Đức Giám mục kinh lý Giáo xứ Hoa Châu

Thứ tư - 09/05/2018 05:14

CUỘC KINH LÝ TẠI GIÁO XỨ HOA CHÂU
CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN

Với cái nắng gay gắt ban chiều của những ngày đầu mùa gặt lúa, Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã có chuyến kinh lý đến giáo xứ Hoa Châu, thuộc giáo hạt Tuy Hòa, vào lúc 14h00’ thứ Năm, ngày 03.05.2018.
Mặc dù thời tiết nắng nóng cộng với sự bận rộn của những ngày mùa màng, nhưng bà con giáo dân giáo xứ Hoa Châu vẫn hối hả qui tụ về nhà thờ chính để chào đón Đức Giám mục Giáo phận nhân chuyến đi kinh lý của ngài về thăm giáo xứ. Nhà thờ đã đổ chuông đón mừng Đức cha từ đằng xa và cha chánh xứ cùng với toàn thể cộng đoàn vỗ tay vui mừng.
Như thường lệ, Đức cha dành những phút thinh lặng đầu tiên để viếng Chúa và cha chánh xứ cùng toàn thể cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho Đức Giám mục Giáo phận của mình. Sau nghi thức tiếp đón và viếng Chúa, Đức cha đã nghỉ ngơi đôi phút để bắt đầu cuộc gặp gỡ thân tình với cộng đoàn dân Chúa nơi đây. Cha chánh xứ đã giới thiệu Đức cha và đoàn kinh lý cho cộng đoàn và ngài cũng giới thiệu từng hội đoàn đang hiện diện cho Đức cha. Đức cha và cha Tổng Đại diện cũng đã có lời chào trân trọng đến cha sở, cha phó, cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện.
Ngay sau phần trình bày lịch sử và hiện tình sinh hoạt giáo xứ của cha sở và cha phó, Đức cha đã nói về mục đích và ý nghĩa chuyến kinh lý mục vụ của ngài trong Năm thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng của Giáo phận. Đức cha mời gọi cộng đoàn nêu lên những thắc mắc, khó khăn, hay những ý kiến đóng góp cho giáo xứ và Giáo phận để ngài có những hướng dẫn mục vụ cụ thể cho mỗi cộng đoàn dân Chúa. Cộng đoàn giáo xứ Hoa Châu đã rất sôi nổi trình lên Đức cha khá nhiều câu hỏi hay và thực tế. Tất cả những câu hỏi trong buổi gặp gỡ đều xoay quanh 4 vấn đề chính như: (1) truyền thống của Giáo Hội, (2) các cử hành phụng vụ, (3) hôn nhân Công giáo, và (4) việc truyền giáo.
Thứ nhất, có nhiều câu hỏi xin Đức cha giải thích liên quan tới tính truyền thống của Giáo Hội Công giáo như: Vì sao có sự tách biệt giữa Công giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo và Tin Lành? Giáo hội mang tên Maronite là gì và có hiệp thông được với Giáo Hội Công giáo không? Đức Giáo hoàng Phanxicô hiện thời bị cho là Kitô giả? Có được phép sử dụng các bài kèn trống của người lương cho trong lễ tang người Công giáo không?
Về sự tách biệt giữa Công giáo với Chính Thống giáo, Anh giáo và Tin Lành, Đức cha nói rằng ngày từ đầu chính Chúa Giêsu đã thấy điều này khi Ngài còn ở với các môn đệ. Chính Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban sự hiệp nhất cho các môn đệ… Năm 1054, Giáo Hội Công giáo ở Constantinople tách khỏi Giáo Hội Công giáo Rôma và lập thành Chính Thống giáo, vì có những bất đồng về thần học, tín lý và quyền bính. Đây là hai Giáo Hội anh em rất gần và có cùng nguồn gốc Tông Đồ, vì Thánh Phêrô rao giảng ở Rôma và em của ngài là Thánh Anrê rao giảng ở Constantinople… Đến thế kỷ XVI, có sự phân rẽ giữa Công giáo và anh em Tin Lành do Martin Luther, linh mục Dòng thánh Augustinô, chủ xướng vào năm 1517. Lúc đó, trong Giáo Hội có những khiếm khuyết và Luther đã đứng lên cải cách. Tuy nhiên, cuộc cải cách cuối cùng đã biến thành một cuộc ly giáo và hiện nay có hàng chục ngàn giáo phái Tin Lành khác nhau hoạt động độc lập. Còn một nhánh Kitô Giáo nữa là Anh Giáo do vua Henri VIII (1491-1547) của nước Anh chủ xướng năm 1534 để lập một Giáo Hội riêng cho nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh (Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII) không chấp nhận cho nhà vua ly dị để lấy vợ khác… Hằng năm chúng ta đều có ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Do đó, Đức cha nói thêm rằng vì là con người nên ai cũng có những lầm lỗi và thiếu sót nên chúng ta hãy cầu nguyện hơn là đổ lỗi cho nhau.
Về phần Giáo hội Maronite, đây là Giáo hội Công giáo Đông phương hiệp thông với Tòa Thánh Rôma. Đức cha nói rằng đức tin là duy nhất nhưng được truyền giáo ở những nơi có các nền văn hóa khác nhau thì tạo nên sự đa dạng và phong phú trong Giáo Hội của Chúa.
Về việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đương kim bị coi là Kitô giả, đây là âm mưu chống phá Giáo Hội công giáo do một số người chủ trương, trong đó có nhóm tự xưng là sứ điệp từ trời. Đức cha giải thích rằng Đức Giáo Hoàng là người rất nổi bật ngay từ khi lên ngôi Giáo Hoàng. Sau những thời gian dài tĩnh tâm, cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, các Đức Hồng y đã đồng lòng đề cử ngài làm vị Chủ Chăn hoàn vũ. Cũng vậy, hằng ngày có biết bao nhiêu người trên thế giới cầu nguyện cho ngài trong thánh lễ, chẳng lẽ Thiên Chúa lại không gìn giữ và soi sáng cho ngài sao? Vì không muốn Đức Giáo hoàng đổi mới nên họ đã vu khống, chống phá và tìm mọi cách làm giảm uy tín của ngài. Chính vì thế, Đức cha nhắc nhở bà con giáo dân cần rất tỉnh táo để nhận ra những luận điệu đầy sự gian dối này!
Về việc có nên sử dụng các bài kèn trống của người lương trong lễ tang của người Công giáo hay không, Đức cha giải đáp rằng một bài kèn của người Công giáo còn hàm chứa cả lời của bài hát nữa. Bởi lẽ, âm nhạc đi kèm với lời ca. Do đó, trong lễ tang của người Công giáo bài kèn trống có chứa những lời thánh ca phù hợp với đức tin Công giáo. Không biết những bài kèn của người lương có hàm chứa lời ca hay không, và nội dung của những lời ca đó là gì. Để chắc ăn nhất ta nên thổi những bài của Công giáo!
Thứ hai, một số câu hỏi thắc mắc nêu lên Đức cha liên quan đến phụng vụ như: Có 5 mùa trong Phụng vụ nhưng tại sao mùa Thường niên lại được chia cắt thành 2 giai đoạn khác nhau? Người Công giáo có được tổ chức lễ cưới hỏi trong mùa Chay không?
Về ý nghĩa việc phân chia các mùa trong Năm Phụng vụ, Đức cha giải thích rằng Năm Phụng vụ diễn tả lịch sử cứu độ và các mùa Phụng vụ tương ứng với các giai đoạn trong cuộc đời Chúa Giêsu: từ việc sinh ra, chịu phép rửa, đời sống công khai đến cuộc khổ nạn, phục sinh, lên trời, rồi từ trời Ngài ban Chúa Thánh Thần xuống để hướng dẫn Giáo Hội ra đi loan báo Tin Mừng. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời Chúa Giêsu được cử hành cách khác nhau theo từng mùa: Mùa Vọng gợi lại tâm tình của dân Chúa trong Cựu Ước mong chờ Đấng Cứu Thế, để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu đón mừng đại lễ Giáng sinh, đồng thời hướng tâm hồn các tín hữu về ngày Chúa đến lần thứ hai. Mùa Giáng sinh dẫn đưa các tín hữu đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa sinh xuống làm người và tỏ mình cho nhân loại. Mùa Chay chuẩn bị tâm hồn các tín hữu để cử hành đại lễ Phục sinh. Mùa Phục sinh dẫn đưa con người đi vào cuộc sống mới do Đức Kitô mang lại. Mùa Thường niên bắt đầu từ lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ứng với quãng đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Trong mùa này Giáo Hội không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng tôn kính chính mầu nhiệm ấy trong toàn bộ. Mùa này được chia làm đôi bởi Mùa Chay và Mùa Phục sinh, vì đại lễ Phục sinh phải được cử hành đúng vào thời điểm Chúa sống lại ngày xưa.
Về việc cưới xin trong mùa Chay, Đức cha trả lời rằng luật Giáo Hội không cấm cử hành lễ hôn phối trong Mùa Chay, trừ một số ngày đặc biệt. Tuy nhiên, theo truyền thống của người Công giáo Việt Nam thì người ta tránh tổ chức cưới xin trong mùa này vì có sự ồn ào, náo nhiệt, không phù hợp với tinh thần chay tịnh. Về điều này, cần xem lại những hướng dẫn trong lịch phụng vụ để hiểu rõ thêm.

Thứ ba, những vấn đề hôn nhân gia đình được trình lên Đức Cha như: Người Công giáo có được phép ly thân hay ly dị không? Đây là vấn đề được nêu lên tại tất cả các cuộc kinh ký ở các giáo xứ khác, nên Đức cha giải đáp như những lần trước.
Thứ tư, liên quan đến hoạt động tông đồ truyền giáo: Công việc của một hội viên Legio Mariae là gì? Trước khi trả lời câu hỏi này, Đức cha nói rằng Legio Mariae là một hội đoàn tông đồ đang hoạt động rất mạnh tại Giáo phận Qui Nhơn của chúng ta. Trước đây, Giáo phận cũng đã có một Comitium nhưng vì thời thế khó khăn nên không tiếp tục, hiện nay đã phục hồi lại. Một hội viên Legio Mariae có rất nhiều việc để làm và đặc biệt trong lĩnh vực truyền giáo. Hội viên Legio Mariae là những người đã được sai đi rồi, do đó cứ mạnh dạn đi đến với anh chị em lương dân để giới thiệu đạo Chúa cho họ, sau đó sẽ trình với cha sở để ngài tiếp tục dạy và nâng đỡ, không cần phải đợi cha sở sai đi nữa.
Sau khi Đức cha giải đáp những thắc mắc và kiến nghị của cộng đoàn giáo xứ, cha Tổng Đại diện đã thay mặt Đức cha đưa ra những nhận định. Đây là đơn vị thứ 21 được Đức cha về kinh lý. Sau khi nghe những phúc trình của cha xứ, chắc hẳn Đức cha cũng rất vui vì sự trật tự, ngăn nắp, và nhịp nhàng của cộng đoàn giáo xứ. Cũng vậy, cha Tổng nhận đã nhận thấy nơi giáo xứ có những nét son khá độc đáo sau đây:
Trước hết, giáo xứ Hoa Châu đã nhận được những vị mục tử rất tốt lành, đạo đức. Cha Tổng nói rằng có ít nhất 3 đời mục tử liên tiếp nhau xây dựng giáo xứ này. Cha Phanxicô Xavie Trần Hòa (1975-2008) đã đón nhận địa bàn giáo xứ Hoa Châu trong tình trạng đổ nát do chiến tranh; tuy nhiên, ngài đã cố gắng gìn giữ và phát triển. Rồi đến cha cha Phêrô Võ Hồng Sinh (2008-2013) đã tiếp tục gìn giữ và xây dựng các cơ sở cho giáo xứ. Giờ này,cha Philipphê Phạm Cảnh Hiển (2013-…) là cha sở đương nhiệm tiếp tục kiện toàn, làm cho giáo xứ ngày càng thêm đẹp đẽ và khang trang hơn. Do đó, giáo xứ cần biết tạ ơn Chúa vì Chúa đã thương gửi đến giáo xứ những mục tử tốt lành như vậy!
Thứ đến, giáo xứ Hoa Châu rất trẻ trung và năng động. Cha Tổng nhận thấy giáo xứ có tới 14 hội đoàn; cả 7 giáo khu trong giáo xứ đều có người tham Legio Mariae, ca đoàn, đội kèn, giáo lý viên, chức việc… Ngay sau khi Đức cha trình bày xong, lập tức có rất nhiều câu hỏi hay và thực tế xin được Đức cha giải đáp. Giáo xứ còn có cộng đoàn các Sơ Phaolô giúp dạy giáo lý và những công việc mục vụ cần thiết khác. Quả thật ít có giáo xứ nào có được những điều kiện thuận lợi như vậy.
Cuối cùng, cha Tổng cũng có vài điều để nhắc nhở cộng đoàn giáo xứ. Đó là cần cảnh giác với tinh thần thế tục. Đừng quá lo làm ăn mà quên đi sự hiện diện của Chúa, bỏ tham dự Thánh lễ. Cần loại bỏ tính kiêu căng khi ỷ mình hiểu biết giáo lý mà phê bình các cha, các thầy, các sơ… Cần khắc phục tính cá nhân, cái tôi của bản thân để có thể xây dựng sự hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn giáo xứ cần tích cực hơn nữa trong việc truyền giáo; tham gia công tác Legio Mariae… Qua lời cầu bầu của Thánh Philipphê, Quan Thầy của cha sở, cha Tổng cũng cầu chúc cho cộng đoàn giáo xứ Hoa Châu ngày càng phát triển hơn nữa!
Sau cuộc gặp gỡ toàn thể cộng đoàn giáo xứ, Đức cha đã nghỉ ngơi vài phút để chuẩn bị dâng Thánh lễ. Hôm nay cũng là lễ kính 2 thánh Philipphê và Giacôbê Tông Đồ, và cha chánh xứ cũng đã chọn thánh Philipphê Tông Đồ làm Quan Thầy của ngài. Nhân dịp này, Đức cha, cha Tổng Đại diện cùng với quí cha đồng tế cũng đã hiệp thông cầu nguyện và có những lời chúc mừng cha chánh xứ giáo xứ Hoa Châu. Thánh lễ kết thúc với phép lành toàn xá do Đức Giám mục ban trong Năm thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng (1618-2018) tại Giáo phận Qui Nhơn. Như thường lệ, sau Thánh lễ, Đức cha cũng tiến hành kiểm tra tất cả những sổ sách và giấy tờ liên quan đến giáo xứ Hoa Châu. Cha chánh xứ đã giải trình cho Đức cha tất cả mọi sổ sách và giấy tờ này cho Đức cha được tường. Chuyến kinh lý của Đức cha đã kết thúc tốt đẹp và để lại rất dấu ấn lịch sử cũng như nhiều điều lưu luyến đối với bà con giáo dân thuộc giáo xứ Hoa Châu!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Giuse Huỳnh Thanh Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập155
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay14,286
  • Tháng hiện tại580,143
  • Tổng lượt truy cập28,895,512

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây