Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 5.2019

Chúa nhật - 05/05/2019 20:52

Bài Thuyết Trình Tĩnh Tâm Tháng 5-2019
(Giáo Hạt Gò Thị)
Chủ Đề: Linh mục trong vai trò và phương pháp
Đồng hành với các gia đình

Dẫn Nhập:
Trong năm 2018, các Đức Giám Mục Việt Nam quan tâm đến Mục vụ gia đình, với điểm nhấn là “Đồng hành với các gia đình trẻ”[1]. Theo chiều hướng đó, đồng thời tiếp tục duy trì tinh thần Năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và 40 năm thành lập Gia Đình Tận Hiến Đồng Công, các đề tài chia sẻ của Gia Đình Tận Hiến sẽ là “Loan báo Tin Mừng và kêu gọi người trẻ gia nhập Gia Đình Tận Hiến”.

Mong sao mỗi thành viên Gia Đình Tận Hiến trong năm mới 2018, nhiệt thành sống thánh, tích cực góp phần vào công cuộc tông đồ bằng việc thực thi sứ điệp Fatima: Cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Mẹ qua việc sống đời tận hiến như tinh thần Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Sứ điệp Fatima vẫn mang tính thời sự và cần thiết cho Giáo Hội ngày nay. Ước gì mỗi người, mỗi gia đình Công Giáo Việt Nam biết đón nhận và sống sứ điệp ấy cách cụ thể: Sám hối, canh tân đời sống theo tinh thần Phúc Âm; Lần chuỗi Mân Côi để theo gương Mẹ, bước đi trên đường theo Chúa; Tôn sùng Trái Tim Mẹ để tâm hồn chúng ta nên giống Đức Mẹ, chan chứa tình yêu và lòng thương xót. Nhờ Mẹ và với Mẹ, chúng ta hãy đem tinh thần Phúc Âm vào đời sống gia đình cũng như xã hội, góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống trên quê hương đất nước chúng ta”.[2]

Sang năm 2019, Hội Thánh tại Việt Nam, theo định hướng mục vụ Hội Đồng Giám Mục đã đề ra trong Thư Chung 2016, giữa những mối quan tâm mục vụ sẽ quan tâm cách đặc biệt đến việc “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”.
Các Đức Giám mục của chúng ta, cách riêng, nêu ra ba loại đối tượng phạm trù:

  • Các gia đình di dân;

  • Các gia đình của các cặp hôn phối khác tôn giáo/tín ngưỡng;

  • Các “gia đình” li thân, li dị tái hôn.

Để Hội Thánh thể hiện một sức bật mục vụ có tính tập trung, các Giám mục đề nghị điểm nhấn mục vụ chi tiết và cụ thể hơn theo thời gian của năm mục vụ tới:
Giai đoạn 1 (từ tháng 12/2018 – 3/2019):
Đồng Hành Với Các Gia Đình Di Dân.

Giai đoạn 2 (từ tháng 4 – tháng 7/2019):
Đồng Hành Với Gia Đình Các Cặp Hôn Nhân Khác Đạo.

Giai đoạn 3 (từ tháng 8 – tháng 11/2019):
Đồng Hành Với Các “Gia Đình” Li Thân, Li Dị Tái Hôn.
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình năm 2014 và 2015, khi nói về việc Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn đã có nhận xét về sự khiếm khuyết này trong thực hành của Giáo hội hiện nay: “Những phúc đáp của cuộc tham vấn đã thực hiện cho thấy rằng trong các hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy kịch phần đông người ta không nhờ đến các trợ giúp của mục vụ đồng hành, vì họ không cảm thấy được sự thông cảm, gần gũi, hay không thực tế, cụ thể. Bởi vậy, giờ đây chúng ta  nên tìm cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hôn nhân bằng một cái nhìn nhạy cảm hơn với những gánh nặng của đau đớn và thống khổ họ phải chịu” (Amoris laetitia, 234).

Trong thực tế các gia đình trong những lúc khó khăn, khốn khổ, chênh vênh không cảm thấy được Hội Thánh quan tâm, giúp đỡ, họ cảm thấy cô đơn và càng ngày càng rời xa Giáo hội.

Hướng tới một viễn tượng Mục vụ Đồng hành có nghĩa là bắt đầu một cuộc hoán cải mục vụ, mà để đồng hành thực sự hiệu quả chúng ta cần thời gian, cần kiên trì và hành động thực tế. Chương trình Mục vụ này cần phải được phác thảo cho tốt và đi đến và chạm tới đời sống của người ta. Đức Thánh Cha Phanxicô xác định Đồng hành là tiêu chuẩn trọng tâm của Mục vụ gia đình, ngài nói: “Hội Thánh muốn đến với các gia đình trong sự cảm thông khiêm tốn và ước muốn của Hội Thánh là “đồng hành với mỗi gia đình và mọi gia đình để họ có thể khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trên hành trình của họ”[3]. Không phải chỉ đưa vào các kế hoạch mục vụ lớn lao với mối bận tâm chung chung đối với gia đình là đủ. Để các gia đình có thể mỗi lúc một trở nên là chủ thể tích cực của mục vụ gia đình hơn nữa, đòi hỏi ta phải có “một nỗ lực loan báo Tin mừng và huấn giáo hướng vào trong chính gia đình”[4] theo định hướng này” (AL 200).

Hội Thánh ý thức cần có thời gian và kiên nhẫn giúp người ta, cách riêng những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn hoặc “trái qui tắc”, được lớn lên đến mức trưởng thành trong tình yêu đích thật. Không để họ cô đơn lạc lõng, dưới ánh sáng Lời Chúa, Hội Thánh giúp phân định mục vụ để nhận ra sự thật của con người trong hoàn cảnh thực tế hiện tại còn xa với sự thật của tình yêu như Chúa muốn.

Mục vụ Đồng hành cần giúp nhìn sâu vào hoàn cảnh thực tế, cả trong những trường hợp rất chông chênh, hoặc đã đổ vỡ và ý thức luật tiệm tiến là tiêu chuẩn căn bản của sự phân định và sẽ không thực hành được nếu không có sự đồng hành. “Vấn đề là một lộ trình đồng hành và phân định nhằm hướng dẫn các tín hữu này đi đến ý thức về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa” (AL 300).

Chìa khóa của sự phân định này là sự thật của dây hôn phối, như là diễn tả đầu tiên của Lòng Thương Xót, được Tông huấn Amoris laetitia xem như là tiêu chuẩn căn bản (AL 211). Sau cùng, Hội Thánh giúp các cá nhân tín hữu và gia đình họ hội nhập cách hài hòa trọn vẹn vào Thân Mình Đức Kitô, tức là Gia Đình Hội Thánh. Hội nhập hoàn toàn vào mối hiệp thông Hội Thánh, là mục đích sau cùng của Đồng hành. Hội nhập dựa trên cơ sở của bí tích Rửa Tội như ơn huệ khởi đầu chung và hiệp thông Thánh Thể như là mục đích sau cùng của toàn thể tiến trình Đồng hành.

Từ đó, có thể gợi lên những đề tài suy tư mục vụ cho năm 2019 tập trung vào những hành động mục vụ trong Đồng hành:

  1. Chúa Giêsu Dạy Chúng Ta Đồng Hành:

Thánh Luca giới thiệu với chúng ta 6 điểm nhấn trong cuộc đồng hành của Chúa Giêsu với hai môn đệ Emmau:
a. Đang lúc họ chuyện vãn với nhau (Lc 24,15).
b. Chúa Giêsu tiến lại gần mà đi với họ (Lc 24,15).
c. Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài (Lc 24,27).
d. Và họ nhận biết Ngài (Lc 24,31).
e. Ngay giờ đó, họ trỗi dậy (Lc 24,33).
f. Về các điều ấy, các ngươi là chứng nhân (Lc 24,48).

  1. Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên và tầm quan trọng của gia đình trong đời sống đức tin:

         Gia đình là môi trường ưu việt để sống và truyền bá đức tin. Lịch sử ơn cứu rỗi từ Cựu Ước đến Tân Ước đều trình bày gia đình như môi trường chủ yếu của việc xây dựng Nước Chúa. Cựu Ước xem nơi cư ngụ của con người như là nơi ưu việt để Thiên Chúa mạc khải và để con người sống đời sống tôn giáo của mình. Từ Abraham tới Môisen và qua các tiên tri, chúng ta thấy rằng chính trong cuộc sống thường nhật của con người, nghĩa là trong căn nhà mình đang ở mà Thiên Chúa gặp gỡ con người và trao phó sứ mệnh cho con người.

    Trong Tân Ước vai trò của gia đình lại càng được làm nổi bật hơn. Biến cố nhập thể đã diễn ra ngay chính trong khuôn khổ của gia đình. Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình, khi Ngài sống đến 30 năm trong cuộc sống ẩn dật tại gia đình Nagiaret. Sau này phần lớn những sinh hoạt của Ngài cũng diễn ra trong cuộc sống thường ngày, nghĩa là trong khuôn khổ của gia đình, như các phép lạ, những lời rao giảng và các biến cố lớn trong cuộc đời của Ngài thường diễn ra trong bốn bức tường của các căn hộ, chứ không nhất thiết phải diễn ra trong đền thờ hay trong các hội đường. Ngay cả phép lạ Thánh Thể là bí tích cao trọng nhất cũng được Ngài thiết lập trong một gia đình.

Gia đình là môi trường ưu việt để sống và truyền bá đức tin. Thiết tưởng đó phải là một trong những xác tín cơ bản nhất của những người sống bậc vợ chồng. Thật vậy, không phải chỉ có những người sống đời tận hiến trong chức vụ linh mục hoặc trong đời sống tu trì mới là những người trực tiếp dấn thân vào việc xây dựng nước Chúa. Việc tông đồ và truyền giáo thiết yếu cũng là bổn phận của những người sống bậc vợ chồng và đời sống gia đình.

 

  1. Vai Trò Và Phương Pháp Đồng Hành: Sự tiệm tiến theo thời gian

Trong Giáo Hội có muôn hình thức hoạt động tông đồ, Các nhà truyền giáo có phương cách hoạt động riêng của họ. Cuộc sống của các tu sĩ giam mình trong bốn bức tường của đan viện cũng là thể hiện một công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Mỗi cuộc sống là một phương cách hoạt động tông đồ. Các đan sĩ không thể bắt chước lối sống và cách truyền giáo của các linh mục sống giữa đời. Những người sống bậc vợ chồng cũng không bị đòi hỏi phải như những nhà truyền giáo. Mỗi bậc sống là một phương cách truyền giáo.

Vị linh mục chính xứ có trách nhiệm, cung cách và phạm vi riêng của mình. Với thiên chức linh mục, chúng ta trở nên “Tư tế, Tiên tri và Mục tử” theo gương Chúa Giêsu Kitô và trong truyền thống Tông đồ của Hội thánh Công giáo. Vậy, với ơn Chúa Thánh Thần, trong tình yêu thương của Mẹ Maria, chúng ta có thể rút tỉa bài học cho sứ vụ đồng hành của chúng ta đối với Dân Chúa. 

Chúng ta là môn đệ của Ngài, là linh mục của Ngài, là tông đồ của Ngài. Chúng ta có đời sống đồng hình dạng với Đấng vác thập giá đi trước không? Và chúng ta có nỗ lực làm cho người ta nhận ra Ngài trong mầu nhiệm Thập giá cứu độ không, để nếu họ có bằng lòng chết với Ngài thì mới được hy vọng sống với Ngài?

Chắc chắn cuộc đời linh mục có nhiều thập giá và đau thương. Khi ấy linh mục có chấp nhận với tâm tình cứu thế của Chúa Giêsu không? Nếu làm mục vụ mà muốn hái ngay được những tràng pháo tay và lời tán tụng, thì không thể giống Đức Giêsu người thành Nadarét. Người mục tử đích thực phải dâng mạng sống mình vì chiên, phải sẵn sàng băng bó những con chiên bị thương và săn sóc những con chiên đau yếu. Một linh mục như thế mới là “Sacerdos et victima” (Linh mục là lễ vật hy tế) và mới sống các mầu nhiệm cử hành nơi bàn thờ.

Mọi người đều đồng ý gắn liền chức linh mục với công việc dâng lễ. Hầu như hằng ngày linh mục là những môn đệ trên đường Emmau. Các ngài cũng cầm bánh Chúa Giêsu Tử nạn – Phục sinh trao cho họ. Họ có biết nhận ra Ngài không? Họ có loan báo Ngài trong cuộc khổ nạn cứu độ không? Khi loan báo như thế, đời sống linh mục có phải mang dấu vết Thánh giá không? Mục vụ của linh mục phải dành bao nhiêu phần cho những người đau khổ và bé mọn? Chính đời sống linh mục chứ không phải lời nói khiến người ta công nhận, quả thật vinh quang của ta là Thánh giá Chúa Kitô và Hội thánh đã lựa chọn đi với người nghèo.

Các vị chủ chăn của chúng ta hướng dẫn: “Chúa Giêsu một đàng đưa ra lý tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn.”[5]

  • Mục Vụ Đồng Hành Là Trung Tâm:

Chúng ta đừng quan niệm cách hạn hẹp mục vụ như một thứ “dịch vụ” để chờ người ta tìm đến xin Hội thánh cung ứng những đề nghị, hay nghe rao giảng trong thánh lễ và gặp gỡ các nhóm hội đoàn trong giáo xứ, mà không biết cùng bước đi với con người trên cuộc hành trình lâu dài đòi hỏi kiên trì. Mục vụ đồng hành không có tham vọng đem lại những giải đáp tức thời cho nhiều vấn đề. Thực ra, tìm cung ứng những giải đáp mục vụ có thể giúp giải quyết mọi sự, trừ điểm trọng tâm là chúng ta tiếp tục không đồng hành với con người! Như thế là giản lược lòng thương xót chỉ còn là một sự uyển chuyển thích nghi luật lệ được cho là cứng rắn và cách thế đó cũng là “duy luật”.

Đồng hành là cùng bước đi với ai đó trên một lộ trình qua đó giúp họ nhận ra một ánh sáng mới khả dĩ xây dựng cuộc sống. Cách thức đồng hành với các gia đình tương tự như con đường dự tòng của Hội Thánh sơ khai: Phải đồng hành trong một thời gian dài nhiều hay ít. Thực tế những người dự tòng đã phải chuyển từ một cuộc sống ngoại đạo rất xa Tin mừng để bước vào giao ước Thanh Tẩy của Đức Kitô. Đức thánh cha Phanxicô xác định Đồng hành là một tiêu chuẩn trung tâm của mục vụ gia đình. Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành, trước hết, chúng ta không được hiểu “Đồng Hành” như là một chiến lược giao tiếp với thế giới. Ngược lại, đó là phương pháp chính Đức Giêsu đã chọn để gặp gỡ chúng ta gần như tình cờ và tỏ cho chúng ta thấy con đường đi của Chúa Cha. Chính Người, là vị Thầy dạy chúng ta nghệ thuật “đồng hành” mà mọi môn đệ cần phải học. Chúng ta nhớ lại, chẳng hạn, sau khi sống lại Chúa Giêsu đồng hành với các môn đệ đi về Emmau (Lc 24,13-33) Người chỉ cho chúng ta những tham chiếu cho mọi lộ trình chung: Lời Chúa và Bí Tích, là tất cả sự hiệp thông của Giáo Hội, tiêu biểu là Bữa ăn Thánh Thể từ đó hai môn đệ đã quay trở lại Giêrusalem trong đêm. Chúa Kitô Phục Sinh “đi trước” các Tông đồ mở ra cho họ các con đường trên đó họ gặp gỡ mọi người. Nước của Người là ở những mối quan hệ cá nhân vốn luôn khởi đầu âm thầm nhưng hàm chứa một sức sống bên trong khả dĩ làm biến đổi thế giới.

Như thế, Đồng hành là một cách thức đặc biệt để loan báo Tin mừng, có nối kết nội tại với việc bước theo Đức Kitô, vị Tôn sư. Thánh Giáo hoàng Gioan-Pholô II nói rằng: “Nối bước theo Chúa Kitô là nền tảng thiết yếu và nguyên thủy của nền luân lý Kitô Giáo: tựa như dân Israel xưa cất bước theo Chúa và đã được Chúa dẫn dắt  qua hoang địa tiến về Đất Hứa (x. Xh 13,21), người môn đệ cũng phải nối bước theo Đức Giêsu và được Chúa Cha lôi kéo để đến với Người (x. Ga 6,44)”.[6] Vấn đề ở đây là đời sống gắn bó với một Con Người, là Giêsu Kitô, từ đó mà người ta hiểu ý nghĩa của lề luật và tư tưởng. Đồng hành phải bắt đầu từ cái nhìn của Chúa Giêsu. Người “đã nhìn những người nam và người nữ mà Người gặp gỡ, với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với những bước đi của họ bằng sự thật, lòng kiên nhẫn và tình thương xót, trong khi loan báo những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa” (AL 60). Chúa Giêsu nhìn “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Mọi bận tâm mục vụ của Hội thánh trước hết phải bắt nguồn từ ánh mắt nhìn này:

  • Một Tình Yêu Đích Thật:

Nguyên lý của Đồng hành Kitô giáo được Đức Thánh cha Phanxicô nhắc lại lời của Đức Bênêđictô XVI: “Khởi đầu của cuộc đời Kitô hữu không phải là một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đó đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (EG 7DCE 1). Từ cuộc gặp gỡ đó toát lên “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh” (EG 36), một tình yêu thật Đức Kitô hiến trao cho chúng ta với lí lẽ của nó: một khi đã gặp gỡ xin cùng bước đi trên lối đường cuộc đời. Đồng hành để dần nhận ra sự thật về một tình yêu, để tình yêu đó tăng trưởng đến mức trưởng thành, và đáp lại tình yêu của Đấng Mục tử nhân lành: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

“Điều quan trọng là đón nhận và đồng hành với họ bằng sự kiên nhẫn và tế nhị. Đó là điều mà Đức Giêsu đã làm với người phụ nữ Samaria (Ga 4,1-26): Người đề cập đến khát vọng tình yêu đích thật của chị, để giải thoát chị khỏi những gì làm u tối cuộc đời chị và đưa chị đến niềm vui trọn vẹn của Tin mừng” (AL 299). Bắt đầu từ lòng khát khao một tình yêu đích thật, và khát khao đó là sự thật ghi dấu suốt cuộc hành trình và phải dựa trên đó mà vượt qua những cản ngại để đạt đến viên mãn. Cần nhớ ba nguyên tắc rất quan trọng cho mục vụ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô yêu cầu:

  1. Tình yêu đích thật (cf. chương 4 AL 89-164) là sợi chỉ đỏ dẫn dắt mọi cuộc Đồng hành. Tình yêu biết “kiên nhẫn, nhân hậu,…, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (cf.1Cr 13,4-7).

  2. Hành trình này gắn liền với khát vọng đặc biệt của con tim đầy tình cảm. Khát vọng của con tim ấy cần được giáo dục khởi đi từ ánh sáng của tình yêu thật. Tiến trình này là quá trình huấn luyện để trưởng thành tình cảm,rất quan trọng cho chọn lựa tự do bậc sống.

  3. Đồng hành gắn liền với đời sống Bí Tích, nguồn ân sủng hoạt động bởi Đức Giêsu Kitô. Bí Tích Rửa Tội khởi đầu biểu lộ một chi thể ‘thuộc về’ Thân Mình Chúa Kitô yêu cầu được đồng hành; hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể kết thúc mọi hành động và biểu lộ sự viên mãn thuộc vể Hội Thánh. Hoán cải đời sống nhằm thoát khỏi hoàn cảnh tội tình khốn khổ là kết quả mong muốn của mục vụ Đồng hành.

Đức Giêsu đã bắt đầu đồng hành với chị phụ nữ Samaria bằng việc nhắc đến “Tánh bản thiện” vốn khát mong một tình yêu đích thật Thiên Chúa đã gieo mầm trong tâm hồn mọi người nam và nữ. Từ chỗ khơi dậy lòng khát khao này, Đức Giêsu đã dẫn chị đi đến chỗ nhận ra sự dữ của những điều chị đã làm và của hoàn cảnh lầm lạc của chị, từ đó mở ra cho chị con đường giải thoát, con đường hoán cải. Trong tình cảnh hiện tại của chị, quả thật, không có những nhân tố thiện hảo dẫn lối đến với Tin mừng, vẫn còn những cản trở lớn ngăn chặn chị đạt đến cuộc sống viên mãn. “Nhận thức về tội được thức tỉnh trước tình yêu nhưng không của Đức Giêsu” (AL 64).

Kết Luận:
         Ngoài những khả năng Chúa ban về tri thức hay sự phán đoán, thiết nghĩ đến việc đồng hành với các gia đình đòi hỏi linh mục cần phải có con tim biết yêu thương, biết mở rộng lòng mình với giáo dân trong giáo xứ làm thế nào để giáo dân không xem cha sở là một công chức hay là một ông “kẹ”, Kính Nhi Viễn Chi chỉ đứng xa xa nhìn chứ không dám lại gần tiếp xúc, nói chuyện hay trao đổi những khúc mắc mà họ gặp phải trong đời sống đức tin hay cuộc sống thường nhật.

 

 


[1] Thư Mục vụ HĐGMVN gửi cộng đồng dân Chúa 13.10.2017

[2] Thư Mục vụ HĐGMVN gửi cộng đồng dân Chúa 13.10.2017

[3] Relatio Finalis (RF) 2015, 56.

[4] RF 2015, 89.

[5] HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2018, 2

[6] Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, 19.

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Minh Trường

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập104
  • Máy chủ tìm kiếm69
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay20,220
  • Tháng hiện tại634,977
  • Tổng lượt truy cập28,950,346

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây