Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 7 năm 2020

Thứ ba - 07/07/2020 05:20
NHỮNG LOẠI HÌNH MỤC VỤ THÍCH HỢP
ĐỂ NGƯỜI TRẺ THAM GIA VÀ THĂNG TIẾN
Bài thuyết trình Tĩnh tâm Tháng Bảy năm 2020

Linh mục Philipphê Phan Quốc Dũng
Giáo hạt Qui Nhơn


DẪN NHẬP  
Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo Hội. Vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào Tháng Mười năm 2018 đã bàn về chủ đề: “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Ngay sau khi kết thúc Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit (CV), gởi người trẻ và cộng đoàn dân Chúa. Trong đó ngài mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: Trong thời gian sống tại Nazareth, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2,52) (x. CV, số 26-27).
 
Cùng chung những thao thức ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam dành 3 năm (2020-2022) trong chương trình mục vụ để chăm sóc đặc biệt cho Giới trẻ với các chủ đề sau:
- 2020 : Đồng hành với người trẻ hướng tới trưởng thành toàn diện.
- 2021 : Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
- 2022 : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
Điều ấy thật cần thiết bởi vì “không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; họ góp phần làm cho thế giới được phong phú. Người trẻ không còn là trẻ con, họ ở trong giai đoạn bắt đầu đảm nhận những trách nhiệm, khi cùng với người lớn tham gia vào việc phát triển gia đình, xã hội và Hội Thánh” (CV, số 64).
 
Tuy nhiên việc chăm sóc mục vụ cho người trẻ lại luôn là một thách đố lớn cho các vị mục tử. Trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus Vivit), Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra những khẳng định rất mạnh mẽ: Người trẻ là chủ thể chứ không chỉ là đối tượng chăm sóc mục vụ”; “Người trẻ là hiện tại chứ không chỉ là tương lai”; “Mục vụ giới trẻ là phải đồng hành và lắng nghe hơn là dạy dỗ”.
 
Những khẳng định trên mời gọi chúng ta phải thay đổi thói quen, lề lối suy nghĩ và hành động từ trước đến nay trong mục vụ giới trẻ. Làm sao để tạo điều kiện cho người trẻ phát huy khả năng của họ nhiều hơn và chủ động hơn trong đời sống Giáo hội? Làm thế nào để có thể tiếp cận người trẻ trong chính cuộc sống của họ? Phải làm gì để có thể lắng nghe và đồng hành với người trẻ, hơn là bắt họ phải lắng nghe những bài giáo lý dọn sẵn của mình Ðâu là những nẻo đường để đến với người trẻ trong thời đại ngày nay? Tất cả đều là những thách đố cho Giáo hội trong mục vụ giới trẻ[1].
 
Trong chiều hướng đó, giáo phận Qui Nhơn cũng đề ra nhiều chương trình mục vụ cho người trẻ, cùng với các đề tài tĩnh tâm Linh mục hằng tháng. Đề tài cho cuộc tĩnh tâm Tháng Bảy hôm nay là: "Những loại hình mục vụ thích hợp để người trẻ tham gia và thăng tiến".
 
Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm mục vụ cho giới trẻ, nên con xin được góp nhặt những kinh nghiệm của các bậc cha anh đi trước như là chút chất liệu cho chương trình mục vụ giới trẻ của giáo phận Qui Nhơn chúng ta, hầu có thể góp phần làm cho chương trình mục vụ của giáo phận nhà đạt được những thành công tốt đẹp.
 
Vì thế trong bài viết này, xin được trình bày những vấn đề sau:
Trước hết chúng ta cần nhìn lại những thách đố và cơ hội của người trẻ trong đời sống hôm nay; thứ đến tìm hiểu một vài nét về việc canh tân mục vụ giới trẻ theo sự hướng dẫn của Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” của Đức Thánh Cha Phanxicô; và cuối cùng là một vài đề nghị mục vụ để giúp cho người trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động của giáo xứ, và thăng tiến trên con đường hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
 
I.  NGƯỜI TRẺ GIỮA NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH ĐỐ
CỦA THỜI ĐẠI
Trong Thư chung năm 2019, các Đức Giám mục Việt Nam giúp chúng ta có một cái nhìn về người trẻ, giữa những cơ hội và thách đố trong thế giới hôm nay:
“Sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.
 
Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.”[2]
 
Trước những tình cảnh ấy, chúng ta những mục tử được mời gọi giúp cho người trẻ có những thái độ sống được định hướng một cách tốt đẹp. Đặc biệt là đáp ứng khát vọng cho các bạn trẻ đang bơ vơ, lo âu, băn khoăn tìm hướng đi, có được một chọn lựa ý nghĩa khi đặt niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ ban cho họ Thần Khí khôn ngoan, sức mạnh và tình yêu để giúp họ biết sống yêu thương và cảm nghiệm được hạnh phúc đích thực của người được yêu.
 
II. CANH TÂN MỤC VỤ GIỚI TRẺ [3]
Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô đã lặp lại lời kêu gọi của Thượng Hội đồng về việc triển khai một mục vụ giới trẻ có tính bao gồm, có chỗ cho mọi tầng lớp người trẻ, để chứng tỏ rằng chúng ta là một Giáo Hội luôn mở rộng cửa. Không nhất thiết là những người tốt mới có thể tham gia vào các hoạt động mục vụ giới trẻ, chỉ cần người trẻ có một tâm hồn cởi mở và sẵn sàng muốn gặp gỡ Chúa (x. CV, số 234). Thêm vào đó, Đức Phanxicô đã khẳng định: "Tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng chính người trẻ là tác nhân của mục vụ giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo [...]. Hãy quan tâm giúp người trẻ vận dụng sự thông minh, năng khiếu và kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề nhạy cảm, cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ" (CV, số 203).
 
Như thế, việc canh tân mục vụ giới trẻ trong Giáo Hội ngày càng phát triển theo hướng khẳng định vai trò tác nhân của giới trẻ trong mục vụ giới trẻ, đặt tin tưởng vào giới trẻ, hy vọng vào khả năng của họ, mặc dù vẫn không phủ nhận hay coi thường việc toàn thể Giáo Hội phải tham dự vào việc đồng hành với giới trẻ, để giúp giới trẻ ngày càng trưởng thành trong đức tin, nhờ đó chính họ có thể đảm trách sứ vụ tông đồ giữa lòng Giáo Hội và xã hội.
 
Mục vụ giới trẻ được thực hiện theo hai hướng chính, như lời Đức Phanxicô đã nói: "Tôi chỉ muốn nhấn mạnh cách vắn tắt rằng mục vụ giới trẻ bao gồm hai hướng đi chính. Một là tìm kiếm, mời và kêu gọi để hấp dẫn các bạn trẻ mới, hướng các bạn tới một kinh nghiệm về Chúa. Hai là thăng tiến, phát triển một lộ trình cho những người đã có kinh nghiệm đó để trưởng thành hơn" (CV, số 209).
 
Trong hướng thứ nhất là tìm kiếm, chính người trẻ biết cách tốt nhất để đến với nhau, chẳng hạn qua việc tham gia các sự kiện, những cuộc thi đua thể thao, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, video, ca nhạc, những cuộc trò chuyện, những cuộc tĩnh tâm và nhiều cách khác. Họ chỉ cần được khuyến khích để tận dụng những dịp như thế vào việc đánh thức kinh nghiệm đức tin và nhiệt tâm truyền giáo đối với các bạn. Chúng ta cần sử dụng trước nhất các ngôn ngữ gần gũi của tình yêu thương quảng đại có khả năng đánh động con tim, đánh thức hy vọng và ước muốn của người trẻ, tác động lên cuộc sống của họ. Người trẻ cần được tiếp cận bằng ngữ pháp của tình yêu, chứ không phải bằng cách giảng giải (x. CV, số 210-211).
 
Trong hướng thứ hai là thăng tiến, người trẻ cần được giúp đỡ để có được một cảm nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa. Thay vì quá bận tâm đến việc trình bày quá nhiều và quá lý thuyết về các học thuyết dễ gây cho người trẻ cảm giác nặng nề buồn chán, chúng ta hãy cố gắng củng cố cảm nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Kitô hữu của họ. Dĩ nhiên bất cứ một dự án giáo dục đức tin nào cũng bao gồm việc huấn luyện về tín lý và luân lý Kitô giáo, nhưng điều quan trọng hơn cần quan tâm là sự phát triển sứ điệp sơ truyền (kerygma), tức cảm nghiệm nền tảng về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô mà các tông đồ đã loan truyền và làm chứng, và sự tăng trưởng trong tình yêu huynh đệ cộng đồng. Mục vụ giới trẻ phải luôn luôn bao gồm các dịp để đổi mới và đào sâu cảm nghiệm bản thân về tình yêu của Thiên Chúa. Điều này có thể được các người trẻ thực hiện bằng những cách khác nhau: khoảnh khắc thờ lạy, thời gian suy niệm, chứng từ, bài hát… (x. CV, số 212-214).
 
"Ngoài những mục vụ thông thường, theo kế hoạch đã định, mà các giáo xứ và các phong trào thực hiện, một điều cũng rất quan trọng là dành chỗ cho một mục vụ giới trẻ có tính 'đại chúng'. Mục vụ này cần một phong cách, lịch trình, nhịp độ và phương pháp khác. Nó mở rộng hơn và uyển chuyển hơn, mục vụ này mở ra đi đến những nơi khác nhau mà người trẻ thực tế đang hoạt động, thúc đẩy những phẩm chất lãnh đạo tự nhiên và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã gieo vãi. Trước hết cần phải tránh áp đặt nhiều chướng ngại, quy tắc, kiểm soát và các cơ cấu trách nhiệm lên các tín hữu trẻ trung đang là những lãnh đạo tự nhiên trong khu vực của họ và trong các môi trường khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khích lệ họ, tin tưởng hơn nữa vào sự quan phòng của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động như Người muốn"(CV, số 230.).  "Mục vụ giới trẻ, khi không chỉ dành cho thành phần ưu tú mà mở ra cho 'đại chúng', là một quá trình chậm rãi, đầy tôn trọng, kiên nhẫn, tin tưởng, nhiệt thành và đầy trắc ẩn" (CV, số 236).
 
Cuối cùng, đến một lúc nào đó người đồng hành phải biết cách tự xóa để người trẻ có thể theo con đường mà họ đã khám phá ra, như Chúa Giêsu đã biến mất trước mặt các môn đệ làng Emmaus, để họ ở lại với khám phá mới, với trái tim nóng bỏng và một lòng khao khát lập tức lên đường chia sẻ cảm nghiệm gặp Chúa cho người khác (x. Lc 24: 31-33), (x. CV, số 296).
 
III. MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ
1. Tâm lý mục vụ phù hợp với giới trẻ
Theo hướng đi trên, tất cả các thành phần dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội.” (CV, số 221). 
 
Do đó, điều đầu tiên cần phải quan tâm là: Tuổi trẻ cần sôi động, mục vụ giới trẻ cũng phải linh hoạt. Vì thế, các cử hành Thánh lễ, giảng dạy cho giới trẻ, nếu cũng y như cho các cụ ông, cụ bà thì chắc chắn sẽ không lôi cuốn được giới trẻ. Điều đó không những đúng trong cử hành, mà còn đúng trong cách tổ chức các sinh hoạt dành cho giới trẻ, vì “Người trẻ thường không thấy các chương trình thông thường của chúng ta đáp ứng được các mối quan tâm, các nhu cầu, các vấn đề, và các thương tổn của họ” (CV, số 210). 
 
Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô cho rằng Giáo hội cần đồng hành với người trẻ qua những cử hành phụng vụ sống động và những cuộc lễ có sự tham gia tích cực của người trẻ, tránh những hình thức tổ chức khô khan, nặng nề, khiến họ mệt mỏi và chán ngán.(x. CV, số 224-225). Môi trường Giáo Hội tuy không thể là nơi ồn ào huyên náo như vũ trường, sàn nhạc, nhưng phải là nơi thể hiện sức sống tươi trẻ của Đấng Phục Sinh. Người trẻ phải tìm thấy trong Giáo Hội một cái gì đó mà họ không thể tìm thấy trong đời thường ngoài xã hội.
 
Như thế, những cơ cấu của Giáo hội phải trở nên “môi trường phù hợp”, để phát triển “khả năng đón tiếp”: “trong các cơ sở của chúng ta phải cho người trẻ những nơi thích hợp, để họ có thể thực hiện những điều họ quan tâm và nơi có thể ra vào tự do, những nơi đón tiếp họ và nơi có thể đến một cách tự phát và với sự tin tưởng gặp gỡ những người trẻ khác, cả trong những lúc đau khổ hay buồn chán lẫn khi họ muốn lễ hội vui mừng” (CV, số 218).
 
2. Đào tạo nhân sự chuyên lo cho giới trẻ
Ngoài ra, các vị mục tử và những người hữu trách phải ý thức và phải dành cho mục vụ giới trẻ một chỗ đứng quan trọng mang tính mũi nhọn chiến lược. Phải tạo được một cơ chế nhân sự chuyên lo cho giới trẻ, cũng như đầu tư đúng mức về tài lực, và phương tiện vật chất cho mảng mục vụ này. Nhiều cha sở than phiền rằng huấn luyện giáo lý viên và ca trưởng, linh hoạt viên... là những hoạt động tốn kém nhưng lại không hiệu quả, vì sau khi thụ huấn, họ bỏ xứ đi làm ăn xa, không còn phục vụ giáo xứ được nữa. Quan niệm đó xem ra thực tế, nhưng có phần chật hẹp. Vì khi không thể giữ người trẻ được nữa, thì vấn đề của chúng ta là chuẩn bị hành trang cho họ vào đời. Phải huấn luyện người trẻ thế nào để dù đi bất kỳ đâu, họ vẫn có thể phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân và tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ nơi họ hiện diện.
 
Giới trẻ vốn còn lại ít oi trong giáo xứ, nhưng lại không thấy cha sở và giáo xứ quan tâm, không tìm được khuôn mặt lãnh đạo nào có khả năng đồng hành với người trẻ, thì điều đương nhiên sẽ đến là người trẻ càng lúc càng xa lạ đối với những sinh hoạt trong giáo xứ. Nếu giới trẻ được quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Truyền Giáo.
 
3. Chăm sóc mục vụ bằng thể thao
Đây là một trong những điều mới được Tông huấn Christus vivit nhắc đến. Trên thế giới, bóng đá là một trong những môn thể thao có thể lôi kéo hàng chục nghìn người đến với nhau. Đó là một thứ văn hóa lành mạnh và là ngôn ngữ giao tiếp rất bình dân dành cho mọi tầng lớp xã hội. Các môn thể thao có thể lôi kéo được các bạn trẻ trong các giáo xứ đến với nhau, hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ. Chúng ta có thể cho rằng đó là một hoạt động duy thế tục, nhưng nếu nhìn tích cực hơn có thể đó là một phương tiện Chúa muốn chúng ta dùng trong thời đại này. Bởi vậy, nên có những buổi giao đấu bóng đá, bóng chuyền hoặc những môn thể thao khác cho các bạn trẻ trong giáo xứ. Đây có thể sẽ là một khởi đầu tốt để quy tụ và liên đới các bạn trẻ với nhau[4].
 
4. Chăm sóc mục vụ bằng phương tiện truyền thông[5]
Mạng xã hội, điện thoại di động đang là một thứ văn hóa của thời đại hôm nay. Nó xâm nhập vào trong tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống, và sức mạnh vô hình của nó có thể thay đổi cả tâm sinh lý của con người. Có khi nó len lỏi vào cả bàn tiệc Thánh Thể, đến nỗi Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phàn nàn về việc người ta không chú tâm đến Lời Chúa, đến Thánh Thể mà chỉ biết nâng điện thoại thay vì “nâng tâm hồn lên”. Trong khi nhắc nhở các tín hữu, đặc biệt các bạn trẻ cẩn thận hơn khi dùng các phương tiện truyền thông, ngài khích lệ họ biết vận dụng nó để học hỏi, dùng điện thoại để đọc Kinh thánh, để kết nối với Chúa, làm vinh danh Chúa trong mọi hoàn cảnh.
 
Tận dụng thế mạnh của điện thoại smartphone và mạng xã hội, mỗi giáo xứ nên có một fanpage (facebook). Hình thức này có sức kết nối và lan tỏa với tốc độ không ngờ. Vì thế, nó hoàn toàn thích hợp với các giáo xứ trong nhiều lĩnh vực mục vụ như: phụng vụ, giáo lý, truyền giáo, di dân, thông tin liên lạc…
 
Chúng ta có thể dùng phương tiện hoàn toàn miễn phí này để dạy giáo lý, không những cho con em của mình trong giáo xứ mà còn cho nhiều người không thuộc ràn chiên này hoặc những người chưa biết Chúa. Đây cũng là một cách thức để truyền giáo hiệu quả và là phương tiện để chống lại những “fake news” đang tràn lan trên đó.
 
Chúng ta có thể dùng nó để cập nhật những thông tin sinh hoạt của giáo xứ như giờ lễ, những sự kiện vui buồn trong giáo xứ, các cử hành phụng vụ bí tích, chia sẻ Lời Chúa…
 
Chúng ta có thể dùng nó như một phương tiện kết nối tất cả các bạn trẻ trong giáo xứ, ở xa cũng như gần, các nhóm trẻ di dân muốn biết thêm thông tin hoặc muốn giữ liên lạc với giáo xứ của mình.
Chúng ta có thể tổ chức việc mục vụ giáo xứ cách hiệu quả trên một không gian hoàn toàn ảo nhưng có thực.

KẾT LUẬN
Trong xã hội ngày nay, không khó để nhìn thấy các bậc làm cha mẹ đuổi theo những cơn sóng bất tận của công ăn việc làm… thay vì dành thời gian ở cùng và giáo dục con cái. Không khó để thấy hình ảnh của nhiều người trẻ ở các quán nhậu, quán café, phòng karaoke, dịch vụ internet… thay vì lớp học và nhà thờ.
 
Giới trẻ là tương lai của Giáo hội. Giữa xã hội đầy dẫy những cơn sóng biến động hôm nay, người trẻ luôn khao khát được nhìn thấy những ngọn đèn hải đăng để định hướng cho con thuyền cuộc đời của mình. Họ cần được tôi luyện để làm muối, làm men cho đời. Vì thế, họ có lý do chính đáng để mong đợi sự dấn thân và thiện chí nơi các vị chủ chăn, các vị linh mục.
 
Do đó, chúng ta - những người mục tử - cần phải gặp gỡ những người trẻ, không chỉ những người gần gũi với chúng ta, mà còn những người ở xa (x. Ep 2,17). Đừng tự giới hạn mình vào việc ngồi chờ người trẻ đến với mình, thách thức thực sự là trở thành một Giáo hội “đi ra”, ra khỏi khuôn mẫu đúc sẵn, vươn tay ra với người trẻ, dù họ ở đâu, để hỗ trợ họ[6].
 
Người trẻ cần được chúng ta, những Linh mục, lắng nghe họ bằng đôi tai thứ ba, bằng cái tâm để thấu hiểu những diễn biến phức tạp trong đời sống nội tâm và những khát vọng muốn nên Thánh, để được đồng hành.
Họ cần được đối thoại để chia sẻ những suy nghĩ, những ước muốn phục vụ và kê vai gánh vác trách nhiệm theo khả năng.

Họ cần những nhân chứng sống phản chiếu khuôn mặt của Đức Kitô, hơn là các thầy giảng để lay động những con người còn đang chìm sâu trong giấc ngủ của tối tăm và thờ ơ.
Họ cần ở chúng ta sự quan tâm với tình yêu của một người cha.

 
Thư chung 2019 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đưa ra những việc làm rất thiết thực và cụ thể để chúng ta có thể đồng hành với người trẻ hôm nay như là việc lắng nghe người trẻ rồi phân định, có những đổi mới cụ thể và hiệu quả trong cách tiếp cận giới trẻ, tạo sân chơi cho bạn trẻ, nắm bắt tình hình những người trẻ di dân để có những sự trợ giúp thích hợp tại giáo xứ nơi đi, cũng như ở giáo xứ nơi đến; phát động chương trình học hỏi giáo lý giới trẻ bằng nhiều hình thức sinh hoạt, vui chơi...[7]
 
Đọc những hướng dẫn của Thư chung, chúng ta thấy vai trò của cha sở nơi mỗi giáo xứ thật quan trọng. Bởi lẽ, các cha sở là những người có bổn phận chăm sóc và nuôi dưỡng con chiên của mình. Các cha sở phải là những người mục tử tốt trong việc chăn dắt đàn chiên, phải vận dụng trí hiểu, trí khôn của mình để tìm đồng cỏ xanh, tìm suối nước mát cho chiên; tìm cách phòng ngừa và bảo vệ cho chiên được an toàn và tìm ra các phương thế thích hợp để chữa lành những căn bệnh, những tật nguyền mà con chiên đang mang vác. Thiết nghĩ khi cố gắng thực hiện hết sức có thể những hướng dẫn của Thư chung 2019 là chúng ta - các linh mục - đã thể hiện được vai trò của người mục tử tốt với đoàn chiên của mình rồi.
 
Có thể chăng một vài nơi nào đó chúng ta đang “bỏ ngỏ” vấn đề giới trẻ; thì hôm nay, qua sự gởi gắm và hướng dẫn được nêu lên trong Thư Chung, các Giám mục nhắc nhở chúng ta là những mục tử đang trực tiếp chăm sóc đàn chiên phải lưu ý đến thành phần giáo dân quan trọng - là những người trẻ - trong đàn chiên của mình.
 
Để kết thúc, xin được mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, mà Thư chung 2019 của Hội đồng Giám mục Việt Nam trích dẫn, như là một lời nhắc nhở, một lời chỉ giáo mà Đức Thánh Cha đã viết ra để lưu ý và cũng là lời gởi gắm riêng cho những người đang phụ trách phần việc này:
“Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (CV, số 221).
 
Biết được hoàn cảnh sống của con chiên là các bạn trẻ, người mục tử cũng như những người có trách nhiệm hôm nay phải cố gắng sao cho khoảng cách giữa học và hành, giữa lý thuyết và thực tế, giữa giáo lý và đời thường ngày một gần nhau hơn. Dẫu biết rằng đây là một việc làm khó khăn và nhiêu khê, nhưng vì đây là lẽ sống còn của cả một thế hệ con cháu nên điều này không cho phép chúng ta ngồi yên để phó mặc cho tình thế đẩy đưa rồi ta xuôi chiều.
 
 

Tài liệu tham khảo:

 


[1] Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Bài phỏng vấn dành cho báo Công giáo và Dân tộc, http://www.gplongxuyen.org.

[2] HĐGMVN, Thư Chung gởi cộng đồng dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ, năm 2019, số 3.

[3] Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Canh tân mục vụ giới trẻ theo sự hướng dẫn của Chúa Kitô Đang Sống, https://gpquinhon.org.

[4] Lm. Giuse Võ Tá Hoàng, Giới Trẻ Và Giáo Hội Trong Một Thế Giới Đang Đổi Thay, Tài liệu thường huấn Linh mục Giáo Phận Qui Nhơn, trang 211.

[5] Sđd. trang 212.

[6] Lm. Giuse Võ Tá Hoàng, Giới trẻ và Giáo Hội Trong một thế giới đang đổi thay, Tài liệu thường huấn Linh mục Giáo Phận Qui Nhơn, trang 210.

[7] X. Thư chung HĐGMVN năm 2019, số 5-6.

Tác giả bài viết: Lm. Philipphê Phan Quốc Dũng

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập129
  • Máy chủ tìm kiếm102
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay20,071
  • Tháng hiện tại634,828
  • Tổng lượt truy cập28,950,197

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây