Nhớ những chuyến đi

Thứ ba - 31/08/2021 05:37

NHỚ NHỮNG CHUYẾN ĐI

                                                                                                        
Ở Quảng Ngãi, mỗi năm mùa hè đạt đỉnh chừng tháng 6, kéo dài qua tháng 7, tháng 8 yếu dần, mưa về vào tháng 9. Những ngày này, nắng như cố nướng cây cho héo lá để Thu về dễ rụng. Chiều xuống, nắng vẫn rực vàng không tỏ vẻ nao núng. Nắng vẫn tiếp tục ép những chiếc lá rơi nằm trên đất, nhả hết chất ẩm cuối cùng trốn trong cuống để hóa kiếp thật nhanh.

Cứ thời tiết thế này, nghe đâu Covid rất dễ bị tiêu diệt! Nhưng oái ăm thay gần hết mùa hè, Covid vẫn còn nguyên chẳng chịu hóa kiếp mà còn biến thể đổ bộ tấn công. Có lúc nó như phòng thủ rồi bất ngờ bùng lên, làm tối tăm mặt mày các nhà hoạch định chính sách: “Chống dịch như chống giặc”. Cái thị trấn Châu Ổ nhỏ bé này, giữa tuần nghe êm, tưởng đâu Chúa Nhật được cử hành Phụng Vụ dù chỉ tham dự ít người. Thế mà từ tối thứ Sáu đến sáng thứ Bảy, lại: “Alô. Alô…” Chiếc loa phường ra rả: chống dịch bằng 5K. Ai ở đâu ở đấy! Không có việc quan trọng không đi ra đường! Tối 18 giờ là giới nghiêm… Ngồi ở nhà buồn, dù ngoài sân hoa nắng rải dày ra tới cổng như đang cố gọi mời đi thăm. Không đi được thì: tôi “nhớ những chuyến đi”.                                                                              

 

1
 
1
 
1

       (Qùa Lương dân Bình Sơn làm đi cứu trợ Sài Gòn)


Có một thực tế đáng mừng là ngày nay, ngoài xã hội, các tổ chức cá nhân, tập thể, các tôn giáo hoạt động bác ái rất mạnh, người ta thường nói chung là làm từ thiện. Còn nhớ những trận lũ và cơn bão số 9 năm 2020, càn quét miền Trung từ xơ xác đến tang thương. Giữa tình cảnh bi đát của nhiều gia đình gặp nạn, họ được an ủi phần nào nhờ những tấm lòng hảo tâm, đặc biệt của người dân Sài Gòn. Như truyền thông đưa tin, có người chỉ với tư cách cá nhân kêu gọi, đã thu về cả 100 tỷ đồng ủng hộ việc giúp đỡ những người dân vùng bão lũ.

Đợt tấn công của Covid lần này, Sài Gòn mỗi ngày một nặng thêm, Thành Phố bị phong tỏa. Tôi đọc thư của Đức Tổng Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam cho cộng đoàn giáo xứ nghe, và kêu gọi bà con chung tay ủng hộ. Đang chờ đến ngày tổng lạc quyên, chuyển tiền cho cứu trợ, tôi ngạc nhiên khi nghe bà con giáo dân kể:

  • Thưa cha! Ở trên con người ta đến tận rẫy đang trồng bí, bầu xin ủng hộ để họ đưa vào Sài Gòn cứu trợ, vì bây giờ trong đó thiếu thốn lắm.

Ở Châu Ổ, Bình Sơn việc làm từ thiện của Lương dân tôi đã biết. Tuy vậy, tôi không nghĩ anh chị em Lương dân nhiệt tình cứu trợ Sài Gòn nhanh và qui mô như thế. Lễ tối xong, cha con ngồi nói chuyện bâng quơ một lát, cũng có đứa kể:

  • Cha ơi! Ngoài chợ sáng nay người ta mua thịt cá về chế biến, tổ chức đi cứu trợ ở Sài Gòn nhiều lắm. Cha coi họ làm nè.

Chưa xem xong mấy bức hình trên chiếc máy điện thoại, đứa khác thêm vào:

  • Hay mình cũng làm đi cha!

Tôi bâng khuâng nghĩ: giáo xứ mình cũng đang làm bác ái theo tinh thần và thông tin từ Đức Tổng đăng trên các trang mạng. Chỉ biết kêu gọi giáo dân đóng góp rồi chuyển vào Sài Gòn tại địa chỉ như trong thư Đức Tổng đã ghi, ngoài ra có cách nào hơn được. Làm hàng cứu trợ ư? Vận chuyển gần 1000 cây số! Chi bằng để tiền đó gởi vào trong ấy mua quà có lợi hơn không?
Tôi tự cho giáo xứ mình đang làm như thế là đủ nên cũng nói ra những ý trong đầu vừa nghĩ. Cha con bắt qua chuyện khác, nhưng chẳng hiểu vì sao được một lát lại quay về chủ đề cứu trợ. Lần này tôi nói:

  • Nếu làm một phần quà gồm gạo, thịt, mắm muối và củ, quả, con tính xem giá thành bao nhiêu?

Con bé hỏi thêm:

  • Mình định làm bao nhiêu phần hả cha?

Tôi cũng trả lời đại dù trong đầu chưa có một định hình gì về việc đi Sài Gòn cứu trợ. Chỉ dựa vào những chuyến đi năm ngoái, vừa chiếc xe tải của người giáo dân đang có, tôi trả lời con bé:

  • Chừng 300 phần.

Nó vội làm toán rồi trả lời:

  • Hơn trăm cha ạ.

Hơn trăm! Đào đâu ra con số đó? Số tiền ủng hộ từ các giáo họ báo cáo về chừng hơn 40 triệu. Tối ấy tôi về chập chờn khó ngủ. Dường như cái ý làm thực phẩm đưa vào Sài Gòn cứu trợ cứ luẩn quẩn trong đầu. Có lúc tôi gần như đã quyết, dự tính ngày mai gặp Ban thường vụ thống nhất rồi triển khai. Tưởng là xong, đầu thanh thản có thể ngủ, một câu hỏi xuất hiện:

  • Vì sao mình muốn làm? Phải chăng do tự ái! Người ngoài xã hội làm, mình người Công Giáo nói nhiều về bác ái mà chẳng làm gì sao? Hay muốn làm để khẳng định mình? Người ta đua nhau cứu trợ mình ngôi yên mà coi được à?! Có thể!... Thôi bỏ ý tưởng làm quà đưa vào Sài Gòn cứu trợ đi, vì bác ái Chúa dạy ta làm không dựa trên những động lực như thế. Làm gì trước hết cũng cần tìm ý Chúa!

Tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Ngày mai đến, mới sớm nắng tỏa rực vàng, chưa trưa đã hừng hực nóng, ngày hè xứ Quảng này vẫn thế. Chính sách chống dịch đang ở mức chỉ thị 15, nên mọi sinh hoạt vẫn diễn ra tương đối bình thường. Tôi vội đi thăm giáo dân kẻo trưa trời nắng rát.
Cũng lại chuyện cứu trợ! Nhưng lần này tôi nghĩ: người mắc kẹt ở Thành Phố quá đông, cộng với người nghèo tại đó nếu các giáo xứ đều làm cũng chưa chắc xuể. Làm quà cứu trợ đưa đi ta sẽ được gì? Câu trả lời lúc này hiện lên trong đầu tôi rất rõ:

  • Mệt! Hơn nữa lấy tiền ở đâu để mua quà. Chí phí một chuyến đi, số tiền đối với xứ mình là không nhỏ.

Nhưng liền sau đó một câu trả lời khác, cứ như có hai nhân vật trong não bộ của tôi đang tranh luận. Được cái họ rất hiền hòa, nêu ý kiến từ tốn nên không làm đầu tôi đau.

  • Không sao! Khi làm chắc chắn có nhiều người biết nên họ có thể cộng tác. Tấm lòng con người, ai cũng có ít nhiều trắc ẩn trước những cảnh đời khổ đau. Bao người xa quê đang kẹt lại thành phố, trong đó có cả người thân xứ mình, chẳng lẽ không giúp họ được ký gạo, bó rau. Biết đâu có nhiều người muốn giúp nhưng không biết đem gởi ở chỗ nào?

Cuộc tranh luận lặng đi trong giây lát như cả hai đang tìm ý biện hộ. Nhân vật vừa đưa ra lý thuyết phục nên làm nói tiếp:

  • Nếu mình làm, giáo dân không chỉ góp tiền mà còn có thể góp công và những loại nông sản khác. Hơn nữa, nếu chỉ lạc quyên sẽ được một lần rồi chấm hết. Ở đây bà con vừa đủ sống, không thể kêu gọi đóng góp đôi ba lần.

Ngay lúc đó tôi sáng ra. Đúng rồi! Nếu làm, chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn là lạc quyên rồi chuyển tiền vào tài khoản. Bây giờ nhiều người khổ, giúp thêm được một người cũng là rất quý. Tôi nhận ra cái hay của việc làm quà đi cứu trợ nên quyết định thực hiện.

Giáo xứ khi được thông tin ai cũng hồ hởi. Cha xứ không cần tổ chức cuộc họp để triển khai. Các anh, các chị tự chia nhau mỗi người mỗi việc: đặt gạo, mua thịt, nấu nước mắm, bỏ hàng khô vào túi nhỏ, chia phần, đóng vào bao… Người lớn và nhóm trẻ chung tay vào làm. Từ tối thứ Bảy đến hết ngày Chúa Nhật, số tiền quyên góp tăng thêm, có giáo họ số tiền thu được gấp hơn 2 lần con số báo cáo trước đó. Những người quen xa gần cũng ủng hộ. Thoáng chốc chúng tôi có đủ hàng cho một chuyến đi với số lượng 300 phần, khối lượng xe phải chở gần 4 tấn. Chuyến đi thứ nhất khởi hành ngày 28 tháng 7, đến Văn phòng HĐGM như trong thư kêu gọi Đức Tổng Huế đã cho.

1
 
1
 
1
 
1

 (Giáo xứ Châu Ổ làm quà cứu trợ)
 

12 giờ 15 xe lăn bánh. Xe đi vào Nam, phần ghế tôi ngồi hứng ánh mặt trời mùa hè suốt quãng đường gần 200 cây số. Tôi trộm nghĩ: mình làm việc thiện mà Chúa chẳng ban ơn. Có khó gì đâu. Chúa cứ để trời mùa hè rải nắng, chuyện đó là qui luật tạo dựng ai dám xen vào. Chỉ cần Chúa chịu khó, cho cụm mây đâu đó bay về, chạy theo xe ở độ cao vừa tầm cửa, nơi tấm kiếng trong bị nắng chĩa vào làm tôi nóng. Cũng may chủ xe biết cha xứ đi nên ráp máy lạnh, vì xe tải ở quê mỗi khi chạy cứ mở cửa để gió trời thổi vào là đủ, nhờ vậy tôi cũng không mệt lắm. Chỉ khổ xe tải nó không có tính dịu dàng như xe khách gường nằm. Trong khi đường Việt Nam dù trải nhựa và nhiều trạm thu phí vẫn gồ ghề, xe xốc nẩy người tôi lên bao nhiêu lần không thể đếm. Định ngủ tí lấy sức để sáng mai vào tới Sài Gòn bỏ hàng xuống là ra ngay, tránh tiếp xúc vì sợ chở vi rút về nhà. Nhưng khi mới mơ màng tôi bị giật bắn người, cũng do khúc đường này bị người ta thi công làm ẩu. Vài lần như thế tôi quyết định khỏi ngủ để không bị giật mình.

Chưa tới thành phố Tuy Hòa trời đã nhá nhem tối, chúng tôi dừng lại ở cây xăng. Hình như do vùng quê, mức độ xe ra vào không nhiều nên đèn trong khuôn viên cây xăng không sáng lắm. Chúng tôi cho xe đậu sát bức tường rào phía bên phải. Ở đây hơi tối nhưng như vậy vẫn hay, vì không có ai ngoài hai cha con nên chuyện nhiễm bệnh do tiếp xúc là không thể. Cơm nắm đã chuẩn bị ở nhà, mở lá chuối ra nó vẫn còn ấm. Trên nền xi măng của trạm xăng, hai cha con lót dẹp ngồi ăn vội. Cách chúng tôi chừng chục mét, chiếc xe hơi màu trắng đang đậu bỗng nhiên mở cửa. Người đàn ông bước ra đến chỗ chúng tôi ngồi ăn cơm, sau lưng tôi anh ta nói:

  • Các anh chuẩn bị chu đáo nhỉ, chúng tôi mấy ngày rồi hôm nay mới xin được hộp cơm ăn, mừng quá sức…

Chúng tôi ăn nhanh rồi lên xe tiếp tục đi. Do không còn nắng, trời mát, con đường khá phẳng, xe chạy êm nên cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều so với hồi trưa khi xe bắt đầu lăn bánh. Anh tài xế tươi hẳn lên, phần tôi chỉ nói một vài câu để hòa vào câu chuyện anh đang kể. Tôi im lặng như đang lắng nghe nhưng thật ra đầu tôi miên man nghĩ: đúng là thời buổi lạ lùng không thể tưởng! Một người đi xe hơi mà phải xin hộp cơm. Nhận được hộp cơm mừng như là nhận đặc sản cao lương mỹ vị. Vậy mới biết câu ca dao ngày xưa mẹ tôi đọc khi tôi còn bé thâm thúy đến mức nào: “Được mùa chớ phụ ngô khoai / Đến năm Thân Dậu biết ai bạn cùng.”

1
 
1
 
1
 
1

  (Hình ảnh đẹp trên đường về tôi thấy: quán cơm 0 đồng

Bình Nhơn – Bình Tân – Bắc Bình – Bình Thuận)


Tôi vẫn nghĩ về người đàn ông đi xe hơi mừng vì xin được hộp cơm. Nhưng có chút bâng khuâng! Nếu nói chính xác gọi đúng tên cảm xúc có lẽ phải là từ áy náy. Chuyện là khi anh ta cất tiếng sau lưng tôi, nhưng chúng tôi trả lời tỏ vẻ miễn cưỡng, nên anh ta cũng không nói gì nữa và quay đi. Tôi lục lọi con người mình xem cách ứng xử đó đến từ đâu? Do đường xa, xe xốc làm tôi mệt không muốn nói chuyện hay vì vội ăn để đi cho kịp đến nơi đúng giờ? Không phải. Vậy do cái gì? Tôi nhận ra do chúng tôi sợ tiếp xúc!... Nghĩ đến đây tôi thấy đắng lòng, bỏ ngang câu hỏi gợi chuyện của anh tài xế rồi nói thầm trong bụng:

  • Này con Covid! Mày từ đâu ra? Mày là thứ độc ác và nham hiểm nhất! Mày không chỉ khiến người ta sợ chết mà còn làm cho con người sợ nhau!

Nó im lặng không trả lời nhưng dường như đang cười ngạo nghễ! Ý là:

  • Đúng! Làm chết là do tôi, còn “sợ nhau” là do người chứ tôi không làm ra thứ đó.

Ừ nhỉ! Nó nói có lý. Sợ là do mình. Vì sợ nên có những câu chuyện đau lòng: người bị nhiễm và gia đình phải chịu cách hành xử như thứ gì xấu xa, ghê tởm hơn cùi hủi, phải hô hoán tránh ra. Cũng do sợ, có người gom hết cho mình thật nhiều thứ, chỗ ở như pháo đài không còn cơ hội cho ai nhờ vả. Cũng vì sợ nhiều vị khuyên người nhiệt tình không nên đi. Cẩn thận đến mức nếu thế gian chết hết còn mình thì không. Và dường như tôi đây đang vô tình để mình bị cuốn vào vòng xoáy sợ hãi đó. Mà đúng thật! Chúng tôi đang rất sợ! Không chỉ sợ mình bị nhiễm khi đi vào vùng dịch, còn thêm nỗi sợ đem dịch về làm người khác lây. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người không sợ, họ mạnh mẽ lăn xả để cứu người bị nhiễm, để tiếp tế lương thực cho những người nghèo không còn gì để ăn.

Nhớ lại tâm trạng của chuyến đi để viết những dòng này, tôi quá khâm phục, ngưỡng mộ các thiện nguyện viên đang phục vụ không công, với giá phải trả là chính mạng sống của mình. Có người đã nằm xuống nhưng nhiều người khác vẫn đi. Sao các anh chị và các bạn cao cả đến vậy! Trên đời này còn giá trị nào lớn đủ cho tôi để so sánh?! Tôi lại nhớ hình ảnh các nữ tu rong ruổi khắp nơi, trao quà tận tay cho các gia đình đang sống trong những con hẻm sâu của thành phố, những nơi tiếng kêu rất khó lọt ra ngoài. Hình ảnh các sơ giúp người đói trong lúc thành phố bị phong tỏa, cho đời thấy Chúa của mình gần và dễ thương. Tôi trân quý những hình ảnh này, Hội Thánh đẹp không thể thiếu các sơ!
   

1
 
1
 
1
 
1

 (Chiến tranh về thành phố ma sơ làm giao liên)
 

20 giờ xe qua đẻo Cả, tới chốt kiểm tra y tế tại xã Vạn Thọ thì dừng lại. Một dãy xe đang chờ, xe chúng tôi nhỏ nên đậu sát bên lề cách lán dựng tạm, làm chỗ khai y tế chừng ba mươi mét. Anh tài xế vào trình giấy tờ, họ coi qua liền cho đi vì chúng tôi vừa có giấy của chính quyền tỉnh cấp để lưu hành, vừa có giấy xác nhận kết quả âm tính của bệnh viện huyện Bình Sơn. Chúng tôi tự tin lên xe đi tiếp, nhưng khi anh tài xế bật khóa, máy xe không nổ. Anh phát hiện xe bốc mùi dầu, vội vàng mở thùng xe kiểm tra máy. Anh phát hiện dầu tràn ở béc. Anh mở béc dầu thì thấy cái gioăng đã bị đứt nên dầu chảy ra ngoài. Trời tối, đèn hai bên đường không đủ sáng, dầu và nhớt chảy làm đen một mảng đường dưới đáy xe ở chỗ máy. Anh tài xế cầm chiếc điện thoại soi vào máy như cố tìm một thứ gì. Tôi thấy ánh sáng từ chiếc điện thoại tỏa ra, lờ mờ như pin sắp hết. Nhìn bên đường, ngôi nhà đối diện với xe chúng tôi đang đậu vẫn mở cửa để đèn sáng. Tuốt bên trong có người dáng dấp nhỏ. Tôi đứng ngoài hàng rào gọi vọng vào:

  • Em ơi, cho chú mượn đèn pin với, xe chú bị hư rồi.

Không một tiếng trả lời. Nhưng tuyệt làm sao! Từ trong nhà có cô gái đi ra, tay cầm đèn pin. Cô đứng trong hàng rào, nép qua một bên như tránh đối diện, đưa vội đèn pin cho tôi không nói một lời. Lúc đó tôi chẳng nghĩ gì ngoài việc thầm thỉ xin Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhưng khi tiếp tục lên đường bình an, nhớ lại chuyện xe hư, hình ảnh cô gái đưa đèn pin ra cho tôi mượn khi tôi gọi vọng vào, tôi cứ ngỡ như có ai đó đã nhắc cô ấy để sẵn đèn pin cho tôi nhờ.
Tôi biết xe bị kiểu này không thể sửa nếu không có gioăng mới để thay. Tôi để mặc anh tài xề loay hoay tìm cách. Tôi trở lại chỗ kiểm tra y tế nhờ người ta chỉ giúp nơi bán gioăng béc dầu. Anh nhân viên nói:

  • Ở đây không có gara, chỉ có cách đi trở lại Tuy Hòa hay thẳng vào Vạn Giã, nhưng chắc cũng không mua được, vì phòng chống dịch nên tất cả các tiệm đều đóng cửa.

Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện với tràng chuổi Mân Côi trong túi. Thấy người đàn ông đang ngồi chờ kiểm tra y tế. Tôi đến nói với anh:

  • Anh ơi, xe tôi bị cháy gioăng béc dầu không thể nổ máy, anh có cách gì giúp tôi không?

Anh không nói tiếng nào, đứng dậy theo tôi tới chỗ xe đang đậu. Cầm béc dầu lên xem anh ta nói:

  • Bây giờ lấy ruột xe độ lại cái gioăng khác chạy tạm.

Anh trở về xe của mình để làm. Anh tên Thanh. Rất nhiệt tình nhưng không chữa được. Vì khi chiếc gioăng anh Thanh mới độ lắp vào, anh tài xế dùng chiếc bơm tay, bơm cho béc đầy dầu để nổ máy, dầu xì ra, do chiếc gioăng làm bằng ruột xe bị nở khi nó thấm dầu.
Tôi trở lại trạm kiểm tra y tế, nhờ một người khác, nhưng chẳng hy vọng gì vì làm gioăng độ anh Thanh đã làm mà không kết quả. Trong tôi lúc đó nghĩ phải kiếm mua được gioăng mới. Nhưng không có chỗ bán nên gặp người đang ngồi cứ nhờ đại vậy.

  • Anh ơi, xe tôi bị cháy gioăng béc dầu không thể nổ máy, anh có cách nào giúp tôi không?

Anh ta trả lời:

  • Anh chờ tôi một tí.

Ngay lúc đó bên trong gọi tên anh ta vào lấy kết quả. Như vậy tôi cũng chẳng chờ gì. Tôi đưa anh đến xem chiếc xe của chúng tôi đang nằm vạ. Anh cầm béc dầu lên xem rồi nói:

  • Bây giờ lấy cao su non quấn vào đi tạm, đến chỗ gara nào mở cửa vào mua gioăng rồi thay.

Anh ta về xe lấy cuộn cao su non, chẳng mấy phút sau xe nổ máy. Tôi hỏi tên vị “cứu tinh” của chúng tôi. Được biết anh tên Nhung. Anh chu đáo đến độ sau khi sửa giúp xe chúng tôi xong, anh trở lại xe của mình để tiếp tục cuộc hành trình, còn chúng tôi sửa soạn lại hành trang để đi tiếp. Anh Nhung trở lại xe chúng tôi tay cầm cuộn băng cao su non và nói:

  • Tôi quên mất. Các anh cầm cái này đi, lỡ xe bị xì thì quấn lại rồi đi.

Chúng tôi lên xe, máy đang nổ dòn như chưa hề bị trục trặc. Tôi tiếc mình không phải là nhà văn, để có thể tả cho cộng đoàn khi đọc, cảm được niềm vui của chúng tôi lúc đó. Chuyện xe hư giữa đường không phải là chuyện gì ghê gớm. Nhưng vì  lúc dịch bệnh đang bùng phát, suốt cả chặng đường dài vào Nam chúng tôi qua, hàng quán đều đóng cửa. Ai cũng vội vàng tranh thủ đi, rất sợ tiếp xúc, xe hư giữa đêm biết làm sao bây giờ?! Giấy thông hành được cấp chỉ đến ngày thứ Sáu, kết quả kiểm tra Covid âm tính chúng tôi đang mang theo có thời hạn 48 tiếng đồng hồ. Nếu không sửa được xe, chỉ tìm cách về lại nhà thôi cũng không dễ.
Xe chạy, khi hoàn hồn trở lại tôi thấy lo:

  • Không biết loại cao su non chế làm gioăng chạy được bao lâu? Lỡ đi được khúc lại cháy nữa thì sao?

Thật lạ lùng! Tạ ơn Chúa! Hình như Chúa cũng hơi mất bình tĩnh vì sự cứng tin của tôi. Ngay lúc đó tôi nghe một tiếng rõ trong lòng:

  • Có Chúa giúp đó không thấy mà còn lo?!

Tôi liền nhận ra:

  • Đúng là Chúa rồi!...

Nếu xe chúng tôi hư ở chỗ khác làm sao có thể gặp được người để nhờ họ giúp? Cũng nhờ bị ngay trạm kiểm tra y tế, xe nào qua cũng phải dừng nên chúng tôi mới gặp được nhiều người tốt như vậy. Tôi là ai mà chỉ nói một lời cô gái lạ từ trong nhà đi thẳng ra, tay cầm đèn pin đem cho mượn, như thể cô ta đã chuẩn bị lâu rồi. Tôi là gì mà chỉ nói một câu, hết anh Thanh đến anh Nhung nhiệt tình giúp, như thể chúng tôi làm việc chung trong cùng một đội xe vận tải.

  • Có Chúa đồng hành trên chuyến đi này của chúng con!

Nghĩ được như vậy mọi lo âu tan biến, hai cha con vui vẻ tiếp tục đi. Chúng tôi chở hàng tới Sài Gòn rồi quay trở ra, không một chút bận tâm cố tìm mua gioăng mới, phòng khi xe trục trặc giữa đường. Sáng thứ Sáu, chúng tôi về tới nhà bình an lúc 10 giờ, đúng như đã dự tính.
Xong chuyến thứ nhất, biết thêm những nhu cầu của người Sài Gòn gồm cả dân nghèo và di dân, cùng tất cả mọi thành phần bị kẹt lại do dịch Covid. Chẳng ai mà không khổ, đi xe hơi nhận được hộp cơm lại mừng rơi nước mắt! Tôi thấy được thúc đẩy để làm. Lần này không còn phải biện phân gì nữa. Đơn giản:

  • “Người ta đói, con ơi hãy làm một cái gì!”

Chuyến đi thứ hai tôi kêu gọi thêm các nơi do DCCT Châu Ổ phụ trách. Anh em cũng sẵn sàng cộng tác. Ở trên núi xa, bà con Tây Trà biết tin, liền rủ nhau quyên góp gởi về cứu trợ. Chỉ sau một tuần, ngày 04 tháng 8 xe cứu trợ của DCCT Châu Ổ lên đường. Rút kinh nghiệm lần đi thứ nhất, giá trị các phần quà chuyến này khá hơn. Nơi giao hàng là cộng đoàn Dòng Thánh Phaolô số 163/1, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Chuyến cứu trợ này anh Tân, trưởng giáo họ Long Giang, tình nguyện đi thay cha xứ. Xe đến nơi bình an, nắm được tình hình tôi gọi:

  • Thứ Tư tới ngày 11 tháng 8 mình đi chuyến nữa nổi không con?

Anh tài xế vui vẻ trả lời:

  • Dạ được…

Chuyến thứ 3 không thực hiện được vì Châu Ổ bùng dịch, nếu đi vào Sài Gòn khi trở về phải cách ly tập trung. Dù vậy công việc cứu trợ vẫn tiếp diễn. Chúng tôi chuyển khoản, các sơ mua gạo hay những loại thực phẩm khác đi phát cho người nghèo. Giáo dân nghe tin giáo xứ nhận gạo để cứu trợ thì đem gạo về Nhà Dòng đóng góp. Những người ở thị trấn không làm nông vẫn tự nguyện góp tiền.

Tôi cũng lấy làm lạ, chỉ biết tạ ơn Chúa! Vì sau lần đi chuyến thứ 2 về, mỗi khi các sơ nói hết gạo, chúng tôi đều có để gởi vào. Việc cứu trợ đến nay chúng tôi làm được, có thể nhỏ về số lượng nhưng lại lớn vì “sự lạ kỳ”. Chúng tôi bắt đầu công việc với một ít vốn nhưng cứ được làm hoài. Đến nay phải tạm dừng, vì Sài Gòn chuyển qua cách chống dịch bằng quân đội, không còn được đi giao quà. Bà con còn cho gạo, chúng tôi ngồi mong tin từ Sài Gòn. Ước gì tin tốt lành gởi ra cho biết: vẫn có cách chuyển được thực phẩm đến tay người nghèo.  

Chúng tôi tạ ơn Chúa Giêsu, cùng Mẹ Hằng Cứu Giúp dấu yêu của mình! Vì được Chúa đồng hành và hôm nay, Chúa vẫn làm phép lạ. Chúng tôi cám ơn những người Lương, vì nhờ họ khiến chúng tôi suy nghĩ lại cách thức bác ái dự tính làm. Chúng tôi cám ơn những tấm lòng nhân ái, cho chúng tôi cánh tay nối dài. Chúng tôi cám ơn những người giao quà, vì không có các anh chị và các sơ, làm sao có chiếc cầu nối “hai bờ vĩ tuyến”. Xin cám ơn mọi người trong gia đình Nhà Dòng và Giáo xứ, vì mình đã chung sức chung lòng với nhau.

1
 
1
 
1
 
1
 

Xin cám ơn các nạn nhân Covid, vì những nỗi khổ các bạn đang chịu, đã thành cơ hội cho chúng tôi sống tình người: là khi gặp người khổ thì phải biết giúp nhau!

                           Châu Ổ, ngày 23 tháng 8 năm 2021

 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập215
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay14,233
  • Tháng hiện tại628,990
  • Tổng lượt truy cập28,944,359

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây