Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 5 năm 2020

Thứ năm - 30/04/2020 05:33

TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤNG VỤ TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐỨC TIN CHO NGƯỜI TRẺ
(Tĩnh tâm tháng 5/2020 – Giáo hạt Gò Thị)

Dẫn nhập
Trong Thư Chung của HĐGM Việt Nam năm 2019, các Đức Giám Mục giúp chúng ta có một cái nhìn về người trẻ, giữa những cơ hội và thách đố trong thế giới hôm nay: “Sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.”[1]

Trước những tình cảnh ấy, Giáo Hội không ngừng bảy tỏ lòng thương xót, và sự quan tâm mục vụ đặc biệt, giúp cho người trẻ đối diện và vượt qua những thách đố trong cuộc sống. Vì vậy, Giáo Hội Việt Nam dành 3 năm trong chương trình mục vụ để chăm sóc đặc biệt cho Giới Trẻ. Điều ấy cần thiết bởi vì: “Không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; họ góp phần làm cho thế giới được phong phú. Người trẻ không còn là trẻ con, họ ở trong giai đoạn bắt đầu đảm nhận những trách nhiệm, khi cùng với người lớn tham gia vào việc phát triển gia đình, xã hội và Hội Thánh”[2].

Để có thể đạt đến mục tiêu của chương trình mục vụ cho người trẻ, thì Phụng vụ Thánh có tầm quan trọng đặc biệt đối trong việc giáo dục đức tin cho người trẻ.

Thật vậy, trong các sinh hoạt chăm lo mục vụ cho giới trẻ thì PHỤNG VỤ có một tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì Phụng vụ là một “môi trường giáo dục tuyệt hảo của dân Chúa” luôn được Giáo Hội đánh giá và đề cao, như chúng ta đọc thấy trong Hiến Chế Phụng vụ: “Mặc dù Phụng vụ Thánh chủ yếu là hành vi phụng thờ Thiên Chúa uy linh, nhưng cũng chứa đựng cả một tiến trình giáo dục quan trọng đối với đoàn dân tín hữu”[3].
Trong dịp tĩnh tâm các Linh mục tháng 5/2020 này, giáo hạt Gò Thị xin được gởi đến quý cha đề tài chia sẻ: Tầm quan trọng của Phụng vụ trong việc giáo dục đức tin cho người trẻ.

1. Tầm quan trọng của Phụng vụ
Phụng vụ Thánh có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống người Kitô hữu, vì trong khi cử hành Phụng vụ luôn có Chúa Giêsu hiện diện. Thật vậy, Hiến chế Phụng vụ Thánh của Công Đồng Vatiano II đã viết: “Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động Phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, không những trong con người của thừa tác viên, vì ‘như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các Linh mục’, nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể. Người hiện diện thiết thực trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai rửa tội thì chính là Chúa Kitô rửa. Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ’ (Mt 18,20)”[4]

Hơn nữa, Phụng vụ Thánh còn là chóp đỉnh của mọi sinh hoạt trong Hội thánh: “Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa.”[5]
Vì thế Phụng vụ Thánh có tầm quan trọng trong đời sống giáo hội, đặc biệt là trong việc giáo dục đức tin cho người trẻ.

2. Tầm quan trọng của Phụng vụ trong giáo dục đức tin người trẻ
Bản chất của Phụng vụ chính là việc “thực thi chức Tư Tế của Chúa Kitô”[6]. Tuy nhiên, Phụng vụ Thánh còn là nơi giáo dục đức tin: “Cho dầu Phụng vụ Thánh đặc biệt là việc phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng còn bao hàm việc giáo dục lớn lao cho dân chúng trung thành. Thực vậy, trong Phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; đồng thời Chúa Kitô cũng rao giảng Phúc Âm. Còn dân chúng đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh.”[7]

Chính vì thế Phụng vụ là môi trường đặc biệt để giáo dục đức tin cho người trẻ hôm nay. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã viết: “Phụng vụ là chóp đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh vươn tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức mạnh của Hội Thánh. Do đó, Phụng vụ là chỗ rất đặc biệt để dạy giáo lý cho dân Thiên Chúa. Dạy giáo lý, tự bản chất, gắn liền với mọi cử hành Phụng vụ và bí tích, vì chính trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Đức Kitô Giêsu hành động cách sung mãn để biến đổi con người. Việc dạy giáo lý trong Phụng vụ nhằm đưa con người vào mầu nhiệm Đức Kitô, dẫn từ hữu hình đến vô hình, từ dấu chỉ đến thực tại, từ các bí tích tới các mầu nhiệm” (Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1074, 1075).

Thật vậy, khi hầu hết chương trình giáo lý của Hội Thánh đều xoay quanh các bí tích; và cũng chính nhờ các dịp lãnh nhận các bí tích như: Các bí tích khai tâm Kitô giáo, xưng tội - rước lễ lần đầu, Thêm Sức, Hôn Phối… Nhờ tham dự các bí tích này mà người Kitô hữu, đặc biệt là những người trẻ được đào sâu, kiện toàn giáo lý, củng cố thêm đức tin.

3. Thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của Phụng vụ
Trong Phụng vụ Thánh của Giáo Hội, thì Thánh lễ Tạ Ơn là việc cao trọng nhất, có giá trị thiêng liêng cao nhất, cho nên Công Đồng Vaticano II đã gọi Thánh lễ là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô Giáo” (x. Lumen Gentium số 11) 
Và Hiến chế Phụng vụ Thánh cũng xem Thánh lễ chính là chóp đỉnh của Phụng vụ, là nơi tuôn tràn suối nguồn ân sủng Chúa: “Việc tái lập giao ước của Chúa với con người trong Lễ Tạ Ơn nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, chính Phụng vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh.”[8]

4. Để Thánh lễ hấp dẫn người trẻ
Như đã nói ở phần trên, Thánh lễ là môi trường Phụng vụ đỉnh cao để quy tụ giới trẻ và giáo dục đức tin cho giới trẻ. Vậy phải làm gì để Thánh lễ lôi cuốn và hấp dẫn giới trẻ? Đó chính là câu hỏi được đặt ra cho các mục tử cũng như là những thao thức, ưu tư của các mục tử khi chăm sóc mục vụ cho giới trẻ. Sau đây xin gởi ý một vài điều mục vụ giới trẻ trong Thánh lễ.

a. Bài giảng
- Một trong những phần chính của Thánh Lễ là phần bài giảng. Thực tế cho thấy rằng để có được một bài giảng có tính thiêng liêng, không mang nặng sắc thái sách vở và xa rời thực tế, đòi hỏi các vị Linh mục phải sống đời sống gương mẫu, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa qua cầu nguyện, có chiều sâu nội tâm và trải nghiệm sống…
- Người trẻ cho rằng để Thánh lễ hấp dẫn họ, bài giảng nên là một bài suy niệm ngắn, mang tính trẻ trung, có liên hệ thực tế, đụng chạm đến những vấn đề của họ và lồng vào đó những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Vì thế chọn đề tài trong mỗi bài giảng cho giới trẻ của linh mục giảng lễ là hết sức quan trọng. Có thể nói, việc thu hút giới trẻ là nhờ các bài giảng đã được chuẩn bị kỹ của các cha.
- Trong bài giảng lễ có thể nêu lên cho giới trẻ các gợi ý suy tư bằng cách đặt câu hỏi, sẽ góp phần làm cho Thánh lễ trở nên sinh động và tạo tính chủ động nơi người tham dự Thánh lễ.

b. Âm nhạc
Tuổi trẻ vốn năng động và vui tươi. Âm nhạc là một phần trong đời sống của đại đa số người trẻ. Vì thế cần chọn các bài hát, các loại nhạc cụ phù hợp với Phụng vụ cũng như nhu cầu của người trẻ.

c. Các nghi thức khác 
- Lời nguyện Giáo dân: Các bạn trẻ muốn dâng thêm một vài lời nguyện tự phát, để nói lên tâm tình con thảo của mình.
- Chúc bình an là giây phút mà cộng đoàn trao tặng cho nhau ánh mắt thương yêu, nụ cười thân thiện. Là phút giây mà mỗi người thừa nhận sự hiện diện và cảm nhận tình liên đới với những người bên cạnh. Tuy nhiên, không ít lần chúng ta bắt gặp thái độ thờ ơ, những cái gật đầu lạnh ngắt hoặc sự thinh lặng vô cảm.
- Sẽ thật ấm áp tình người và cảm thấy được tôn trọng khi có ai đón tiếp và ổn định chỗ ngồi cho chúng ta, bằng sự ân cần và thái độ tử tế.
- Chầu Thánh Thể là giây phút linh thiêng mà các bạn trẻ rất muốn dâng lên lời cầu nguyện và những thao thức của mình lên Chúa Giêsu Thánh Thể.

5. Một số đề nghị cho các hoạt động của giới trẻ tại giáo xứ
a. Thành lập ban giới trẻ tại giáo xứ
Trước hết để có thể đào tạo và giáo dục đức tin cho người trẻ qua các cử hành Phụng vụ thì các giáo xứ phải tiến hành thành lập ban điều hành của giới trẻ. Ban điều hành này gồm 5 thành viên: Trưởng ban, phó ban nội vụ, phó ban ngoại vụ, thư ký, thủ quỷ.
Ban điều hành chính là nhóm nòng cốt của giới trẻ, được tuyển chọn từ các thành viên xuất sắc trong các hội đoàn hoặc từ các thanh niên chưa ở trong bất cứ hội đoàn nào, nhưng có khả năng và lòng nhiệt thành. Ban điều hành giới trẻ sẽ giúp cha xứ duy trì các hoạt động của giới trẻ trong giáo xứ.
Sau đó, tiến hành lập danh sách giới trẻ của giáo xứ ở độ tuổi từ 16 đến 39 tuổi. Sau khi có ban điều hành và danh sách giới trẻ sẽ tiến hành Thánh lễ ra mắt giới trẻ và lên chương trình sinh hoạt cho giới trẻ hằng tháng hoặc theo quý.

b. Lên chương trình Phụng vụ và sinh hoạt cho giới trẻ
- Mỗi tháng có ít nhất một THÁNH LỄ cho giới trẻ. Giới trẻ lo tổ chức Thánh lễ này. Bài giảng trong Thánh lễ là dành riêng cho giới trẻ. Đây là hoạt động chính trong mục vụ giới trẻ, dễ tổ chức  thực hiện. Hơn nữa, các hoạt động của giới trẻ gắn liền với Thánh lễ sẽ giúp đời sống đạo cũng như đời sống tinh thần mỗi người trẻ ngày càng thăng tiến hơn nhờ vào ơn Chúa và giáo huấn qua các bài giảng.
- Sau mỗi Thánh lễ dành cho giới trẻ có thể thêm phần sinh hoạt vui, chia sẻ Lời Chúa, học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện,… 
- Giới trẻ có thể trợ giúp cho giáo xứ trong những hoạt động cần lực lượng trẻ hay những hoạt động quy tụ đông người. 
Giới trẻ giáo xứ sẽ được tham gia các hoạt động dành cho giới trẻ liên giáo xứ, liên giáo hạt và Giáo phận.
- Các giáo xứ lân cận có thể quy tụ sinh hoạt chung với nhau theo định kỳ hoặc theo sự đề xướng của ban mục vụ giới trẻ, hoạt động này gồm: 
+ Hành hương: Các địa điểm hành hương chính là nơi thu hút giới trẻ và dễ dàng qui tụ được giới trẻ đông đảo nhất. Trong thời gian qua, đã có nhiều giới trẻ các các giáo xứ gần với Núi Đức Mẹ Qui Hòa cùng đi hành hương vào thứ bảy đầu tháng. Đây là dịp giúp cho giới trẻ các giáo xứ có dịp gặp gỡ, giao lưu, cũng như gia tăng đời sống cầu nguyện, yêu mến Chúa và yêu mến Mẹ nhiều hơn.
+ Chầu lượt: Giới trẻ của những giáo xứ lân cận có thể cùng qui tụ với nhau trong ngày Chầu lượt. Chầu lượt vừa dẫn đưa giới trẻ đến với Bí tích Thánh Thể vừa có dịp giao lưu sinh hoạt cùng nhau.
+ Giao lưu sinh hoạt: Giới trẻ ở giáo xứ này có thể mời giới trẻ ở giáo xứ khác đến giao lưu sinh hoạt làm quen và tạo sự gắn kết trong các dịp thuận lợi.

Kết luận
Qua những chia sẻ trên, mong quý Cha xứ, quý Cha phó tạo điều kiện thành lập ban giới trẻ tại giáo xứ nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cũng như củng cố đời sống đức tin cho các bạn trẻ mà họ đang bị ảnh hưởng xấu từ môi trường sống. 
Chính trong Phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ sẽ là nơi quy tụ giới trẻ để giáo dục đức tin cho giới trẻ trước những tác động xấu trong xã hội hôm nay.
Những nỗ lực của chúng ta hôm nay, sẽ gặt hái là hoa quả đức tin cho giới trẻ mai sau. Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho những công việc mục vụ chăm sóc giới trẻ của quý Cha trong những năm hướng về giới trẻ này.


 


[1] HĐGMVN, Thư Chung gởi cộng đồng dân Chúa, năm 2019, số 3

[2] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64

[3] Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 33

[4] Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 7

[5] Sđd, số 7

[6] Sđd, số 7

[7] Sđd, số 33

[8] Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 10

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Minh

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập118
  • Máy chủ tìm kiếm92
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay16,439
  • Tháng hiện tại631,196
  • Tổng lượt truy cập28,946,565

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây