Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 7.2019

Chúa nhật - 30/06/2019 04:29

CHĂM SÓC MỤC VỤ CHO CÁC GIA ĐÌNH DI DÂN
Định hướng và áp dụng thực hành

 

DẪN NHẬP
Từ trên cao nhìn xuống, ta sẽ thấy những dòng người di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong một đất nước hay từ đất nước này sang đất nước kia.
Có biết bao lý do tạo nên sự chuyển động đó: có thể do đi học hay đi làm để mưu sinh, có thể do chiến tranh hay do thiên tai… Đâu phải là một chuyến đi chơi vài hôm rồi về, nhưng là một cuộc rời xa quê nhà thân thương, để đến định cư một nơi khác trong một thời gian dài vì nhu cầu cuộc sống.
Hiện tượng đó chúng ta thường gọi là di dân.
Hiện nay, di dân đã trở nên một mối bận tâm rất lớn trên bình diện quốc tế chứ không chỉ riêng một đất nước nào. Đó cũng là mối bận tâm của các chủ chăn trong Giáo Hội về phương diện mục vụ.
Phạm vi của bài viết này không dám lạm bàn đến nguyên nhân sâu xa của di dân hay những hệ lụy của nó về vấn đề an sinh xã hội, chính trị… cũng không nghiên cứu khía cạnh lịch sử của di dân trong quá khứ (như ở Việt Nam sau hiệp định đình chiến 1954 hay sau 30.04.1975); không mở rộng tầm nhìn đến những cuộc di dân mang tính thời sự (như những dòng người hiện nay tìm cách nhập vào Hoa Kỳ…). Bài viết này cũng không góp ý phê bình hay khen ngợi về sự đón tiếp hoặc từ chối làn sóng di dân, vì lẽ khi “ngôi nhà” của ta gặp phải dòng người xa lạ đến xin tá túc với biết bao nhu cầu…thì “gia đình” ta mới thấy phải giải quyết thế nào cho phù hợp.
Mục đích chính của bài viết này chỉ đề cập đến việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình di dân” với một vài định hướngáp dụng thực hành. Những định hướng và áp dụng thực hành này cũng được giới hạn trong đường hướng cơ bản của Hội thánh Công giáo tại Việt Nam và trong Giáo phận Qui Nhơn.

I. ĐỊNH HƯỚNG
1. Khi đọc và suy gẫm đoạn Tin Mừng Ga 21,15-19, chúng ta thấy: Chúa Giêsu rất thương yêu đoàn chiên. Sau 3 lần hỏi về tình mến, Chúa Giêsu đã giao phó cho thánh Phêrô việc chăm sóc đoàn chiên “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và các chiên con của Thầy”. Vì lòng yêu mến Chúa Giêsu và vì chính Chúa Giêsu giao phó, các mục tử trong Hội Thánh nỗ lực với những hy sinh lớn lao để chăm sóc đoàn chiên của Chúa Giêsu được sống và sống dồi dào. Thời đại ngày nay, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình di dân cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng của sứ mạng chăm lo cho đoàn chiên của Chúa.

2. Trong thư gởi các gia đình Công giáo năm 2016, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã nói đến việc “Đồng hành với những gia đình di dân” (số 11). Điều này cũng được nhắc lại trong Thư mục vụ năm 2018 như sau: “Ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa những khó khăn thử thách.”[1].

3. Đối với Giáo phận Qui Nhơn, liền sau khi tổ chức Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng (2017-2018), Đức Giám Mục giáo phận đã đưa ra định hướng: “Mùa Vọng 2018 cũng là thời gian mở đầu và định hướng cho chương trình mục vụ năm 2019 của Giáo phận với chủ đề: GIA ĐÌNH VƯỢT KHÓ, CÓ CHÚA CÙNG VUI. Chủ đề này được xây dựng theo đường hướng mục vụ năm 2019 của Hội Thánh Việt Nam: "Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn", kết hợp với niềm vui trong ơn gọi nên thánh mà Giáo phận đã chọn từ Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) của Đức Thánh Cha Phanxicô…
Hiện nay trong Giáo phận Qui Nhơn chúng ta có nhiều gia đình đang gặp những hoàn cảnh khó khăn tiêu biểu mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu ra trong Thư mục vụ 2018: đó là các gia đình di dân, những cặp hôn nhân khác đạo, những gia đình bị đổ vỡ. Bên cạnh đó còn nhiều gia đình nghèo khổ, thất nghiệp, có những người già yếu, bệnh tật, v.v. Bí quyết để vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn là mỗi người hãy sống thánh thiện trước sự hiện diện của Chúa, để tìm thấy niềm vui trong công việc hằng ngày”[2].

Làm sao để giúp những gia đình di dân vượt qua những khó khăn? Làm sao để họ thấy sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống hằng ngày để sống thánh thiện và có được niềm vui? Tất cả các tín hữu Công Giáo, trong đó các mục tử là những người tiên phong trong việc trả lời các câu hỏi đó. Những định hướng cơ bản mang tính chỉ đạo tổng quát của HĐGMVN và của Giám Mục Giáo phận đã có. Điều cần thiết trước mắt là dân Chúa trong Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nạm nói chung, và nói riêng trong Giáo phận Qui Nhơn cần phải lưu tâm tìm kiếm những phương cách thiết thực và nỗ lực thực hiện có hiệu quả trong các hoạt động.

II. ÁP DỤNG THỰC HÀNH
1. Ủy ban Mục vụ Di dân (UBMVDD) trực thuộc HĐGMVN đã phổ biến tài liệu “Hướng dẫn mục vụ di dân 2017” (HDMVDD 2017). Mặc dù chỉ là bản thử nghiệm (từ 01.11.2017 đến 01.11.2019), nhưng tài liệu này có những hướng dẫn thực hành rất căn bản để tùy nơi và tùy hoàn cảnh mà áp dụng cụ thể trong việc chăm sóc mục vụ di dân: “tài liệu hướng dẫn mục vụ di dân này được UBMVDD nghiên cứu và biên soạn nhằm mục đích giúp cho việc chăm sóc mục vụ di dân được các giáo phận tiếp nhận và tham gia. Đồng thời tạo mọi điều kiện đê anhchị em di dân được lãnh nhận các bí tích, được chăm sóc đời sống thiêng liêng và ý thức bổn phận của mình trong môi trường mới, nhanh chóng hội nhập vào đời sống Hội Thánh địa phương. Tất cả cùng nhau xây dựng cộng đoàn chứng nhân Tin Mừng trong hiệp nhất và yêu thương”[3].
Dựa trên nền tảng giáo huấn của Hội Thánh[4] và những hướng dẫn của HĐGMVN cùng với tham khảo dân luật hiện hành của Việt Nam, HDMVDD 2017 đã nói đến:

a. Quyền lợi và bổn phận của các tín hữu: Việc giáo dục và loan truyền đức tin; lãnh nhận và cử hành các Bí tích; Tham gia và hội nhập vào cộng đoàn đức tin[5].

b. Tình trạng chuyển cư của các tín hữu: “cư sở” và “bán cư sở” của người di dân[6].

c. Bản quyền địa phương đối với người di dân[7].
Từ đó, UBMVDD cũng đã đề ra những hướng dẫn mục vụ di dân mang tính áp dụng thực hành rất thiết thực trong các việc: học giáo lý, lãnh nhận các bí tích; đồng thời cũng nói đến bổn phận của các linh mục nơi xuất cư, nơi nhập cư, năng quyền theo địa sở và bổn phận cử hành các Bí tích[8]. Trong HDMVDD 2017 dành nhiều số cho việc mục vụ hôn phối liên quan đến thành phần di dân[9], sự cộng tác của đoàn thể tông đồ giáo dân; sự cộng tác của các dòng tu trong mục vụ di dân và những gợi ý đối với mục vụ ngoại kiều[10]. Ngoài ra, bản hướng dẫn này cũng cho những “Phụ lục” rất hữu ích về : Hôn nhân nhờ đặc ân thánh Phaolô, hôn nhân nhờ đặc ân thánh Phêrô, cùng một số mẫu đơn bằng tiếng Việt và tiếng Anh để tùy nghi ứng dụng.
Thiết nghĩ sẽ sớm có bản chính thức về “hướng dẫn mục vụ di dân” do chính HĐGMVN phê chuẩn để áp dụng thống nhất và có phương pháp. Nhờ đó, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình di dân nói riêng và nói chung là cho những người Công giáo di dân có hiệu quả cao.

2. Trong “Chương trình Mục vụ Giáo phận Qui Nhơn năm 2018-2019” (phần I, số 16), Đức Giám mục Giáo phận đã phê duyệt chương trình của Ban Di dân về các việc thực hành như sau:

a. Các giáo xứ thông tin cho người di dân thuộc giáo xứ mình tham dự đại hội di dân và đồng hương của giáo phận Qui Nhơn vào ngày Chúa Nhật II Phục Sinh tại Sài Gòn.

b. Các giáo xứ thu thập và cung cấp danh sách những người của giáo xứ mình đi học hoặc đi làm xa cho cha Trưởng ban Di dân của Giáo phận (email: fxvanmanh71@yahoo.com.vn), gồm những thông tin sau: Tên thánh, họ tên, giáo xứ (đi), địa chỉ đến, điện thoại, email.

c. Đức Giám mục Giáo phận gởi tặng quý cha cuốn sách “Hướng dẫn Mục vụ Di dân”, do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Di dân thuộc HĐGMVN soạn thảo. Đây là bản hướng dẫn mới được Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn (cho thử nghiệm trong thời hạn 2 năm, từ ngày 01.11.2017 đến 01.11.2019), và được xem như cuốn cẩm nang vừa giúp cho các linh mục thi hành sứ vụ, vừa giúp tín hữu thực hành bổn phận đức tin. Xin quý cha tham khảo và áp dụng trong mục vụ di dân.

d. Các giáo xứ tổ chức những cuộc gặp gỡ những người đi học hoặc đi làm xa thuộc giáo xứ của mình vào dịp tết hoặc dịp hè, để tạo sự liên kết và cập nhật đầy đủ danh sách những người con trong giáo xứ của mình thuộc diện di dân.
Một sắc thái riêng cũng được lưu ý ở đây đó là: Giáo phận Qui Nhơn có nhiều người, nhiều gia đình đi xa làm ăn, học tập ở xa… tạo ra những “khoảng trống” nơi các giáo xứ. Vì thế, các mục tử cũng được mời gọi chăm sóc cho các thành phần còn lại quê nhà “… là con cái của họ, vợ hoặc chồng bệnh tật… Vì thế, cần quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho con cái họ, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các người vợ hoặc chồng bệnh tật, mất sức lao động”[11]

3. Phương diện áp dụng thực hành trong thời gian qua của Giáo phận Qui Nhơn đã có những nỗ lực nhất định nhưng có thể nói là chưa đồng bộ giữa các giáo xứ với Ban di dân; giữa những người chăm lo mục vụ di dân với chính thành phần di dân, giữa các giáo xứ với các tu sĩ trong giáo xứ, giáo phận …Do đó, hiệu quả chưa cao.
Chúa Nhật III Phục Sinh vừa qua, nhằm ngày 05.05.2019, là ngày tổ chức đại hội di dân và đồng hương lần thứ 5 tại Sài Gòn. Được biết mỗi lần tổ chức đại hội như vậy đòi hỏi nhiều công sức … nhưng số người tham gia không đông như mong đợi. Về việc các giáo xứ cung cấp danh sách những người đi học hoặc đi làm xa, theo như cha Trưởng ban Di dân cho biết chỉ có một số ít giáo xứ cung cấp mà thôi! Mỗi dịp Tết đến, số người về quê thật đông. Thế nhưng khi nói đến việc tập trung người di dân vào dịp Tết, dịp hè, thật không đơn giản tí nào! … Cần làm thế nào để chính những thành phần di dân cũng có mối bận tâm chung với những người có trách nhiệm chăm sóc mục vụ di dân?

III. VÀI ĐỀ NGHỊ
Qua những định hướng và áp dụng thực hành đã nói, có thể nêu ra đây vài đề nghị:

1. Các giáo xứ cần giúp các tín hữu thấy được tầm quan trọng của việc mục vụ di dân trong thời đại hiện nay. Nhờ đó, khi “đi” hoặc khi “đến”, người tín hữu cần cho các cha xứ biết để có được sự giúp đỡ sớm trong việc giới thiệu cũng như hội nhập. Các giáo xứ cần có danh sách người “đi”, người “đến” để có những phương án chăm sóc mục vụ di dân có hiệu quả cao. Các mục tử cần mở rộng “cánh cửa yêu thương” để các thành phần di dân dễ liên lạc, gặp gỡ và dễ xin giúp đỡ.

2. Cộng đoàn giáo xứ, các hội đoàn, các tu sĩ cần quan tâm đến các thành phần di dân để phát hiện sớm những người, những gia đình ở xa “đến” mà chưa hội nhập được với giáo xứ. Chúng ta có chương trình “tiếp sức mùa thi” thì cũng lưu tâm đến “tiếp sức cho các thành phần di dân”. Qua đó, các gia đình di dân, sinh viên, người đi làm … được chăm sóc mục vụ giáo lý, bí tích, kể cả được sự giúp đỡ bước đầu về an sinh xã hội như nghề nghiệp, chỗ ở, y tế…

3.  Cần có những địa điểm giúp giải quyết giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân cho những người di dân không thể tham gia các khóa, các lớp chính quy vì tính đặc thù việc làm của họ. Các tu sĩ có thể tham gia vào việc này một cách tích cực trong vai trò cộng tác với các cha xứ. Hiện nay, giáo xứ Ghềnh Ráng đang có nữ tu Marthe Elise thuộc cộng đoàn hưu dưỡng dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn giúp cho việc này rất tốt. Mặc dù đã cao niên và thường đau yếu nhưng dì Elise vẫn một mình vui vẻ dạy giáo lý. Cộng đoàn hưu dưỡng đang tìm thêm người cộng tác và kế thừa...

IV. THÊM CHÚT SUY TƯ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người quan tâm nhiều đến vấn đề di dân.

1. Trong Tông Huấn Christus Vivit ban hành 25.03.2019, từ số 90 đến số 94, Đức Thánh Cha đã đề cập đến vấn đề di dân. Một khía cạnh mới của di dân cũng được nói đến “Đối với nhiều người, việc chìm đắm trong thế giới ảo đã tạo điều kiện cho một loại “di cư kỹ thuật số”, liên quan đến việc rút khỏi gia đình của họ và các giá trị văn hóa và tôn giáo của họ, và bước vào một thế giới cô đơn và tự phát minh, với kết quả là họ cảm thấy mất gốc ngay trong khi vẫn còn ở một nơi về phương diện thể lý.”[12]. Điều này đòi hỏi chúng ta nghĩ đến một phương thức phù hợp cho việc chăm sóc mục vụ di dân kiểu mới trong thời đại công nghệ số.

2. Trong diễn từ ngày 05.05.2019 trước chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại dinh Tổng thống Bungari, Đức Thánh Cha có những lời đầy khích lệ: “Tôi nhận thức được những nỗ lực mà các nhà lãnh đạo quốc gia đã thực hiện trong nhiều năm qua để bảo đảm rằng cách riêng là những người trẻ không bị buộc phải di cư. Tôi khuyến khích tổng thống hãy kiên trì trên con đường này, cố gắng tạo điều kiện để giới trẻ đầu tư năng lượng trẻ trung và lên kế hoạch cho tương lai của họ, với tư cách là cá nhân và gia đình, và biết rằng ở quê hương họ có thể có một cuộc sống xứng đáng”[13]. Người ta thường bảo “đất lành, chim đậu”. Làm thế nào để quê hương của chính mình thực sự là “đất lành” hầu giảm bớt làn sóng di dân? Đó chắng phải là điều đáng để các mục tử cùng với xã hội quan tâm sao?.

3. Ðức Thánh Cha Phanxicô tái kêu gọi các tín hữu quảng đại đón tiếp và săn sóc những người di dân và tị nạn, và việc làm này mang lại lợi ích cho chính bản thân chúng ta. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp công bố sáng hôm 27.05.2019, nhân Ngày thế giới Di dân và Tị nạn, sẽ được cử hành vào ngày 29.09.2019 với chủ đề "Không phải chỉ là người di dân"[14]. Những thành phố, những nơi có các công ty xí nghiệp, các trường học lớn… cần có một mối bận tâm đủ lớn để chăm sóc mục vụ những gia đình, những người trẻ thuộc diện di dân “đến”. Có nên chăng cần tạo ra những văn phòng đón tiếp và hướng dẫn các thành phần di dân? Có nên chăng hình thành thêm những nhà ở cho sinh viên để cưu mang họ một thời gian? Thiết nghĩ qua đó ta sẽ “giáo dục dự phòng” để chuẩn bị tốt cho những gia đình được hình thành từ những người trẻ di dân. Có nên chăng tạo ra nhóm giới thiệu việc làm cho các gia đình di dân, cho các bạn trẻ… để rồi từ đó việc chăm sóc mục vụ di dân thuận lợi hơn? Khi làm những việc như thế quả thật vất vả, lắm khi xảy ra những hệ lụy xấu, nhưng không thể không lưu tâm.
 
KẾT LUẬN
Đây chỉ là một bài chia sẻ trong buổi tĩnh tâm tháng với một thời lượng có hạn, nên không thể trình bày rõ các chi tiết về đường hướng cũng như phương diện áp dụng thực hành. Mặc khác, người viết cũng không chuyên về vấn đề di dân nên chắc chắn có nhiều thiếu sót. Ước mong các mục tử và những ai có trách nhiệm chăm lo mục vụ di dân nghiên cứu sâu hơn những hướng dẫn thực hành trong các tài liệu nói về mục vụ di dân.

Tiểu thuyết “Ngư ông và biển cả” (The old man and the sea) của tác giả Ernest Hemingway, nói về một ông lão đánh cá đã câu được một con cá kiếm thật lớn. Ông buộc nó vào mạn thuyền lôi về. “Nhưng đàn cá mập đánh hơi và đã lăn xả tới, ông đem hết sức lực để chống chọi với lũ cá mập. Ông giết được nhiều con, đuổi được chúng đi, nhưng cuối cùng khi nhìn đến con cá kiếm của mình thì nó đã bị rỉa hết thịt chỉ còn trơ lại một bộ xương”[15]. Phải chi có nhiều người cùng trợ giúp ông lão thì chắc chắn con cá kiếm sẽ không bị đàn cá mập rỉa hết thịt và ông lão sẽ không uổng công sức câu để rồi chỉ còn một bộ xương cá mà thôi!

Câu chuyện đó gợi lên trong ta: Hãy cùng nhau quan tâm và chăm sóc cho các gia đình di dân nói riêng và cho tất cả những người di dân nói chung. Đó là một việc mục vụ quan trọng trong thời đại hôm nay. Hãy cùng cộng tác trong việc bảo vệ các thành phần di dân, cách riêng là những con chiên của Chúa khỏi những “đàn cá mập” tấn công.
Để kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta cùng nhớ lại câu hỏi mà Chúa Giêsu đã dành cho thánh Phêrô năm xưa “Con có yêu mến Thầy không?”. Chúa Giêsu cũng đang hỏi mỗi người chúng ta hôm nay như thế. Nếu chúng ta thưa: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” thì sẽ nghe được tiếng của Chúa Giêsu nói tiếp: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”[16].              

 


[1] HĐGMVN, Thư mục vụ ngày 27.09.2018, số 2.

[2] Thư Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn nhân dịp Mùa Vọng 2018, số 2 và số 3.

[3] UBMVDD, Hướng dẫn mục vụ di dân 2017 (HDMVDD 2017), số 3.

[4] Công Đồng Vaticanô II, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Giáo luật, Huấn thị tình yêu Đức Kitô dành cho người di dân.

[5] HDMVDD 2017, số 15-22.

[6] HDMVDD, số 23-27.

[7] HDMVDD, số 28-29.

[8] HDMVDD 2017, số 30-58

[9] HDMVDD 2017, số 59 – 87.98-99.

[10] HDMVDD 2017, số 92-99

[11] Chương trình mục vụ Giáo phận Qui Nhơn năm 2018-2019, phần I, số 5.

[12] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 90 (bản dịch của Vũ Văn An)

[13] http://vntaiwan.catholic.org.tw/19news/19news0869.htm

[14] http://vntaiwan.catholic.org.tw/19news/19news0984.htm

[15] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%94ng_gi%C3%A0_v%C3%A0_bi%E1%BB%83n_c%E1%BA%A3

[16] Ga 21,15-19

Tác giả bài viết: Linh mục Phêrô Lê Nho Phú

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập222
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm157
  • Hôm nay18,734
  • Tháng hiện tại633,491
  • Tổng lượt truy cập28,948,860

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây