Lý Sơn, trồng Nêu đón Chúa Xuân

Chúa nhật - 30/01/2022 07:46

LÝ SƠN, TRỒNG NÊU ĐÓN CHÚA XUÂN
“Thịt mỡdưa hànhcâu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”

Đối với nhiều người Việt Nam, cây nêu ngày Tết là một hình ảnh vô cùng quen thuộc, thân thương. Cây nêu sánh cùng những cái bình dị như thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng; và cũng thanh tao như câu đối đỏ. Ngày nay không còn những tràng pháo đỏ âu, những câu đối với nét chữ rồng múa phượng bay của cụ đồ làng, nhưng tục trồng câu nêu ngày Tết vẫn còn đâu đó nhiều nơi trên quê hương đất Việt. Cây nêu như biểu tượng của sự bình an, của khát vọng vươn cao hướng về những điều thiện hảo của Toàn Thiện nhưng cũng rất con người, rất đời thường và gần gũi.

Nằm trong dòng chảy của nền văn hóa Việt, dù chơ vơ giữa biển khơi đầy sóng gió, Lý Sơn lưu giữ nơi mình những nét đẹp của phong tục tập quán truyền thống bao đời. Mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, những nơi thờ tự lại trồng cây nêu (tuy hình thức mỗi nơi mỗi khác nhau tý tý): đình làng trồng nêu, từ đường Thất Tộc tiền hiền trồng nêu, lăng ông Nam Hải trồng nêu, đội thuyền Lân Ly Quy Phụng trồng nêu, và Nhà thờ Công giáo Lý Sơn cũng “trồng cây nêu”.

“Cây nêu” bà con giáo xứ Lý Sơn trồng cũng đúng ngày 23 tháng Chạp. Như lịch hẹn của nhiều năm nay, đúng ngày dân gian “đưa ông Công ông Táo”, giới trẻ lại hè nhau tới trang trí Nhà Chúa đón Tết. Thay vì dựng cây nêu bằng tre có đuôi phướn dài như ở các đình làng, hay bằng cột gỗ có treo hình con cá ngũ sắc hướng ra biển như lăng Nam Hải, cây nêu của giới trẻ giáo xứ Lý Sơn là một gốc mai vàng rực rỡ vươn mình trong nắng gió, “mọc” trước Nhà thờ như dấu hiệu của sự vui mừng, bình an, hướng thượng, và đứng đó như hòa mình vào cuộc sống tươi đẹp này. Việc làm cây nêu-mai này khá quen thuộc với giới trẻ. Ngay từ nhiều ngày trước, các bạn đi đến đâu, vườn nào, nhà nào, ngõ nào, ngách nào… cũng ngắm cũng nghía những cành cây, xem cành nào có dáng thanh tao của cành mai xứ biển. Khi đã “chấm”, các bạn lại lại cố gắng xin được cành cây và “hè nhau” đến đón hạ mang về. “Cốt” của cây nêu-mai năm nay vốn là cành sapôchê bị bão số 9 (bão Rai) đánh gãy, nay được biến hóa thành cây nêu-mai vươn mình khoe sắc vàng ươm rực rỡ trước cửa tiền đường Nhà Chúa như nói với nắng xuân rằng “tôi cùng anh giúp lòng người thêm rộn rã đón Chúa Xuân!”. Cây nêu như thế đã được trồng, những lộc Lời Chúa cũng được gắn lên cành cây nêu như một cách thức hội nhập với “đất lề quê thói” địa phương, để những người dân trên đảo cảm thấy Nhà Chúa vô cùng gần gũi với họ như họ đã được thấy trong các dịp lễ Giáng Sinh, Tết Trung Thu, những dịp lương giáo cùng nhau đến Nhà thờ Công giáo.

Nói đến cây nêu thì không thể không nói đến cờ phướn gắn trên cây nêu. Như đã trình bày trên đây, cây nêu đình làng bằng thân tre còn nguyên cành lá với lá phướn dài hình phượng hoàng vươn cánh, cây nêu lăng ông Nam Hải bằng cột gỗ như thể cột thuyền buồm với lá phướn vẽ hình cá chép ngũ sắc hướng ra biển với ước vọng về những tháng ngày đánh cá đầy khoan. Còn lá phướn của Nhà thờ Lý Sơn là những dây cờ được tỏa ra từ chân Thánh Giá nên nóc chuông nhà thờ như thể nói rằng nơi đó là biểu tượng của Ân Sủng Cứu Độ dạt dào đang tuôn đổ xuống và tỏa ra muôn hướng cho tất cả, và như mời gọi mọi người, mọi nơi hãy đến mà lãnh nhận. Tháp chuông Nhà thờ giờ như một cây nêu vươn cao vút, sừng sững ở một góc đảo nhìn ra biển, và cũng nhìn xuống thôn làng như biểu tượng của sự bình an, cũng nói lên khát vọng hướng thượng của con người, nhất là những người dân trên hòn đảo xinh đẹp này.

Cùng với việc “trồng cây nêu đón Tết”, các bạn giới trẻ và thiếu nhi cũng đã lên chương trình Lộc Chúa Đầu Xuân với nhiều phần lộc hết sức hữu dụng cho cuộc sống. Các bạn tự thiết kế những tấm vé ghi số và in ấn rất đẹp rồi tự ra cắt dán; tự “vay” kinh phí của cha xứ để chuẩn bị những phần quà: máy lọc nước gia đình, xe đạp, nồi cơm điện, ấm siêu tốc, bình thủy, camèn giữ nhiệt đa năng…., tất cả là món quà đầu xuân của Chúa gửi đến người dân trên đảo. Mọi thứ đã sẵn sàng cho ngày hái lộc Chúa Xuân vào Nguyên Đán[1] (sáng Mùng Một Tết, sau Thánh Lễ, xem chú thích bên dưới), ngày mà nhiều người trông đợi trong háo hức, mong chờ, hy vọng.

Và một nét đẹp nơi đây, giáo dân Lý Sơn luôn quan tâm đến những người nghèo, mong muốn cho họ được đón một cái Tết, tuy bình dị, nhưng cũng đầy ấm áp bởi tình người. Tùy theo năm, năm thì người người góp của ít lòng nhiều để tặng người nghèo, năm thì cha xứ kêu gọi giúp đỡ của các mạnh thường quân, năm thì có gia đình đi làm ăn xa trở về đảo ăn Tết và rộng tay trao tặng, năm nay có một gia đình giáo dân trong xứ (gia đình Cô Tự anh Phú chị Trinh) đã vì tình yêu thương đã xin được 160 phần quà tặng người nghèo trên đảo đón Tết. Món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng yêu thương của những con người được Chúa yêu thương, thật ấm áp, thật an lành.

Bên cạnh việc trồng cây nêu, treo cờ phướn, các bà các chị cũng sắp xếp thời gian bận rộn cuối năm để làm sạch làm đẹp Nhà Chúa. Mọi ngõ ngách xó xỉnh của Nhà thờ Nhà xứ được lau chùi quét dọn, mọi góc nhỏ góc to trong khu vườn được thu dọn sạch bon. Năm nay Nhà xứ có thêm “được ít đất” (1,200 m2 đã được huyện đảo Lý Sơn trao cho Nhà xứ thay thế cho trường Thăng Tiến trước đây của Nhà thờ Lý Sơn giờ được chuyển đổi cho mục đích phục vụ dân sinh) nên các bà các chị tha hồ dọn dẹp, san lấp cho gọn gàng sạch sẽ; hơn thế, việc dọn khu đất mới còn là để nơi sang năm mới sẽ xây Nhà Mục Vụ. Một việc làm với niềm hy vọng về một tương lai đầy khang trang của khuôn viên Nhà Chúa.

“Vui xuân ưu tư Mục Vụ”, cha xứ cùng với ban chức việc mấy ngày này ngoài việc lo quán xuyến sao cho bà con trên đảo có được một cái Tết đầy an vui, thì còn tính đến những công việc trong năm tới của Giáo xứ. Việc trước mắt sẽ chính thức khởi sự vào trung tuần tháng Giêng là việc xây Nhà Mục Vụ. Số là ngôi nhà xứ hiện tại được Linh mục (nhạc sĩ) Hoàng Diệp xây từ năm 1970, dù đã rệu rã với thời gian nhưng vẫn cố trơ gan cùng tuế nguyệt cho đến nay. Với nhu cầu cấp thiết, giáo xứ cần có một ngôi nhà cho các nhu cầu mục vụ, cũng như là nơi trú ẩn an toàn cho cha xứ và anh em giúp mục vụ trong những lần mưa bão (ở đảo, bão liên miên năm nào cũng có). Vì thế, sau nhiều lần cân nhắc, một dự án xây dựng Nhà Mục Vụ đã được thống nhất tiến hành vào đầu năm Con Cọp. Mấy ngày này, bà con giáo dân cùng với cha xứ hớn hở dọn bãi, san nền, bồi đất, khuân đá, chở cát,… chuẩn bị sẵn sàng mọi sự cho việc khởi công xây nhà của Chúa. Vất vả nắng nôi nhưng gương mặt ai cũng đầy rạng rỡ, có người còn hát nghêu ngao “rồi ngày mai nhà mình sẽ xây, anh chị em ta ơi nhanh tay lên nào, nào ta xúc nhé, nào ta đắp nhé. Làm việc xong ta đi nghỉ ngơi.” Thật tuyệt vời! Tạ ơn Chúa!
Còn một hoạt động chuẩn bị đón Tết của Lý Sơn mà nếu không nhắc đến thì người viết có lẽ sẽ không được “yên thân”, đó là việc tập các vũ điệu đầy vui tươi sôi động của các bạn nữ giới trẻ và thiếu nhi. Vốn có sẵn tính “điệu” cùng với sự nhiệt thành, lòng háo hức đón Chúa Xuân, và mong ước mang lại bầu không khí hân hoan nhất cho ngày đầu năm mới, các bạn đã lục tìm những điệu nhạc, những bài hát sôi động nhất nhưng cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa ân phúc Chúa Xuân ban xuống cho con người nhất, để làm nhạc nền cho những vũ điệu uyển chuyển thướt tha nhưng không kém phần hoan hỷ phục vụ cho Nguyên Đán. Tranh thủ tập vào những giờ nào có thể, sau giờ học, sau Thánh lễ tối,…, mong sao góp phần nhỏ bé cho việc chào đón Mùa Xuân đầy rộn rã và tràn đầy ân phúc Chúa Xuân.

Vâng, một không khí đón Chúa Xuân đầy hân hoan vui mừng và hy vọng đã lan tỏa trên giáo xứ xa xôi biển đảo Lý Sơn này. Tuy vẫn còn đó những khó khăn của cơn đại dịch toàn cầu, vẫn còn đó những bấp bênh của miền đất đầy khắc nghiệt của thiên nhiên, vẫn còn đó những ưu tư cho những dự tính cho năm mới,…, nhưng người dân Lý Sơn, cụ thể là giáo dân Giáo xứ Lý Sơn, lòng vẫn tràn đầy hy vọng vào một Mùa Xuân đầy tốt đẹp, một năm mới đầy bình an, một tương lai đầy tươi sáng trong Ân Sủng của Chúa Xuân ban xuống cho con người. Và tất cả như lời Tạ ơn dâng lên Thiên Chúa chí nhân vì bao ơn lành mà Lý Sơn nhận được: Tạ ơn Chúa! Halêlluia! Ngợi khen Chúa Giêsu và Đức Bà Maria! Bây giờ và đời đời. Amen!

Lý Sơn, những ngày cuối năm Con Trâu

       


[1] Nguyên Đán (元旦): nguyên () là đầu tiên, đán () là buổi sớm, nguyên đán là buổi sáng sớm đầu tiên, buổi sáng sớm khởi đầu của một năm. Dùng từ “Nguyên Đán” tức chỉ sáng sớm Mùng Một (ÂL). Tết Nguyên Đán bắt đầu từ sáng Mùng Một chứ không phải từ khuya 30 tháng Chạp (hoặc 29) như nhiều người nghĩ tưởng (Đêm cuối năm gọi là “trù tịch” và chính giữa đêm gọi là “giao thừa” (giao= bàn giao, thừa = đón nhận, việc bàn giao và đón nhận giữa hai vị Kim Niên Hành Khiển, theo quan niệm dân gian). Nguyên Đán còn được dùng để chỉ ngày đầu năm, tức mồng một tháng giêng âm lịch. § Còn gọi là: “nguyên chánh” , “nguyên sóc” , “nguyên nhật”  (Xem thêm Nguyễn Quốc Hùng, Hán Việt Tân Từ Điển, Sài Gòn: Nhà Sách Khai Trí, 1974).
 

1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 

Tác giả bài viết: Thất Tộc Đình Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập195
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm175
  • Hôm nay21,200
  • Tháng hiện tại64,491
  • Tổng lượt truy cập29,044,029

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây