Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 12 năm 2019

Chúa nhật - 08/12/2019 19:20

HIỆN TÌNH GIỚI TRẺ (CÔNG GIÁO VÀ NGOÀI CÔNG GIÁO)
 TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI HÔM NAY  
NHẬN ĐỊNH, GIẢI THÍCH, LỰA CHỌN.
(Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 12 năm 2019)

Dẫn nhập
Năm 2019 sắp sửa trôi qua, bây giờ đầu Mùa Vọng, thời gian chờ Chúa đến, thường gợi lên trong ta nhiều dự phóng làm tươi mới sứ vụ mục tử của mình.
Còn nhớ cơn “địa chấn” là các vụ lạm dụng tình dục của nhiều giáo sĩ xãy ra ở Mỹ và một số nơi trên thế giới, đặc biệt vụ cựu Hồng Y Theodore McCarrich, làm rung lắc Giáo Hội một cách dữ dội khiến nhiều người hoang mang. Có người thấy xấu hỗ khi là Kitô hữu trong Hội Thánh Công Giáo, có người tự hỏi Giáo Hội còn có gì để dạy dỗ, nhất là đối với giới trẻ?! Người ta đề nghị Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chức như Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã làm trong lá thư dài 11 trang của mình[1]. Đây là cuộc khủng hoảng được cho là tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng xãy ra trong Giáo Hội do cuộc cải cách của người Tin Lành[2]. Ngay khi Thượng hội đồng về giới trẻ chuẩn bị nhóm họp, có người đã hoài nghi về tính khả thi của Hội Nghị nhằm giáo huấn người trẻ trong một bối cảnh Giáo Hội đầy tai tiếng về vấn đề lạm dụng, đặc biệt là với trẻ vị thành niên. Thứ tội con cái thuộc hàng ưu tú, tức là các giáo sĩ, của Hội Thánh mắc phải được gọi đích danh là “tội ác”. Tình trạng đó đúng nghĩa là một sự tồi tệ dù có những thế lực thù ghét Giáo Hội thổi phòng cũng không vì thế khiến cho những người con yêu mến Giáo Hội tìm được chút an ủi khi tự nhủ lòng mình rằng: không đến nỗi ghê gớm thế đâu! Thực sự, đã có người hốt hoảng tựa như các môn đệ ngày xưa đêm tối gió lên, biển nổi sóng nước tràn vào thuyền làm các ngài sợ hãi kêu to: Thầy ơi, chúng con chết mất! (x. Mt 8,25).
Đức Thánh Cha Phanxicô thì không, trong đêm tối dồn dập những biến cố xãy ra vượt quá sức chịu đựng, ngài nhận định Giáo Hội hiện đang bị ma qủy tấn công, ngài thúc giục các giám mục hoàn cầu phải bảo vệ Giáo Hội vì “ngươi không đụng đến một người mẹ”. Ngài xác tín khẳn định: “Mẹ chúng ta, Giáo Hội thánh thiện, nhưng chúng ta là con cái, chúng ta là những kẻ tội lỗi. Tất cả chúng ta đều có tội. Đừng quên lời phát biểu sau đây của các giáo phụ: Giáo Hội thánh thiện, Mẹ thánh thiện, với đàn con tội lỗi”[3]. Giải pháp của ngài là đưa Giáo Hội, qua Thượng hội đồng trở về với Chúa Giêsu và kết quả là Tông huấn Christus Vivit ra đời. Một kết quả rất tuyệt vời! Nói như tác giả Antonio Spadaro, SJ do cha  Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ thì: “Lật qua những trang của Tông huấn ta thấy được năng lượng tràn trề như lay động chúng ta hay nói văn vẻ là thúc đẩy chúng ta sống trọn vẹn.”
Bài viết này, tác giả như đầu bếp nhà quê, thẻo ra một lượng nhỏ từ nguồn thực phẩm sạch, tinh chất là Tông huấn Christus Vivit, chế biến món ăn như đề tài bài thuyết trình đã viết, để mời cả Nhà Giáo Phận dùng bữa trong ngày tĩnh tâm đầu tháng 12 này.

  1. Giới Trẻ  Ngoài Và Trong Giáo Hội

  1. Ngoài Giáo Hội

Hôm nay, những người có tấm lòng với quê hương, đất nước không khỏi ngậm ngùi khi thấy tội phạm nơi người trẻ ngày càng gia tăng. Người trẻ vừa đáng thương vừa đáng tội. Ngoài những hoạt động có tính chính trị thường tâng bốc, mị dân theo khẩu hiệu như: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” nhằm mục đích bảo vệ chế độ, còn có những cuộc nghiên cứu, nhận định rất nghiêm túc như được thấy trong một buổi tọa đàm. Ở đây xin trích nguyên văn:

“GS.TS Trần Ngọc Thêm (Khoa Văn hóa học, ĐH KHXHNV TPHCM) nhận định: Đặc điểm nổi bật rõ nhất của giới trẻ là lớp tuổi duy nhất có bản chất dương tính, kéo theo 2 đặc điểm quan trọng là hướng ngoại và năng động. Hướng ngoại thì dễ tiếp thu cái mới và hấp thụ các ảnh hưởng ngoại lai; năng động thì ưa thay đổi, phát triển. Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, cũng do đặc điểm dương tính, hướng ngoại mà trong giai đoạn mở cửa hội nhập, ở giới trẻ xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường, phá cách, lệch chuẩn, “gây sốc” cho xã hội, được xem là làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống, như: chuộng các loại thời trang “sành điệu” với áo hai dây, mốt đầu trọc, hình xăm trổ, quan hệ tình dục trước hôn nhân [...].

Ngoài ra, một thực trạng đáng lo ngại là hiện tượng ngôn ngữ “tuổi teen”, sùng bái thần tượng nước ngoài, phổ biến yêu đương đồng tính [...]. Theo thời gian, nhiều hiện tượng lệch chuẩn này đã trở nên khá bình thường và dần được xã hội chấp nhận. Đây cũng là sự phản ứng của giới trẻ với một số giá trị văn hóa truyền thống đã không còn thích hợp và báo hiệu rằng giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung đang có nhu cầu về việc xây dựng giá trị mới, với những chuẩn mực mới.

GS.TS Trần Ngọc Thêm phân tích thêm: “bối cảnh hội nhập đòi hỏi xã hội phát triển đi lên. Và khi cần đi lên thì chính các đặc điểm dương tính, hướng ngoại, năng động của giới trẻ là nền tảng cho sự phát triển, là thế mạnh cần được khai thác và phát huy. Xu hướng hoài nghi, thích kiểm chứng, phản biện của người trẻ cũng là một phẩm chất không thể thiếu cho một xã hội phát triển”.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Khoa Đô thị học, ĐH KHXHNV TPHCM ) nêu nhận định: “Thế hệ trẻ ngày nay rất khác với những thế hệ trước đó. Họ chịu nhiều sự tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài, trong đó có rất nhiều yếu tố tác động hình thành nên khí chất của thanh niên, như: mức sống (ảnh hưởng đến tố chất), công nghệ kỹ thuật (ảnh hưởng đến kỹ năng nghề nghiệp), đa dạng xã hội (ảnh hưởng đến nhân sinh quan)…”.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cũng chỉ ra nhiều hạn chế của một bộ phận không nhỏ thanh niên trí thức hiện nay, như: không có động lực phấn đấu và thiếu cảm hứng sống; thiếu niềm tin bền vững và thiếu nơi gửi gắm niềm tin; thiếu sự tự tin và thiếu tư thế đĩnh đạc; thiếu kiến thức nền văn hóa và xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, trong số đó có một nguyên nhân là: “lỗi hệ thống - những vấn đề bất ổn của thể chế dẫn đến hệ quả tác động đến cá nhân và hành vi xã hội. Những hiện tượng quan chức tham nhũng, chạy chức chạy quyền, khoảng cách giàu nghèo ngày càng dãn rộng, nợ công không giảm, cung cách quản lý không hiệu quả, sự thiếu minh bạch… đã tác động trực diện và mạnh mẽ đến ý chí, niềm tin, động lực của những người trẻ”.

Trong tham luận “Giới trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nhìn từ mối quan hệ cộng đồng - cá nhân”, TS.Nguyễn Văn Hiệu (Khoa Văn hóa học, ĐH KHXHNV) cũng chỉ ra rằng, đối với giới trẻ, lứa tuổi năng động và đặc biệt nhạy bén với cái mới, nhiều giá trị truyền thống dễ trở nên lạc hậu và trở thành sức cản đối với sự phát triển của cá tính. Nếu không có những nhận thức văn hóa căn bản và sự điềm đạm cần thiết, giới trẻ rất dễ cực đoan trong việc phê phán hoặc phá vỡ các chuẩn mực của xã hội truyền thống trong khi họ chưa thực sự đến được, hoặc có được nền tảng của các giá trị mới - điều thực tế cũng rất khó thể có trong một xã hội đang chuyển đổi”[4].

 

  1. Giới trẻ Công Giáo


Trong Giáo Hội, hẳn nhiên, những người trẻ con cái của Chúa khi sống trong môi trường xã hội như thế cũng bị lôi kéo, tác động nhiều khi làm biến dạng đời sống đức tin và luân lý. Điều đó không chỉ là cách nghĩ loại suy nhưng là một thực tế đang diễn ra trong các gia đình Công Giáo, nơi các xứ đạo truyền thống rất nề nếp vang bóng một thời. Ta có thể thấy rõ qua con số các đôi vợ chồng trẻ Công Giáo li dị, qua cách sống và qua tinh thần phục vụ Hội Thánh. Dựa trên những tiêu chí khách quan của đời sống đức tin người trẻ có thể tạm chia người trẻ Công Giáo hôm nay thành ba nhóm.

Nhóm người trẻ Công Giáo nguội lạnh. Họ thường ít đi nhà thờ, ngay việc bỏ lễ Chúa Nhật cũng không làm họ áy náy. Họ đi dự lễ khi có dịp vui, hay bạn thân rủ; họ đi dự lễ khi không bận việc hoặc không có một cuộc vui chơi nào. Những người trẻ này thường xuất thân trong một gia đình hôn nhân dị giáo, hoặc theo đạo khi cưới, sau kết hôn thì bỏ. Đây là hậu quả của một gia đình người mẹ Công Giáo bị chồng cấm đi nhà thờ hoặc không cho con đi dự lễ. Hay trong gia đình người cha Công Giáo, mẹ không có đạo, hoặc theo nhưng chẳng có lòng tin vào Chúa. Trong trường hợp này, người cha lo làm ăn nuôi gia đình nên không thể gần gủi quán xuyến việc giáo dục đức tin cho con cái; tệ hơn, chính anh cũng là người nguội lạnh. Nói chung, đây là những người trẻ xuất thân trong một gia đình mà cha mẹ không phải là “những sứ giả đầu tiên” (LG 11) của đức tin đối với con cái mình; một gia đình không thể có điều mà Đức Phaolô VI từng kêu gọi: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Ki-tô hữu không?...”[5]

Nhóm người trẻ Công Giáo vẫn thường xuyên đi nhà thờ, giữ lễ đều đặn nhưng lại không tha thiết tham gia các hội đoàn. Lòng đạo của họ mang nặng tính cá nhân và giữ luật. Con số người trẻ thuộc mẫu này chiếm một phần đông trong mỗi giáo xứ. Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao, câu trả lời là do không thích. Với câu trả lời đó cũng không có gì khó hiểu, vì đặc điểm của người trẻ là năng động, thích cái mới, thoải mái tự do không gò bó. Trong khi hội đoàn thì đều đặn, có nội quy, tính liên tục, thường xuyên. Người trẻ chỉ chấp nhận bó mình vào một khuôn khổ khi họ có một mục đích rõ ràng. Ngoài sức trẻ, chính đặc tính này làm cho tuổi trẻ đạt được những giải cao trong các bộ môn đòi hỏi sự tập luyện một cách rất khổ công. Từ đây cho thấy, phải chăng có một bộ phận lớn trong giới trẻ Công Giáo không sống sức năng động của đức tin là do họ chưa ý thức đủ Kitô hữu là người thế nào? Họ chỉ biết giữ đạo để khỏi mất linh hồn. Vì thế việc dạy giáo lý tại giáo xứ phải thay đổi cách thức thế nào để từ lớp Âu Nhi đến gành Thiếu và Nghĩa, các em được huấn luyện ý thức đúng và đầy đủ về phẩm giá và sứ mạng Kitô hữu của mình. Cần nghiên cứu và áp dụng cách thức rao truyền chân lý đức tin như Đức Thánh Cha Phanxicô hướng dẫn trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng[6] và được lập lại kỷ hơn trong tông huấn Đức Kitô đang sống. Đó là “tìm ra các cách nhập thân sứ điệp sơ truyền (kerygma) vào ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay”[7], giúp người trẻ “có được một cảm nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu có thể đánh động trái tim của họ”[8]. Điều cần có là “thừa tác vụ giới trẻ phải luôn luôn bao gồm các dịp để đổi mới và đào sâu cảm nghiệm bản thân của chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa và Chúa Kitô hằng sống [...] không nên thay thế cảm nghiệm vui mừng này về cuộc gặp gỡ với Chúa bằng một loại “nhồi sọ lý thuyết”[9]. Đồng thời phương thế quý tụ giới trẻ , chương trình sinh hoạt cần phong phú và linh hoạt.

Nhóm thứ ba là những người trẻ tích cực tham gia các hội đoàn trong giáo xứ. Tạ ơn Chúa, tại Việt Nam, con số các bạn trẻ thuộc nhóm này vẫn còn khá đông. Ca đoàn, giáo lý viên là những hội đoàn có nhiều các bạn trẻ tham gia hơn hết. Đối với nhóm bạn trẻ thứ ba này, tính chất vùng miền làm nên sự khác nhau rất rõ. Các bạn trẻ gốc Vinh, tức là Nghệ An và Hà Tĩnh dễ dàng tham gia vào các nhóm, các hội đoàn. Tại các thành phố, nơi có khối lượng lớn di dân thì người gốc Vinh dễ qui tụ, có nơi, các em tự đứng ra tổ chức, tự động đi tìm cha linh hướng, mượn nhà thờ để sinh hoạt. Kế đến là dân gốc Bắc: Bùi Chu, Thái Bình... Tinh thần hội đoàn yếu hơn là dân vùng Quảng Trị, Thừa Thiên đổ vào Bình Định, Phú Yên.

Đối với những người trẻ là thành viên của các hội đoàn, nếu có một chiến lược huấn luyện, đạo tào thích hợp sẽ giúp các bạn trẻ triển nở bản thân trong sứ vụ của Kitô hữu. Thực tế đang có sự lãng phí về nguồn nhân sự, đó là tình trạng người trẻ nhiệt thành đơn giản là người giúp việc cho cha trong giáo xứ, giá trị của họ chỉ là người đạo đức, dễ bảo thế thôi. Đức Thánh Cha căn dặn: “chúng ta cần các dự án có thể củng cố họ, đồng hành cùng họ và thúc đẩy họ gặp gỡ người khác, dấn thân vào việc phục vụ quảng đại, vào sứ mệnh” (CV số 30).

 

  1. Hãy Là Bạn Của Người Trẻ

  1. Nền tảng của “tình bạn”

Chúa Giêsu tự nhận là bạn của các Tông Đồ như chính Chúa đã nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Đức Thánh Cha trong tông huấn Christus Vivit đã nhận định: “Đức Giêsu muốn làm bạn với mọi người trẻ. Sự phân định này là cơ sở của mọi điều khác. Trong cuộc đối thoại của Chúa Phục Sinh với Simon Phêrô, câu hỏi quan trọng của Người là: “Simon, con Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,16). Nói cách khác, anh có yêu mến Thầy như một người bạn không? Sứ mạng mà Phêrô nhận lãnh để chăm sóc đoàn chiên của Đức Giêsu sẽ luôn được nối kết với tình yêu nhưng không này, tình yêu thân hữu”[10]
Cicéron đã từng nói: “Ai cất tình bạn ra khỏi cuộc đời thì cũng như cất mặt trời ra khỏi vũ trụ.” Về phương diện tâm lý, đối với người trẻ, xu hướng kết nhóm, kết bạn rất mạnh. Nhiều cha mẹ hay than phiền vì con cái cứ mãi theo bạn bè; nhiều gia đình trẻ lục đục cũng vì đã có gia đình vẫn còn ham chơi, tức là theo bạn. Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ sống tình bạn khi ngài trích dẫn một ngạn ngữ Châu Phi viết rằng: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy tự đi bộ. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi bộ với những người khác”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta đừng để mình bị cướp mất tình huynh đệ.”[11] Dựa vào đặc điểm này của người trẻ, thiết nghĩ, vị mục tử cần trở thành người bạn của người trẻ. Hơn nữa, trong việc canh tân mục vụ giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tính “hiệp hành”[12]. Khái niệm này đã được bàn khá sâu trong bài thuyết trình của Cha TĐD trong đợt thường huấn vừa qua, nó cũng được nói đến trong đề mục “Từ đồng hành đến hiệp hành”[13], bài do Đức Cha trình bày. Thiết nghĩ với những đặc điểm của tính “hiệp hành”, vị mục tử sẽ làm tốt mục vụ giới trẻ khi chấp nhận trở thành bạn của người trẻ.
Trong thực tế khoảng cách về tuổi tác, bậc sống và chức vụ làm cho người mục tử rất khó trở thành bạn của người trẻ. Tuy nhiên về phương diện tình bạn nếu ta muốn mọi sự đều có thể. Kinh nghiệm của Đức Cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận là một bằng chứng sống động. Trong tù, ban đầu những người công an canh gác ngài lạnh lùng không giao tiếp, nhưng sau một đêm như ngài chia sẻ: “Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói... Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Đức, Úc, Áo, v.v... Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời... Dần dần chúng tôi trở thành bạn...”[14] Tình bạn đã giúp anh công an gác tù vượt qua sợ hãi, có sáng kiến để cùng với ngài làm nên việc trở thành câu chuyện đẹp vượt thời gian. Đức Hồng Y kể: “ Trong một nơi biệt giam khác, ở Hà Nội, tôi đã xin anh gác:
 - Tôi muốn xin anh giúp tôi một chuyện.
 - Ông cần gì tôi sẽ hết sức giúp đỡ.
 - Anh kiếm cho tôi một sợi dây điện đồng.
 Anh ta trợn mắt:
 - Trời đất! Trong trường công an chúng tôi đã học: tù nhân nào giữ một sợi dây điện là dấu muốn tự tử.
 - Không đâu, linh mục đâu lại đi tự tử!
 - Nhưng ông dùng dây điện làm gì?
 - Tôi muốn làm một sợi dây để mang tượng Thánh giá.
 - Dây điện mà làm dây mang tượng thánh giá sao được? Khó hiểu quá!
 - Anh cứ cho tôi mượn hai cái kềm nhỏ, tôi sẽ làm cho anh xem.
 - Nguy hiểm lắm ông ơi! Không khéo cả ông cả tôi mang lấy vạ.
 - Nhưng chúng mình là bạn mà!...”
Sau ba hôm nghĩ cách giúp, anh công an gác tù và Đức Hồng Y đã làm xong sợi dây đeo Thánh giá trước 11 giờ đêm, thời gian thay ca, đổi phiên gác cho người khác[15].

  1. Đặc nét của tình bạn là sẻ chia hơn đòi hỏi.

Trong một đất nước người dân chưa vượt qua cái bụng, tức là mức sống thấp: ít việc, làm nhiều nhưng lương bổng không cao. Đa số người dân phải làm việc vất vả để có thu nhập lo nhu cầu ăn uống hàng ngày. Các bạn trẻ bước chân vào đời, nếu tiếp tục con đường học lên bậc cao đẳng, đại học, vấn đề đặt ra là học ngành gì? Cứ bình thường người ta sẽ chọn học ngành mình thích để có động lực phấn đấu và sau này có cơ hội thực hiện những ước mơ. Thực tế cho thấy trong xã hội Việt Nam hiện nay, sự bất cập của việc đào tạo cao đẳng, đại học, dạy nghề dẫn đến tình trạng không có đầu ra. Nhiều ngành ghề tự thân rất cao đẹp nhưng hiện tại nếu chọn học đến lúc ra trường không tìm được việc. Phần lớn người trẻ ra trường không có việc làm, sống lây lất, làm việc không đúng chuyên môn để có thu nhập lo cuộc sống. Nhiều bạn trẻ sau mấy năm đèn sách, cuối cùng đi làm công nhân ở những khu chế xuất. Một bộ phận lớn khác của giới trẻ là công nhân, họ đi làm ngay sau khi học xong cấp III, có khi vừa hết cấp II. Với đồng lương ít ỏi, họ phải khéo tiết kiệm mới giúp được gia đình. Những ngày tăng ca tuy thêm được số tiền nhỏ nhưng cạn sức, mệt mỏi không còn giờ để tham gia hội đoàn...
Những khó khăn này tạo nên một áp lực lớn cho người trẻ, vị mục tử nên chia sẻ với người trẻ khi họ tham gia sinh hoạt trong các hội đoàn hoặc khi họ chuẩn bị lập gia đình. Sự nâng đỡ của vị mục tử để họ chu toàn bổn phận sẽ hay hơn nhiều so với cách người ta thường làm là đòi hỏi. Có quan điểm cho rằng cần gây ý thức về tầm quan trọng của bí tích, nhất là bí tích Hôn Phối, nên đòi hỏi phải thưa trình nhiều kiểu làm người trẻ mất thời gian, tốn tiền đi lại. Có trường hợp cha xứ phạt không cho cưới, vì cái tội vắng sinh hoạt giới trẻ mấy tuần khiến đôi bạn trẻ đã đính hôn cuối cùng phải chia tay[16]. Trong những trường hợp này chắc chắn người trẻ sẽ nhớ bí tích Hôn Phối, nhưng không phải nhớ giá trị ân sủng bí tích đem lại mà nhớ để cử hành bí tích họ đã phải khổ đến mức nào. Chắc chắn cách làm này sẽ đẩy người trẻ xa Giáo Hội. Người trẻ cần được quan tâm chia sẻ để trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hiện nay họ vẫn có thể phục vụ tốt, trong bình an và sự thăng tiến. Cần tránh trường hợp người nhiệt thành rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, vì lên nhà thờ cha trách không chu toàn nhiệm vụ, về nhà vợ nhằn không chịu đi làm kiếm tiền cho vợ nuôi con. Cũng vì cuộc sống khó khăn nhiều bạn trẻ liều lĩnh chấp nhận làm những việc vừa nguy hiểm, vừa bán rẻ phẩm giá. Do đó, họ cần biết bao một tình bạn với người mục tử để họ được lắng nghe và ấm lòng thực hiện sau khi được hướng dẫn.
Những người trẻ hôm nay đang đứng trước một thực trạng xã hội trong đó các giá trị bị đảo lộn. Nếu ngày xưa những giá trị tinh thần được đề cao như: “Ra đi mẹ đã dặn rằng: cam chua mua lấy ngọt bồng chớ ham” thì ngày nay đã khác: cam hay bồng đều được miễn sao nó ngọt. Người ta đánh giá sự thành công dựa trên khả năng kiếm tiền và hạnh phúc là được hưởng thụ nhiều thứ. Do đó, tôi là ai không quan trọng nhưng quan trọng là tôi có được bao nhiêu tiền. Quan niệm đề cao vật chất trong xã hội đã đẩy các bạn trẻ đến tình trạng lao vào các khóa học nhằm trang bị cho mình nhiều khả năng để có cơ hội làm việc lương cao, hay tìm mọi cách kiếm tiền. Tình trạng này khiến cuộc sống các bạn trẻ trở nên vội vàng không còn chỗ cho Chúa, khát khao nội tâm lụi tàn nên rất dễ sa vào những cuộc vui chơi hưởng thụ. Trong tình cảnh này, người trẻ cần được lắng nghe để hiểu đúng về họ, cần được chia sẻ kinh nghiệm vượt khó trên hành trình theo Chúa để họ được củng cố nội lực là sức mạnh đức tin. Nhờ đó, họ biết chọn lựa và nhận trách nhiệm đời mình trong tư cách là con cái Chúa. Đưc Thánh Cha dặn: “Chúng ta cần sử dụng trước nhất các ngôn ngữ gần gũi, ngôn ngữ yêu thương quảng đại, có tính tương quan và hiện sinh có thể đánh động trái tim, tác động đến cuộc sống và đánh thức hy vọng và ước muốn. Người trẻ cần được tiếp cận bằng ngữ pháp tình yêu, chứ không phải bằng cách giảng giải. Ngôn ngữ mà những người trẻ hiểu được nói bởi những người tỏa sức sống, bởi những người hiện diện ở đó vì họ và với họ”[17].

  1. Tình bạn thường dễ cảm thông

Ngày này, thời đại của Internet, chỉ cần có chiếc điện thoại kết nối 3G là làn sóng các loại hình giải trí; phim ảnh, ca nhạc, thể thao và mọi thông tin trên toàn thế giới sẽ về gọn trong lòng bàn tay. Qua các nhân vật nổi tiếng, giới trẻ thường chọn làm thần tượng, khơi lên những trào lưu hình thành lối sống và cách tư duy mới. Ngoài xã hội, người ta đánh giá chúng đang phá đổ những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên tình trạng “lệch chuẩn” nơi một bộ phận lớn người trẻ. Trong Giáo Hội, tâm hồn người trẻ Công Giáo bị khuấy động bởi sự xa lạ giữa giáo huấn của Hội Thánh và thực tế cuộc sống trong những vấn đề nhạy cảm của họ. Đến khi lắng lại, hình thành nơi người trẻ một sự thỏa hiệp với lối sống xã hội trong các vấn đề như tình dục trước hôn nhân, li dị, hôn nhân đồng tính. Người trẻ thấy cách giải quyết như người ta đang làm trong xã hội: đồng tình với hôn nhân đồng tính, li dị khi đời sống gia đình không hạnh phúc và sống thử trước hôn nhân là hợp lý hơn giáo huấn của Giáo Hội.

Với Facebook và các mạng xã hội đang hình thành một lối sống mới có tên là “sống ảo”. Nguồn cơn lối sống này, là người ta không đo giá trị nơi chính con người của mình mà đánh giá bản thân theo tổng số like hay comment trên Facebook. Nếu trước đây một người trẻ được gọi là hot boy hay hot girl là do người đó có thể hình đẹp, khuôn mặt xinh, dáng chuẩn thì nay mẫu người được xếp vào loại “hot” là người có số like hay comment khủng. Đơn cử như gần đây mạng xã hội dậy sóng trong cộng đồng người trẻ với những tên như Phúc XO, người đeo vàng nhiều nhất Việt Nam, hay Khá “bảnh”, chàng trai săm trổ đầy người, phong cách rất lố lăng. Họ được tung hô, được những người trẻ coi là thần tượng chỉ vì thích chơi ngong, trong khi hiện tại họ đang nằm trong danh sách tội phạm. Sống ảo chính là tình trạng những người trẻ suốt ngày dán mắt vào điện thoại, qua Facebook và các mạng xã hội đăng tin, hình theo dõi số like, comment tìm niềm vui cho riêng mình qua những lượt tương tác trên mạng hơn là giao tiếp giữa những con người thực với nhau. Một điều khác biệt rất rõ là trước đây, khi quy tụ giới trẻ thường là không khó, có người ví von “vốn ít lời nhiều” vì cơ bản người trẻ có nhu cầu gặp gỡ, kết bạn nên khi giáo xứ tổ chức họ tích cực hưởng ứng. Nhu cầu này ngày nay không còn, vì bạn trẻ nào cũng có điện thoại trượt, lướt web trên mạng, like, comment, thả tym thích hơn.

Thời đại Internet con người có một phương tiện tuyệt vời để phát triển mọi mặt của cuộc sống, tuy nhiên nó đang tạo ra những con nghiện nơi giới trẻ: nghiện Game, Web đen... Hậu quả của nó không chỉ khiến người trẻ mất thời gian sa sút học hành, mà còn dẫn đến tình trạng bạo lực, sống buông thả trong quan hệ nam nữ, mới tuổi vị thành niên đã tập làm người lớn... dễ dàng phá thai. Có một thứ nghiện khác được gọi chung là nghiện Internet. Về loại nghiện này nó chẳng chừa ai: cha, thầy, ma sơ đều có thể nghiện hết. Đó là tình trạng lúc nào cũng bận, ngồi suốt ngày trên máy tính nhưng chẳng cho ra bài vở gì. Bất cứ cái nghiện nào cũng làm người ta đánh mất chính mình, và đã nghiện thì rất khó bỏ. Tôi còn nhớ một lần ở giáo xứ Cam Lộ, trời miền Trung, buổi chiều mùa đông thường rất ảm đạm vì lạnh và âm u. Trong bàn cơm cha xứ im lặng như cố dằn cơn tức,  chú giúp lễ học lớp 10 ở với ngài đang ăn mà dường như vẫn còn mếu. Tối hôm đó chú gặp riêng tôi và nói: “Xin cha giúp con với. Con không làm được. Con biết mình sai. Con không muốn cha xứ buồn. Con đã đi qua tiệm Game, nhưng cưỡng không  được nên con lại quay vào...”
Đức Thánh Cha nhận định: “Người lớn chúng ta thường bị cám dỗ muốn liệt kê mọi nan đề và sai sót của người trẻ ngày nay. Có lẽ một số người còn thấy đáng khen khi chúng ta dường như rất có chuyên môn trong việc biện phân các khó khăn và nguy hiểm. Nhưng kết quả của một thái độ như vậy là chi? Khoảng cách lớn hơn, ít gần gũi hơn, ít hỗ trợ lẫn nhau hơn.”[18] Ngài nhắn nhủ : “Bất cứ ai được kêu gọi làm cha, mục tử và người hướng dẫn tuổi trẻ phải có tầm nhìn xa để đánh giá cao ngọn lửa nho nhỏ tiếp tục bùng cháy, cây sậy mỏng manh bị lúc lắc nhưng không bị đập gẫy (xem Is 42:3). Khả năng biện phân được đường đi ở chỗ các người khác chỉ nhìn thấy các bức tường, nhận ra tiềm năng ở chỗ các người khác chỉ nhìn thấy hiểm họa. Đó là cách Thiên Chúa Cha nhìn sự vật; Người biết cách trân trọng và nuôi dưỡng các hạt giống của lòng tốt gieo trong lòng người trẻ. Do đó, cõi lòng mỗi người trẻ nên được coi là “mảnh đất thánh thiêng, mang hạt giống sự sống thần thiêng, mà trước nó, chúng ta phải cởi giày của mình ra mới có thể đến gần và bước vào Mầu Nhiệm sâu hơn”[19].

  1. Để thực sự sinh hoa trái thì “truyền lửa”

Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy trong suốt dòng lịch sử, nhiệt huyết của người trẻ không bao giờ ít hơn những thử thách, khó khăn. Một khi đã có cách ứng xử đúng tầm với người trẻ, việc quan trọng là làm sao chuyển được lửa nhiệt thành để người trẻ sống đức tin. Đức Phalô VI đã nói: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy.” Điều này cũng đúng trong việc truyền “lửa”, người trẻ cần được thấy lòng nhiệt thành nơi vị chủ chăn, đặc biệt là lửa nhiệt thành truyền giáo. Một khi ý thức phải truyền giáo người trẻ sẽ sống mạnh mẽ đức tin của mình.

Tạ ơn Chúa trong giáo phận Qui Nhơn có biết bao chứng từ, những cuộc đời cháy lửa truyền giáo đã giữ cho dân Chúa sự trung kiên sống đức tin dù đi qua bao thăng trầm nghiệt ngã. Vị bề trên tiên khởi của DCCT Châu Ổ, cha Denis Paquette, nhận từ tay Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi Trung tâm truyền giáo Châu Ồ vào ngày 25 tháng 03 năm 1963. Trong một bức thư gởi cho quý ân nhân ngài viết: :“Từ trước đến nay, tôi luôn được chỉ định làm một việc gì nơi tu viện, giờ đây hơn khi nào hết tôi cảm thấy mình được hoàn toàn là người thừa sai. Giấc mơ của tôi từ 14 tuổi hôm nay đã thành sự thật. Tôi đi qua những con đường bùn lầy, vượt qua các thửa ruộng, tôi nghỉ chân dưới các rặng tre. Lúc trời mưa, tôi thường vác xe đạp lên vai. Các chòi lá vừa làm nhà nguyện vừa làm nhà ở. Tôi ăn cơm với nước mắm và khoai lang. Trong rừng không có bánh mì trắng như ở nhà chúng ta đâu. Nhưng đừng tưởng rằng tôi phải vì đó mà khốn cực...”[20] Người Việt Nam thường nói: “Thương nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”, được nung đốt bởi lửa truyền giáo, trong thiếu thốn cực khổ cuộc sống vẫn bình thường, và nhường như lại thấy hạnh phúc nên mới nói: “Nhưng đừng tưởng rằng tôi phải vì đó mà khốn cực...”

Một chứng từ khác là cha Anphongsô Nguyễn Đức Điềm. Ngài xuất thân trong một gia đình có người cha là bác sĩ giám đốc đầu tiên của bệnh viện bây giờ là Trung Ương Huế. Ngài tình nguyện ra Châu Ổ vào thời điểm Mỹ đổ quân vào căn cứ Chu Lai tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trong khi Bắc Việt dùng chiến thuật “Lấy nông thôn bao vây thành phố”. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết nhạc phẩm trong đó ca từ kể: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”. Châu Ổ lúc ấy là vùng an toàn, nhưng ra khỏi thị trấn, an ninh thường không được bảo đảm. Tại An Điềm thuộc xã Bình Chương đã có nhà thờ từ năm 1963, cha Điềm xin đến phục vụ ở đó. Khi được cảnh báo vùng Bình Chương không an toàn, ngài đã thưa: “Con đi truyền giáo xin cho con được ở với dân”[21]. Chọn lựa của ngài đã trả giá bằng cú bắn trên đồi An Điềm vào tối ngày 22 tháng 02 năm 1969. Viên đạn cắm vào chân máu chảy đến sáng, ngài qua đời giữa các em thiếu nhi sau một ngày cắm trại. Đến bây giờ, mỗi lần kể lại câu chuyện này, người viết không thể nào hình dung nỗi tinh thần dấn thân cho truyền giáo của các ngài thời ấy, chỉ thấy bị cuốn hút, một niềm vui tự hào và luôn muốn dâng lời ca tụng...
Thấy Phaolô Phạm Mẫn, người gốc Trà Kiệu vào Dòng đi tu bậc trợ sĩ. Thầy cùng làm việc với cha Điềm phục vụ giáo dân ở Bình Chương. Được tin cha Điềm chết, thầy Phaolô Phạm Mẫn lúc đó đi công tác tại Huế không hề chùn chân, trong một bức thư có đoạn thầy bày tỏ: ghen với cha Anphong vì cái chết, thầy cho là cái chết hiến tế của ngài[22]. Non một tháng sau, tại Châu Ổ, pháo kích về ban đêm, quả thứ nhất rơi xuống sân nhà dòng, thầy vội băng qua hành lang dẫn các em thiếu nhi, về nhà dòng mừng lễ thánh Giuse, đang ở phòng bên vào hầm trú ẩn. Quả thứ hai tiếp tục đến miểng của nó cắm sâu vào người thầy, sau ba hôm chạy chữa thầy đã về với Chúa vào ngày 21 tháng 03 năm 1969. Có điều lạ, thầy chết ở Châu Ổ lại đem lên an táng trên đồi An Điềm nơi cha Anphong ngã xuống. Thời mất an ninh sao không chôn bên mộ cha Điềm? Hai anh em sống làm việc với nhau đều chết vì đạn do sứ vụ truyền giáo, chết nằm bên nhau trên đồi Châu Ổ sẽ hay hơn nhiều. Không ai nhớ vì sao đưa thầy lên chôn trên đó. Có người mường tượng: hình như làm theo lời trối của thầy. Không chắc! Nhưng điều đáng nói là nhờ ngôi mộ của thầy, giáo họ Bình Chương đã sống đức tin một cách can trường nhất trong suốt thời gian dài nhiều nơi dường như  bất động. Đến đây người viết nghĩ: thầy chết mà làm nhiều hơn khi sống, quả thật lời Chúa Giêsu hoàn toàn ứng nghiệm nơi cuộc đời cháy lửa truyền giáo: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24).
Giáo Hội luôn cần chứng tá. Trong xã hội thay đổi nhanh như dòng lũ đang cuối trôi các giá trị truyền thống, đức tin và luân lý không luôn song hành. Vực giới trẻ dậy, đẩy giới trẻ đi, đưa giới trẻ lên đường người mục tử cần trở thành chứng tá. Đó chính là truyền lửa làm tỏa lan Tin Mừng Cứu Độ.

Kết
Như trong thư mục vụ mùa Vọng năm 2019, Đức Cha đã giới thiệu chủ đề của chương trình mục vụ năm 2020 là "Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện". Có lẽ không ai thấy dễ dàng, vì thực tế, cha quản xứ loanh quanh với mục vụ bí tích, sinh hoạt các hội đoàn, giảng dạy giáo lý là đến giờ đi ngủ. Dù vậy, tình yêu mục tử thúc đẩy chúng ta tìm mọi cách thực hiện. Vì giới trẻ hôm nay rất cần sự trưởng thành để có thể đứng vững trước những trào lưu của xã hội đi ngược lại các giá trị Tin Mừng. Giới trẻ cần trưởng thành để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi môi trường mình đang hiện diện.
Giáo Hội nhìn nhận tầm quan trọng của giới trẻ như tại Lâu đài Haemi, Hàn Quốc, trong Thánh Lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Á Châu lần thứ sáu, vào ngày 17 tháng 8 năm 2014, trước 50,000 bạn trẻ đến từ 23 quốc gia, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra: các bạn trẻ không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của Giáo Hội. Những xác quyết đó cùng với lời mời gọi như trong tông huấn Christus Vivit vừa ra, thúc đẩy ta cùng lên đường với cả Giáo Phận cố gắng hết sức giúp các bạn trẻ đạt được sự trưởng thành toàn diện. Để đạt được kết quả thì ngày hôm nay vị mục tử phải suy tư để có một chương trình hành động. Và khi bắt tay vào việc, thiết nghĩ, những suy tư của bài viết này gợi mở một cách thức tạm gọi là phương pháp cho những hành động của ta./                                                                          
                                                                                

 


[1] x. http://www.vietcatholicnews.org/News/Home/Article/246432

[2] x. http://www.vietcatholicnews.org/News/Home/Article/240779

[3] x. http://www.vietcatholicnews.org/News/Home/Article/247279
[4] http://edufac.edu.vn/toa-dam-gioi-tre-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-nhung-van-de-dat-ra-ve-van-hoa-giao-duc

[5] Đức Phaolô VI, diễn văn buổi tiếp kiến chung 11.08.1976.

[6] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Số 165.

[7]Tông huấn Đức Kitô đang sống. Số 211

[8] Sđd. Số 212

[9] Tông huấn Đức Kitô đang sống. Số 214

[10] Sđd. Số 250

[11] Sđd. Số 167

[12] x. Sđd. Số 206

[13] Ban Thường Huấn LM. Christus Vivit Giáo Hội Và Người Trẻ. Tòa GM Qui Nhơn 2019. Tr. 21.

[14] ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận. Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá: Chiếc bánh thứ 5.

[15] (Sđd)

[16] Giáo xứ Trinh Vương, giáo phận Xuân Lộc. Chuyện xảy ra vào tháng 12 năm 2018.

[17] Tông huấn Đức Kitô đang sống . Số 211.

[18] Tông huấn Đức Kitô đang sống. Số 66.

[19] Tông huấn Đức Kitô đang sống. Số 67.

[20] Lm. Rôcô Nguyễn Tự Do. Lịch Sử DCCT Việt Nam. Tr. 255

[21] Theo lời kể của cha J.B. Nguyễn Thế Thiệp, bạn cùng lớp.

[22] (x. Sđd tr. 259)

Châu Ổ, ngày 08 tháng 12 năm 2019

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập157
  • Máy chủ tìm kiếm124
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay17,864
  • Tháng hiện tại632,621
  • Tổng lượt truy cập28,947,990

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây