Quà tết cho người nghèo vùng cao

Thứ hai - 15/02/2021 20:12

QUÀ TẾT CHO NGƯỜI NGHÈO VÙNG CAO

Chủng sinh Anrê Châu Ngọc Lợi
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt

Đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến mọi người khắp nơi trên thế giới. Trong đợt bùng phát dịch lần hai, Quảng Ngãi có người bị nhiễm nên gây hoang mang và thiệt hại khá nhiều về kinh tế. Nỗi khổ đó chưa qua, mùa mưa về, kéo theo những trận bão nối tiếp nhau gây ra nhiều thiệt hại. Trong đó những người nghèo, những người ở vùng sâu chịu nặng nhất. Chính vì thế, cuộc sống của người Đồng Bào ở Tây Trà, vùng đất cuối của giáo xứ Châu Ổ, nằm về phía Tây huyện Trà Bồng vốn dĩ đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Cảm thông hoàn cảnh sống thiếu thốn của người dân nơi đây, cha xứ Giuse thao thức muốn giúp người nghèo chút quà khi tết đến. Ngài đã kết nối những tấm lòng bác ái, làm thành 200 phần quà, cố gắng trao tận tay những người khó khăn nhất trong các thôn miền sơn cước, do vậy chúng tôi mới có chuyến đi đáng nhớ này.

5 giờ sáng, ngày 24 tháng Chạp, vì còn tiết đông nên trời vẫn tối. Tại Nhà Dòng Châu Ổ, cha xứ Giuse cùng với hai anh em chúng tôi lên đường đi Trà Bồng. Vượt qua 30 cây số, đến trạm nghỉ chân đầu tiên là nhà chú Hùng, nơi cộng đoàn thường dâng lễ một số ngày trong tuần và ngày Chúa Nhật. Tại đây, chúng tôi nghỉ ngơi, nạp năng lượng bằng bữa ăn sáng và cũng để đón thêm 3 thành viên mới.

Đúng 7 giờ, đoàn tiếp tục khởi hành lên Tây Trà, đến xã Trà Phong trên chiếc xe 16 chỗ của chú Hùng. Con đường đèo ngoằn ngoèo kéo dài chừng 40 cây số, núi nối tiếp chập chùng với sắc màu nham nhỡ vì những cánh rừng nguyên sinh đã bị đốn sạch, chỉ còn cây lưa thưa hầu hết là keo và cây dại. Tại đây, đoàn chúng tôi có thêm 3 thành viên. Họ là những giáo dân sống gần gũi với người Đồng Bào. Nhờ sự giúp đỡ của họ, đoàn tiếp tục cuộc hành trình, vượt tiếp hơn 15 cây số đến thăm người Đồng Bào Ca Dong, tại thôn Trà Ôi thuộc xã Trà Xinh. Đây được xem là nơi xa xôi và đường đi khó khăn nhất của vùng đất Tây Trà.

Dù đã được nghe kể, nhưng chúng tôi vẫn không nghĩ con đường đến với người Đồng Bào nơi đây lại vất vả, gian nan như vậy. Chúng tôi đi xe Honđa do hai anh người dân địa phương chở. Người ở miền dưới lên, không quen chạy xe trên đường đèo lởm chởm đá, có khúc đất ướt, đặc quánh làm thành rãnh sâu, không vững tay lái là trượt ngã rất dễ dàng. Đoạn đường từ Trà Phong lên Trà Ôi không xa, nhưng khiến chúng tôi khi nhớ lại vẫn thấy rùng mình. Đường đèo trơn do dư âm của trận mưa hôm trước. Có chỗ xuống dốc xe như muốn rơi, người ngồi sau tay bấu chặt yên, sợ buông ra sẽ đổ nhào, đẩy văng người cầm lái. Đến khi lên dốc, chạy số nhỏ nhích từng tí vẫn bị trượt, xe ngã đè lên chân. Sau gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được Trà Ôi, gặp người Đồng Bào, ngạc nhiên, vì có mấy cô sơn nữ da trắng, ngỡ như người Kinh ở thành phố lên thăm vùng này. Nghe nói con gái nơi đây xinh nhất vùng Tây Trà! Suốt đoạn đường có lúc thì đi bộ, lúc đẩy xe, cuối cùng phải bỏ xe bên đường lội bộ vào thăm làng nên ai cũng thấm mệt. Dù vậy mọi người đều vui vì đã tới đích, gặp được anh chị em Đồng Bào mà đoàn muốn giúp. Riêng cha xứ, gương mặt ngài rạng rỡ hơn, vì như ngài chia sẻ là thấy mãn nguyện khi đi hết phần đất mà ngài có trách nhiệm coi sóc, gặp gỡ những người chưa phải là “chiên” nhưng ngài có bổn phận phải cố đưa họ về “ràn”.

Vừa đến nơi, chúng tôi vào thăm từng nhà, dù muốn đi hết nhưng thời gian không đủ để qua các làng khác như chương trình đã định. Chúng tôi đành cắt câu chuyện dù chỉ mới làm quen, chia bánh kẹo cho các em nhỏ, thông báo bà con xuống núi đến chỗ đường bê tông để nhận quà. Những món quà tết giáo dân Trà Bồng đã chuẩn bị sẵn gồm có: gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt, và bánh. Nhận những món quà  từ tay cha xứ và giáo dân thiện nguyện, người  Đồng Bào Ca Dong ở Trà Ôi không dấu được niềm vui. Trong cảnh nghèo khổ, cái cách đơn sơ hồn nhiên của họ nhóm lên nơi tâm hồn tông đồ một tia hy vọng, vì như Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn...”

Rời Trà Ôi, chúng tôi đến thôn Trà Veo cũng thuộc xã Trà Xinh để thăm và chia sẻ những món quà tết. Nếu Trà Ôi có mấy cô sơn nữ xinh xắn thì Trà Veo có dòng sông nước như được tô màu, trong veo, phơi mình dưới nắng nhạt của tiết trời miền Trung những ngày đã chớm sang xuân. Từ trên cao nhìn xuống, màu xanh của dòng nước trải rộng ra giữa hai dãy núi, tuy cũng hùng vĩ nhưng trông rất đỗi hiền hòa. Nó như có ma lực cứ bắt mình ngắm mãi; dù không phải mùa hè nóng bức vẫn cứ muốn nhảy ào xuống tắm. Ở đây người ta đang làm dự án xây đập thủy điện. Ôi cái sự hiện đại của con người! Phát triển đâu chẳng thấy, nhưng chắc là cảnh vật đẹp như bức tranh và con người đang sống nơi vùng đất này sẽ phải chịu rất nhiều mất mát.

Xong việc phát quà ở Trà Veo là đã xế chiều, chúng tôi trở về nhà anh Lợi gốc Nam Định, gia đình ở tuốt tận Cao Bằng, vô Sài Gòn lập nghiệp nhưng bị gió thổi về đây thân thuộc với núi rừng. Nhà anh ở Trà Phong, chị người Sơn Tịnh thuộc giáo xứ Phú Hòa, nhỏ nhắn nhưng khỏe và nhanh. Trong cùng buổi sáng có lúc đi với đoàn, vậy mà bữa trưa chị dọn nhiều món, vừa nóng lại ngon nên ai cũng ăn rất nhiệt tình. Tuy vậy, không ngồi lâu thưởng thức vì còn hai điểm phải đi là Trà Quân và Trà Khê thuộc xã Trà Sơn.

Lên đường đi Trà Sơn, xe chạy một mạch tới Trà Quân, thấy nhóm người đứng đợi, họ nói chờ từ sáng đến giờ, chúng tôi phát nhanh không nói chuyện được nhiều vì họ đã chờ lâu nên để họ về kẻo muộn. Vẫn còn một số người chưa đến nhận, họ ở trên núi mà chúng tôi chỉ đến được phía dưới đường. Đứng chờ cũng sốt ruột! Anh tài xế xe tải chúng tôi thuê chở hàng nhận xét: “đi cho mà cũng khổ!” Chiều xuống nhanh rồi chuyển tông qua sắc màu âm u, vì những đám mây mọng nước giăng ngang khoảng trống giữa núi đồi. Mưa có thể rơi, chúng tôi quyết định để lại những phần quà chưa phát tại nhà anh Dũng, anh Trường. Các anh hứa sẽ chuyển cho người Đồng Bào nghèo chưa đến nhận, như lần trước các Sơ Phaolô Đà Nẵng đi với cha xứ đến cứu trợ bà con sau cơn bão số 9 đã làm. Đường về Trà Khê dễ đi nhưng quà cũng để lại vì chưa thấy người Đồng Bào ra.

Chúng tôi về tới Trà Xuân khoảng 6 giờ chiều, sang xe máy chạy một mạch về Châu Ổ kịp dâng lễ tối. Cha xứ bảo tới trước đài Đức Mẹ tạ ơn, vì chuyến đi an toàn: tuy có bị té do khúc cua gấp, bị ngã do đường trơn nhưng chỉ xây sát nhẹ không đáng để bận lòng. Buổi sáng lên đường trời mưa, sợ ướt lạnh suốt ngày không chịu nỗi. Có Chúa quan phòng! Một ngày trôi qua thời tiết đẹp. Lễ xong cha con ngồi ăn tối, đã gần 21 giờ, những câu chuyện trong bàn cơm làm nhớ lời nhận xét của anh tài xế: “đi cho mà cũng khổ!...”

Người Công Giáo làm việc bác ái bởi vì: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Tối này chắc chắn có những giấc ngon, không chỉ vì một ngày đi sớm về khuya nên thiếu ngủ mà còn vì biết rằng: chuyến đi đem đến cho một số người vơi đi một chút khổ!

1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 

Tác giả bài viết: Giáo xứ Châu Ổ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại623,944
  • Tổng lượt truy cập28,939,313

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây