Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 8: Đức Maria và công cuộc tân phúc âm hóa

Thứ hai - 06/08/2018 20:25

ĐỨC MARIA VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA

Có lẽ khi nói về Đức Maria, thì ai cũng biết rằng: Ngài là thụ tạo tuyệt vời của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại để nhân loại được làm con của Ngài. Đồng thời Ngài còn là mẫu gương cho chúng ta noi theo trong cuộc đời làm con Chúa, đi theo Chúa và làm đẹp lòng Chúa. Con cũng xin lược lại những hình ảnh của Đức Maria đã được mô tả: Đức Mẹ Là Hình Ảnh và Khuôn Mẫu của Hội Thánh - Bài Giáo Lý 18 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô, để từ đó chúng ta có cái nhìn về cuộc đời của Đức Maria đã sống tương quan với Chúa và với tha nhân như thế nào. Từ cái nhìn đó mà mỗi người chúng ta hãy kiểm điểm lại đời sống đức tin của chính mình đã sống tương quan với Chúa và với anh chị em trong công cuộc loan báo Tin Mừng, cũng như đời sống chứng tá đức tin.

I. Đức Mẹ Là Hình Ảnh và Khuôn Mẫu của Hội Thánh
Bài Giáo Lý 18 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô
“Hội Thánh là Tông Truyền vì được thiết lập trên lời cầu nguyện và lời rao giảng của các Tông Đồ, trên thẩm quyền đã được chính Đức Kitô trao cho các ngài.  … và vì được sai đi để mang Tin Mừng đến cho toàn thể thế giới .”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 23 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về Đức Mẹ như một hình ảnh và khuôn mẫu của Hội Thánh.
* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tiếp tục loạt bài giáo lý về Hội Thánh, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như một hình ảnh và khuôn mẫu của Hội Thánh.  Tôi nhắc lại cách diễn tả của Công Đồng Vaticanô II.  Nói rằng Hiến Chế Lumen Gentium nói: “Như Thánh Ambrôsiô dạy, Mẹ Thiên Chúa là một hình ảnh của Hội Thánh theo thứ bậc đức tin, đức ái và sự kết hợp hoàn hảo với Đức Kitô” (số 63).

1.  Chúng ta bắt đầu từ điểm thứ nhất, Đức Mẹ Maria là một khuôn mẫu của đức tin.  Đức Mẹ là khuôn mẫu cho đức tin của Hội Thánh theo nghĩa nào? Chúng ta hãy nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: một thiếu nữ Do Thái, đang chờ đợi ơn cứu độ của dân mình bằng cả tâm hồn. Nhưng trong tâm hồn của người con gái trẻ của
Israel này đã có một bí mật mà cô vẫn chưa biết: trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cô đã được tiền định để trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Lúc Truyền Tin, sứ thần của Thiên Chúa gọi cô là “đầy ơn phúc” và tỏ lộ kế hoạch này.  Đức Maria trả lời “xin vâng” và từ lúc đó đức tin của Mẹ nhận được một ánh sáng mới: Mẹ chú tâm vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nhục thể từ Mẹ và trong Người lời hứa về toàn thể lịch sử cứu độ được thực hiện. Đức tin của Đức Mẹ Maria là sự thể hiện đức tin của dân Israel, trong Mẹ tập trung tất cả cách thế, tất cả con đường của dân đang chờ đợi được cứu chuộc, và theo nghĩa này đức tin của Mẹ là khuôn mẫu đức tin của Hội Thánh, là đức tin có Đức Kitô làm trọng tâm, là sự nhập thể của Thiên Chúa tình yêu vô hạn.

Đức Mẹ đã sống đức tin này thế nào?  Mẹ đã sống nó trong sự đơn giản của hàng ngàn bận rộn và bận tâm hàng ngày của mọi người mẹ, như nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa...  Thực ra, đời sống bình thường này của Đức Mẹ là nơi mà ở đó mối liên hệ duy nhất và cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Con Mẹ xảy ra. Lời “Xin vâng” của Đức Mẹ, đã hoàn hảo ngay từ đầu và lớn lên cho đến giờ Thập Giá.  Ở đó, tình mẫu tử của Mẹ đã lan ra bao trùm mỗi người chúng ta, cuộc sống chúng ta, để dẫn chúng ta đến với Con Mẹ.  Đức Mẹ đã luôn luôn sống say đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Người, qua việc suy đi nghĩ lại trong lòng mọi sự dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để hiểu và thực thi toàn thể Thánh Ý của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tự hỏi mình một câu: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Mẹ Maria, là Mẹ chúng ta, soi sáng không?  Hoặc chúng ta nghĩ rằng Mẹ quá khác chúng ta?  Trong những lúc khó khăn, thử thách, tăm tối, chúng ta có tìm đến Mẹ như một khuôn mẫu của việc tín thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn luôn và chỉ muốn điều tốt của chúng ta không?  Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này, có lẽ tốt hơn cho chúng ta là tìm thấy Đức Mẹ Maria như một khuôn mẫu và hình ảnh của Hội Thánh trong đức tin này là đức tin mà Mẹ đã có!

2.  Chúng ta đi đến bình diện thứ nhì:  Đức Mẹ Maria, khuôn mẫu đức ái.  Đức Mẹ là mẫu gương yêu thương cho Hội Thánh bằng cách nào? Chúng ta nghĩ đến lòng sẵn sàng giúp đỡ người chị họ
Elizabeth của Mẹ. Khi đến thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến cho bà sự giúp đỡ vật chất mà còn mang đến cho bà Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong cung lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang đến niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Bà Elizabeth và ông Dêkaria hạnh phúc vì bà có thai là điều có dường như không thể được ở tuổi của hai ông bà, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho hai ông bà niềm vui trọn vẹn, là niềm vui đến từ Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, và được thể hiện cách nhưng không trong đức ái, trong việc chia sẻ, giúp đỡ và hiểu biết lẫn nhau.

Đức Mẹ của chúng ta muốn đem đến cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, món quà cao cả là Chúa Giêsu; và với Người Mẹ cũng đem đến cho chúng ta tình yêu, bình an và  niềm vui của Người.  Như thế Hội Thánh cũng như Đức Mẹ Maria, Hội Thánh không phải là một cơ sở thương mại, không phải là một tổ chức nhân đạo, Hội Thánh không phải là một tổ chức chức phi chính phủ, Hội Thánh được sai đi để đem Đức Kitô và Tin Mừng của Người đến cho tất cả mọi người; Hội Thành không tự mang mình đến - dù nhỏ hay lớn, mạnh hay yếu, Hội Thánh đem Chúa Giêsu và phải như Đức Mẹ Maria khi Mẹ đến thăm viếng bà Elizabeth.  Đức Mẹ đem những gì? Chúa Giêsu.  Hội Thánh đem Chúa Giêsu: đây là trọng tâm của Hội Thánh, để đem Chúa Giêsu! Giả như nếu Hội Thánh có một thời không đem Chúa Giêsu, thì là một Hội Thánh chết!  Hội Thánh phải đem tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng ta đã nói về Đức Mẹ Maria, về Chúa Giêsu. Còn chúng ta là gì? Chúng ta có phải là Hội Thánh không? Tình yêu mà chúng ta đem đến cho người khác là gì? Có phải tình yêu của Chúa Giêsu, là tình yêu chia sẻ, tha thứ và đồng hành, hay là một yêu nhạt nhẽo, như rượu nhạt gần như nước lã? Đó là một tình yêu mạnh mẽ, hay quá yếu đuối đuổi theo sự cảm thông, tìm kiếm sự đổi chác, một tình yêu ích kỷ?  Một câu hỏi khác:  Chúa Giêsu có thích tình yêu ích kỷ không? Không, Người không thích, bởi vì tình yêu phải cho không, giống như tình yêu của Người. Các liên hệ trong các giáo xứ, trong các cộng đồng của chúng ta như thế nào? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em không? Hoặc chúng ta phê phán nhau, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chăm sóc cho “sân” riêng của mình, hoặc chúng ta chăm sóc cho nhau? Đây là những câu hỏi về đức ái!

3.  Và điểm ngắn gọn cuối cùng: Đức Mẹ Maria, khuôn mẫu của sự kết hợp với Đức Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ là cuộc đời của một phụ nữ của dân Mẹ:  Mẹ cầu nguyện, làm việc, đi đến hội đường... Tuy nhiên, mọi hành động luôn luôn được thực hiện trong kết hợp hoàn hảo với Chúa Giêsu. Sự kết hợp này đạt đến tột đỉnh trên đồi Canvê: ở đây Đức Mẹ tái hợp với Con Mẹ trong cuộc tử đạo của con tim và trong việc dâng cuộc đời lên Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Đức Mẹ đã nhận sự đau đớn của Con Mẹ làm của mình, và cùng với Người, Mẹ chấp nhận Thánh Ý Chúa Cha, trong đó sự vâng phục sinh hoa trái, mang lại chiến thắng thật trên sự dữ và sự chết.

Thực tại này mà Đức Mẹ dạy chúng ta rất đẹp: luôn luôn kết hợp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi: có phải chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi gặp trắc trở hoặc thiếu thốn, hay chúng ta có một mối dây liên hệ liên tục, một tình bằng hữu sâu xa, ngay cả khi phải theo Người trên đường thập giá?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và sức mạnh của Người, ngõ hầu trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mọi cộng đồng Hội Thánh phản ánh khuôn mẫu của Đức Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh.  Chớ gì được như vậy!

Nguồn: Vietcatholic
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

II. Tân Phúc Âm Hóa là gì?
Hỏi : Tôi đã nghe nhiều về Tân Phúc Âm Hóa mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã rất hùng hồn kêu gọi Giáo Hội. Ngài có thể giải thích nó là gì và tại sao nó khác với những nỗ lực rao giảng Phúc Âm trước đây của Giáo Hội ?

Trả lời : Tân Phúc Âm Hóa là mối quan tâm thường xuyên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và những mối quan tâm và đề nghị của ngài vẫn cần thiết cho ngày hôm nay. Đức Gioan Phaolô II nhận thấy rằng sự tục hóa của Âu Mỹ, bắt đầu vào thế kỷ XIX, đã trở thành hiện thực với đầy sức mạnh vào hậu thế kỷ XX. Hai khuynh hướng quan trọng nhất bắt đầu vào đầu thế kỷ XX là luân lý tương đối và chối trách nhiệm cá nhân đã trở nên ngày càng phổ biến cách tệ hại, ngay cả với những người Công giáo bình thường trong những quốc gia có truyền thống được xem như là những thành trì của Công Giáo. Kết quả là mọi nước, ngay cả những nước có nền văn hóa Công giáo hơn một thiên niên kỷ trước, bây giờ có thể xem như là những miền truyền giáo. Ta không cần phải đi đến những miền truyền giáo xa xăm ở ngoại quốc nữa để có những kinh nghiệm truyền giáo. Hầu như tư tưởng Công giáo không được xã hội ủng hộ nữa. Đi đôi với điều này, nhiều người nhận ra một tình trạng khá bất ổn trong giáo lý sau Công Đồng Vaticanô II, đã dẫn đến kết quả trong ít nhất ba thế hệ những người lớn không được học giáo lý đã chính thức được rửa tội và rước lễ.

Đức Gioan Phaolô II đã có cách giải quyết rất đặc biệt cho vấn đề này. Ngài gọi nó là “Tân Phúc Âm Hóa”. Trước tiên, ngài kêu gọi một sự tái khám phá học thuyết chân chính liên quan đến Chúa Kitô và ơn cứu độ. Công cuộc tân phúc âm hóa phải đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu Kitô. Điều này bao gồm một sự hiểu biết mới về Giáo Hội, phụng vụ và các Bí Tích. Kể từ Công Đồng Vaticanô II, Chúa Kitô đã bị giảm xuống chỉ là một thầy dạy luân lý hay một nhà chính trị giải phóng – điều này không thể đứng vững. Ngài phải được xem là Đấng Cứu Độ duy nhất và độc nhất, Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người.

Vì Tân Phúc Âm Hóa không còn chỉ dành cho những nhà truyền giáo ngoại quốc nữa, người Công giáo phải làm quen với ý tưởng rằng các nền văn hóa và các quốc gia đã từng được xem là Công giáo nòi hay chiếm đa số, giờ là những nơi mà việc giáo dục đức tin cấp bách và rộng khắp trở nên sống còn. “Làm việc theo lối cũ” không đáp ứng đủ nữa rồi.

Như tất cả các nước và mọi thành phố bây giờ là miền truyền giáo, công cuộc Tân Phúc Âm Hóa không thể dựa trên duy những phương tiện truyền thống là những giáo sĩ và tu sĩ trong các trường học Công giáo. Rao giảng Tin Mừng bây giờ là trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, và nên tập trung chính yếu vào gia đình. Phải nhấn mạnh điều này bởi vì cho dẫu Giáo Hội luôn luôn khẳng định rằng người dạy giáo lý chính yếu là các bậc cha mẹ, nhưng qua nhiều thế kỷ, người Công giáo (bao gồm cả cha mẹ) đã có xu hướng phó mặc việc này cho các linh mục và tu sĩ.

Công việc này có ý muốn nói rằng tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là giáo dân, phải thấm nhuần đời sống chiêm niệm là đặc trưng ơn gọi của mình. Kết quả là, giáo dục trong sự cầu nguyện là trung tâm để thực hiện việc này. Một sự giáo dục như thế phải tránh đi những điều kỳ quặc của những phong trào bất thường xuất phát từ lòng đạo đức bình dân, và được đặt nền trên giáo lý, luân lý và thực hành tôn giáo. Chỉ khi đó Tân Phúc Âm Hóa mới thực sự hiệu quả. Điều này mời gọi một sự biến đổi về đời sống thiêng liêng trong cả Giáo Hội lẫn các phần tử của mình. Điều này phải dẫn đến một thực tế xã hội mà nơi đó các giáo huấn xã hội của Giáo Hội được thực thi như thế ắt sẽ dẫn đến một “một nền văn minh tình thương.” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp SỨ VỤ ĐẤNG CỨU ĐỘ, số 51).

Không những Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã không bác bỏ hay thay đổi sự nhấn mạnh này của Đức Gioan Phaolô II, mà ngài còn khuyến khích những sáng kiến mục vụ cụ thể để thực hiện nó. Nó vẫn còn là một lời hứa lẫn một thách đố cho tất cả người Công giáo. Các mục tử nên ưu tư một cách đặc biệt để rao giảng điều đó.

                             Lm. G.B. Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ


III. Những Áp dụng cụ thể những phương thế của Đức Maria trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa:
Tân Phúc Âm Hóa là thực hành phương pháp mới, điều này chúng ta thường hay nghe nói chứ thật sự chưa có làm gì mới, có lẽ nhiều khi do những hoàn cảnh khác nhau đem đến những khó khăn trong đời sống mục vụ của mục tử. Cho nên hầu như chúng ta cũng đã có ít nhiều hay chưa có ý hướng gì trong công việc mục vụ Giáo xứ của mình. Sau đây, con xin chia sẻ những gì đã và đang thực hành việc Tân Phúc Âm Hóa trong Giáo xứ của con.

Qua việc suy đi nghĩ lại trong lòng mọi sự dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để hiểu và thực thi toàn thể Thánh Ý của Thiên Chúa.

Việc Lần Chuỗi Mân Côi là chuyện xưa, nhưng ngày nay thì hoàn toàn mới lạ. Vì nhiều người lớn, nhỏ, giới trẻ, thiếu nhi không lần Chuỗi Mân Côi, vì không biết lần Chuỗi Mân Côi. Trong khi đó, người ta làm ra đủ loại Chuỗi Mân Côi: Chuỗi 50 màu sắc sặc sỡ, chuỗi đeo tay 10 hạt, nhẫn chuỗi … nhưng rồi có lẽ Chuỗi Mân Côi dùng để trang sức mà ít áp dụng giá trị của Chuỗi Mân Côi trong đời sống đức tin. Như vậy, để việc lần Chuỗi Mân Côi có thể được thực hiện trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Con xin trình bày phương pháp của Giáo xứ con: Ngày nay, đa phần nhà thờ nào cũng có máy chiếu, thì chúng ta phải sử dụng hết công năng của nói. Máy chiếu không chỉ dùng cho việc đọc đáp ca, allêluia, hát cộng đồng mà còn phải chịu khó chiếu từng kinh vào trong máy chiếu với những kinh thường đọc và cách thức lần Chuỗi Mân Côi. Việc lần Chuỗi Mân Côi không phải là dành cho cộng đoàn giáo dân, mà linh mục còn phải đồng hành cùng cộng đoàn trong việc lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày trước Thánh lễ. Đồng thời, con cũng trang bị chuỗi để sẵn trong nhà thờ. Còn việc học giáo lý dự tòng, hôn nhân con buộc học viên phải tham dự Thánh lễ, đọc kinh, lần Chuỗi Mân Côi. Đồng thời nói lên giá trị đời sống đức tin trong gia đình qua việc đọc kinh, cầu nguyện. Giáo lý của thiếu nhi, cũng phải biết đọc kinh, lần Chuỗi Mân Côi chứ không phải là chỉ dành cho kiến thức học giáo lý mà thôi. Qua thời gian, thì đa phần những người trong giáo xứ cũng đã ý thức việc lần Chuỗi Mân Côi.

Còn nói về việc yêu mến Chúa, Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và việc biết ơn những ân thân nhân, hay các linh mục đã phục vụ trong giáo xứ cần phải có những động thái biểu lộ ra bên ngoài như việc tham dự Thánh Lễ, đọc kinh cầu nguyện đặc biệt ngày Bổn Mạng Quan Thầy.

Con xin chia sẻ một vài công việc đã thực hành. Mùa Giáng Sinh đến, thì giáo xứ có tổ chức trang trí, canh thức diễn nguyện Mừng Chúa Giáng Sinh. Nhưng rồi có còn việc gì để niềm vui Giáng Sinh có thể cảm nghiệm một cách nào đó khác hơn mọi năm hay không? Con đã phát động mỗi nhà phải cố gắng có biểu hiện gì để Mừng Lễ Giáng Sinh, nhưng rồi phải cảm thông thôi, vì họ chưa được hướng dẫn. Cho nên con đã phát động mỗi nhà nên làm lồng đèn hay hang đá để Mừng Chúa Giáng Sinh. Khi phát động thì chính con phải làm lồng đèn khuyến khích người giáo dân nên mua về để treo trước nhà để giới thiệu cho người khác biết gia đình mình là Công Giáo và cũng từ đó sẽ giúp cho mình ý thức hơn về đời sống kitô hữu. Đồng thời giúp người Kitô hữu biết cách yêu mến Chúa Hài Đồng, con đã kêu mời mọi người khi tham dự Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, thì mỗi người dâng cho Chúa Hài Đồng một cành hoa, cành hoa này chứa đựng trong đó lòng yêu mến, tôn thờ và những công việc bác ái. Nói về Đức Maria và Thánh Cả Giuse, thì con áp dụng tháng 5 và tháng 10 dâng hoa cho Đức Mẹ vào tối thứ bảy hằng tuần, tháng 3 thì dâng hoa cho Thánh Cả vào tối thứ tư hằng tuần, tháng 6 thì dâng hoa cho Thánh Tâm Chúa vào tối thứ sáu hằng tuần. Đồng thời hướng dẫn cộng đoàn khi đi dâng hoa thì cố gắng kèm theo với những ước nguyện đơn sơ, ví dụ: những gia đình có con nhỏ, thì cha mẹ, anh chị em trong gia đình nguyện cầu xin Chúa, Mẹ, Thánh Cả yêu thương gìn giữ con cái (đặc biệt là em nhỏ) trong gia đình sống đạo đức yêu thương. Còn gia đình có cha mẹ lớn tuổi, thì nguyện cầu cho cha mẹ, ông bà luôn được khỏe mạnh, bình an và đạo đức hay là lời xin lỗi: Chúa, Đức Mẹ, Thánh Cả …
Cũng như ngày Mồng Hai Tết, việc kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ hay những người đã qua đời cũng cần được biểu lộ ra bên ngoài với việc dâng hoa, để cầu nguyện và xin lỗi vì đã lãng quên thiếu sót, do công ăn việc làm trong những tháng ngày qua mà quên lãng đi việc kính nhớ những người đã qua đời. Chính vì vậy đây làm việc cần phải làm để hiếu thảo, yêu thương.

Qua một thời gian, đa phần những người trong giáo xứ của con cũng đang cảm nghiệm được việc phải sống : Tin – Cậy – Mến cần phải có trong đời sống của người Kitô hữu.
Cũng còn nhiều công việc áp dụng: Tân Phúc Âm Hóa theo mẫu gương của Đức Maria trong Giáo xứ. Nhưng con xin chia sẻ một vài áp dụng đơn sơ trong Giáo xứ của con. Còn tùy mỗi cha sẽ có những sáng kiến áp dụng cho Giáo xứ của mình.

IV. Lời kết:
Những gì con đã và đang làm cho cộng đoàn Giáo xứ của con không phải là do chính bản thân của con có được. Nhưng tất cả mọi sự là đều do hồng ân của Chúa thương ban, soi sáng hướng dẫn để cho con những gì làm được đem lại ích lợi trong đời sống thiêng liêng cho người Kitô hữu.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các Thánh, các Thánh Tử Đạo Giáo Phận Qui Nhơn ban xuống trên quý Đức Cha, quý Cha cùng tất cả cộng đồng dân Chúa trong Giáo Phận chúng ta tràn đầy hồng ân, khôn ngoan và sức mạnh của Chúa, để tất cả làm những gì dâng lên Chúa với tâm tình tạ ơn trong Năm Thánh Này.

 

Đa Lộc, ngày 04 tháng 07 năm 2018

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Baotixita Võ Tá Chân

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay24,843
  • Tháng hiện tại639,600
  • Tổng lượt truy cập28,954,969

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây