Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 7 năm 2018

Thứ hai - 09/07/2018 01:03

BÀI THUYẾT TRÌNH TĨNH TÂM THÁNG 07.2018
(Giáo hạt Qui Nhơn)

Đề tài: Năm Thánh Giáo Phận, và vai trò của người giáo dân trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa

DẪN NHẬP  
"Cây có cội, nước có nguồn". Sức sống của Giáo Hội Việt Nam hôm nay là thành quả của hơn 400 năm hạt giống Tin mừng được gieo trồng, vun xới và phát triển, hơn 400 năm Giáo Hội Việt Nam cùng chia sẻ muôn vàn nỗi thăng trầm của quê hương, và cũng là hơn 400 năm chan hòa hồng ân Thiên Chúa, "…Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa, đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình... ".[1]

Thật vậy, do hoàn cảnh của lịch sử, công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, được khởi sự với các thừa sai ngoại quốc, và hàng giáo sĩ người Việt xuất hiện tương đối muộn, cũng như tình hình bắt bớ đạo, và trục xuất các thừa sai kéo dài…. Trong bối cảnh đó, người giáo dân đã có phần đóng góp quý báu, và hữu hiệu cho công cuộc truyền bá Tin mừng, qua việc duy trì, tổ chức, và điều khiển các cộng đoàn tín hữu đã được thiết lập, cũng như đảm bảo sự hiện hữu và phát triển của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Qua đó có thể nói được rằng việc truyền giáo cho Dân tộc Việt Nam, chính là nhờ Người Giáo Dân Việt Nam.

Chính vì vậy, mà trong khung cảnh Năm Thánh Hồng ân, mừng 400 năm loan báo Tin mừng, trên quê hương Giáo phận Qui Nhơn, chủ đề: “Năm Thánh Giáo Phận và vai trò của người giáo dân trong công cuộc Tân Phúc âm hóa”, được chọn làm đề tài cho dịp tĩnh tâm Linh mục tháng 07, như muốn mời gọi mỗi người chúng ta, những Linh mục trong Giáo phận, cùng nhìn lại vai trò của người Giáo dân trong quá khứ, để rồi từ đó tìm cách phát huy vai trò ấy trong công cuộc Tân Phúc âm hóa hiện nay.

Vì thế, trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, cũng như giới hạn của khả năng, con xin được phép trình bày đề tài theo dàn bài tổng quát như sau:
Vì thuật ngữ Tân Phúc âm hóa, đã được nói đến nhiều trong những bài thuyết trình trước, thế nên trong bài này, trước hết, con xin được trình bày Tân Phúc âm hóa, như lời mời gọi khẩn thiết của Giáo hội.
- Thứ đến, là những chỉ dẫn của Giáo hội về vai trò của người Giáo dân trong sứ mạng truyền giáo.
- Tiếp đến, là thử nhìn lại vai trò của người Giáo dân Việt Nam trong lịch sử loan báo Tin mừng trên quê hương Việt Nam, qua những tổ chức mang đậm nét đặc thù của Giáo hội Việt Nam, đó là: Hội Các Thày Giảng, Ban Chức Việc,Các Hội đoàn công giáo tiến hành.
- Và cuối cùng là một vài định hướng cho công cuộc Tân Phúc âm hóa trong bối cảnh của Giáo phận Qui Nhơn chúng ta hôm nay.

1. Tân Phúc âm hóa, lời mời gọi khẩn thiết của Giáo hội.
Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo”.[2] Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà mọi lĩnh vực xã hội đang biến chuyển không ngừng, thì mọi sinh hoạt của người Kitô hữu cũng đang chịu ảnh hưởng của vòng xoáy chuyển động đó.

Đứng trước bối cảnh này, Giáo hội toàn cầu nói chung, cũng như Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nói riêng, kêu mời mỗi người Kitô hữu cùng nhau đưa ra những sáng kiến khả thi, giúp chuyển động mạnh mẽ, và đúng hướng, cho công cuộc Tân Phúc âm hóa mà Giáo hội đặt ra.

Thật vậy, Tân Phúc âm hóa là một lời mời gọi mang tính khẩn thiết, từ cấp độ Giáo hội hoàn vũ, cho đến các Giáo hội địa phương. Trên cấp độ Giáo hội hoàn vũ, lời mời gọi về Tân Phúc âm hóa, được nhắc đến trong Sứ điệp Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo (The New Evangelization for the Transmission of the Christian Faith) của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới thường kỳ, lần thứ XIII: “Dẫn đưa những người nam nữ ngày nay đến cùng Chúa Giêsu, gặp gỡ Ngài, đó là một điều cấp thiết liên hệ tới tất cả mọi miền trên thế giới. Thực vậy, khắp nơi đều cảm thấy nhu cầu hồi sinh đức tin, vì đức tin đang có nguy cơ bị lu mờ trong những bối cảnh văn hóa cản trở không cho đức tin trở nên sâu xa hơn nơi bản thân, cản trở sự hiện diện của đức tin trong xã hội”.[3] 

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu mời mọi thành phần dân Chúa từ các Đức Giám mục, Linh mục, Phó tế, những người sống đời thánh hiến, và tất cả các tín hữu giáo dân, hãy cùng công bố Tin Mừng cho thế giới hôm nay qua Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium). Ngài viết: “Trung thành với kiểu mẫu của Thầy, điều sống còn là Hội Thánh ngày nay đi ra loan báo Tin Mừng cho mọi người ở khắp nơi, trong mọi cơ hội mà không do dự, không chần chờ và không sợ hãi”.[4] “Vì thế, sẽ là không đủ nếu chỉ muốn tìm ra một thứ ngôn ngữ mới mẻ để diễn tả đức tin của muôn thuở. Đối diện với những thách thức mới và những nhãn quan mới đang mở ra trước mặt nhân loại, việc cần thiết và khẩn trương là Hội thánh phải trình bày tính mới mẻ của Tin Mừng Đức Kitô, vốn ẩn chứa trong Lời Chúa, nhưng vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Đó chính là kho tàng, vốn “chứa cả cái mới và cái cũ” mà Đức Giêsu đã nói tới, khi Người tập cho các môn đệ của Người biết dạy cái mới vốn phát sinh từ Người, nhưng không được bỏ đi cái cũ (x. Mt 13, 52).[5]

Trong cấp độ giáo hội địa phương, cách riêng Giáo hội tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có thư chung gởi toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa, năm 2013, với chủ đề: “Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam và công cuộc Tân Phúc âm hóa”. Thư chung viết: “Công cuộc Tân Phúc âm hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng, và phương pháp khi làm mục vụ. Từ kinh nghiệm của các nước đã có nhiều Kitô hữu bỏ đạo, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện cuộc hoán cải mục vụ này, thì trong tương lai không xa, Hội thánh tại Việt Nam cũng có thể rơi vào tình trạng băng giá của mùa đông đức tin như một số nơi trên thế giới”.[6]

Với những gì vừa nêu, phần nào cho thấy sự khẩn thiết của công cuộc Tân Phúc âm hóa trong bối cảnh hiện tại, mà Giáo hội hoàn vũ nói chung, cũng như Giáo hội tại Việt Nam nói riêng đang hết sức nỗ lực thực hiện. Mục đích là giới thiệu Đức Kitô cách hiệu quả nhất, cho tất cả mọi người, theo những cách thế mới, phù hợp với cách tư duy, môi trường sống, và hoạt động của con người hôm nay.

Và trong công cuộc Tân Phúc âm hóa này, chúng ta không thể quên vai trò rất quan trọng của người giáo dân, như lời dạy của công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân: “Thánh công đồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt, và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác”.[7]
Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những chỉ dẫn của Giáo hội về vai trò của người Giáo dân trong sự vụ truyền giáo của Giáo hội như thế nào.

2. Những chỉ dẫn của Giáo hội về vai trò của Giáo dân trong sứ mạng Truyền giáo.
Từ sau công đồng Vatican II, Giáo hội đã có một cái nhìn chính xác hơn về vai trò của người giáo dân, và đã trả lại cho người giáo dân vị trí, và chức năng của họ sau nhiều thế kỷ bị quên lãng, khi trình bày một cách rõ ràng về ơn gọi, và sứ vụ của người giáo dân: “Những Kitô hữu được tháp nhập vào Thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri, và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ… Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế, và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình”.[8] Và như thế, “Người giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện, và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo hội sẽ không trở thành muối của thế gian. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân, vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo hội”.[9]

Bộ Giáo luật 1983, cũng dành riêng nhiều khoản luật liên quan đến người giáo dân. Trong đó, điều 225§1 nói rõ: “Vì các giáo dân cũng như mọi Kitô hữu đều được Thiên Chúa uỷ nhiệm sứ vụ tông đồ qua phép rửa tội và phép thêm sức, cho nên họ có những nghĩa vụ chung, và với tính cách cá nhân hay tập hợp thành những hiệp hội, họ có quyền làm cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới nhận biết và đón nhận; nghĩa vụ này càng thúc bách hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Đức Kitô”.[10]

Trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân, Ðức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới hôm nay: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Lời mời gọi này không chỉ là việc của các mục tử, các giáo sĩ và tu sĩ. Ðó là lời mời gọi mọi tín hữu: hết mọi giáo dân cũng đều được Chúa mời gọi, và sai đi làm việc ở trong vườn nho của Ðức Kitô tức Giáo Hội, và ở giữa thế gian”.[11] Vì thế, “họ phải tận lực hoạt động cho giáo xứ để củng cố niềm hiệp thông trung thực, và đánh thức lòng nhiệt thành truyền giáo cho lương dân, cũng như lòng tin của các tín hữu đã bỏ đạo hoặc sống đạo thờ ơ”.[12] 

ông huấn Giáo hội tại Á Châu cũng khẳng định: Hơn ai hết, họ chính là những người được mời gọi biến đổi xã hội, cộng tác với các Giám mục, linh mục và tu sĩ, bằng cách đưa ‘tinh thần của Chúa Kitô’ vào trong não trạng, tập quán, luật lệ và cơ chế của thế giới mà trong đó họ đang sống.”.[13]  Và “Do ân sủng và tiếng gọi của bí tích Rửa Tội và Thêm sức, tất cả các giáo dân đều là thừa sai; và môi trường hoạt động tông đồ của họ là những lãnh vực mênh mông và phức tạp, từ chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, giáo dục, truyền thông, khoa học, cho đến kỹ thuật và thể thao”.[14]

Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980.
Công đồng Vatican II bế mạc, Giáo Hội Việt Nam vẫn còn đang ở trong tình trạng phân chia Bắc – Nam. Mãi cho tới năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam mới có cuộc gặp gỡ toàn bộ các Giám mục với bức Thư chung 1980. Qua bức thư này, Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày lại tư tưởng của Công đồng về Giáo hội như là một thực thể sống động và mọi sinh hoạt của Giáo hội là nhằm đưa loài người, và “tất cả thực tại của thế giới loài người đến thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý của Thiên Chúa”.[15] Và việc này không dành riêng cho một thành phần nào trong Giáo hội, nhưng là tất cả mọi người, vì thế thư chung dành hẳn số 12 để ngỏ lời với giáo dân: “Chúng tôi xin dựa vào Công đồng để nói với anh chị em rằng: Ơn gọi của anh chị em là nên thánh giữa đời bằng cách sống Phúc Âm của Chúa Kitô trong các phận sự trần thế (GH 31; MV 43). Nhờ anh chị em, Giáo hội hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Nghĩa vụ cao cả của anh chị em là sống làm người tín hữu trung thành của Hội thánh Chúa Kitô và làm người công dân tốt của tổ quốc”.[16]

Ở đây điểm tích cực của Thư chung được nhìn thấy chính là Hội đồng Giám Mục Việt Nam công nhận vai trò của người giáo dân trong việc làm cho Giáo hội được hiện diện trong xã hội, qua việc góp phần xây dựng đời sống vật chất, cũng như tinh thần của Dân tộc, hay nói cách khác là đồng hành cùng với Dân tộc. Tuy nhiên, thư chung không nói đến những chỉ dẫn thần học về nghĩa vụ, và trách nhiệm của người giáo dân trong việc tham gia vào các hoạt động của đời sống Giáo hội; vì thế, người giáo dân khó nhận ra chỗ đứng, và vai trò của họ trong Giáo hội theo tinh thần Công đồng Vatican II, họ sẽ mãi mang tâm trạng của những người “cấp dưới” chỉ biết thi hành mệnh lệnh của “cấp trên”.[17]

Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhìn lại xem, trong quá khứ, người Giáo dân Việt Nam đã góp phần của mình vào công cuộc loan báo Tin mừng trên quê hương Việt Nam như thế nào.

3. Vai trò của người Giáo Dân trong Lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
3.1. Tổ chức Thầy Giảng.
Ngay từ đầu, các Thừa sai dòng Tên đã chia sẻ trách nhiệm truyền giáo với giáo dân. Sáng kiến độc đáo nhất cũng là phương thế hữu hiệu nhất, đó là tổ chức Thầy Giảng, do Cha Alexandre de Rhodes thiết lập nhằm quy tụ những người giáo dân nhiệt thành để được đào tạo kỹ lưỡng về mặt giáo lý, nhằm sát cánh với các thừa sai trong công cuộc truyền giáo.
Các Thừa sai tuyển chọn những giáo dân xuất sắc về mặt đạo đức, được tín nhiệm, tuyên khấn trước mặt cộng đoàn: sống độc thân, đặt mọi sự làm của chung, tuân phục người được các Thừa sai đặt làm trưởng. Các Thầy Giảng có thể nói là mạch máu của giáo đoàn. Các Thầy thực hiện chức năng của một Tông đồ Giáo dân: giảng dạy giáo lý, chủ sự các buổi cầu nguyện, thăm bệnh nhân, rửa tội những người bệnh nặng và cả cho tân tòng, khi không có Thừa sai. Nhờ các Thầy mà kết quả truyền giáo của các Cha Dòng Tên gia tăng. Khi các Thừa sai bị trục xuất, các Thầy giúp giáo đoàn đứng vững và lớn lên, ngay cả trong những cơn thử thách. Điều chính yếu đem lại cho các Thừa sai niềm an ủi lớn: đó là sự nhiệt tình cao độ của các thầy giảng. Chúng ta hãy nghe Cha Đắc Lộ: “…Trong mười tháng chúng tôi vắng mặt, thầy Phanxicô, Anrê và Inhaxiô đã đi hầu khắp các tỉnh để dạy đạo và thanh tẩy cho 3.340 tân tòng…”.[18]

Trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, các Thầy Giảng đã đóng góp rất nhiều vào việc phát triển Giáo hội. Họ đóng góp cả phần xương máu: Trong số 117 vị được tôn phong hiển thánh có 16 Thầy Giảng. Và Giáo phận Qui Nhơn chúng ta có Chân phước Anrê Phú Yên vị tử đạo tiên khởi, và là người chứng thứ nhất của Giáo Hội Việt Nam đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôn phong lên bậc Chân phước vào Chúa nhật, ngày 05 tháng 03 năm 2000.

3.2. Ban Chức Việc.
Một nét đặc thù khác của Giáo hội Việt Nam, đó là tổ chức mà ngày nay thường được gọi với cái tên là Hội đồng Giáo xứ. Ngày ấy được gọi là Ban Chức việc. Thành phần là những người có uy tín, có lòng đạo đức, được đề cử ra, để cộng tác với các Linh mục trong việc coi sóc Giáo xứ. Họ mang nhiều tên tùy theo công tác được ủy nhiệm, từ ông trùm trưởng, chánh trương, đến quản giáo, giáo lý viên…

Các Chức việc được chính thức thành lập vào thể kỷ XVII, tại Công nghị Phố Hiến (Hội An) năm 1672, dưới quyền chủ tọa của Đức Cha Lambert de la Motte, được qui định tại điều 4 như sau: “Nơi nào có nhiều bổn đạo, mà không có Linh mục hoặc Thầy giảng, thì phải chọn một người khôn ngoan, đức hạnh để viếng thăm kẻ liệt lào, rửa tội cho trẻ thơ, hoặc những người gần sinh thì, và phải gởi tên người đó về cho Giám mục hoặc Bề trên Giáo phận…” Thời đó và trước đấy 50 năm, đã thấy dùng danh từ Ontrũ: ông Trùm, để gọi những người giữ chức vụ trên.

Ban Chức việc không chỉ là cánh tay mặt của Cha Sở về sinh hoạt bên lề tôn giáo mà thôi, nhưng còn trực tiếp lo về tôn giáo, như dạy giáo lý, khuyên bảo những người nguội lạnh ăn năn hối cải, tìm cách truyền giáo cho những người chưa biết Chúa; hơn nữa, còn cử hành cả Bí tích Rửa Tội, hay chứng hôn khi thiếu Linh mục. Khi không có Linh mục, chính ông Trùm là người có trách nhiệm đầu tiên trong việc triệu tập giáo dân đến nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện. Ông Trùm sẽ chủ tọa các buổi đọc kinh, ông cũng có thể ủy nhiệm cho các ông Câu, ông Biện phụ trách. Ông Trùm phải lãnh trách nhiệm báo cáo với Cha Sở các sinh hoạt trong Giáo xứ. Nếu không có Cha Sở, phải báo cáo về Bề trên Giáo phận. Chính nhờ Ban Chức việc được tổ chức khắp nơi trong Giáo hội Việt Nam, mà dù vắng bóng Linh mục, dù gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn trong thời kỳ bách hại nhưng Đức Tin của người tín hữu vẫn vững vàng.[19]

Tại Giáo phận Qui Nhơn, Thánh Giám mục Stêphanô Thể đã đặc biệt chú tâm đào tạo các Chức việc trong toàn Giáo phận, và giao cho họ trọng trách phát triển cộng đoàn. Hoa quả đẹp nhất chính là Thánh trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm cả Gò Thị. Trong cuốn Kim chỉ nam địa phận Tông tòa Qui Nhơn năm 1942 có ghi rằng: Các Cha Sở được sự giúp đỡ của Hội đồng Chức việc gồm các ông Trùm, ông Câu, ông Biện; số chức việc thay đổi tùy theo tầm quan trọng và nhu cầu của họ đạo.[20]

Trong hàng ngũ các Thánh chứng nhân Tử đạo còn có những vị nổi tiếng như: Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, Trùm Họ Kẻ Sen. Thánh Simon Phan Đức Hòa, Trùm Họ Nhu Lý; Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, Trùm Họ Cái Nhum…
Chính nhờ các Thầy Giảng và các Chức việc, là những tông đồ giáo dân nhiệt thành, mà việc truyền giáo đã đạt được nhiều kết quả ngoài sức tưởng tượng. Sau 37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài (với 25 Linh mục, 5 Trợ sĩ), và 50 năm truyền Giáo Đàng Trong (với 39 Linh mục và 1 trợ sĩ), các thừa sai dòng Tên đã rửa tội khoảng 100.000 tín hữu (20.000 ở Đàng Trong và 80.000 ở Đàng Ngoài).[21]

3.3 Các Hội đoàn công giáo tiến hành.
Một hình thức hoạt động tông đồ tập thể mà sắc lệnh Tông đồ giáo dân đã đặc biệt lưu ý, đó là các hội đoàn Công giáo Tiến hành, tức là sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ với hàng giáo phẩm. “Các hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ, để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ. Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực, mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay, và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó”.[22]

Trong lịch sử của Giáo phận Qui nhơn, dưới thời Đức Cha Phạm Ngọc Chi, các đoàn thể Công giáo tiến hành được tổ chức và huấn luyện chu đáo nên đã hoạt động hiệu quả, phát triển rất nhanh chóng và có mặt trong hầu hết các địa sở lớn, góp phần rất nhiều vào việc gia tăng lòng đạo đức của giáo dân và cộng tác với các linh mục trong việc truyền giáo.[23] Chính nhờ các đoàn thể mà các giáo xứ có sức sống và sức phát triển. Nhờ tham gia sinh hoạt trong các hội đoàn mà đức tin của các tín hữu được nuôi dưỡng và củng cố, đồng thời họ tham gia cách tích cực và đa dạng vào công cuộc truyền giáo, không những trong cộng đoàn tín hữu mà còn đối với anh chị em lương dân đang cùng chung sống và làm việc trong môi trường của họ.[24]

Như vậy, có thể nói người Giáo dân đã góp phần quan trọng cách đặc biệt trong quá khứ truyền giáo của Giáo hội Việt Nam, cùng với những chỉ dẫn của Giáo hội về vai trò của người Giáo dân trong Giáo hội, hôm nay, chúng ta sẽ làm gì để vai trò ấy lại phát huy, và góp phần vào việc Tân Phúc âm hóa tại vùng đất Giáo phận Qui Nhơn chúng ta? Vì kinh nghiệm mục vụ thì con chưa có, hơn nữa khả năng cũng giới hạn, vì thế, con xin được dựa vào những kinh nghiệm của các bậc cha anh đi trước, để đưa ra một vài định hướng để tham khảo.

4. Một vài định hướng.
Theo Công đồng Vaticanô II “Giáo hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng Giáo phẩm. Thật vậy, Phúc âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành”.[25]

Vì thế, người giáo dân cần được học hỏi giáo huấn của Giáo hội về xã hội liên quan đến các vấn đề như ơn gọi, phẩm giá và sứ vụ của người Kitô hữu; đời sống nhân loại; gia đình; xã hội. Giáo hội cần quan tâm vào việc đào tạo những người giáo dân trưởng thành, và dấn thân, biết làm men làm muối, bênh vực công lý, xây dựng hòa bình, hòa giải. Giúp họ thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng trong các môi trường xã hội, nhất là trong một số môi trường mà chỉ có họ mới có thể hiện diện.
Việc đào tạo về Kinh Thánh phải được coi như một phương tiện quan trọng, thiết yếu để giáo dục đức tin cho dân chúng và chuẩn bị cho công việc loan báo Tin mừng của họ.[26] Do đó, việc đào tạo phải giúp người giáo dân đi theo một “tiến trình trưởng thành liên tục của cá nhân trong đức tin và là một tiến trình nên giống Đức Kitô, theo ý muốn của Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.[27]

Kế đó, việc đào tạo giúp họ trở thành người giáo dân đích thực và trưởng thành; nghĩa là giúp họ khám phá ra ơn gọi và sứ vụ của họ, tích cực sống ơn gọi và chu toàn sứ vụ ấy.[28] Đó là hàng giáo dân có khả năng, và điều kiện để cùng làm việc, cộng tác, và đồng trách nhiệm (chứ không phải chỉ là những người thừa hành) với các chủ chăn để thực thi sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó cho toàn Giáo hội.
Với mong muốn làm sáng tỏ vị trí, và vai trò của người giáo dân trong đời sống Giáo Hội theo tinh thần Công Đồng Vaticanô II, Đại Hội Dân Chúa của Giáo hội Việt Nam, dịp Năm Thánh 2010, cũng đưa ra những đề nghị:

  • Giáo hội Việt Nam cương quyết thực hiện mô hình Giáo hội hiệp thông và tham gia. Để thực hiện mô hình này, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người giáo dân tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

  • Các linh mục cần phát huy cung cách lãnh đạo mang tính tham gia thay cho thái độ độc quyền, và độc đoán, cần được học hỏi về phương pháp quản trị điều hành giáo xứ theo một cách thức có khoa học và tổ chức.

  • Cần có qui chế chung trong việc tổ chức giáo phận, giáo xứ, liên quan đến vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của giáo dân.

  • Cần đẩy mạnh hơn nữa việc huấn luyện giáo dân và tổ chức các khóa thần học giáo dân giúp họ được chuẩn bị tốt đẹp khi tham gia vào các lãnh vực đa dạng của Giáo hội và trần thế.

  • Tôn trọng tiếng nói và đề cao sự tham gia của phụ nữ trong các sinh hoạt của giáo xứ, giáo phận.[29]

Đáp lại những đề nghị nầy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 đã chỉ dẫn: “Công đồng Vatican II đã mở đường cho sự tham gia đa dạng của giáo dân vào đời sống Giáo Hội, ngay cả trong việc đào tạo linh mục. Giáo Hội khắp nơi đều thu lượm được nhiều hoa quả từ định hướng này. Trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, giáo dân đã và đang góp phần thật phong phú, và quảng đại cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, như mang Tin Mừng của Chúa đến những vùng xa xôi hẻo lánh, chia sẻ công sức tiền của, nhất là những lời cầu nguyện, và bao hy sinh âm thầm để xây dựng sự hưng thịnh và sinh động của cộng đoàn Dân Chúa. Thật đáng trân trọng những đóng góp quý giá đó, nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ. Đồng thời, cần canh tân những đường hướng, và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội”.[30]

NHẬN ĐỊNH - KẾT:
Trong tổng số 117 vị được Tôn phong hiển thánh Tử đạo Việt Nam năm 1988, những người đã đổ máu và hy sinh mạng sống để góp phần xây dựng nền móng của Giáo hội tại Việt Nam, đã có đến 44 vị là giáo dân, và 13 vị là thầy giảng. Thêm vào đó, Thầy giảng Anrê Phú Yên, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, cũng đã được phong chân phước vào ngày 01-05-2000.

Theo Niên giám Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2005, Giáo hội đã được loan báo, được thiết lập tại Việt Nam, liên tục từ đầu thế kỷ thứ XVI, qua các thời kỳ đã không ngừng lớn lên. Vào năm 1960, Giáo hội Việt Nam đã được Tòa thánh chính thức nhìn nhận là một giáo hội trưởng thành qua việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hơn ba trăm năm là Giáo hội tại một xứ truyền giáo với hàng giáo phẩm tông tòa. Do đó, việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam có thể được xem là một xác nhận sự trưởng thành của Giáo hội Công giáo Việt Nam; và như thế, cũng là xác nhận vai trò của người giáo dân trong tiến trình lịch sử của đạo Công giáo, góp phần rất tích cực để đưa Giáo hội Công giáo Việt Nam đạt tới bước trưởng thành này.

Lượt qua mấy dòng trên đây, rõ ràng là nhờ các thừa sai nước ngoài đã hy sinh rời bỏ quê hương đất nước, vượt muôn ngàn khó khăn, nguy hiểm, dám từ bỏ cả mạng sống mình để nhắm đến một mục đích cao cả và vô vị lợi, là giới thiệu Tin Mừng cho Dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, để Tin Mừng có thể được lan rộng nhanh chóng, và dần dần cắm rễ sâu trên mảnh đất này chính là nhờ những đóng góp lớn lao, hoặc âm thầm của hàng ngàn vạn người tín hữu. Thử hỏi, nếu người Giáo dân không nhiệt tình, lăn xả vào việc bảo vệ, và phát triển Tin Mừng đã được các nhà Thừa Sai gieo trồng, thì liệu rằng có được một Giáo hội Việt Nam như ngày hôm nay chăng?

Nhìn lại lịch sử 400 năm loan báo Tin mừng trên phần đất Giáo phận Qui Nhơn thân yêu, chúng ta cũng ý thức rằng đức tin mà mình lãnh nhận, đã được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi, và nước mắt; hơn nữa bằng cả máu đào của tiền nhân. Vì thế, hôm nay, chúng ta phải hết sức trân trọng, gìn giữ, và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời. Như lời của Vị Cha chung Giáo phận, Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, trong bài giảng thánh lễ khai mạc Năm Thánh Giáo phận, ngày 26-07-2017, tại Chủng Viện Làng Sông: “Thánh lễ hôm nay được cử hành tại khuôn viên chủng viện cổ kính Làng Sông, nơi xuất thân của một số Giám mục, biết bao Linh mục, và tông đồ Giáo dân, giữa hai hàng sao đại thu 125 tuổi, bên cạnh Tòa Giám Mục ngày xưa, như những chứng tích không phai nhòa của một lịch sử truyền giáo lâu dài, để dẫn đưa mỗi người chúng ta trở về nguồn, với tâm tình tri ân cảm tạ đối với Thiên Chúa, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban xuống cho Giao phận Qui Nhơn thân yêu chúng ta trong suốt 400 năm qua. Đồng thời cũng để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống, nước mắt, mồ hôi, cho công cuộc loan báo Tin mừng trên quê hương đất mẹ Qui Nhơn. Giờ đây Năm Thánh được mở ra để mọi người con đất mẹ được dịp thể hiện những tâm tình ấy, đồng thời cũng cầu xin Thiên Chúa tiếp tục ban ơn giúp đỡ để mỗi người chúng ta sống xứng đáng với bao hồng ân đã lãnh nhận, và noi gương các bậc tiền nhân, tiếp tục làm cho hạt giống đức tin mà các ngài đã dày công gieo vãi được trổ sinh hoa trái dồi dào”[31]

Tuy nhiên, trong công cuộc Tân phúc âm hóa hiện nay, giữa một xã hội Việt Nam đang có nhiều biến chuyển, chúng ta sẽ khó có thể tìm ra một phương pháp nào duy nhất để áp dụng cho toàn thể, bởi vì mỗi địa phương có những hoàn cảnh đặc thù, có những thời điểm bất trắc, và có những khó khăn riêng biệt. Nhưng dẫu thế nào, chúng ta cũng phải nhìn nhận, vai trò quan trọng của người giáo dân trong sứ mệnh loan báo Tin mừng, và tân Phúc âm hóa hiện nay. Nếu không có sự đóng góp của người Giáo dân, chắc chắn công cuộc Tân Phúc âm hóa sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn. Chính người Giáo dân qua các đặc sủng của họ, sẽ tích cực loan báo Tin mừng cho thế giới qua con đường đối thoại bằng đời sống, và mang sứ điệp của Tin mừng của Chúa đến khắp mọi nơi.

Như vậy, vấn đề là chúng ta phải làm sao để cho người giáo dân hôm nay thực sự trở thành cộng sự viên của hàng Giáo sĩ trong việc xây dựng, và phát triển Giáo Hội, chứ không thể mãi là những thần phần tiêu cực, thụ động trước những thúc bách canh tân của Giáo Hội để đem Tin Mừng đến cho mọi người, cũng không thể mãi là những tín hữu chỉ biết sống lo toan phần rỗi cho riêng mình. Chính vì thế, Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu đã đề xướng và kêu gọi xây dựng một Giáo hội tham gia (Participatory Church), mà trong đó không ai cảm thấy bị loại trừ (x. EA 45). Trong đó mọi thành phần Dân Chúa đều thể hiện được ơn gọi, và vai trò riêng của mình, đồng thời chia sẻ toàn bộ sứ vụ của Chúa Kitô. Mô hình “tham gia” bao hàm thái độ cộng tác chân thành, và tích cực trong việc lắng nghe, chia sẻ, thảo luận, duyệt xét, đánh giá về mục tiêu cũng như phương cách thực hiện những đề án mục vụ. Tham gia còn có nghĩa là mọi thành viên trong Giáo Hội, dù có những chức vụ và vị trí khác nhau, sẽ dự phần vào các sinh hoạt trong cộng đoàn với tất cả tinh thần trách nhiệm, không chấp nhận “độc tài” nhưng cũng không đồng hóa “tham gia” với “dân chủ cực đoan”, vì tất cả đều phải vâng phục Thiên Chúa và cùng nhau hướng đến mục đích chung là xây dựng và phát triển cộng đoàn.[32]

Và cuối cùng, dĩ nhiên công cuộc Tân Phúc âm hóa hiện nay đòi hỏi mỗi người Kitô hữu phải cố gắng, và hy sinh nhiều, nhưng cũng đừng quên rằng trong mọi công cuộc Phúc âm hóa, chính Thiên Chúa mới đóng vai trò chính. Ngài đòi hỏi tất cả nơi chúng ta, đồng thời Ngài ban mọi sự cho ta. Chính với niềm xác tín này sẽ giúp chúng ta giữ được tinh thần vui tươi ngay giữa những vất vả, và khó khăn khi thi hành sứ mệnh.[33]
Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse, và Các Thánh Tử Đạo Giáo phận, chúc lành cho công cuộc Tân Phúc âm hóa trên quê hương Giáo phận Qui Nhơn chúng con. Amen.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II:
     - Sắc lệnh Truyền Giáo, (Ad Gentes).
     - Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, Apostolicam Actuositatem.
     - Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium).
2. Bộ Giáo luật 1983.

3. ĐGH Gioan Phao lô II:

     - Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici).

     - Tông huấn Giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia).
4. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium).

5. HĐGM Việt Nam:

     - Thư chung 1980.

     - Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010.
     - Tài liệu làm việc Đại Hội Dân Chúa 2010.

     - Thư chung năm 2013.

6. TGM Qui Nhơn, Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ, 2015.
7. TGM Qui Nhơn, Gáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Antôn&ĐuốcSáng, 2017.
8. TGM Qui Nhơn, Tài liệu khóa Thường huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn, năm 2013.
9. Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Bài giảng Lễ Khai Mạc Năm Thánh, ngày 26/07/2018.
10. Lm JMT. Nguyễn Thế Thoại, Công Giáo trên Quê Hương Việt Nam, Lưu hành nội bộ.
11. Lm Hồng Phúc. DCCT,  Chúa Giêsu và Giáo Hội, NXB Tôn Giáo, 2006.
12. Đỗ Quang chính.SJ, Tản mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Antôn&ĐuốcSáng, 2007.
13. Lm Hồng Phúc. DCCT,  Chúa Giêsu và Giáo Hội, NXB Tôn Giáo, 2006.
14. Các website:
     http://www.hdgmvietnam.org
     http://gpquinhon.org
     http://www.simonhoadalat.com
     http://hocviendaminh.catechesis.net
     http://songtinmungtinhyeu.org
     http://www.conggiaovietnam.net/
     http://josephdao.blogspot.com
     http://k7dcvhue.wordpress.com
     http://bangiaolykontum.blogspot.com

 


[1] Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung 1980, số 17.

[2] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad gentes), số 2

[3] Sứ Điệp Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 13, số 2.

[4] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), số 23.

[5] ĐTC Phanxicô, Diễn từ của dành cho các tham dự viên trong cuộc gặp gỡ được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ việc Tân Phúc âm hóa, Thứ Tư, ngày 11/10/2017.

[6] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung năm 2013, số 4.

[7] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem), số 1.

[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium), số 31.

[9] Ibid, số 33.

[10] Bộ Giáo luật 1983, điều 225§1.

[11] ĐGH Gioan Phao lô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici), số 2.

[12] Ibid, số 27.

[13] ĐGH Gioan Phao lô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), số 22.

[14] Ibid, số 45.

[15] Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung 1980, số 7.

[16] Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung 1980, số 12.

[17] Lm Antôn Hà Văn Minh, Vai trò của người giáo dân hậu Công đồng Vaticanô II tại Châu Á và Việt Nam,www.giaolyductin.net.

[18] Lm JMT. NguyễnThế Thoại, Công Giáo trên Quê Hương Việt Nam, ĐCV Sao Biển Nha Trang, Lưu hành nội bộ, trang 136.

[19] X. Đỗ Quang chính, SJ, Tản mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Antôn & Đuốc Sáng, 2007, trang 251-255.

[20] TGM Qui Nhơn, Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ, 2015, lưu hành nội bộ, trang 8.

[21] Lm Hồng Phúc. DCCT,  Chúa Giêsu và Giáo Hội, NXB Tôn Giáo, 2006, trang 453.

[22] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem), số 18.

[23] TGM Qui Nhơn, Gáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Antôn & Đuốc Sáng, 2017, trang 319.

[24] Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Thường huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn năm 2013, Lưu hành nội bộ, trang 6.

[25] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes), số 21.

[26] X. ĐGH Gioan Phao lô II, Tông huấn Giáo hội tại Á châu, (Ecclesia in Asia), số 22.

[27] ĐGH Gioan Phao lô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles Laici), số 57.

[28] X. ĐGH Gioan Phao lô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles Laici), số 58.

[29] Bản đúc kết các đề nghị tại Đại Hội Dân Chúa 2010, số 11.

[30] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 27.

[31] Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Bài giảng Lễ Khai Mạc Năm Thánh, ngày 26/07/2017.

[32] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tài liệu làm việc Đại Hội Dân Chúa 2010, số 16.

[33] X. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), số 275-280.

Tác giả bài viết: Lm. Philipphê Phan Quốc Dũng.

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập124
  • Máy chủ tìm kiếm99
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay16,886
  • Tháng hiện tại631,643
  • Tổng lượt truy cập28,947,012

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây