Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 6.2019

Thứ ba - 04/06/2019 23:33

TU SĨ TRONG VAI TRÒ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH

Dẫn nhập
Năm 2019 Hội Thánh tại Việt Nam, theo định hướng mục vụ Hội đồng Giám mục đã đề ra trong Thư Chung 2016, giữa những mối quan tâm mục vụ sẽ quan tâm cách đặc biệt đến việc “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”. Trong thư có đoạn: Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Ngài chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi xin anh chị em lưu tâm đến những hoàn cảnh sau: Trước hết là các gia đình di dân; Kế đến là những cặp hôn nhân khác đạo; Cuối cùng là những gia đình bị đổ vỡ.

Đối với giáo phận Qui Nhơn, năm phụng vụ 2018 – 2019 bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng, Đức Giám Mục giáo phận có gởi cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong gia đình giáo phận chương trình mục vụ với chủ đề: “Gia đình vượt khó, có Chúa cùng vui”. Trong chương trình này, số 11 về mục vụ tu sĩ có nói về tu sĩ đồng hành với các gia đình gặp khó khăn: Phối hợp với các cha xứ để đẩy mạnh việc dấn thân thăm viếng, giúp đỡ những gia đình khó khăn, đặc biệt đối với những gia đình di dân, gia đình rối hôn phối, hôn nhân khác đạo và những gia đình đổ vỡ.

Như vậy, mọi thành phần dân Chúa, cách riêng các tu sĩ được mời gọi đồng hành với các gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, trong dịp tĩnh tâm tháng 6 năm 2019, giáo hạt Kim Châu xin được chia sẻ đôi điều về đề tài: Tu sĩ trong vai trò và phương pháp đồng hành với các gia đình.

I. Vai trò của người tu sĩ trong việc đồng hành với các gia đình:
Trong Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi tất cả các người Thánh hiến nhân dịp cử hành Năm của đời sống Thánh hiến, mục II nói về các mong chờ của Năm đời sống Thánh hiến, ngài nhắn nhủ các tu sĩ rằng: Cha chờ mong từ các con điều mà Cha đòi hỏi tất cả các thành phần của Giáo Hội là: hãy đi ra khỏi chính mình để đi tới các vùng ngoại ô của cuộc sống. "Các con hãy đi khắp thế gian" là lời sau cùng mà Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ của Ngài và còn tiếp tục gửi tới tất cả chúng ta hôm nay (xem Mc 16, 15). Có tất cả một nhân loại đang chờ đợi: những con người đã mất đi mọi hy vọng, các gia đình đang gặp khó khăn, các đứa trẻ bị bỏ rơi, các thiếu niên đã bị loại ra trước, khỏi mọi tương lai, những bệnh nhân và những người già, trong khi đó các người giàu có thỏa thuê với của cải, nhưng lại trống rỗng nơi con tim, các người đàn ông và đàn bà đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời, đang khao khát Thiên Chúa...

Các con đừng khép mình trong chính các con, các con đừng để cho mình bị ngạt thở vì các vật nhỏ bé trong căn nhà, các con đừng để mình là tù nhân của các vấn đề của các con. Những điều này tự giải quyết nếu chúng con đi ra ngoài để giúp người khác giải quyết các vấn đề của họ và để loan báo Tin mừng. Các con sẽ tìm được sự sống khi trao ban sự sống, tìm được niềm hy vọng, khi cho đi niềm hy vọng, tình yêu khi yêu thương.

Cha chờ nơi các con những cử chỉ cụ thể tiếp đón các người tị nạn, cử chỉ của sự gần gũi những người nghèo khó, tinh thần sáng tạo trong việc dạy giáo lý, trong việc loan báo Phúc Âm, trong việc đưa người ta vào đời sống cầu nguyện. Vì thế Cha mong ước giản lược các cơ cấu, việc xử dụng lại các ngôi nhà lớn vào các công tác thích hợp hơn với các đòi hỏi hiện nay của việc loan báo Tin Mừng và bác ái, việc đưa ra các cách thế xứng hợp với các nhu cầu mới[1]

Qua Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ ngài cũng muốn các tu sĩ nam nữ noi gương Chúa Giêsu biết chạnh lòng thương những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những mãnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Chúa Giêsu trong ba năm đi rao giảng Nước Trời cùng với các môn đệ, Ngài đã đối diện với đám đông dân chúng. Là Thiên Chúa, Ngài nhìn thấy hết mọi nỗi bế tắc của các gia đình; Ngài biết tự sức con người không thể nào vượt qua được. Ngài đã thương xót và làm nhiều phép lạ cứu giúp các gia đình, trong đó phép lạ đầu tiên ở tiệc cưới Cana cứu cho gia đình đôi tân hôn khỏi cảnh bẽ bàng, cứu cho gia đình bà góa thành Naim khỏi cảnh người đầu bạc khóc thương kẻ đầu xanh…. Với một trái tim đầy lòng thương xót, Ngài đã hiểu rõ dân cần gì, dân khao khát gì. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã không dạy giáo lý với những lý thuyết xa vời, khô khan. Ngài đã không cho dân chúng những lời nói cứng nhắc, hay những tư tưởng cao vời, những khái niệm trừu tượng, trên mây trên gió. Chúa luôn thực tế, Ngài chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền, xoa dịu những người đau khổ, khó khăn. Ngài thương dân chúng bơ vơ, lạc lõng không có người chăn dắt…

Để có thể nhận diện các khó khăn trong đời sống gia đình và đồng hành với các gia đình, thiết tưởng người tu sĩ phải có một trái tim giống như Chúa Giêsu, một trái tim biết chạnh lòng thương trước những hoàn cảnh khó khăn của các gia đình. Chính nhờ tình thương yêu, người tu sĩ mới đủ sức mạnh, đủ kiên nhẫn và có nhiều sáng kiến để có thể đồng hành. Đặc biệt, trong cuộc sống hôm nay, khi gia đình gặp khủng hoảng thì sự hiện diện của người tu sĩ trong việc đồng hành lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Sống trong thế giới hôm nay, người ta quá đề cao về tiền bạc, vật chất, tâm hồn con người hầu như bị xơ cứng bởi đánh mất những giá trị thiêng liêng, đời sống luân lý xuống dốc, coi thường sự sống, xem nhẹ sự chung thủy, lòng nhân ái, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc, hưởng thụ  ích kỷ… nên trái tim không còn rung cảm trước những nỗi đau của nhân loại. Sống trong một thế giới như thế, người tu sĩ hãy trở nên dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa cho con người hôm nay, như trong phần mở  đầu của Tông huấn đời sống thánh hiến có nói: Như các thánh Tông Đồ, họ cũng đã từ bỏ mọi sự để  ở với Người và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Như thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo Hội bằng muôn vàn đoàn sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Chúa Thánh Thần đã ban cho họ, và nhờ  đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội[2].

Công đồng Vatican II, trong chương mục đời tu dưới ánh sáng của LUMEN GENTIUM có nói về bổn phận của tu sĩ:
Các tu sĩ có nhiệm vụ đem hết tâm lực, bằng chính con người mình, giới thiệu Đức Kitô cách hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như cho lương dân (46a).

Tu sĩ cần ý thức rằng việc tuyên khấn, tuy bao gồm việc từ bỏ, nhưng không làm cho họ xa lạ với mọi người hoặc trở thành vô dụng đối với xã hội trần thế. Tu sĩ sẽ hiện diện với họ cách sâu xa hơn trong lòng Đức Kitô, cộng tác với họ xây dựng xã hội trần thế trên nền tảng là Đức Kitô và luôn hướng về Người (46b)[3].

Giáo luật dạy rằng: “Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu nguyện và việc đền tội” và “Hoạt động tông đồ cần được thực hiện nhân danh và ủy nhiệm của Giáo Hội, cũng như trong sự thông hiệp với Giáo Hội”[4]. Đó chính là “chân dung” người tu sĩ của Giáo Hội đang sống trong thế giới hôm nay, do đó, dù bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người tu sĩ cũng không thể sống khác với ơn gọi của mình, là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Chính vì quảng đại đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa để phục vụ Ngài nơi các chi thể của thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh, các tu sĩ nam nữ - tùy theo ơn gọi và tôn chỉ của hội dòng mình - đã hy sinh tất cả không phải vì để được mọi người khen thưởng, nhưng là để chia sẻ sự đau khổ nhọc nhằn Thánh Giá với Chúa Giêsu nơi những con người đau khổ, là tiếp tục vác thánh giá với Chúa Giêsu trên đường dương thế.

Do đó, tất cả các hội dòng được thành lập không ngoài mục đích là rao truyền tình yêu của Chúa Giêsu đến cho mọi người, vì Chúa Giêsu mà phục vụ tha nhân nơi các gia đình, giáo xứ, bệnh viện, mái ấm tình thương… hoặc sống giữa đời để chia sẻ cuộc sống với người nghèo qua ba lời khuyên của Phúc Âm: Vâng Lời, Khó Nghèo và Khiết Tịnh.

Chính Chúa Giêsu là nguồn cảm hứng của những tâm hồn thiện chí muốn dâng hiến đời mình trong một hội dòng, để tiếp bước con đường mà Chúa Giêsu đã đi, tức là đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người qua hành động phục vụ vô vị lợi của các tu sĩ nam nữ, mà như thánh Công Đồng Vaticanô II đã khen ngợi: “Các hội dòng sống đời chiêm niệm hay hoạt động, cho đến nay, đã và đang góp phần rất lớn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Thánh Công Đồng vui mừng nhìn nhận công lao của họ và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao nỗ lực được thực hiện để làm vinh danh Chúa và phục vụ các linh hồn”[5]. Như thế thì quá rõ ràng, nhờ đời sống tận hiến và hy sinh của các tu sĩ nam nữ mà có rất nhiều người biết và tin vào Chúa Giêsu, trở thành môn đệ của Ngài.

Chính nhờ việc tận hiến này mà các tu sĩ nam nữ gần gũi với mọi người hơn, qua việc dấn thân phục vụ tha nhân trong các môi trường mà họ được sai đến, như: trường học, bệnh viện, giáo xứ... và không ai phủ nhận rằng, chính các tu sĩ đã góp phần xoa dịu đau khổ của những con người bất hạnh, và chính nhờ việc dấn thân vô vị lợi ấy, mà rất nhiều người nhìn thấy Chúa Giêsu đang hiện diện nơi các tu sĩ, và dần dần nhận biết Chúa Giêsu rồi yêu mến và trở nên chứng tá cho Ngài trong cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, để người tu sĩ đồng hành với các gia đình, nhất là những gia đình đang gặp khó khăn, thiết nghĩ nơi người tu sĩ cần có sự nhẫn nại và biết lắng nghe. Điều này chúng ta hãy noi gương chính Thiên Chúa. Chúa lắng nghe dân Chúa kêu than bên Ai Cập nên sai Môsê đi giải thoát, khi vào đất hứa Thiên Chúa tiếp tục lắng nghe dân của Ngài như chúng ta thấy trong thời thủ lãnh và đặc biệt là nơi Đức Giêsu… Thiên Chúa lắng nghe một cách nhẫn nại điều đó cho ta thấy rõ qua tình trạng dân Israel bất trung nhưng Thiên Chúa vẫn một lòng trung tín, nhẫn nại uốn nắn họ bằng các biến cố, bằng lời giảng dạy của các ngôn sứ…

Trong phần gợi ý mục vụ năm 2019: đồng hành với các gia đình gặp khó khăn có nói rằng: Trong thực tế các gia đình trong những lúc khó khăn, khốn khổ, chênh vênh không cảm thấy được Hội thánh quan tâm, giúp đỡ, họ cảm thấy cô đơn, và càng ngày càng rời xa Giáo hội… để đồng hành thực sự hiệu quả chúng ta cần thời gian, cần kiên trì, và hành động thực tế.
Người ta thường nói: “dục tốc bất đạt” (làm việc nóng vội thì sẽ không thành công). Việc đồng hành với các gia đình gặp khó khăn không phải một ngày một bữa là xong bổn phận hay làm cho có nhưng là công việc thường xuyên, trường kỳ, dài hạn… Đồng hành không nhằm giải quyết tức thời các khó khăn cuộc sống, ngược lại, cần có thời gian và kiên nhẫn giúp người ta, cách riêng những người đang trong hoàn cảnh khó khăn nhận ra sự hiện diện gần gũi của Chúa Kitô trong chính hoàn cảnh đau khổ của họ; giúp họ khôi phục niềm tin và hy vọng; giúp họ sống đức tin Kitô giáo;

II. Phương pháp đồng hành với các gia đình?
Thiết nghĩ, vấn đề đặt ra là: Một lộ trình đồng hành và phân định thế nào để hướng dẫn các tín hữu này ý thức về tình trạng của họ trước mặt Thiên Chúa và làm sao giúp họ và gia đình họ hội nhập cách hài hòa trọn vẹn vào gia đình Giáo Hội[6].

Các bước của quá trình đồng hành: 
Ở đây, không phân biệt gia đình di dân, gia đình hôn nhân khác đạo, hay gia đình li hôn,… chúng ta xem tất cả họ là những người đang gặp khó khăn cách này hay cách khác cần được nâng đỡ. Như thế quá trình “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn” nói chung sẽ gồm ba bước:

1. Đón tiếp
Mục đích của bước này là nhằm thiết lập mối quan hệ giữa họ với người đồng hành để cùng nhau đi trên một lộ trình, hướng tới việc đưa họ hội nhập dần vào cộng đoàn. Đón tiếp họ sao cho họ cảm thấy mình bước vào lòng Hội thánh ấm áp và thân tình như trong một gia đình. 

Ở bước này, qua gặp gỡ, đối thoại người đồng hành có thể nhận định sơ bộ về hoàn cảnh của người mình đồng hành, làm cơ sở để bước tiếp thứ hai.

2. Đề nghị một hành trình đức tin qua các giai đoạn khác nhau
Người đồng hành dùng Lời Chúa giảng giải theo cách phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ  để họ nhận ra không hề bị bế tắc, trái lại bắt đầu từ Thiên Chúa, Ngài sẽ mở ra cho họ con đường cứu thoát. Điều quan trọng ở bước này là làm sao để họ đạt được một đức tin tới mức hoán cải (bước 3). Vì thế, bước này bao hàm hai mức độ: 

  • Tham dự vào hành trình như một tân tòng để hội nhập dần vào cộng đoàn Giáo Hội và hiểu biết những điều căn bản của đời sống Kitô hữu. 

  • Nhận ra sự thật về hoàn cảnh cụ thể của mình, và con đường phải đi để vượt qua.

3. Hoán cải
Hành trình trở về với Thiên Chúa, hướng tới việc đón nhận các Bí tích Hòa giải, Thánh thể,… một khi đã thỏa các điều kiện cần thiết.

Có một Linh Mục Dòng đã chia sẻ: Có dịp Mùa Chay chúng tôi về miền Tây. Có cha xứ chọn ngày thứ tư Tuần Thánh mở "đại hội" cho tất cả những cá nhân và gia đình bị rối, rối gỡ được mà cả rối bó tay không gỡ được. Trước đó một tháng, cả một mạng lưới anh chị em giáo dân tỏa ra không chỉ trong giáo xứ của cha mà mở ra cả nhiều xứ  đạo khác chung quanh. Nhà thờ chật cứng, cứ một gia đình rối lại có một gia đình "đồng hành" ngồi bên cạnh, vui vẻ, thân thiện. Chúng tôi là Linh Mục Dòng nên được cha xứ nhờ giảng cho một bài về Lòng Thương Xót Chúa trong thánh lễ.

Sau thánh lễ anh em Linh Mục chúng tôi còn lo giải đáp thắc mắc, "gỡ rối tơ lòng" từng trường hợp cụ thể. Cuối cùng ai nấy ra về, lòng hân hoan chuẩn bị cho Tam Nhật Thánh thật sốt sắng. Những ngày sau đó, trong Mùa Phục Sinh, hồ sơ nào gỡ được, cha xứ đích thân lên Tòa Giám Mục hoặc đi gặp các cha xứ khác bàn bạc cách tháo cởi "dưới đất" với niềm tin rằng "trên trời" cũng sẽ tháo cởi nhanh chóng cho người ta như vậy.

Giáo Phận Qui Nhơn chúng ta hiện có một số Hội dòng đang hiện diện và phục vụ trong giáo phận: Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn; Dòng Thánh Phaolô thành Chartres; Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ; Dòng Ngôi Lời – Giuse; Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc; Dòng Chúa Cứu Thế; Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương. Trong thời gian qua, Quý Cha và Quý tu sĩ nam nữ các dòng cũng đã đồng hành với các gia đình, cách riêng đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Con nghĩ rằng các dòng tu cũng đã có nhiều cách thế để đồng hành với các gia đình gặp khó khăn như cầu nguyện, thăm viếng, an ủi họ. Ngoài ra, người tu sĩ cũng nên cộng tác với các cha thực hiện chương trình mục vụ mà Đức Cha đã gởi cho các thành phần dân Chúa trong giáo phận vào đầu năm phụng vụ 2018 – 2019, trong thư có hướng dẫn cụ thể:

  • Đối với các gia đình di dân: Các giáo xứ ở giáo phận Qui Nhơn đều phải đối mặt với tình trạng di dân đi, để lại nhiều khó khăn cho các giáo xứ và chính các gia đình còn người ở lại: là con cái của họ, vợ hoặc chồng bệnh tật... Vì thế, cần quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho con cái họ, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các người vợ hoặc chồng bệnh tật, mất sức lao động, nâng đỡ họ hội nhập cộng đoàn giáo xứ...

  • Những cặp hôn nhân khác đạo: Giáo xứ cần đồng hành và nâng đỡ họ, nhất là việc giáo dục đức tin cho con cái họ, giúp người phối ngẫu công giáo trong đời sống đức tin, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm.

  • Những gia đình bị đổ vỡ: Một số gia đình công giáo rơi vào tình trạng đổ vỡ vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ; kể cả những người đã li dị và tái hôn. Vì thế, thay vì lên án và loại trừ, giáo xứ cần yêu thương và quan tâm chăm sóc họ, cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày; khích lệ và mời gọi họ tham gia các sinh hoạt mục vụ tại giáo xứ[7].

Tóm lại:
Các gia đình di dân; những cặp hôn nhân khác đạo; những gia đình bị đổ vỡ là những gia đình có những khó khăn riêng, có những nỗi khổ riêng. Vậy, đâu là nơi để họ có thể tìm nguồn an ủi, nâng đỡ và thậm chí giúp họ khôi phục lại đời sống đức tin và hy vọng mà họ đã đánh mất vì hoàn cảnh nếu không phải là Hội Thánh? Nếu Hội Thánh không đồng hành, không quan tâm, không tạo điều kiện để giúp họ giải quyết những khó khăn thì họ không thể nào cảm nhận được lòng thương xót Chúa vẫn đang bao phủ, che chở và cứu vớt họ trong chính hoàn cảnh khó khăn họ  đang gặp phải. Vì vậy, mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh, cách riêng vai trò tu sĩ nam nữ không thể thiếu trong việc đồng hành với các gia đình gặp khó khăn để họ tìm thấy được sự nâng đỡ trong đời sống đức tin, đời sống tinh thần, đời sống vật chất và tìm thấy hạnh phúc trong chính hoàn cảnh sống của mình.

 


[1] x. Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi tất cả các người thánh hiến nhân dịp Năm đời sống thánh hiến. Vatican, 21.11.2014

[2] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata đời sống thánh hiến, ngày 25.3.1996,  Nhập đề, trang 7

[3] x. CĐ Vaticanô II. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, trang 157

[4] x. Bộ Giáo luật 1983. Chương 5: Việc tông đồ của các tu hội, trang 227 và 228

[5] x. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, trang 708

[6] x. Gợi ý mục vụ năm 2019. Bài 5: Các bước của lộ trình đồng hành

[7] x. Chương trình mục vụ giáo phận Qui Nhơn năm 2018 – 2019. Chủ đề: “Gia đình vượt khó, có Chúa cùng vui”

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Bá Trung

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay24,064
  • Tháng hiện tại638,821
  • Tổng lượt truy cập28,954,190

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây