dục đức tin và nhân bản cho các em. Nhưng người làm mục vụ (cha xứ, cha phó) cần đồng hành, yêu thương, nhẫn nại giúp cho các em đào sâu hơn về giáo lý trong các lớp giáo lý, trong các đoàn thể (Thiếu nhi Thánh Thể, ca đoàn, dự tu, lễ sinh…) Thánh Giêrônimô nói: Không biết Thánh kinh là không biết Đức Kitô đó sao!

  • Tạo sân chơi như: cầu lông, bóng đá, bóng chuyền… tổ chức học hỏi, thi đấu, giao lưu giữa các giáo xứ, giáo hạt trong giáo phận:

  • Học hỏi: Giáo lý và các chuyên đề về người trẻ.

Youcat (Giáo lý cho người trẻ)
Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ)
Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống)

  • Cử hành: Tham dự các buổi cầu nguyện, Thánh lễ, chia sẻ Lời Chúa dành riêng cho giới trẻ.

  • Sống: Tham gia các công việc tông đồ trong Giáo xứ; bên cạnh đó tổ chức các hoạt động nhằm phục vụ công ích, bác ái, thể thao…

  • Tổ chức các nhóm viếng thăm người già, bệnh tật, nghèo khó, giúp các em thiếu nhi…

  • Tổ chức thánh lễ và nghi thức lên đường cho các em hoàn thành giáo lý vào đời.

  • Giúp các em nhận biết việc đi lễ là quan trọng và là bổn phận của người Kitô hữu.

  • Giới thiệu các sinh hoạt tôn giáo lành mạnh mà mình biết để các em có thể tham gia các hội đoàn, phong trào….

  • Họp nhóm mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi quý 1 lần.

  • Đề tài do chính các bạn trẻ trong nhóm đề nghị, liên hệ đến những gì người trẻ đang quan tâm trong cuộc sống của họ.

  • Trưởng nhóm tạo điều kiện để mỗi người có thể nói lên suy nghĩ, kinh nghiệm, cảm xúc của mình.

  • Cha xứ, cha phó, tu sĩ, giáo lý viên đóng vai trò đồng hành, lắng nghe, và giúp các bạn trẻ nhìn vấn đề trong ánh sáng Lời Chúa.

  • Tạo bầu khí vui tươi, linh hoạt, sống động.

Một khi các em có đủ hành trang vững mạnh, như Đức Thánh Cha nói: “họ sẽ trở nên những nhà thừa sai can đảm làm chứng cho Chúa trong môi trường họ đang sống và làm việc vì họ có Đức Kitô trong họ”. Các Tông đồ ngày xưa cũng thế, trước khi được sai đi, các ngài đã sống bên Chúa để học hỏi, xác tín hơn về Chúa đồng thời cũng trao dồi thêm kỷ năng truyền giáo. Các bạn trẻ hôm nay cũng vậy, họ là những người rất cần nơi các linh mục sự hướng dẫn, đồng hành với họ trong bước đường mà các bạn sẽ đương đầu và nhất là làm chứng nhân nơi họ sẽ được sai tới.
 

  1. Môi trường Công nhân

Trước tình trạng ngày càng đông các bạn trẻ rời làng quê đi làm việc ở các đô thị lớn, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến. Các Giáo phận có những người trẻ đến làm việc tại các công ty, xí nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.

Một vấn nạn đang nhức nhối hiện nay, đó là rất nhiều bạn trẻ chưa nắm bắt được yếu tố căn bản của đời sống hôn nhân, họ đến với nhau rất nhanh chóng rồi chia tay nhau cũng chóng vánh. Vì thế, chúng ta phải giúp cho giới trẻ ý thức hôn nhân không phải là mì ăn liền mà là một Bí tích. Nó có chiều kích cao quý mà hai người dành cho nhau để rồi họ biểu lộ tình yêu cao quý như Thiên Chúa đã yêu thương Hội Thánh. Đã là người linh mục, chúng ta phải giúp cho các bạn trẻ ý thức hơn về đời sống gia đìnhvà tầm quan trọng của việc học giáo lý hôn nhân vì nó là nền tảng cho đời sống hôn nhân sau này của họ. Tổ chức gặp gỡ, có thể mỗi tháng, mỗi quý dâng lễ, giải tội hoặc chầu Thánh Thể.  Kết nối họ với nhau qua các trang mạng xã hội. Internet và các mạng xã hội hiện nay là nơi không thể thiếu để tiếp cận giới trẻ và mời gọi họ tham gia, đặc biệt là vào những sáng kiến và hoạt động mục vụ… Các trang mạng đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin về tri thức”[7]. Tuy nhiên cũng cần quan tâm đến những mặt tiêu cực của internet: người trẻ ngày nay có “khuynh hướng chú trọng đến nhìn hơn là nghe và đọc, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách học hỏi cũng như sự phát triển óc phê bình”[8]. Tạo cơ hội cho người trẻ tham gia các hoạt động bác ái, xã hội, ví dụ thăm viếng và giúp đỡ người nghèo,… “Nếu có những người trẻ thờ ơ thì cũng có nhiều người trẻ khác sẵn sàng dấn thân vào các việc thiện nguyện và liên đới xã hội. Họ cần được đồng hành và khích lệ để phát huy tài năng, kỹ năng và tính sáng tạo.

Khiêm tốn, vì không đóng vai trò dạy dỗ, chỉ bảo, nhưng đồng hành, lắng nghe, cảm thông, rồi cùng các bạn trẻ tìm câu trả lời theo ánh sáng Lời Chúa.

Kiên trì, vì người trẻ có thể có những suy nghĩ, phản ứng rất khác với lập trường và quan điểm của Hội Thánh về những vấn đề liên hệ.

Đồng hành thiêng liêng: Chú tâm những gì giới trẻ nói để tìm ra những vấn đề của họ, những nhu cầu của họ, những mối bận tâm của họ. Lắng nghe là cách thức để khám phá những câu hỏi của người trẻ, mà chúng ta có thể trả lời với giáo huấn của Giáo Hội.

Nhiều người trẻ đến với vị đồng hành mà họ tin tưởng vì họ đang gặp vấn đề mà tự họ không giải quyết được. Có những vấn đề về đức tin như; cách cầu nguyện, về bùa ngải, về một người bị quỷ ám, về làm sao biết được ý Chúa, đặc biệt trong việc chọn lựa ơn gọi. Có những vấn đề về luân lý như; quan hệ trước hôn nhân, thủ dâm, đồng tính… Cũng có cả những vấn đề có vẻ đời thường như chọn người bạn đời, chọn việc làm, giải quyết vấn đề trong gia đình…

Để có thể trả lời những vấn đề làm người trẻ bận tâm, những vấn đề thuộc đủ mọi lãnh vực, có tính thiêng liêng nhiều hay ít, vị đồng hành phải là người có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt: về thần học, Kinh Thánh, về truyền thống linh đạo trong Giáo Hội, về tâm lý… 

Liên kết với những công ty công giáo giúp họ việc làm.
Thực hiện những chương trình gặp gỡ theo chủ đề của giáo phận và giáo hội (1 đến 2 lần trong năm)
Hay là mỗi dịp Tết về chúng ta cũng nên gặp gỡ các bạn trẻ bằng những buổi nói chuyện, nhằm giúp cho họ ý thức hơn mình là người Kitô hữu cho dù ta đang sống bất cứ nơi nào hay hoàn cảnh nào đi nữa.
Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như văn phòng mục vụ, phòng sinh hoạt, sân chơi thể thao, ca nhạc…

Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng.

  1. Môi trường Di Dân

3.1. Làn sóng di dân
Trong xã hội Việt Nam hôm nay, tầng lớp các bạn trẻ từ quê ra thành phố học tập hay tìm việc làm ngày càng phổ biến. Khởi đi từ sự phát triển công nghệ, cũng như sự hòa nhập vào làng toàn cầu, rồi đến việc giao thoa văn hóa giữa các nước và các dân tộc, vấn đề phát triển kinh tế... Tất cả những yếu tố này, và còn nhiều điều khác nữa đang diễn ra trong cuộc sống, đã gây nên sự xáo trộn và mất ổn định cho xã hội, cho các gia đình và từng cá nhân trong thời đại hôm nay. Đối tượng trực tiếp chịu tác động của những yếu tố này là các người trẻ và các gia đình trẻ.

Để có thể tồn tại và vươn lên trong hoàn cảnh sống mới của xã hội, các người trẻ hôm nay phải biết tự đổi mới: Đổi mới cách nghĩ, đổi mới cuộc sống, đổi mới tương quan... Và hệ quả chúng ta thấy là làn sóng di dân của các bạn trẻ “bỏ quê lên tỉnh” đi đến các thành phố lớn để làm việc. Bầu khí thân thương, êm đềm, ổn định của lũy tre làng nơi vùng quê nay được thay thế bằng sự xô bồ, chụp giựt, hụt hẫng, chơi vơi nơi phố thị... Các thành phố lớn thì chen chúc khi đi, chật chội khi ở; trong khi đó ở làng quê thì thưa thớt và vắng bóng thanh niên. Do đó, nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Các cuộc di dân có thể diễn ra trong cùng một quốc gia hay giữa các quốc gia khác nhau. Dù sao di dân “nhắc chúng ta nhớ lại thân phận của những kẻ tin thuở ban đầu, đó là thân phận “ngoại kiều và lữ khách trên mặt đất” (Dt 11,13)” (CV 91). Như vậy, có hai nguyên nhân đưa đến việc di dân: Thiên tai, chiến tranh, nạn nghèo đói và sự phát triển giàu nghèo; Học hành, thiếu việc làm, kinh tế chậm phát triển.

3.2. Hậu quả của việc di dân
Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” cũng đề cập đến “di dân như là một điển hình của thời đại chúng ta” vì các lý do “chiến tranh, bạo lực, bách hại chính trị hay tôn giáo, hoặc để tránh những thảm hoạ tự nhiên do biến đổi môi trường và sự nghèo đói cùng cực”[9]. Trong sứ điệp Di dân 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả: “Thế giới hiện tại ngày càng ưu việt nhưng lại càng ngày càng khốc liệt hơn với những người bị loại trừ. Những người di dân và tị nạn, những người tản cư và các nạn nhân nạn buôn người đang trở thành biểu tượng sự loại trừ, vì ngoài thân phận đau thương của họ, họ còn phải chịu nhiều thành kiến tiêu cực, coi họ như nguyên nhân gây ra các tai ương xã hội...”. Ðức Thánh Cha đã ví anh chị em di dân như những người người nhỏ bé, nghèo khổ, dễ bị tổn thương nhất, những người bị chặn lại không cho ngồi vào bàn và chỉ còn lại những “mẩu bánh vụn” của bữa tiệc như được kể lại trong Tin Mừng Luca (16,19-21).

Trong hoàn cảnh mới này, không ít bạn trẻ lay hoay tìm kiếm một lối sống mới để thích nghi với tình huống và hoàn cảnh đang diễn ra trước mặt. Và chắc chắn là đâu phải mọi người trẻ đều thành công và sớm được ổn định trên vùng đất mới của họ. Thêm vào đó là hoàn cảnh sống, sự cô đơn, thiếu sự chăm sóc của người thân và cộng đồng đã làm cho nhiều bạn trẻ ‘thất bại” trong cuộc sống mới mà theo ghi nhận của Thư Chung thì các Giám mục có viết: “Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng[10] .

Những nhận xét vừa nêu ở phần trên cũng trùng khớp với những nhận định của các nhà xã hội học đương đại khi nói về giới trẻ hôm nay: “...Điều đó bắt buộc con người trong xã hội hôm nay, nhất là các thanh niên những người chịu tác động nhiều nhất, phải tự động điều chỉnh bản thân và không ngừng tìm tòi, thay đổi để tìm ra một căn tính cho chính bản thân mình[11].

3.3. Mục vụ giới trẻ di dân
Từ ngữ “di dân” ở đây bao gồm tất cả những người rời nhà, thành phố hay quê hương của họ để đi học, làm việc, hay sinh sống ở một thành phố hay quốc gia khác, và sự ra đi này là do họ tự muốn, có thể họ bị đưa đẩy hay bị cưỡng ép.   Thực ra thì hiện tượng di dân đã có từ khi con người xuất hiện trên trái đất và vẫn tiếp diễn dọc theo lịch sử loài người. Tuy tỉ số di dân hiện nay chỉ khoảng 3% dân số thế giới nhưng hiện tượng di dân rất phổ quát và ảnh hưởng đến mọi dân, mọi nước. Với hiện tượng đô thị hoá, công nghiệp hoá và toàn cầu hoá, với thị trường kinh tế cởi mở tự do và cơ cấu hành chính và kỹ nghệ quốc tế, và với động lực “đẩy ra” và “hút vào” của kinh tế, xã hội, chính trị, và tôn giáo, mức độ và ảnh hưởng của hiện tượng di dân thời nay càng rộng hơn, xa hơn, lẹ hơn, và sâu hơn[12].

3.3.1. Một thực trạng chung.
Khởi đi từ sự phát triển công nghệ, cũng như sự hòa nhập vào làng toàn cầu, rồi đến việc giao thoa văn hóa giữa các nước và các dân tộc, vấn đề phát triển kinh tế... Các đô thị lớn, sôi động vốn được xem là "miền đất hứa" cho người dân ở các vùng quê nghèo muốn "thoát ly" lập nghiệp, đổi đời. Nhiều người ở quê lên phố làm việc. Có gia đình chồng đi, vợ ở nhà; có gia đình chồng coi nhà vợ đi làm; có gia đình cả hai vợ chồng đi, con gửi ở nhà… Người quê lên phố chí thú làm ăn cũng có, nhưng nhập nhiễm những thói xấu thành thị cũng không phải là không nhiều. Cảnh cờ bạc, hút xách, trai gái, mánh mung… nơi đất khách quê người dần dần mang cả về quê! Những hiện tượng này là một khoảng không lớn cho người cho việc mục vụ nơi các giáo xứ.
Trong điều kiện bình thường thì mọi vật - mọi người đều phát triển hài hòa, ổn định và ngày càng vươn cao. Thế nhưng khi có thay đổi, biến động thì mọi chuyện sẽ bị xáo trộn và mất đi sự ổn định hài hòa. Những người trẻ hôm nay cũng đang sống trong bầu khí thay đổi và có nhiều biến động. Họ vì công việc, vì hoàn cảnh mưu sinh mà đời sống đạo và bí tích đã không còn được duy trì hằng ngày, mà chỉ là hàng tuần hay hàng tháng, hàng năm. Đây thực sự là một điều đáng tiếc cho họ, đồng thời cũng khó khăn cho đời sống mục vụ ở các giáo xứ, trong đó có người trẻ và các gia đình di dân.

Không chỉ dừng lại ở việc lãnh nhận các bí tích, mà việc học giáo lý cũng trở nên khó khăn. Đối với các bạn trẻ di dân khi còn nhỏ, hoặc các gia đình trẻ đang trọ ở những nơi, mà thời gian không có sự số định. Các bạn trẻ và con cái của gia đình trẻ, sẽ không có điều kiện để theo học các lớp giáo lý. Từ đó dẫn tới việc vốn kiến thức giáo lý ít ỏi, thậm chí không biết gì về giáo lý, dẫn tới việc sống đạo cũng hời hợt và mang tính hình thức.

Kinh nguyện gia đình đang có nguy cơ bị coi thường và đánh mất. Đời sống luân lý của họ cũng đang phải đối đầu với những thách đố to lớn. Các quan niệm về luân lý cơ bản, luân lý tôn giáo xem ra không còn được tôn trọng. Bên cạnh đó, đời sống luân lý mang chiều kích cá nhân như trộm cắp, cờ bạc, tình trạng sống thử, hôn nhân khác đạo, hôn nhân không bí tích, phá thai ngày xảy ra càng thường xuyên hơn và mức độ cũng trầm trọng hơn rất nhiều, đặc biệt nơi các bạn trẻ công nhân, cũng như sinh viên. 

Yêu cuồng, sống vội chính là lối sống buôn thả vô trách nhiệm của người trẻ hôm nay. Yêu nhau đi đến kết hôn với thời gian quen biết rất ngắn, chỉ vài tháng hay thậm chí ngắn hơn. Do vậy, việc chuẩn bị cho hôn nhân công giáo xem ra rất hời hợt, hình thức và thậm chí sống với nhau mà chẳng lãnh nhận bí tích. Khi mà hôn nhân không được chuẩn bị kỷ, không có sự ràng buộc về bí tích và đời sống luân lý thì hôn nhân đó sẽ dễ dàng đi đến sự đổ vỡ. Với những thực trạng chung vừa nêu lên, không chỉ khoán trắng trách nhệm cho cha xứ, cho những người làm mục vụ nhưng đây là trách nhiệm của giáo hội và của mỗi người kitô hữu.

3.3.2. Chiều kích mục vụ
Mỗi khi có dịp đề cập tới các linh mục, Đức Thánh Cha Phanxicô đều kêu gọi các ngài dấn thân phục vụ người nghèo, sẵn sàng “đi ra” để đến với mọi người đang sống bên vùng ngoại vi, bên lề xã hội, đem cho họ tình thương của Thiên Chúa và niềm vui của Tin Mừng[13]. ­­Người làm mục vụ cho giới trẻ hay cho mọi tầng lớp trong xã hội đều phải mặc lấy trái tim của một người cha, người mẹ. Bởi vì linh mục là người được được sai đi, dấn thân và cử hành các Bí tích.

Điều đầu tiên cần phải đề cập đến, đó chính là đời sống bí tích trong gia đình. Đời sống này bao gồm các việc cử hành, tham dự và đón nhận các nguồn mạch thiêng liêng trong đời sống của người Kitô hữu.  Bí tích hôn phối cũng đóng góp nhiều trong việc xây dựng đức tin và khích lệ sự trung thành của đôi tân hôn. Xét về mặt tâm lý, con người thường tự hào về những kỷ niệm tốt đẹp. Những kỷ niệm được sống như thế dễ nhắc nhở đôi bạn gắn bó, trung thành. Do đó, đừng để cho đôi tân hôn hoặc những người tham dự thấy rằng nghi thức hôn nhân công giáo chỉ là nghi lễ bên ngoài, vụ hình thức chứ không phải là một sinh hoạt của niềm tin và lòng đạo đức.

Đừng quan niệm bài giảng lễ hôn phối chỉ là giảng cho đôi tân hôn và nội dung cứ lặp đi lặp lại về tình yêu, trung thành… nhưng còn là để giáo dục cộng đoàn tham dự. Do đó Chúng ta có thể đề cập đến rất nhiều vấn đề trong lễ hôn phối như đức tin, cậy mến, các bí tích, đời sống đạo, các giới răn, đời sống gia đình, Hội Thánh, việc tông đồ, đời sống xã hội…

Đồng hành trong kinh nguyện gia đình. Đây là dịp mà người làm mục vụ được trò chuyện với gia đình di dân trong tình thân và chia sẻ. Các ngày giỗ chạp, hay kính Lòng Thường Xót Chúa, kinh Mân Côi, là những dịp tốt để duy trì kinh nguyện với gia đình họ, cũng như là dịp để các gia đình gặp gỡ nhau và cùng chia sẻ đời sống thiêng liêng với nhau.

Giúp đỡ các gia đình và các bạn trẻ di dân, bằng cách hồi âm lại với cha xứ gốc biết về các sinh hoạt tinh thần của họ, nếu có thể. Để làm được việc này người mục tử cần phải đi ra, đi đến để gặp gỡ, thăm hỏi, cũng như quan tâm thường xuyên đến những người đến ở trọ hay làm việc trong khu vực giáo xứ của mình.

Lập ra các nhóm kinh nguyện giữa các khu nhà trọ với nhau, hoặc đồng hương, hoặc các nhóm chia sẻ Lời Chúa, Con Đức Mẹ, ca đoàn cho các anh chị em di dân trong giáo xứ nơi mà họ tạm trú.

Lập các nhóm cộng tác viên gia đình công giáo. Họ sẽ là những thành phần trong giáo xứ, hay nơi mà các gia đình di dân trú ngụ.

Mời gọi động viên họ tham gia vào các hội đoàn công giáo tiến hành trong giáo xứ. Tạo điều kiện thuận lợi gặp gỡ để họ cảm thấy sự yêu thương và bình an khi nhập cuộc vào công việc của giáo xứ.

Tổ chức chương trình di dân hằng năm, hay gặp gỡ những nhóm nhỏ để lắng nghe những thao thức của họ.
Thay đổi chương trình gặp gỡ hàng năm, hàng quý để tránh sự lặp lại nhàm chán. Tạo điều kiện để họ đi hành hương và làm việc bác ái.

Giới thiệu, nối kết họ với những lớp chuyên đề và những sinh hoạt cộng đoàn nơi họ đang sống.
Cần có một phong cách, lịch trình, nhịp độ và phương pháp khác mang tính mở rộng hơn, uyển chuyển hơn. Cụ thể tránh áp đặt nhiều chướng ngại, quy tắc, kiểm soát và các cơ cấu trách nhiệm trên họ. Thay vào đó, chúng ta chỉ cần đồng hành và khích lệ họ, tin tưởng hơn nữa vào sự quan phòng của ơn Chúa.

Tạm kết
 Trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận xét: “Mục vụ giới trẻ theo truyền thống đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi của xã hội và văn hóa. Người trẻ thường không thấy các chương trình thông thường của chúng ta đáp ứng được các mối quan tâm, các nhu cầu, các vấn đề và các thương tổn của họ”. Sau đó, ngài nói thêm: “Mặc dù không luôn dễ dàng tiếp cận người trẻ, vẫn có hai khía cạnh chúng ta đang lớn lên: sự ý thức toàn thể cộng đồng phải tham gia vào công cuộc Phúc-Âm-hóa người trẻ, và nhu cầu cấp bách để người trẻ đảm nhận một vai trò quan trọng hơn nữa trong các chương trình mục vụ”[14].

Ngày nay, “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội[15]. Do đó, “ thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó.“Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.”[16].

Sự đồng hành và chăm sóc mục vụ giới trẻ của Giáo Hội được đặt nền tảng trên khuôn mẫu Đức Giêsu trong hành trình Tin mừng. Trong đó, biến cố gặp gỡ giữa Đức Giêsu Phục Sinh và hai môn đệ trên đường Emmau là biến cố điển hình (Lc 24,13-35), qua việc: chia sẻ Lời Chúa; cử hành Bí Tích Thánh Thể, và loan báo Tin Mừng, đây là trọng điểm chính của đời sống Giáo Hội và của các Kitô hữu.

Mục Vụ Giới Trẻ cho học đường, công nhân và di dân không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn, đồng hành hay nối kết người trẻ với sinh hoạt chung của giáo xứ mà cần phải đạo tạo nhân sự để họ ý thức được đây là nhiệm vụ và sứ mệnh của người kitô hữu. Trong tông huấn “Chúa Kitô đang sống” Đức Thánh Cha tuyên bố, “chính người trẻ là tác nhân của Mục Vụ Giới Trẻ” (số 203). Vì “họ biết cách nào là tốt nhất để quy tụ lại với nhau” (số 209). Vì họ có thể “giải quyết các vấn đề nhạy cảm cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ” (số 203). Và vì họ có thể “giúp chúng ta nhận ra nhu cầu phải có những phong cách làm việc và chiến lược mới” (số 204) “phát sinh hiệu quả tốt lành và thông truyền hữu hiệu niềm vui Tin Mừng” (số 205). Như thế, người trẻ không còn bị đặt ra bên lề của việc mục vụ như những người không có liên can, hay chỉ là đối tượng thụ động của việc mục vụ nhưng là thừa tác viên của hoạt động mục vụ giới trẻ với tất cả ý thức, trách nhiệm và quyền lợi.[17]

Như vậy, muốn đạt được một chiều kích mục vụ giới trẻ tốt, chúng ta cần hiểu biết người trẻ; nhất là muốn lãnh đạo người trẻ, chúng ta cần đi sâu vào đời sống người trẻ, vì “vô tri bất mộ”. Thánh Gioan Don Bosco nói: “Hãy làm bạn trẻ hiểu rằng chúng ta yêu mến họ, rồi họ sẽ thực hành điều chúng ta muốn”. Hơn nữa, chúng ta vui mừng và hy vọng vào một lớp trẻ năng động, nhiệt thành, có thiện chí và yêu mến Giêsu, thần tượng của giới trẻ mọi thời. Trong niềm vui và hy vọng ấy, chúng ta cần phải có nhiều thao thức và sáng kiến cho chương trình mục vụ giới trẻ hôm nay tùy vào hoàn cảnh nơi mỗi giáo xứ.

 


[1] X. Tông Huấn Christus Vivit, số 26,27

[2] X. diễn văn khai mạc công đồng Vaticano II

[3] X. Christus Vivit, số 23

[4] X. Tông huấn Christus Vivit, số 90

[5] x. Người trẻ trong kỷ nguyên thời 4.0, http://gpbuichu.org/news/CAC-UY-BAN/nguoi-tre-trong-ky-nguyen-4-0-9855.html.

[6] x. Thực trạng văn hóa học đường, https://www.vanlanguni.edu.vn/giao-duc-dai-hoc-2/174-thuc-trang-van-hoa-
 

[7] X. Chritus Vivit, số 87

[8] X. Christus Vivit, số 86

[9] X. Christus Vivit, số 97

[10] X. Thư chung HĐGMVN, 2019 số 3

[11] (x. Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Quang Huy, Người trẻ trong xã hội hiện đại (tập 3), NXB Văn Hóa Văn nghệ 2018 trg 20.)

[12] .x Gia đình di dân Việt Nam: Sự đa dạng và phức tạp của hôn nhân gia , Lm Phêrô Nguyễn Cao Sâm, SVD, https://sites.google.com/site/giaolychotoi/muc-luc-hngd/hon-nhan-va-gia-dinh/gia-dinh-di-dan-viet-nam.

[13] x. Linh mục, người mang Chúa cho trần gian, Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, https://tgpsaigon.net/bai-viet/linh-muc-nguoi-mang-chua-cho-tran-gian-49322

[14] X.. Christus Vivit, số 202

[15] X. Christus Vivit, số 221

[16] X. Christus Vivit, số 206.

[17] x.Mục vụ giới trẻ theo tông huấn Chúa kitô đang sống, Lm Phêrô Nguyễn Chí Công, Gp Nha Trang.

Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Lê Hoàng Vương

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay21,705
  • Tháng hiện tại636,462
  • Tổng lượt truy cập28,951,831

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây