Trang mới   https://gpquinhon.org

Giáo huấn 33 : Phát huy truyền thống đạo hiếu

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/07/2014 10:07
Giáo huấn số 33 : 
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐẠO HIẾU
 
Điểm nổi bật của nền văn hóa Việt Nam là truyền thống hiếu thảo. Chúng ta gọi bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là “đạo hiếu” hay “đạo làm con” và đặt nó đứng đầu trong đạo làm người, trên và trước mọi bổn phận và nhiệm vụ. Chữ “đạo” được dùng ở đây là một từ Hán-Việt có nghĩa là đường đi và lý lẽ hay đạo lý. Vậy đạo hiếu là lối sống và nghĩa lý mà con cái phải có hoặc phải đối xử với cha mẹ. Đó là những hình thức bày tỏ lòng yêu mến tự nhiên liên kết con cái với cha mẹ. Như thế, hiếu thảo đối với cha mẹ là một bổn phận thuộc luật tự nhiên và điều răn thứ tư trong mười điều răn do Thiên Chúa ban hành cũng đòi hỏi như thế. Bổn phận của con cái phải hiếu thảo với cha mẹ phát xuất từ việc con cái mắc nợ rất nhiều từ cha mẹ. Hơn nữa, để thi hành trách nhiệm giáo dục con cái, cha mẹ cũng cần phải được con cái yêu mến, tôn kính và vâng phục.
 
Đạo hiếu chi phối mọi hành vi, cử chỉ và lời nói của con người đối với cha mẹ. Một người con hiếu thảo không những phải luôn ý tứ trong lời nói và cử chỉ để khỏi làm cho cha mẹ phải buồn, mà hơn nữa, còn phải tránh làm những gì phương hại đến thanh danh cha mẹ, ngược với ý muốn của cha mẹ nếu đó là những ý muốn tốt đẹp, và luôn tìm mọi cách để làm cho cha mẹ được thêm vinh dự trước mặt mọi người. Chữ hiếu chẳng những phải được thực hiện khi cha mẹ còn sống, mà còn phải tiếp tục được chu toàn ngay cả sau khi cha mẹ đã qua đời. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, việc thờ cúng ông bà tổ tiên đã chứng minh điều ấy; và truyền thống Kitô giáo cũng khẳng định điều ấy qua việc cầu lễ và xin lễ cho ông bà cha mẹ đã qua đời.
 
Chính lòng hiếu thảo cũng chi phối các bổn phận đối với những thành viên khác trong gia đình và gia tộc: «Lòng hiếu thảo tạo bầu khí thuận hòa trong đời sống gia đình, ảnh hưởng đến các mối tương quan giữa anh chị em. Lòng hiếu thảo sưởi ấm bầu khí gia đình» (Trích Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2219). Ngoài ra, lòng hiếu thảo còn là căn bản của những đức tính xã hội. Quả thế, một người con hiếu thảo với cha mẹ sẽ là một người tận trung với quốc gia dân tộc, tôn trọng và vâng phục quyền bính, thể hiện tinh thần tương thân tương ái và tình nghĩa đồng bào, v.v.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127839
  • Tổng lượt truy cập: 12272099