Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 6 năm 2018

Chúa nhật - 03/06/2018 07:59

Bài thuyết trình
NĂM THÁNH GIÁO PHẬN VÀ VAI TRÒ PHỤNG VỤ TRONG CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA
(Giáo hạt Kim Châu)

Dẫn Nhập

Giáo Phận Qui Nhơn đã sống những chuỗi ngày hồng phúc của Năm Thánh, thời gian đi gần đến bế  mạc. Giáo Phận đã có một tiến trình dài để chuẩn bị tổ chức cho Năm Thánh (4 năm chuẩn bị xa và 6 năm chuẩn bị gần) và cử hành năm thánh (Với Thánh Lễ Khai mạc năm Thánh rất trọng thể cùng với những sách vở, báo chí đã ra đời trong năm thánh). Bám sát vào chủ đề đã được nêu trên để áp dụng vào trong đời sống thực tế, con xin đi vào định nghĩa của các hạn từ, bởi vì chính ý nghĩa nội hàm của các hạn từ sẽ làm nổi bật nội dung sứ điệp chủ đề trên. Con cũng chỉ thu thập trên trang mạng để xem và học hỏi ý nghĩa của các hạn từ được các nhà chuyên môn định nghĩa, hay nói một cách khác bài thuyết trình nầy cũng giống như phần đọc báo dùm bạn cộng với một chút suy nghĩ riêng với chủ đề đã được nêu.

I. Năm Thánh là gì?

Năm Thánh là thời gian Giáo Hội mở kho tàng thiêng liêng, cho người tín hữu đón nhận ơn Chúa dồi dào hơn. Gọi là Thánh vì đó là thời gian dành cho Thiên Chúa, bởi nhiều nghi thức rất thánh được cử hành, với mục đích làm cho người tín hữu nên thánh hơn.

Trong khóa thường huấn Linh mục đoàn giáo phận Qui Nhơn từ ngày 12-15 tháng 09 năm 2017. Trong bài mở đầu, Đức Cha Giáo Phận đã sơ lược về nguồn gốc, ý nghĩa và việc cử hành năm Thánh. Con  xin lướt lại một số điểm để chúng ta ôn lại một chút rồi đi tiếp. Năm Thánh trong truyền thống công giáo bắt nguồn từ cựu ước. Năm Thánh hay năm toàn xá được dân Israel tổ chức căn cứ vào đoạn sách Levi 25,10-13: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ 50 sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa mọc tự nhiên, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng” (x. Xh 23,10-11; Lv 25,1-28; Đnl 15,1-6). Nguồn gốc thì từ Cựu ước, nhưng đến thời Tân ước mới mang chiều kích trọn vẹn hơn qua con người của Chúa Giêsu Kitô, bởi vì thời của Ngài là thời hồng phúc, thời cứu rỗi. Thế nhưng mãi cho đến năm 1300 Đức Giáo Hoàng Bonifaz VIII lên kế vị khi Đức Giáo Hoàng Celestinus từ chức. Vị Tân Giáo Hoàng nầy đã công bố năm 1300 là năm Thánh. Đây được coi là năm thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Hồi đó Đức Bonifaz muốn cử hành năm Thánh giống hệt như Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày nay muốn cử hành: Nhấn mạnh đến ơn Tha thứ và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Như vậy, năm Thánh được cử hành là Giáo Hội nhấn mạnh đến một vấn đề cốt lõi nào đó của năm. Chẳng hạn như sự tha thứ của Thiên Chúa và trước hết là xin ơn Toàn xá như Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày trong một buổi phụng vụ nhân dịp năm Thánh 2000. Sau đó , cứ 100 năm Giáo Hội lại cử hành một lần. Nhưng dần dần về sau, thời hạn được rút xuống chỉ còn 50 năm, 33 năm và sau cùng là 25 năm vì e rằng có người cả cuộc đời chưa một lần được biết năm thánh là gì chăng? Như vậy năm thánh sau cùng được diễn ra vào năm 2000. Nhưng càng ngày càng có những năm thánh ngoại thường, trước hết là năm thánh 1983, vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô công bố năm thánh 2016 cũng vẫn có một sự liên kết với truyền thống. Năm Thánh thông thường sẽ diễn ra vào năm 2025.
 Sau đây là danh sách các năm Thánh thông thường đã diễn ra trong lịch sử Giáo Hội và các Đức Giáo Hoàng tương ứng:

Năm 1300: Đức Giáo Hoàng Bonifatius VIII.
Năm 1350: Đức Giáo Hoàng Clemens VI.
Năm 1390: Đức Giáo Hoàng Urban VI công bố; Đức Giáo Hoàng Bonifatius IX cử hành.
Năm 1400: Năm Thánh thứ hai do Đức Giáo Hoàng Bonifatius IX công bố.
Năm 1423: Đức Giáo Hoàng Martin V.
Năm 1450: Đức Giáo Hoàng NikolausV.
Năm 1475 : Đức Giáo Hoàng Paul II, Đức Giáo Hoàng Sixtus IV cử hành.
Năm 1500: Đức Giáo Hoàng Alexander VI.
Năm 1525: Đức Giáo Hoàng Clemens VII.
Năm 1550: Đức Giáo Hoàng Paul III công bố, Đức Giáo Hoàng Julius III cử hành.
Năm 1575: Đức Giáo Hoàng Gregor XIII.
Năm 1600: Đức Giáo Hoàng Clemens VIII.
Năm 1625: Đức Giáo Hoàng Urban VIII.
Năm 1650: Đức Giáo Hoàng Innozenz X.
Năm 1675 : Đức Giáo Hoàng Clemens X.
Năm 1700: Đức Giáo Hoàng Innozenz XII công bố, Clemens XI bế mạc.
Năm 1725: Đức Giáo Hoàng Benedikt XIII.
Năm 1750: Đức Giáo Hoàng Benedikt XIV.
Năm 1775: Đức Giáo Hoàng Clemens XIV công bố, Đức Giáo Hoàng Pius VI cử hành.
Năm 1825: Đức Giáo Hoàng Leo XII.
Năm 1875: Đức Giáo Hoàng Pius IX.
Năm 1900: Đức Giáo Hoàng Leo XIII.
Năm 1925: Đức Giáo Hoàng Pius XI.
Năm 1933: Năm Thánh thứ hai dưới thời Đức Giáo Hoàng Pius XI.
Năm 1950: Đức Giáo Hoàng Pius XII.
Năm 1975: Đức Giáo Hoàng Paul VI.
Năm 1983: Đức Giáo Hoàng Johannes Paul II.
Năm 2000: Đức Giáo Hoàng Johannes Paul II.
Năm 2015: Đức Giáo Hoàng Phanxico.
Vì tình hình chính trị rối ren nên không có năm thánh nào cử hành vào năm 1800 và 1850.
(rv 14.03.2015 ord).

Chúng ta vừa nhìn qua các năm thánh thông thường và các năm thánh ngoại thường đã diễn ra trong Giáo Hội. Bây giờ chúng ta trở về với năm Thánh của Giáo Phận.

II. Năm Thánh Giáo Phận.

Trong bài mở đầu tuần thường huấn 2017, Đức Cha Giáo Phận cũng đã nói lên mục đích của việc tổ chức năm thánh: Mục đích là để cảm tạ Thiên Chúa về những ơn lành Ngài đã ban xuống trên Giáo Phận, để bày tỏ tâm tình tri ân đối với các bậc tiền nhân đã góp phần gieo trồng, duy trì và phát triển đức tin trong Giáo Phận, đồng thời để mọi thành phần dân Chúa được hưởng ơn toàn xá, để trở nên thánh thiện hơn, nhờ đó đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin mừng trong Giáo phận.

III. Phụng vụ là gì?

Con xin tóm lược bài nói chuyện của frère Patrick Prétot osb, giáo sư phụng vụ Học viện Công giáo Paris đã nói trong tháng 5.2012 do Cha Giuse Nguyễn Văn Hiển, OP dịch với một vài ý chính.

Phụng vụ là gì? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, chính hạn từ đã định nghĩa nó, thế nhưng theo chiều dài của lịch sử, truyền thống Giáo Hội đã cho thấy những sự khác nhau về hình thức phụng vụ. Lúc đầu từ Hy lạp leitourgia   (leitos: công cộng; ergon: hành động, chức năng), dành cho hạn từ Phụng vụ chỉ diễn tả chức năng công cộng (chỉ sứ vụ của các tư tế, các lời cầu nguyện và những lễ vật cung hiến cho Thiên Chúa), nhưng cũng là các quà tặng cho người nghèo. Thời Tân ước cho thấy sự chia tách trong phụng vụ, Phụng vụ là sự liên hệ với Thiên Chúa, còn diakonia là phục vụ trong anh em.
Ở thời các Giáo Phụ và với luật của Thánh Biển Đức ở thế kỷ thứ VI, người ta hiểu phụng vụ là  công việc của Thiên Chúa, công việc mà chúng ta thực hiện cho Thiên Chúa thì giống như được đặt xen vào trong công việc mà Thiên Chúa làm cho chúng ta. Đến thế kỷ 16, thời kỳ gothique, nền văn minh phương tây có ý đặt con người vào trung tâm của thế giới. Lúc bấy giờ Phụng vụ được hiểu như là một hành vi phụng thờ nhắm đến vinh quang của Thiên Chúa, nhưng lại dựa vào hành động của con người.

Đến thế kỷ 19, phong trào phụng vụ phát triển và có xu hướng trở về thời của các Giáo phụ nhưng theo một hình thức mới mẻ và định nghĩa Phụng vụ là “Giáo hội cầu nguyện”. Phụng vụ, đó là Giáo hội, thân thể của Đức Kitô, là lời kêu gọi thánh thiêng của tín hữu hướng về Thiên Chúa trong lời ca tụng và hành động tạ ơn. Sau nầy công đồng Vatican II cũng dùng tư tưởng nầy với 3 trục chính: 1/ Sự hiện diện của Đức Kitô trong cử hành phụng vụ. 2/ Hành vi phụng thờ mà Giáo Hội hướng về Thiên Chúa và công trình của Thiên Chúa nhằm thánh hiến con người. 3/ Sự hiện diện của mầu nhiệm phục sinh. 
                          

Chúng ta vừa nhìn một chút về lịch sử của phụng vụ và cuối cùng, theo công đồng vaticanô II, thì phụng vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hoá con người được thực hiện nhờ những dấu chỉ khả giác* và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ. (* Dấu chỉ khả giác là những gì mà khả năng của con người có thể nhìn thấy, nhận ra trong cuộc sống).

Để dễ nhớ, dễ thực hành còn có các định nghĩa khác cụ thể về phụng vụ. Chẳng hạn có định nghĩa cho rằng: Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh được thừa tác viên hợp pháp cử hành đúng nghi thức và nhân danh Hội Thánh.

Như vậy một cử hành có tính Phụng Vụ đòi phải có ba yếu tố:

  • Phải là nghi lễ chính thức của Hội Thánh được ấn định trong sách Phụng Vụ, chứ không phải là lời nguyện tự phát theo sáng kiến cá nhân.

  • Phải do một thừa tác viên hợp pháp cử hành, nghĩa là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự, và cử hành đúng nghi thức của Hội Thánh đã ấn định.

  • Phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh vì Phụng Vụ không bao giờ có tính cá nhân cho dù thừa tác viên cử hành một mình.

IV. Phụng vụ bao gồm những gì?

A. Các bí tích
Các bí tích chia làm ba nhóm:  nhóm khai tâm, nhóm chữa lành và nhóm xây dựng cộng đoàn (CG 1212, 1421, 1534).

1. Nhóm các bí tích khai tâm:

Nhóm này bao gồm ba bí tích:  Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể.

Nhờ bí tích Thánh Tẩy con người được tái sinh trong đời sống mới, được tham dự vào đời sống thần linh, và được hiệp thông với Giáo Hội (GL 1263-1271).
Mặc dù bí tích Thánh tẩy là điều kiện tiên quyết phải lãnh trước khi đón nhận các bí tích khác (GL 849), nhưng bí tích Thánh Thể lại trở nên trung tâm đời sống phụng vụ của Giáo Hội.  Tất cả các bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và quy hướng về đó (GL 1324).  Khi cử hành Thánh Thể, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô (GL 1067).  Mầu nhiệm này là nền tảng và nguồn mạch của tất cả phụng vụ kitô giáo (CG 1067).

Nhờ bí tích Thêm sức chúng ta đi sâu vào tình nghĩa tử của Thiên Chúa khi gọi Người là Cha “Abba” (Rm 8,15), được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô hơn, được gia tăng các ơn Thánh Thần, được liên kết trọn vẹn hơn với Giáo Hội và nhận được sức mạnh của Thánh Thần để làm chứng cho Tin Mừng (GL 1303).

2. Nhóm các bí tích chữa lành:

Nhóm này gồm hai bí tích hoà giải và xức dầu bệnh nhân.

Nhờ bí tích hoà giải Chúa Giêsu tha tội và ban ơn thánh cho người tội lỗi, Ngài hoà giải con người với Thiên Chúa và với vạn vật.  Qua bí tích hoà giải, Thiên Chúa biểu lộ tình thương của người với nhân loại tội lỗi và đồng thời diễn tả ơn cứu độ phổ quát của Chúa Kitô (CG 1468-1469).

Nhờ bí tích xức dầu Chúa Giêsu nâng đỡ người đau yếu bằng cách ban Thánh Thần để họ vượt thắng các khó khăn của bệnh tật và tuổi già, để họ kết hiệp mật thiết hơn với Đức Kitô khổ giá, để họ biểu lộ sự hiệp thông với Giáo Hội và để chuẩn bị cho cuộc ra đi lần cuối (CG 1520-1523).

3. Nhóm các bí tích xây dựng cộng đoàn:

Nhóm này gồm hai bí tích Truyền chức và Hôn phối.
Nhờ bí tích Truyền chức người kitô hữu được thánh hiến để nhân danh Đức Kitô dẫn dắt đoàn chiên Chúa bằng Lời và ân sủng của Ngài (CG 1535).
Nhờ bí tích Hôn Phối, vợ chồng kitô hữu được thánh hiến để đón nhận các bổn phận và phẩm giá của đời sống hôn nhân (GL 1534-1535).

B/  Các cử hành phụng vụ khác

1. Các á bí tích
Các á bí tích là những dấu chỉ thánh, được Giáo Hội thiết lập phỏng theo các bí tích, để nhờ đó biểu trưng những hiệu quả, nhất là những hiệu quả thiêng liêng, và thông ban các hiệu quả đó nhờ lời bầu cử của Hội Thánh. Các á bí tích giúp con người chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính yếu của bí tích và thánh hoá những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống (PV 60; GL 1166-1167; CG 1667).

Các á bí tích bao gồm các phép lành và việc trừ tà (CG 1671-1673). Các phép lành gồm ba loại: loại chúc lành trên người (ví dụ: chúc phong viện phụ, khấn dòng, thánh hiến trinh nữ), loại chúc lành nơi chốn (ví dụ: cung hiến nhà thờ mới, làm phép nhà, công sở, trường học…) và loại chúc lành trên sự vật (ví dụ: làm phép ảnh tượng, tràng hạt, các dụng cụ làm việc...).  Đàng khác, việc trừ tà chỉ dành cho linh mục đạo đức và khôn ngoan đã được Bản quyền cho phép cách đặc biệt và rõ ràng (GL 1172).

2. Giờ kinh phụng vụ
Mục đích của giờ kinh là thánh hóa ngày giờ và toàn bộ sinh hoạt của con người (GK 11). Giáo Hội cử hành giờ kinh để thi hành chức năng tư tế mà Chúa Kitô ủy thác, Giáo Hội cũng cầu nguyện liên lỉ để chúc tụng Thiên Chúa và thánh hoá đời sống nhân loại, như lời Chúa Kitô dạy “Phải cầu nguyện không ngừng” (Lc 18,1).
Các giờ kinh phụng vụ được phân chia theo mùa phụng vụ và các ngày lễ giống như khi cử hành thánh lễ. Tuy nhiên, vì giờ kinh có mục đích thánh hóa ngày sống nên cấu trúc giờ kinh được chia đều trong một ngày. Có 5 giờ kinh khác nhau trong một ngày: Kinh Sách, Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều và Kinh Tối. Khi đọc các giờ kinh cần cố gắng sao cho phù hợp với giờ thật trong ngày, không nên ban sáng đã đọc Kinh Tối hoặc đến tối lại đọc Kinh Sáng (GK 29).

3. An táng
Giáo Hội cử hành nghi thức an táng cho người quá cố để diễn tả niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Kitô, chính niềm tin này soi sáng cho ý nghĩa của cái chết. Đối với người tín hữu, chết là kết thúc đời sống bí tích nhưng lại khởi đầu sự viên mãn của cuộc tái sinh mới đã bắt đầu qua ơn bí tích Thánh tẩy.

Người ta cần phân biệt thánh lễ an táng và nghi lễ an táng là hai cử hành khác nhau.  Thánh lễ an táng là cử hành thánh lễ với các bản văn phụng vụ về lễ cầu hồn; nghi lễ an táng là cử hành các nghi thức công giáo trước khi đem chôn thi hài người quá cố. Thông thường nghi lễ an táng được cử hành trong thánh lễ an táng. Tuy nhiên vì hoàn cảnh tang gia và việc bảo trì thi hài người quá cố, nhiều khi bắt buộc phải an táng thi hài người quá cố vào những ngày luật phụng vụ không cho phép cử hành thánh lễ an táng, lúc đó người ta có nghi lễ an táng nhưng không có thánh lễ an táng. Thánh lễ cầu hồn chỉ cho người chết sẽ được cử hành vào một ngày khác thuận tiện hơn (AT 6) [1].

4. Chầu Thánh Thể và phép lành Mình Thánh Chúa
Chầu Thánh Thể là hành vi phụng vụ nhằm biểu lộ đức tin công khai vào sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Khi chầu Thánh Thể con người khám phá tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu trao ban cho con người, từ đó họ múc lấy sinh lực dồi dào cho việc dấn thân và tự hiến cho anh em. Việc chầu Thánh Thể thường được chia làm hai loại: loại lâu giờ  có  thể kéo dài cả ngày lẫn đêm (được tổ chức tại các trung tâm tôn thờ Thánh Thể, hay các phiên chầu lượt), và loại ngắn giờ, tức trong khoảng thời gian ngắn (ví dụ 30 phút,  1 giờ, 2 giờ).  Khi chầu Thánh Thể, đối tượng thờ lạy là Chúa Giêsu Thánh Thể, vì thế không nên pha tạp việc tôn kính các thánh hay những việc đạo đức bình dân (TT 95).

V. Vai trò của Phụng vụ?
Theo Sứ  điệp của Đức Hồng Y quốc Vụ khanh Tarcisio Bertone gởi cho Đức Cha  Felice di molfetta, Chủ tịch trung tâm Azion Liturgica, Italia nhân dịp tổ chức tuần lễ học hỏi phụng vụ lần thứ 62, tại Trieste, Italia từ ngày 22-26 tháng 8 năm 2011, ngài đã cho biết vai trò của phụng vụ là Giáo dục.

VI. Tân Phúc Âm hóa.
Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam đã giải thích: “Tân Phúc Âm hóa không phải là rao giảng một phúc âm mới, vì “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy cho đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và trong cách diễn tả, và rồi thêm từng phần và từng ý nghĩa:
Trước hết, mới về lòng nhiệt thành: Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu kitô để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.
Kế tiếp, mới về phương pháp: Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt: Văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật.
Sau cùng, phải mới trong cách diễn tả: Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và xử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội sứ điệp Phúc âm”.
Chúng ta vừa lược qua định nghĩa của các hạn từ, xem phần nào lịch sử  của chúng. Bây giờ chúng ta trở về với chủ đề: Năm Thánh Giáo phận và vai trờ Phụng vụ trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Chúng ta có thể đút kết: Năm Thánh là thời gian dành cho Thiên Chúa và cho người dân nên Thánh hơn, Năm Thánh của Giáo phận tổ chức là để cảm tạ, tri ân Thiên Chúa về những ơn Ngài ban, cũng như để tri ân những tiền nhân đã có công xây dựng Giáo phận và để cho toàn dân Chúa trong Giáo phận  trở nên thánh thiện hơn trong việc Tân Phúc âm hóa ở thời đại ngày nay.

LỜI KẾT
Trong vai trò Linh mục của Giáo Phận, chúng ta vừa mừng năm Thánh của giáo Phận, vừa hướng dẫn giáo dục cho người giáo dân cử hành các nghi thức Phụng vụ như thế nào cho xứng đáng, để Tân Phúc âm hóa trong thời đại của chúng ta hôm nay. Con thiết nghĩ rằng nội dung của các hạn từ mà chủ đề trên  vừa nêu cho chúng ta thấy tất cả đều quy về chữ “Thánh”. Như vậy, chúng ta cần phải sống và làm thế nào để bản thân Linh Mục và để đời sống của người giáo dân mỗi ngày một tốt lành, thánh thiện hơn. Đó là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ. Câu châm ngôn mà chúng ta thường nghe “Không ai có thể cho điều mà mình không có”. Nếu Linh mục chúng ta không thể tốt lành, thánh thiện. Nhìn vào đời sống của Linh mục, người ta không thấy gì Thánh thiêng ở trong đó thì cho dẫu chúng ta có làm gì hay nói gì thì cũng giống như lời Đức Cha Giảng phòng Aloisio Nguyễn Hùng Vị trong dịp tĩnh tâm 2018 đã nói: Đó cũng chỉ là “văn chương đạo đức”, là những “công chức nhà đạo” mà thôi chứ cũng chẳng ảnh hưởng gì tới ai. Vì thế, ước mong sao mỗi người trong chúng ta cố gắng trong khả năng có thể của mình và với ơn Chúa trong năm Thánh Giáo phận, chúng ta mỗi ngày một làm gương sáng nhiều hơn.

Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Dương Minh Thanh

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay26,456
  • Tháng hiện tại641,213
  • Tổng lượt truy cập28,956,582

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây